Môi trường vĩ mô là môi trường của toàn nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và ngành kinh doanh. Môi trường vĩ mô là môi trường đa yếu tố. Mỗi yếu tố của môi trường vĩ mô có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thông tin di động một cách độc lập hoặc trong mối liên kết với các yếu tố khác. Môi trường vĩ mô của doanh nghiệp thông tin di động bao gồm:
2.4.1.1. Yếu tố chính trị pháp luật
Trong kinh doanh hiện đại, yếu tố chính trị pháp luật ngày càng có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Những yếu tố này ổn định, rõ ràng, minh bạch có thể tạo ra thuận lợi trong kinh doanh. Sự thay đổi và biến động đều có thể tạo ra những cơ hội hoặc nguy cơ cho doanh nghiệp, đặc biệt là những thay đổi nhanh chóng, liên tục và không thể dự báo được.
Môi trường chính trị ổn định của Việt Nam đang được đánh giá khá cao trong hoạt động kinh doanh nhất là các hoạt động thu hút vốn đầu tư, liên doanh, liên kết. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thông tin di động nói riêng tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong hệ thống doanh nghiệp thông tin di động đang hoạt động trên thị trường hiện nay có 3 doanh nghiệp đã và đang hợp tác với đối tác nước ngoài theo mô hình BBC: Công ty dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn với SK Telecom- một thương hiệu viễn thông khá mạnh của Hàn Quốc, Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) với tập đoàn Hutchison và Công ty viễn thông VMS với tập đoàn Comvik (Thuỵ Điển) tuy hợp đồng đã kết thúc nhưng là hợp đồng được đánh giá là trong công nhất trong hợp tác kinh doanh dịch vụ thông tin di động.
Không một doanh nghiệp nào muốn kinh doanh trong môi trường chính trị bất ổn, pháp luật không minh bạch. Khi lựa chọn các đối tác để tiến hành hợp tác kinh doanh thì yếu tố chính trị pháp luật được các nhà đầu tư rất quan tâm. Sự ổn định về chính trị được xác định là một trong những tiền đề quan trọng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần lưu ý tới các yếu tố trong môi trường chính trị và pháp luật: sự ổn định về chính trị, đường lối ngoại giao; các chiến lược phát triển ngành của
Nhà nước, những quy định của Chính phủ về cạnh tranh, chống độc quyền, những quy định về quảng cáo khuyến mại, thuê muớn lao động…
2.4.1.2. Yếu tố kinh tế
Các yếu tố kinh tế là “máy đo nhiệt độ” của nền kinh tế. Nó quy định phương thức và cách thức doanh nghiệp sử dụng nguồn lực của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự thay đổi của yếu tố kinh tế có thể tạo ra cơ hội hoặc nguy cơ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với mức độ khác nhau. Các yếu tố kinh tế, doanh nghiệp cần quan tâm tới: Tốc độ tăng trưởng GDP; Lãi suất tiền vay, tiền gửi ngân hàng; Tỷ lệ lạm phát; Tỷ giá hối đoái, mức độ thất nghiệp, kiểm soát về giá cả, tiền lương tối thiểu, thu nhập bình quân dân cư…
Đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thông tin di động nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế tác động trực tiếp đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động tăng cao trong những năm gần đây có nguyên nhân từ sự phát triển của nền kinh tế. Trước đây, khi nền kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, dịch vụ thông tin di động còn rất xa xỉ với nhiều người. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng tốn rất nhiều chi phí: chi phí mua máy điện thoại, chi phí hoà mạng, trả cước hàng tháng… Vì thế khi có nhu cầu về thông tin liên lạc họ thường sử dụng thư từ, điện tín và điện thoại cố định. Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên cho phép doanh nghiệp thông tin di động có thể tăng khối lượng khách hàng, mở rộng vùng phủ sóng. Những chi phí để sử dụng dịch vụ thông tin di động giảm và những tiện ích mà nó đem lại ngày càng lớn nên ngày càng thu hút khách hàng sử dụng.
2.4.1.3. Yếu tố khoa học công nghệ
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, mỗi công nghệ mới ra đời sẽ huỷ diệt các công nghệ đi trước đó. Ngày nay, yếu tố công nghệ quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp. Việc sản xuất sản phẩm có chất lương cao hay không, giá cả như thế nào, vòng đời của sản phẩm… phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố công nghệ . Khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, những đòi hỏi về sản phẩm ngày càng khắt khe thì doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nếu sử dụng công nghệ nghèo nàn lạc hậu. Vì vậy doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải
đầu tư cho công nghệ.
Trong lĩnh vực thông tin di động, công nghệ cũng là yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Công nghệ phát triển mở ra cho doanh nghiệp khả năng nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh. Công nghệ đảm bảo cho chất lượng mạng lưới và tỷ lệ thành công cuộc gọi cao. Những doanh nghiệp đi tắt đón đầu công nghệ thường thu hút được nhiều khách hàng và thu được lợi nhuận cao. Để phục vụ nhu cầu khách hàng được tốt hơn, ngày nay các doanh nghiệp thông tin di động đang đầu tư rất lớn cho công nghệ.
2.4.1.4. Yếu tố văn hoá xã hội
Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và hành vi của con người, qua đó ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng. Lối sống tự thay đổi nhanh chóng theo hướng du nhập và những lối sống mới luôn là cơ hội cho nhiều nhà sản xuất. Doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm đến thái độ tiêu dùng, sự thay đổi của tháp tuổi, tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ, vị trí vai trò của người phụ nữ tại nơi làm việc và gia đình, dân số, xu hướng vận động của dân số, thu nhập của các tầng lớp dân cư, phân bổ thu nhập giữa các nhóm người và các vùng địa lý, phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý…
Trình độ dân trí ngày càng cao đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Tùy vào từng độ tuổi, vào mức thu nhập, vị trí trong xã hội mà tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ là khác nhau. So với các nước trong khu vực, thu nhập của người dân Việt nam thấp hơn nhiều nhưng nếu xét về khả năng tiêu dùng thì người Việt nam lại có xu hướng sử dụng những sản phẩm đắt tiền, có chất lượng và đáp ứng đầy đủ các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Đối với một số trường hợp như học sinh, sinh viên là những người có mức thu nhập thấp hơn nhưng nhu cầu giao tiếp cao, trao đổi thông tin nhiều. Việc đáp ứng chất lượng và dịch vụ giá trị gia tăng cũng ảnh hưởng rất lớn, nhưng ảnh hưởng nhiều hơn cả đó là giá cả của dịch vụ.