tầm vĩ mô và tầm vi mô ở Việt Nam qua các thời kì
Nhận xét khái quát đầu tiên có thể nêu ra là nền kinh tế Việt nam đã trải qua một thời gian dài cho đến trước năm 1990 ở tầm vĩ mô cũng như là vi mô đã được quản lý bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ, kế hoạch đã từng là công cụ quản lý quan trọng nhất. Mọi hoạt động kinh tế của đất nước đều tuân theo một kế hoạch được hoạch định và quyết định từ một trung tâm. Đã có một hệ thống các loại kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn được hoạch định và phê chuẩn từ phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, địa phương, ngành và từng doanh nghiệp (đương nhiên hầu hết là doanh nghiệp nhà nước). Một hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh từ trên đưa xuống theo từng nấc thang cho đến doanh nghiệp. Đến lượt mình, kế hoạch của doanh nghiệp cụ thể hóa các chỉ tiêu, pháp lệnh được trên giao xuống. Đó là mục tiêu hành động hợp pháp của mọi doanh nghiệp (thuộc sở hữu nhà nước).
Trong suốt thời kì quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung nếu có xuất hiện khái niệm chiến lược kinh tế thì đó là hạn hữu, không mang đặc trưng chi phối trong cơ chế này. Hơn nữa đó chỉ là các định hướng ở tầm vĩ mô.
Chỉ từ 1990-1991, khi cơ chế thị trường bắt đầu được chấp nhận, lần đầu tiên đã có một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (1991-2000). Cũng từ thời gian này các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm về phát triển kinh tế-xã hội toàn quốc, địa phương, ngành tuy vẫn thấy xuất hiện nhưng các chỉ tiêu định lượng trong các kế hoạch này đã không được chú trọng và không còn có ý nghĩa tuyệt đối như trước. Các loại chỉ tiêu này được giảm dần. Đối với doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước xuất hiện các chỉ tiêu định lượng hướng dẫn theo dạng chỉ tiêu khung hay chỉ tiêu tối thiểu do cấp quản lý bên trên doanh nghiệp giao, có tính bắt buộc phải thực hiện. Cho đến nay chỉ tiêu pháp lệnh về sản lượng, doanh số… hầu như không còn được giao cho doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là các chỉ tiêu về hiệu quả như lợi nhuận (và) hay các khoản phải nộp (thuế) cho ngân sách nhà nước.
chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung qua cơ chế thị trường đồng nghĩa với chuyển từ quản lý kinh tế ở tầng vĩ mô cũng như vi mô theo hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh qua hệ thống các định hướng chiến lược hoặc các chiến lược phát triển từ toàn bộ nền kinh tế, các vùng lãnh thổ, các địa phương, ngành cho đến các chiến lược kinh doanh ở các doanh nghiệp. Kinh tế Việt nam đang trải qua một thời kỳ như vậy. Ở đây, dù ở cấp, ngành hay địa phương, thậm chí doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạch định các kế hoạch thay vì hoạch định chiến lược. Đó là do nền kinh tế chưa được “thị trường hóa” triệt để và các doanh nghiệp chưa thích nghi với cơ chế phát triển theo chiến lược, nhưng bản chất đặc trưng của các kế hoạch này đã hết sức gần gũi với các chiến lược.
Theo một góc nhìn khác cũng từ những năm bắt đầu quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, xuất hiện hàng chục vạn doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân (trong và ngoài nước). Ở các doanh nghiệp này hoàn toàn không có các chỉ tiêu kế hoạch kể cả chỉ tiêu pháp lệnh từ cấp trên. Ở đó khái niệm chiến lược được sử dụng khá rộng rãi và ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong việc chi phối hoạt động kinh doanh của các loại doanh nghiệp. Đã xuất hiện các chiến lược dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Đương nhiên ở các công ty tư nhân, công ty cổ phần, công ty liên doanh thuộc chủ sở hữu trong nước đã xuất hiện các chiến lược phát triển và chúng đã phát huy vai trò, động lực tích cực ở các doanh nghiệp nhằm biến đổi trạng thái thị phần, công nghệ,…, nhằm tạo ra một nguồn lực mới hoặc đưa công ty thoát ra khỏi khó khăn, bế tắc, tạo ra bước ngoặt phát triển, tạo ra thương hiệu mới,vị thế mới trong cạnh tranh cho công ty. Điều đáng nói là các doanh nghiệp nhà nước cũng đã bắt đầu được tự chủ kinh doanh, tự chủ trong việc ra các quyết định chiến lược cho mình mà không phải chịu sự ràng buộc tuyệt đối từ các cơ quan quản lý hành chính cấp trên như trước nữa. Từ đó công cụ quản lý kinh doanh mới đang được du nhập dần vào nền kinh tế Việt nam đang chuyển đổi. Điều đáng lưu ý là doanh nghiệp nhà nước vốn dĩ đã quá quen hoạch định các kế hoạch của mình để cụ thể hóa các chỉ tiêu pháp lệnh của mình được đưa xuống từ cấp trên. Thì nay chiến lược đã làm biến đổi tính chất của kế hoạch doanh nghiệp trong thời kì cơ chế cũ.
Sự biến đổi trong công cụ và phương thức, phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô diễn ra trong hơn chục năm qua là nét nổi bật, mang đặc trưng của thời kì chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế. Đi theo với quá trình “thị trường hóa” nền kinh tế triển vọng phát triển loại công cụ quản lý mới này ở tầm kinh tế vĩ mô cũng như vi mô là rất lớn.
Nằm trong quỹ đạo của sự chuyển đổi cơ chế quản lý ở tầm vi mô của nền kinh tế, công ty Mobifone đã có một chặng đường kinh doanh đưa lại những thành công rất đáng khích lệ trên thị trường thông tin di động ở nước ta. Những thành quả đó không hề tách rời mà gắn liền với những thành công trong việc quản lý điều hành kinh doanh của Công ty. Nhưng cũng cần ghi nhận cơ chế quản lý của nhà nước đối với Công ty - một doanh nghiệp nhà nước vào hạng vừa và công tác quản lý điều hành kinh doanh của Công ty trong 15 năm qua(1994-2009) vẫn ở trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý trong nền kinh tế. Đó là quản lý bằng kế hoạch pháp lệnh và bằng chiến lược tự chủ kinh doanh đối với Công ty còn đang đan xen nhau. Trong đó cơ chế kế hoạch pháp lệnh từng bước nhường chỗ cho cơ chế tự chủ hoạch định chiến lược kinh doanh của Công ty. Đó là một nhân tố thành công trong kinh doanh suốt 15 năm qua của Mobifone. Sẽ không thể đạt được những thành tựu 15 năm qua nếu Công ty không được tự chủ, tự quyết định áp dụng công cụ, phương pháp quản lý mới theo chiến lược định hướng của cơ chế thị trường.
Trong tương lai không xa, Mobifone sẽ được cổ phần hóa, trở thành công ty cổ phần đa sở hữu, không còn là doanh nghiệp nhà nước thuần túy (100% vốn thuộc sở hữu nhà nước) nữa, Công ty sẽ được hoạt động hoàn toàn theo luật doanh nghiệp, không còn sự khác biệt căn bản về cơ chế quản lý so với công ty tư nhân nữa. Chắc chắn vai trò chiến lược kinh doanh sẽ có ý nghĩa quyết định lớn hơn nữa đối với hoạt động kinh doanh của Mobifone. Những “di sản” của cơ chế quản lý cũ, cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sẽ được xóa bỏ triệt để hơn trong quản lý điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty. Đó thực sự là một động lực mới mẻ thúc đẩy công ty phát triển với tốc độ và hiệu quả ngày càng cao hơn và bền vững hơn.
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG HOẠCH ĐỊNH CÁC KẾ HOẠCH VÀ CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CỦA CÔNG TY MOBIFONE