Nội dung quản lý tín dụng bán lẻ tại Chi nhánh ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý tín dụng bán lẻ tại ngân hàng TMCP công thƣơng việt nam chi nhánh hà tĩnh (Trang 27 - 30)

1.2.3.1 Lập kế hoạch cho hoạt động tín dụng bán lẻ tại chi nhánh ngân hàng thương mại.

Hàng năm, các chi nhánh NHTM phải đánh giá kết quả kinh doanh nói chung, đặc biệt là hoạt động tín dụng và hoạt động tín dụng bán lẻ nói riêng trong năm trước đã đạt được những kết quả gì, mức độ hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu ra sao. Từ đó, Ban giám đốc các chi nhánh NHTM giao cho các Cán bộ tín dụng, phòng ban của chi nhánh NHTM xây dựng và bảo vệ các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng bán lẻ của năm kế hoạch theo từng địa bàn, từ đó tổng hợp số liệu kế hoạch của chi nhánh và báo cáo lên Ngân hàng cấp trên.

Căn cứ để chi nhánh NHTM xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng bán lẻ gồm: kết quả thực hiện tín dụng bán lẻ của năm trước, điều tra khảo sát nhu cầu về tín dụng bán lẻ, mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, địa bàn hoạt động của chi nhánh trong năm kế hoạch; Định hướng của Ngân hàng cấp trên và Nguồn nhân lực thực hiện.

Các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng bán lẻ cần xây dựng bao gồm các chỉ tiêu chính như sau: Chỉ tiêu dư nợ bán lẻ; số lượng khách hàng bán lẻ; lợi nhuận từ tín dụng bán lẻ, NIM (Net Interest Margin) bán lẻ, phí tín dụng bán lẻ và các sản phẩm bán chéo từ tín dụng bán lẻ.

Xây dựng kế hoạch tín dụng bán lẻ phải phù hợp với thực tế hoạt động của chi nhánh NHTM, phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương, đảm bảo yêu cầu của ngân hàng cấp trên và phải có khả năng thực hiện.

1.2.3.2. Tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng bán lẻ tại chi nhánh ngân hàng thương mại.

Tại Chi nhánh NHTM, hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng bán lẻ nói riêng phải tuân theo quy trình, quy định của Ngân hàng cấp trên.

Quy trình tín dụng bán lẻ tại Chi nhánh NHTM thường thực hiện qua các bước cơ bản sau:

Bước 1: Lập hồ sơ vay vốn. Thực hiện ngay khi tiếp xúc và nhận được đề nghị vay vốn từ khách hàng.

Bước 2: Phân tích, thẩm định tín dụng. Xác định khả năng hiện tại và tương lai của khách hàng trong việc sử dụng vốn vay và hoàn trả nợ vay bằng cách phân tích những thông tin thu thập được của khách hàng, thẩm định thực tế, từ đó làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay.

Bước 3: Ra quyết định tín dụng, đồng ý hay từ chối cho vay đối với một hồ sơ vay vốn của khách hàng.

Bước 4: Giải ngân cho khách hàng theo hạn mức tín dụng đã ký kết trong hợp đồng tín dụng.

Bước 5: Giám sát tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay thực tế của khách hàng; kiểm tra hiện trạng tài sản bảo đảm, tình hình tài chính của khách hàng …để đảm bảo khả năng thu nợ.

Bước 6: Thanh lý hợp đồng.

Hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng bán lẻ nói riêng của chi nhánh NHTM được thực hiện thông qua cơ cấu tổ chức của Chi nhánh NHTM. Chi nhánh NHTM sử dụng các nguồn tài nguyên hiện có của để thực hiện kế hoạch đề ra. Nguồn tài nguyên hiện có của Chi nhánh NHTM thông thường là: con người, chính là bộ máy lãnh đạo quản lý, nhân viên của các bộ phận, phòng ban; Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị như trụ sở Chi nhánh ngân hàng, các phòng giao dịch; hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử, hệ thống thanh toán liên ngân hàng của các NHTM….

Dựa vào nguồn tài nguyên hiện có, Chi nhánh NHTM cần tổ chức bố trí nguồn nhân lực, phân công công việc cho các cá nhân, phòng ban nghiệp vụ có liên quan để thực hiện theo kế hoạch của công tác tín dụng bán lẻ đã đề ra.

Chi nhánh NHTM áp dụng các chính sách, chiến lược, quy trình quy chế của ngân hàng cấp trên; quy định, quyết định của Ngân hàng Nhà nước ban hành để thực hiện công tác cấp tín dụng đối với từng đối tượng khách hàng bán lẻ khác nhau.

Theo từng địa bàn hoạt động, đặc điểm tình hình kinh tế của địa phương, ngoài các sản phẩm cho vay hiện có và mức lãi suất quy định, ngân hàng cấp trên có thể phê duyệt chính sách ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng, từng ngành nghề kinh doanh hoặc thiết kế, ban hành sản phẩm cho vay đặc thù của địa phương. Để công tác tín dụng bán lẻ được thực hiện có hiệu quả, chi nhánh NHTM phải luôn bám sát các chỉ tiêu kế hoạch đã được xây dựng: Chỉ tiêu dư nợ bán lẻ; số lượng khách hàng bán lẻ; lợi nhuận từ tín dụng bán lẻ, NIM (Net Interest Margin) bán lẻ, phí tín dụng bán lẻ … Đối với vị trí cán bộ trực tiếp làm công tác cho vay khách hàng bán lẻ, phải có kế hoạch và phân bổ thời gian hợp lý để vừa phát triển khách hàng mới và phục vụ nhu cầu của các khách hàng hiện hữu. Ban giám đốc và các lãnh đạo phòng thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của Chi nhánh để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện công tác tín dụng bán lẻ một cách hiệu quả, an toàn.

1.2.3.3. Kiểm soát hoạt động tín dụng bán lẻ tại chi nhánh ngân hàng thương mại.

Chi nhánh NHTM phải thường xuyên kiểm soát, đánh giá hoạt động tín dụng bán lẻ. Đánh giá việc thực hiện công tác tín dụng bán lẻ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình quy chế của NHNN, ngân hàng cấp trên; Tăng trưởng hoạt động tín dụng bán lẻ song song với việc đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, Chi nhánh NHTM phải thường xuyên giám sát rủi ro tín dụng bán lẻ thông qua việc theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của khách hàng và việc thực hiện các điều khoản đã ký trong hợp đồng tín dụng, nhằm phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn qua đó có thể hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra. Chi nhánh NHTM thường giám sát khách hàng thông qua các tài khoản ngân hàng, thực hiện giải ngân cho khách hàng thông qua tài khoản chuyên dùng của khách hàng tại ngân hàng hoặc thông qua tài khoản của bên thụ hưởng, nhà cung cấp. Kiểm soát bằng việc sử dụng tài khoản ngân hàng sẽ giúp ngân hàng nắm bắt được: Mục đích sử dụng vốn vay, xác định thời điểm có doanh thu, dòng tiền của khách hàng.

Chi nhánh NHTM thường xuyên kiểm tra thực trạng địa điểm sản xuất kinh doanh hoặc nơi cư trú của người đi vay, thu thập và phân tích tình hình báo cáo tài

chính sẽ giúp Chi nhánh NHTM nắm bắt được thực trạng sản xuất kinh doanh, nguồn tài chính để từ đó xác định được khả năng trả nợ của khách hàng, có biện pháp phù hợp để Ngân hàng có thể thu hồi khoản nợ một cách tốt nhất.

Định kỳ, Chi nhánh NHTM phải đánh giá chất lượng và tình trạng của TSBĐ việc đánh giá đúng TSBĐ sẽ đảm bảo nguồn thu thứ hai cho ngân hàng khi khoản tín dụng có vấn đề, đồng thời giúp khách hàng có số tiền vay trên TSBĐ hợp lý, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ về thực hiện quy trình tín dụng, có thế xác định những khâu, những công việc cần điều chỉnh cũng như hướng đào tạo trong tương lai nhằm hạn chế rủi ro trong việc ra quyết định tín dụng. Kiểm tra kiểm soát tiến trình thực hiện quy trình tín dụng để kịp thời phát hiện ra những thủ tục không còn phù hợp với chính sách tín dụng từ đó có những thay đổi để tăng cường giám sát hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng bán lẻ nói riêng của ngân hàng phải được thực hiện ngay trong quá trình giao dịch của ngân hàng đối với khách hàng, kiểm tra hàng ngày và định kỳ hàng tháng; hàng quý, hàng năm nhằm phát hiện những sai sót, những yếu tố có thể gây rủi ro trong hoạt động ngân hàng như rủi ro về tác nghiệp, rủi ro thị trường, và đặc biệt là rủi ro đạo đức của cán bộ ngân hàng, của khách hàng.

Trường hợp có phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, ngân hàng phải tập trung xử lý. Trước hết, cần phải giúp đỡ, tư vấn để khách hàng kinh doanh có hiệu quả hơn, từ đó có điều kiện trả nợ. Mặt khác, phải thường xuyên nắm bắt tình hình tài chính của khách hàng có biện pháp ứng xử tín dụng phù hợp. Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để khoanh nợ, xử lý tài sản thu hồi nợ ….

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý tín dụng bán lẻ tại ngân hàng TMCP công thƣơng việt nam chi nhánh hà tĩnh (Trang 27 - 30)