Phương thức giải câu đố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật thông minh trong truyện cổ tích đức và việt nam (Trang 66 - 69)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.2. Phương thức giải câu đố

Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật rất phổ biến trong các câu chuyện cổ tích dân gian từ xưa đến nay. Những truyện cổ tích Đức có sử dụng phương thức giải câu đố để khắc họa nhân vật thông minh như là: Chàng thợ may thông minh, Cô gái khôn ngoan, Cây sắt trổ hoa.

Truyện Chàng thợ may thông minh của cổ tích Đức kể về một nàng công chúa kiêu kì. Nàng nói là sẽ kết hôn với ai giải được các câu đố của nàng, nàng thường đưa ra câu đố:

- Trên đầu ta có hai thứ tóc, các ngươi hãy nói xem chúng có màu gì?

Chàng thợ may thứ nhất và thứ hai đều trả lời sai chỉ có chàng thợ may thứ ba đoán được câu đố.

- Thưa công chúa, đó chính là màu bạc và màu vàng. Đây chính là hai màu nàng nói tới [20, tr. 86].

Công chúa nghe xong vô cùng kinh ngạc vì chàng thợ may này đã nói rất đúng. Việc giải câu đố mới là khởi đầu với chàng trai, công chúa tiếp tục cho chàng đến với thử thách khác. Phương thức giải câu đố được câu chuyện sử dụng để tô đậm thêm trí thông minh của chàng thợ may.

Truyện Cô gái khôn ngoan cũng sử dụng phương thức đố và giải đố. Sau khi tống giam bác nông dân, vua đưa ra câu đố cho cô con gái bác như sau:

Hãy đến chỗ ta, không mặc quần áo, chẳng phải trần truồng, không phải lừa ngựa, chẳng phải đi xe, không đi trong đường, chẳng ra lề đường, nếu ngươi làm được,

sẽ thành cung phi [20, tr. 589].

Cô gái liền cởi quần áo ra, lấy một chiếc lưới đánh cá lớn, ngồi vào giữa lưới và lăn cuộn tròn lưới quanh người, rồi cô thuê một con lừa, buộc đầu lưới vào đuôi lừa để cho lừa kéo đi, như vậy là không cưỡi lừa mà cũng chẳng phải đi xe. Cô cho lừa kéo đi theo những vết bánh xe để cô đi trên đất bằng hai ngón chân cái, như vậy là không đi ở giữa lòng đường, mà cũng chẳng phải đi ở bên

lề đường. Thấy cô gái đã giải được câu đố, vua truyền cho thả ngay bố cô gái, nhận cô là cung phi. Việc cô gái giải được câu đố oái ăm của vua vừa cứu được người cha vừa thay đổi số phận của cô gái từ địa vị thấp hèn lên địa vị cao quý. Đó như là phần thưởng xứng đáng cho người con gái hiếu thảo và thông minh.

Cũng tương tự những câu chuyện trên, trong truyện Cây sắt trổ hoa Thượng đế chính là người đưa ra thử thách cho ông già râu bạc. Thử thách mà Thượng đế đưa ra giống như một câu đố buộc cho ông già phải đi tìm lời giải. Thượng đế đưa cho ông già một nhành cây sắt và yêu cầu ông già đi tìm nơi trồng thích hợp làm sao để cây sắt nở hoa [20, tr. 16]. Ông quyết định trồng nhánh cây đó lên mồ ba người con trai của một bà lão. Nhờ những giọt nước mắt khóc thương những người con của bà lão mà cây sắt không những nở hoa mà còn kết trái [20, tr. 18]. Việc ông già tìm được cách trồng nhánh cây sắt là lúc ông giải được câu đố của Thượng đế. Điều đó giúp ông thoát khỏi sự trách phạt và cái chết.

Giống như nhiều truyện cổ tích Đức, truyện cổ tích Việt Nam cũng sử dụng phương thức này như: Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu, Gái ngoan dạy chồng, Nữ hành giành bạc.

Truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt

trâu kể về một người đàn bà có bản tính thông minh. Một hôm vợ bảo chồng

ra chợ bán vải và dặn nhưng bị một ông thầy lừa lấy mất. Ông ta bảo hắn đến nhà lấy tiền nhưng không chỉ rõ địa chỉ mà để lại cho hắn một câu đố: “Chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” [6, tr. 373]. Người vợ nghe hết câu chuyện, dùng trí thông minh và bằng kinh nghiệm cuộc sống suy xét rằng: “chỗ chợ đông không ai bán” là cái trường, “chỗ cái kèn thổi tò le” là bụi lau, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó [6, tr. 374]. Quả nhiên theo lời vợ anh ta tìm được người mua vải hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học. Có thể nói câu đố của thầy đồ là một câu đố rất khó làm cho câu chuyện cổ tích này trở nên bí hiểm, hấp dẫn hơn. Việc người vợ chàng ngốc tìm

ra lời giải đáp cho câu đố oái oăm chứng minh rằng phụ nữ xưa tuy ít được đi học nhưng vô cùng thông minh. Họ không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn có trí tuệ bằng hoặc hơn nam giới. Dân gian đã dùng câu chuyện này để tô đậm thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tài sắc vẹn toàn.

Trong truyện Nữ hành giành bạc cũng sử dụng phương thức giải câu đố. Người vợ đưa ra cho người chồng một câu đối và nói khi nào chồng đối được mới cho chung chăn gối: “Chồng phương Đông , vợ phương Tây, nín lặng cho hay, chớ lòng Nam Bắc” [6, tr. 301]. Người chồng đem câu đối đó cầu cứu người thầy của mình. Người thầy chỉ anh học trò đối lại: “Trai phận cấn, gái phận tốn, không nên cãi lộn, trái đạo càn khôn”. Câu đố được giải là khởi nguồn của nhiều chi tiết éo le khác trong câu chuyện. Tuy vậy phải công nhận rằng tác giả dân gian đã sử dụng phương giải đố một cách rất lôi cuốn. Phương thức này đã góp phần xây dựng nên hình ảnh người vợ trí tuệ, người thầy đồ thông thái giải đố một cách nhanh chóng.

Phương thức giải câu đố góp phần tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút với người đọc với câu chuyện được kể. Việc sử dụng các câu đố đã tạo ra các tình huống phát triển cốt truyện từ đơn giản đến phức tạp. Qua việc giải đáp các câu đố hóc búa, nhân vật bộc lộ được trí thông minh của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật thông minh trong truyện cổ tích đức và việt nam (Trang 66 - 69)