Nhân vật người hầu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật thông minh trong truyện cổ tích đức và việt nam (Trang 39 - 42)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1. Nhân vật người hầu

Dưới con mắt của tác giả dân gian, nhân vật người hầu sẽ có những nhiệm vụ tương tự nhau, làm mọi việc chủ nhân sai bảo, ra lệnh và được hưởng rất ít quyền lợi. Họ thường xuất thân ở tầng lớp đáy của xã hội, là người mồ côi, nghèo khó. Có những nhân vật hầu chỉ biết đến làm việc, phục vụ chủ hết lòng không đòi hỏi gì cả. Họ coi việc có cái ăn, cái ở đã là một đặc ân lớn của mình. Tuy nhiên, tác giả dân gian cũng đã xây dựng hình tượng nhân vật người hầu thông minh, lanh lợi, ý thức được về quyền lợi của mình, mặc cả quyền lợi

với chủ nhân của mình.Tương phản với những người hầu thông minh, lanh lợi đó là những ông chủ sĩ diện, khó tính và keo kiệt. Trong một số trường hợp ông chủ của những người hầu này lại biết giữ lời hứa, trọng cái nhanh nhẹn, hoạt bát của người hầu: Giận mày tao ở với ai hay là truyện Phượng hoàng lửa, Người đầy tớ thông minh, Grethel khôn ngoan.

Truyện Giận mày tao ở với ai hay là truyện phượng hoàng lửa [7, tr 521] là câu chuyện cổ tích gây được nhiều ấn tượng với một phú ông có tính tình kì lạ và anh người hầu thông minh, láu cá. Truyện kể về một phú ông tự cho mình có tính nhẫn nại lại có một cô con gái nhan sắc xinh đẹp. Ngày con gái đến tuổi lấy chồng, phú ông nói rằng hễ ai làm cho lão nổi nóng hoặc giận dữ thì lão sẽ gả ngay con gái cho người đó. Nhưng trong vòng một tháng mà không làm được thì sẽ bị đánh một trăm hèo rồi đuổi về. Đã có nhiều chàng trai đến xin thử nhưng không làm được lão nổi giận, đành chịu nhận lấy trận đòn đau mà tay không trở ra. Một hôm có một chàng trai bộ dạng gày gò đến xin làm kẻ hầu. Anh chàng rủ phú ông đi săn một chuyến và trong chuyến đi săn đó, anh hầu nhận làm chó săn. Hai người săn được một con cầy về làm thịt. Vì vẫn đang trong vai trò của chó săn nên anh người hầu không phải làm gì. Khi phú ông tất tả đi mua rượu anh hầu mang thịt cầy ra chén hết. Dù vô cùng tức giận nhưng phú ông cố gắng kiềm chế, không dám nổi giận. Một hôm khác, hai người lại rủ nhau đi săn. Lần này thì phú ông nhận làm chó. Biết thế, lần này anh hầu nhằm vào những nơi đầy gai góc mà cắm lưỡi, anh cầm roi quất vào đít phú ông. Hôm ấy, hai người cũng săn được một con cầy. Anh hầu phải làm thịt, nấu nướng, đi mua rượu. Trước khi đi, anh lấy xích xích chân phú ông lại bên cột nhà cho khỏi ăn vụng. Anh một mình ngồi chén tì tì, bao nhiêu xương xẩu vứt lại chỗ phú ông. Phú ông vẫn không dám nổi giận. Sau này anh chàng còn bày ra đủ kế làm phú ông tốn công, tốn sức và bị rơi xuống sông nhưng ông vẫn cố nhẫn nhịn. Một hôm, anh quảy đôi sọt ra đi. Được một lúc, anh chạy về nói là úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Phú ông vốn thích nuôi

chim, nghe nói rất mừng, liền ra chỗ dặn thì thấy có chiếc nón úp giữa đường có dằn mấy hòn đá, bèn sụp xuống ôm lấy nón. Vừa lúc ấy, vua và quan lính trẩy qua, nghe nói phượng hoàng đất, vua truyền cho quân lính tìm cách bắt ngay cho vua xem. Nhưng khi giở chiếc nón lên thì chỉ thấy lù lù một đống phân trâu, chẳng có phượng hoàng đất nào cả. Vua thét lính nọc phú ông ra đánh một trận nhừ tử. Phú ông tức quá nói với anh: - "Mày làm cho ông suýt mất đầu, không giận mày sao được!". Thế là anh thắng cuộc và được cưới con gái phú ông.

Anh hầu trong câu chuyện này là người khôn ngoan, nhanh trí và có tính kiên nhẫn. Anh đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế khác nhau để hoàn thành yêu cầu của phú ông đặt ra và anh đạt được mục đích. Hơn nữa những chiêu trò mà anh bày ra càng lúc càng khiến phú ông mất đi tính nhẫn nại vốn có. Anh đã biết tận dụng thời cơ mượn tay người khác để xử lí phú ông.

Trong Truyện cổ Grimm Người đầy tớ thông minh [20, tr. 495] thì

người hầu John thể hiện mình là người thông minh , sáng tạo. John đi chăn bò nhưng để mất bò, dù không tìm được bò nhưng đã có cách đối đáp thông minh. Khi ông chủ hỏi về bò, anh lái ông ta sang câu chuyện anh thấy ba con sáo. Anh khiến ông chủ quên đi chuyện mất bò và trách phạt. Đây chính là sự đối phó nhanh nhẹn của anh. Dù câu chuyện anh bịa ra rất khó tin nhưng lại đầy thú vị và tò mò khiến ông chủ quên đi chuyện mất của.

Ở một truyện khác là Grethel khôn ngoan [20, tr. 398] lại kể về cô hầu gái thông minh. Khi ông chủ yêu cầu cô chuẩn bị hai con gà để đãi khách. Vì sự thơm ngon của món gà quay, cô đã ăn hết hai con gà mà cô nướng cho ông chủ tiếp khách. Khi vị khách đến, ông chủ mài dao chặt gà, cô đã nói với vị khách là ông chủ định cắt hai tai của họ. Vị khách sợ quá nên bỏ chạy. Sau đó cô lại nói với ông chủ là vị khách đã cướp gà và chạy mất. Đây thật sự là cách xử lí rất khôn ngoan. Cô hầu đã nghĩ ra cách đối phó rất nhanh, tạo dựng một

tình huống mới khiến bản thân thoát khỏi sự trách mắng. Đó là sự thông minh, lanh lợi của cô.

Kiểu nhân vật người hầu thông minh là kiểu nhân vật khá đặc biệt. Dân gian đã xây dựng lên hình ảnh những người hầu rất sinh động. Họ chăm chỉ, hoạt bát, thông minh, nhanh nhẹn. Chính vì vậy mà dù nhân vật người hầu có làm gì cũng khiến người đọc hài lòng và được tác giả dân gian rất ủng hộ: trừng trị ông chủ, đánh lừa được ông chủ, hoặc gây ra tổn thất cho ông chủ. Tác giả dân gian nhìn vào các hành động đó với ánh mắt vui vẻ, khâm phục trí thông minh, ứng biến tài tình của nhân vật người hầu. Nhân vật người hầu thông minh trong truyện cổ tích Việt Nam phải trải qua thời gian làm việc phục vụ ông chủ khá dài. Trong quá trình đó mới có dịp bộc lộ trí thông minh, hoạt bát của mình. Và cuối cùng nhân vật thông minh cũng nhận được sự đền đáp xứng đáng. Còn nhân vật thông minh trong truyện cổ tích Đức thì được kể cắt lát, nhân vật chỉ được kể lại qua một tình huống rất ngắn. Nhưng bản tính thông minh, lanh lợi của nhân vật người hầu vẫn được thể hiện rõ nét. Đó là điểm khác trong cách xây dựng nhân vật của hai nước nhưng điểm chung lớn nhất vẫn là xây dựng thành công, làm nổi bật tính cách thông minh của kiểu nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật thông minh trong truyện cổ tích đức và việt nam (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)