5. Bố cục của đề tài nghiên cứu
3.3.1. Nhận diện rủi ro
Nhận diện rủi ro tại Vietinbank được áp dụng trước, trong và sau quá trình cấp trình cấp tín dụng.
* Trước và trong quá trình cấp tín dụng: công việc của cán bộ tín dụng là thu thập đầy đủ hồ sơ khách hàng theo yêu cầu và lập tờ trình thẩm định. Tại Vietinbank có rất nhiều mẫu tờ trình cho từng quy mô khách hàng, giá trị khoản tín dụng và mục đích vay vốn...để cán bộ áp dụng cho phù hợp. Ví dụ: mẫu tờ trình dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa vừa nhỏ. Biểu mẫu dành cho khách hàng mua xe ô tô đi lại, mua xe ô tô kinh doanh, biểu mẫu thẩm định dự án... Các tiêu chí, nội dung thể hiện trong từng mẫu tờ trình khác nhau cũng sẽ có sự khác biệt.
Tại mỗi mẫu tờ trình đều có các câu hỏi cần cán bộ tín dụng tìm hiểu và trình bày rất chi tiết, cụ thể về tình hình khách hàng, lịch sử phát triển, ngành nghề, tình hình tài chính...từ đó đưa ra kết luận có cấp tín dụng hay không, nếu cấp thì cấp bao nhiêu, hình thức cấp như thế nào, tài sản bảo đảm là gì...vv. Quá trình nhận diện rủi ro qua đó cũng được sàng lọc, ví dụ cán bộ phải nêu ra trong tờ trình các nội dung như:
+ Người quản lý có đầy đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi dân sự? + Doanh nghiệp đã từng quá hạn tại tổ chức tín dụng khác?
+ Yếu tố cạnh tranh của ngành nghề khách hàng đang kinh doanh?
+ Báo cáo tài chính của khách hàng có được kiểm toán, báo cáo nộp cơ quan thuế hay báo cáo tự lập? Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên nếu có?...
Thông tin để lập tờ trình thẩm định đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ hồ sơ khách hàng cung cấp, báo cáo thuế, hệ thống thông tin nội bộ, thông tin từ
cơ quan đại chúng... Nguồn thông tin từ đâu cán bộ đều phải cung cấp bằng chứng cho việc lấy thông tin từ nguồn đó.
Tờ trình thẩm định là hồ sơ nội bộ quan trọng nhất trước khi cấp tín dụng. Cán bộ lập tờ trình thẩm định này cùng với các hồ sơ khách hàng đã thu thập được để chứng minh cho các lập luận trong tờ trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Sau khi cấp tín dụng: cán bộ tín dụng là người quản lý và nhận diện chính các rủi ro có thể gặp phải. Bên cạnh đó có lãnh đạo phòng, lãnh đạo chi nhánh phụ trách mảng nghiệp vụ tín dụng và Hội sở chính cùng giám sát, nhận diện rủi ro sau cấp tín dụng. Cách thức thực hiện:
+ Vietinbank quy định tối đa 6 tháng khách hàng phải gửi báo cáo đến ngân hàng, khi nhận được báo cáo của khách hàng cán bộ sẽ phải cập nhật dữ liệu này lên hệ thống. Tại Vietinbank điểm xếp hạng của khách hàng chỉ được duy trì tối đa trong 6 tháng, quá thời hạn này khách hàng sẽ bị xếp hạng sang nợ nhóm 5 và thực hiện trích lập dự phòng tương ứng. Hệ thống tự động thông báo các khách hàng đến hạn chấm điểm theo từng tháng để từ đó cán bộ tín dụng thu thập báo cáo của khách hàng kịp thời.
+ Định kỳ 3 tháng/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu cán bộ lấy thông tin khách hàng từ CIC để cập nhật tình hình vay vốn, quy mô khoản vay tại tất cả các tổ chức tín dụng để có những điều chỉnh cần thiết khi tổng mức vay vốn vượt quá nhu cầu cần thiết (khách hàng khó khăn, sử dụng tiền vay ngân hàng sai mục đích như đầu tư mua cổ phiếu...). Bên cạnh đó xem xét số lượng các tổ chức tín dụng mà khách hàng quan hệ. Thông thường, các doanh nghiệp lớn có quan hệ tại nhiều tổ chức tín dụng còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ quan hệ tại một số ít tổ chức. Nếu tại doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, số lượng tổ chức tín dụng có quan hệ tín dụng tăng mạnh trong một khoảng thời gian ngắn cán bộ tín dụng sẽ nhận biết và điều tra nguyên nhân.
+ Vietinbank có hệ thống tự động tính số lần, số món, số ngày quá hạn trả lãi, gốc của khách hàng. Từ đó, hệ thống này sẽ liên tục cập nhật danh sách khách hàng vào diện cảnh báo rủi ro với các mức độ: cảnh báo xanh, vàng và đỏ. Khi khách hàng bị hệ thống sàng lọc và đưa vào danh sách, cán bộ tín dụng phải thực hiện trả lời các câu hỏi điều tra (thường là các câu hỏi để cán bộ nhìn nhận lại nguyên nhân tại sao khách hàng lại hay chậm trả nợ). Dựa trên thông tin tự động từ hệ thống và thông tin cán bộ nhập liệu, hệ thống sẽ đưa ra các mức cảnh báo cho cán bộ quản lý biết và tiến tới dừng quan hệ tín dụng nếu khách hàng rơi vào mức cảnh báo đỏ.
+ Sau khi cấp tín dụng, Vietinbank quy định kiểm thời hạn tối đa cán bộ phải đi kiểm tra vốn vay thực tế tại đơn vị và lập thành văn bản và trình lãnh đạo phòng rà soát. Đối với khoản vay tiền mặt tối đa 7 ngày, vay hạn mức ngắn hạn định kỳ hàng tháng. Nội dung kiểm tra phải thể hiện được các nội dung:
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng tại thời điểm kiểm tra: bình thường, hối hả hay đình trệ.
Cập nhật một số chỉ tiêu tài chính của khách hàng như: giá trị hàng tồn kho, giá trị phải thu, nợ phải trả, nợ vay...
Tiền vay đã sử dụng cho mục đích gì, hiện tại tiền vay tồn tại ở trạng thái nào (ở hàng tồn kho do vay vốn nhập hàng, ở sản phẩm dở dang đang sản xuất, ở công nợ phải thu do hàng đã xuất bán...). Kiểm tra sổ sách và kho hàng thực tế để đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Định kỳ 6 tháng một lần, Vietinbank quy định cán bộ phải lập báo cáo phân tích tình hình hoạt động của khách hàng, cập nhật tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thị trường đầu vào, đầu ra, dòng tiền luân chuyển...Việc kiểm tra này sẽ giúp cán bộ nhận diện sớm các rủi ro và có biện pháp kịp thời.
Như vậy có thể thấy việc kiểm tra sau cấp tín dụng là công việc rất quan trọng, giúp nhận biết sớm các dấu hiệu rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Vietinbank cũng ban hành quy trình quy định cụ thể các bước tuần tự, nội dung cần thực hiện để giám sát, đảm bảo an toàn vốn vay. Tuy nhiên thực tế hầu hết cán bộ áp dụng không đúng, không đầy đủ quy trình này. Cụ thể Vietinbank quy định thời hạn tối đa cán bộ phải tiến hành kiểm tra giám sát sau cho vay (7 ngày, 1 tháng...như đề cập ở trên) tuy nhiên cán bộ không thực hiện kiểm tra hoặc kiểm tra rất sơ sài, mang tính hình thức. Yêu cầu là cán bộ phải đến thực tế đơn vị để nắm bắt tình trạng vốn vay: khách hàng đã nhập hàng hình thành từ vốn vay về kho hay chưa, số lượng có đúng đủ như thời điểm giải ngân...Nhiều cán bộ vẫn ký biên bản kiểm tra sau giải ngân nhưng lại không đến thực tế đơn vị.