1.3.1.1. Đà Nẵng
Hướng đến nền hành chính phục vụ và chính quyền điện tử, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và mở rộng các mô hình một cửa liên thông, một cửa hiện đại tại trên cơ sở nền tảng dịch vụ công trực tuyến từ năm 2006 đến nay. Đến nay, đã có 14 mô hình liên thông, liên kết được triển khai liên quan đến 153 thủ tục hành chính công trực tuyến, cụ thể
- Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể thể triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến. Việc xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt có vai trò quan trọng trong việc triển khai xây dựng mô hình một cửa điện tử và cơ chế một cửa liên thông. Không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động triển khai, đôn đốc, giám sát mà còn là cơ sở để bố trí nguồn lực, kinh phí cho quá trình thực hiện được thông suốt.
- Đà Nẵng đã triển khai từng bước theo hình thức thí điểm. Các cơ chế, mô hình mới nên được thực hiện từng bước theo lộ trình từ thí điểm đến nhân rộng toàn thành phố. Không nên triển khai đồng loạt ngay từ đầu. Việc thí điểm giúp nâng cao hiệu quả triển khai nhờ vào việc khắc phục các hạn chế, khó khăn và phát huy những điểm tích
cực, thuận lợi từ quá trình triển khai tại đơn vị thí điểm.
- Tại Đà Nẵng, khi triển khai có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo, đài. Thu hút sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo, đài cũng là một yếu tố góp phần quan trọng vào thành công của việc triển khai mô hình một cửa điện tử và cơ chế một cửa liên thông. Đặc biệt là trong cơ chế một cửa liên thông, không chỉ giúp tuyên truyền rộng rãi các mô hình này đến với người dân để biết, sử dụng và giám sát, nhờ đó tăng cường hiệu quả triển khai mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy các địa phương nghiên cứu, học hỏi mô hình hay, sáng tạo của nhau để áp dụng trên địa bàn.
- Đà Nẵng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính công trực tuyến. Cùng với việc triển khai các mô hình một cửa điện tử, cơ chế một cửa liên thông, việc đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, thường xuyên cho công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là điều kiện đầu tiên cho sự thành công. Có nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, trong đó ba hình thức được thành phố Đà Nẵng sử dụng chủ yếu trong thời gian qua là bồi dưỡng tập trung, phát hành video hướng dẫn trực tuyến và "cầm tay chỉ việc" (Lê Thị Mai, 2015).
1.3.1.2. Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng “Một cửa điện tử” từ những năm 2005. Hệ thống “Một cửa điện tử” cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ cấp phép. Người dân có thể dùng phương tiện liên lạc thông dụng nhất hiện nay là điện thoại để được trả lời tự động về tình trạng hồ sơ bằng thoại, tin nhắn qua “Một cửa điện tử”. “Một cửa điện tử” là công cụ hữu hiệu để người dân và lãnh đạo giám sát các dịch vụ công. Ngoài việc truy cập trang thông tin điện tử và sử dụng điện thoại qua hệ thống một cửa điện tử người dân có thể tra cứu thông tin trực tiếp tại các quận huyện, sở ngành qua các hệ thống mã vạch hoặc kiosk với màn hình cảm ứng. Như vậy người dân được cung cấp thông tin ở mọi nơi, 24/7 và không phụ thuộc vào tinh thần làm việc hay thái độ của công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước (Lê Thị Mai, 2015).
Tiếp nối với các thành công trong quá trình ứng dụng hóa công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng, năm 2016, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình phát triển công nghệ thông tin – truyền thông giai đoạn 2016-2020. Điểm nhấn của chương trình chính là thành phố phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến nằm trong danh mục nhóm các dịch vụ công được ưu tiên sẽ được cung cấp đến người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3, 4. Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong cấp phép trực tuyến. Cấp giấy phép qua mạng đối với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép thành lập văn phòng đại diện. Hàng năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trên 50% doanh nghiệp đăng ký trực tuyến. Hình thức phục vụ này đã giảm thời gian chờ đợi, đi lại của người dân; giảm được áp lực lên cơ quan cấp phép, giảm áp lực lên giao thông (Lê Thị Mai, 2015).