2.
2.3.2.4. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay có thể đóng một vai trò nhất định đối với sự thay đổi giá BĐS bởi vì phần lớn những người mua nhà đất đều dựa vào các khoản vay thế chấp bất động sản. Trong một môi trường có lãi suất thấp, chi phí vay mượn sẽ rẻ hơn. Điều này cho phép các hộ gia đình vay mượn nhiều hơn trong khi thu nhập hiện tại không đổi. Kết quả là cầu và giá nhà đất để ở đều tăng. Sử dụng mô hình VAR (mô hình véc tơ tự hồi quy), Tsatsaronis và Zhu[41]
phát hiện thấy, lãi suất giải thích khoảng 10,8 phần trăm sự thay đổi của giá nhà. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm một phần trăm sẽ làm tăng giá nhà 1,2 phần trăm trong hai năm tiếp theo. Nghiên cứu của họ cũng phát hiện rằng, ở những nước duy trì chính sách lãi suất tự do, sự ảnh hưởng của lãi suất ngắn hạn lên giá nhà dường như có xu hướng mạnh hơn. Khảo sát của Gerlach[31] tại Hồng Kông cho thấy, giá nhà có ảnh hưởng hưởng đáng kể lên lãi suất, trong khi lãi suất không có ảnh hưởng lên giá nhà.
Theo Đinh Tuấn Minh (2009)[4]
: “Khủng hoảng kinh tế hiện nay: Phân tích và khuyến nghị từ lý thuyết kinh tế trường phái Áo” đặt vấn đề về những đóng góp quan trọng nhất từ Mises (1912) & Hayek (1933), Monetary theory and the trade cycle, giải thích các chu kỳ kinh tế biến động liên quan từ những chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Cụ thể, biến động chu kỳ kinh tế xảy ra khi ngân hàng trung ương muốn kích thích tăng trưởng thông qua kênh đầu tư bằng cách cố ý tạo ra mức lãi suất thấp. Bởi lãi suất thấp khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều, đặc biệt là đầu tư vào kênh bất động sản nhà đất nhiều hơn, các nhà đầu tư có xu hướng vay nhiều tiền hơn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình nhà cửa. Từ đó, dẫn đến một nền kinh tế tăng trưởng bất bình thường, không cân bằng trong thị trường tiền tệ. Đến khi các nguồn lực huy động quá mức, giá cả các yếu tố đầu vào gia tăng dẫn đến sự biến động giá nghiêm trọng trên thị trường nhà đất.