7. Đóng góp của đề tài
1.2.1 Cuộc đời nhà văn Vũ Hùng
Nhà văn Vũ Hùng sinh 1931, quê tại làng Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hồi nhỏ, gia đình Vũ Hùng có một ngôi nhà nhỏ bên lưng dốc Cầu Giấy đông vui tuy là vùng ngoại thành, cách xa cửa ô Kim Mã của Hà Nội tới ba cây số. Nơi ông sống gần nghĩa trang Phúc Thiện nay là công viên Thủ Lệ. Bọn trẻ con trong vùng không khiếp sợ trước bãi tha ma, mộ địa này mà chúng còn hứng thú với những đêm rằm tháng Bảy với lễ chạy Đàn Tràng cầu siêu cho các vong hồn. Quanh khu vực nhà ông có những quán hàng nước, hàng cơm, hàng tạp hóa, tiệm vá chữa quần áo, tiệm sửa xe đạp... và trang trại có tên Arnaud của một người Pháp. Quanh khu Cầu Giấy là một vùng di tích nổi tiếng với đền Voi Phục, chùa Láng, chùa Hà, Mộ viên quan ba... Quãng thời gian gia đình sống ở Cầu Giấy không lưu lại nhiều ký ức trong ông. Vũ Hùng chỉ nhớ có một lần vào mùa đông nhà bị cháy, người vú em trông nom ông quấn ông vào một tấm chăn chạy sang bên kia đường đứng dưới chân trang trại Arnaud. Năm 1939, gia đình Vũ Hùng rời căn nhà chật hẹp bên lề Cầu Giấy để dọn về căn nhà mới xây ở đầu đường Láng, bên bờ sông Tô Lịch. Vùng đất mới này rộng rãi và cao ráo hơn nơi ở cũ, dốc thoai thoải xuống những luống rau muống ven sông, nơi sau vụ hè nở đầy những vầng hoa trắng. Hồi ấy, sông Tô Lịch là một dòng sông tuy nhỏ hẹp nhưng lại trong xanh và thơ mộng. Ngôi nhà mới của nhà văn Vũ Hùng chỉ có một tầng triệt nhưng không còn chật hẹp mà nhiều phòng, có vườn rộng và sân rộng, có giếng nước và một khu vực dành cho kinh doanh sản xuất. Mẹ của nhà văn mướn một số thợ sản xuất vàng giấy, một loại vàng mã để đốt cho người đã khuất, dưới cõi âm. Đó là nghề nghiệp chính của mẹ ông. Mẹ ông kinh doanh nghề này 5 năm, chẳng những nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn mở cho nhà văn Vũ Hùng những chân trời mới: hè đến nhà văn Vũ Hùng được cùng chị cả vào Nghệ An, Huế để thu tiền giúp mẹ và nghiên cứu thị trường. Ngôi nhà mới của ông ở đối diện ngôi nhà của một người Ấn Độ có người vợ là người Việt và một đứa con gái mang dòng máu lai. Cách đó, xuôi về phía chùa Láng là nhà của ông Tú Mỡ. Việc kinh doanh của mẹ ông rất thuận lợi và phát đạt. Năm 1940, cha mẹ ông quyết định xây khu nhà mới trên một vùng đất trên lề đường Láng rộng chừng 1000m2. Khu nhà mới của gia đình ông gồm một ngôi nhà lớn
hai tầng mang tên biệt thự Song An và một ngôi nhà một tầng cho nhà thơ Thế Lữ thuê và được nhà thơ đặt tên là biệt thự Gió bốn phương: “Ngôi nhà mới khang trang và khoáng đạt. Tầng dưới có mái hiên rộng rãi, tầng trên có buồng học mở ra gác sân... Ngôi nhà nằm trong khu vườn rộng thênh thang, cổng ngoài được treo biển Song An, giữa giàn hoa tigon phơn phớt hồng rồi sau thay bằng dàn hoa ớt lung linh màu vàng đỏ. Đường vào tới bậc cửa lên phòng khách trồng một hàng tường vi, mùa tháng năm nở hoa rực rỡ. Giàn hoa móng rồng che phủ hàng hiên phía Tây...” [20;6].
Từ năm 1939 – 1942, Vũ Hùng học lớp Đồng Ấu đến Sơ đẳng tại trường tiểu học Phủ Hoài Đức. Đây là trường duy nhất trong vùng Cầu Giấy, cách nhà ông 2 km. Năm 1942 – 1944, học hết lớp Sơ đẳng ông thi đậu bằng Sơ học yếu lược rồi vào học trường tiểu học Sinh Từ I ở ngoài Hà Nội (Nay là trường tiểu học Lý Thường Kiệt). Tháng 9 – 1944, Vũ Hùng đậu khóa tuyển sinh cuối cùng vào trường Bưởi (sau đổi tên thành trường Chu Văn An), học lớp Đệ Lục ngành cổ điển. Mùa hè năm 1944, quân lính Nhật chiếm biệt thự Song An. Gia đình Vũ Hùng phải đi ở nhờ khắp nơi. Ba tháng sau, lính Nhật kéo đi, để lại ngôi nhà bừa bộn, bẩn thỉu. Mùa Đông năm sau, quân Tàu Tưởng sang. Trên đường hành quân, trước khi vào thành phố, chúng thường tạm nghỉ tại ngôi nhà Song An. Đêm 19 tháng 12 năm 1946, cuộc trường kỳ kháng chiến bùng nổ: “Pháo đài Láng bắn những quả đại bác đầu tiên vào các vị trí quân Pháp trong thành Hà Nội. Từ phía Láng Trung nơi đặt pháo đài, chớp bùng lên, tiếp sau là những tiếng nổi như sấm sét làm rung chuyển các khung cửa kính...”[20;16]. Mẹ ông cùng chị hai và các em nhỏ tản cư lên phía Tây Sơn, cha ông theo cơ quan sơ tán về phía Khúc Thủy. Chỉ có anh em Hoàng và con chó Nica ở lại Song An. Hồi ấy, anh em Hoàng được phân công đi vận động người làng tản cư, không ở lại với địch và đi kẻ khẩu hiệu địch vận: “Suốt ngày tay xách thùng vôi, tay mang chổi lông, họ đi kẻ những khẩu hiệu rất lớn trên mặt đường và trên các bức tường chưa đổ”. [20;20]. Sau đó, anh trai Vũ Hùng gia nhập đoàn thanh niên xung phong còn Vũ Hùng đến nơi tản cư với gia đình: “Song An, ngôi nhà hai lần bình an, vẫn còn trơ trơ đứng đó. Tường bê tông dày quá, Song An không đổ. Tạm biệt Song An! Tạm biệt! Chỉ là tạm biệt thôi! Hẹn ngày trở lại!”. [20;23].
Chín năm sau, kháng chiến thắng lợi, gia đình Vũ Hùng trở về ngôi nhà cũ: “Cây phù dung trước ngõ không còn nữa, thay vào đó ai đã trồng một cây xoan. Giàn hoa ớt, rặng tường vi và giàn móng rồng đều đã chết nhưng trong góc sân cây ngâu lấm tấm hoa vàng vẫn đứng đó, bình thản nhìn cuộc đời biến động. Vắng giàn hoa ớt, cổng ngõ Song An hiu hắt buồn trong ngày đông giá lạnh, khi cây xoan – cây sầu đông - rụng lá, chỉ còn trơ lại những cành khô. Mẹ Hoàng thuê trát các hốc tường ngày xưa bị đục vỡ. Các cửa sổ được xây kín bằng cót. Ngôi nhà loang lổ vì không được quét vôi lại. Mẹ chỉ có khả năng làm đến đó. Bên trong những vết rộp trên nền và trên tường vẫn y nguyên. Tay vịn cầu thang cháy rụi, không thay mới được, lên lầu phải đi sát một bên mép tường cho khỏi ngã. May sao trên lầu, bàn thờ và mọi đồ thờ còn nguyên, chỉ thiếu tấm chân dung khảm sà cừ của ông nội. Tủ sách vẫn còn tuy đã mất hết sách. Cha mẹ Hoàng không nghĩ tới việc treo lại biển Song An. Dạo ấy vùng ngoại thành sắp cải cách ruộng đất và nội thành rục rịch cải tạo công thương nghiệp”.
[20;25]. Giai đoạn này, Vũ Hùng học thêm được hai năm, đậu Trung học phổ thông và học dở dang năm thứ hai Chuyên khoa Toán, Lý, Hóa...
Năm 1950, ông nhập ngũ và học tại trường Thủy quân Việt Nam sau đó thuyên chuyển sang Cục thông tin liên lạc. Vì đã được huấn luyện quân sự, Vũ Hùng được cử chỉ huy một tiểu đội thuộc lớp Cán sự Trung cấp Vô tuyến điện. Tiểu đội do ông phụ trách có ba đội viên nữa. Sau này một trong ba đội viên nữ đó đã giúp ông biên tập lại những cuốn sách mà ông gửi in tại nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1951, Vũ Hùng chuyển sang trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1952 – 1956, Từ Việt Bắc, đại đội của ông được tung đi các chiến trường. Ông được đi sang Lào để tăng cường cho điện đài trung Đoàn quân Tình nguyện Việt Nam tại trung Lào: “Những cánh rừng mịt mùng phủ kín sườn núi, đầy gai góc và chằng chịt dây leo, nhường chỗ cho rừng phẳng bát ngát, xen lẫn những khoảng ruộng lúa nước. Tầm mắt rộng thênh thang, thỉnh thoảng mới bị vướng vì một dãy lèn đá chơ vơ nhô lên từ đâu đó. Chỉ vượt khỏi Trường Sơn, bề ngang không quá 100 cây số, Hoàng đã bước vào một nền văn hóa rất khác biệt. Nền văn hóa của một vùng đất cổ sơ, chưa bị các cuộc chiến tranh liên miên xâu xé, tàn phá. Nền văn hóa của Bình Yên, của Nghỉ Ngơi, của Yêu Đương”[20, 96]. Năm 1956, Vũ Hùng xin giải ngũ và về đi học. Ngày 24/11/1956, Vũ Hùng lập
gia đình và thế hệ mới được ra đời trong biệt thự Song An. Năm 1984, ông làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa. Từ 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5.2014 về nước sống những năm cuối đời. Nhà văn nhiều lần định về thăm mộ bố mẹ nhưng chưa đi được vì bệnh tim.
Cuộc đời ông đã từng trải những biến động thăng trầm. Từ tuổi niên thiếu 14,15 đã chứng kiến những biến động của thời cuộc, gia đình ly tán. Tuổi thanh niên đã trải qua đời chiến sĩ, đi học trong nhà trường của quân đội bên nước bạn Trung Quốc, rồi từng làm chiến sĩ điện báo, sống ở Lào, ở Trường Sơn, ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh. Hòa bình lập lại, có thời gian làm kỹ sư điện, có khi làm nhà văn, nhà báo, biên tập viên… từng có lúc là cán bộ quản lý cấp vụ ở Bộ Văn hóa, rồi lại sống ở trời Tây, làm đủ mọi nghề trong 20 năm ở Pháp. Ông đã dành tất cả sự nghiệp của mình để viết cho trẻ em, về muông thú, thiên nhiên. Trải qua đời lính đã chứng kiến biết bao sự mất mát, hy sinh nhưng ông không viết về chiến tranh mà dùng hết tài năng và tâm huyết để miêu tả đời sống của những con vật hoang dã để dành cho thiếu nhi một món quà quý giá nhất. Văn thơ ông cũng mang những nét duyên và sự tình cờ như chính cuộc đời ông....