Sự phản ánh hiện thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật thông minh trong truyện cổ tích đức và việt nam (Trang 73 - 76)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Sự phản ánh hiện thực

Hiện thực được khái quát lại qua truyện cổ tích chủ yếu là những xung đột xã hội, mâu thuẫn trong gia đình, hiện thực nghèo khó, bất công. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện nhân vật thông minh.

Trong truyện cổ tích Đức, hiện thực được nhận thấy đó là một xã hội chứa nhiều tầng lớp như vua, chúa, người hầu, nông dân, người lính... Giữa các tầng lớp này xuất hiện nhiều mối liên hệ với nhau. Tầng lớp trên bao gồm các nhân vật như vua, chúa, công chúa... Họ thường là những người áp đặt, yêu cầu và thử thách các nhân vật có vị trí thấp bé của xã hội như ông già, chàng thanh niên, người lính. Đó có lẽ là một điều dễ thấy trong xã hội có sự phân chia giai cấp.

Trong truyện Cây sắt trổ hoa, Thượng đế chính là người có quyền tối

cao, có quyền xử lí mọi việc theo ý muốn. Thượng đế đã thu hồi phép thuật của ông già, ném ông trở lại trần gian vì ông ngăn cản việc làm của người. Ngài còn đưa cho ông một nhánh cây sắt và bắt ông phải trồng nó ra hoa nếu không sẽ bị xử chết như chàng thanh niên kia [20, tr. 17]. Dù hình phạt là một yêu cầu rất vô lí nhưng ông già vẫn tuân theo bởi điều đó được đưa ra từ một người có

quyền lực tối cao trong trời đất. Còn ông già chỉ là một người thấp bé so với quyền lực của Thượng đế.

Trong câu chuyện khác là Chàng thợ may thông minh thì người đưa ra

thử thách vẫn là nàng công chúa kiêu kì. Thậm chí khi chàng thợ may thứ ba đã đoán được câu đố của công chúa thì nàng vẫn không chịu khuất phục ngay. Nàng tiếp tục đưa ra thử thách khác là yêu cầu chàng trai ở chung với gấu một đêm [20, tr. 87]. Đó là một yêu cầu vô cùng nguy hiểm nhưng chàng trai không thể từ chối. Từ đó cho thấy rằng, có những yêu cầu bất hợp lí nhưng vì nó được đưa ra từ người có địa vị cao hơn nên kẻ dưới vẫn tuân theo.

Từ các câu truyện trên có thể thấy rằng dù những mâu thuẫn chưa hẳn diễn ra gay gắt nhưng nó chứa đựng sự bất công bằng trong xã hội. Các mối quan hệ trong xã hội đều bị chi phối bởi địa vị xã hội. Ngoài ra hiện thực nhiều mâu thuẫn còn được thể hiện ở những mâu thuẫn diễn ra trong gia đình. Trong truyện cổ tích Đức những mâu thuẫn trong gia đình có phần gay gắt hơn những mẫu thuẫn ngoài xã hội. Đó là mâu thuẫn xung đột giữa dì ghẻ với con chồng, xung đột giữa các anh em trai, giữa các chị em gái, giữa các chị em cùng cha khác mẹ...

Mâu thuẫn dì ghẻ - con chồng là mâu thuẫn phổ biến trong truyện cổ tích của mọi dân tộc. Trong truyện kể Hansel và Grethel tồn tại kiểu mâu thuẫn đó. Vì sự ghét bỏ con riêng của chồng, khi nạn đói kéo đến, người vợ kế đã bàn với người chồng đem hai đứa trẻ vào rừng bỏ [20, tr. 207]. Những đứa trẻ tủi thân và chỉ biết khóc thầm. Sự toan tính của người dì ghẻ không chỉ diễn ra một lần mà diễn ra nhiều lần. Ở những lần sau, mưu độc càng tăng cao hơn. Đây là mối mâu thuẫn không có sự hóa giải trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, kết thúc truyện thì người ở hiền vẫn gặp lành, ác giả ác báo.

Ngoài ra ta còn có thể tìm thấy câu chuyện tương tự trong truyện Người ông và đứa cháu trai của Đức. Đó là việc đối xử tệ bạc giữa cặp cợ chồng con cái với người cha già yếu của mình. Câu chuyện vừa chứa đựng vấn đề đạo đức xã hội vừa chứa đựng mâu thuẫn gia đình.

Hiện thực được phản ánh trong truyện cổ tích Việt Nam cũng khá phong phú. Đó là những mâu thuẫn xã hội, hiện thực bất công, sự nghèo khó trong xã hội. Hiện thực xã hội Việt Nam được tái hiện qua truyện cổ tích còn là những dấu hiệu suy tàn của xã hội phong kiến phụ quyền. Điều đó thể hiện ở sự biến chất của tầng lớp quan lại, những người có chút quyền lực trong tay (quan, xã trưởng, thầy sãi, tăng ni nhà chùa...).

Đọc tên truyện Cô gái lừa thầy sãi, xã trưởng và ông quan huyện [7, tr. 504] thì người đọc đã phần nào thấy được những đối tượng xã hội được nhắc đến trong câu chuyện đó. Từ quan huyện là người có chức có quyền đến tên xã trưởng và thầy sãi quèn đều là những kẻ ham mê sắc đẹp. Đây là sự xuống cấp nghiêm trọng của một xã hội có nhiều cấp bậc. Chính vì vậy mà đã xuất hiện một cô gái xinh đẹp nhưng bản lĩnh và thông minh. Cô đã dùng một chiêu mà đánh gục được cả ba tên háo sắc. Truyện Người đàn bà mất tích cũng tương tự. Chùa chiền là một nơi tu hành nhân đức, thế mà lại có những thành phần không kiềm được dục vọng. Bọn sư trẻ thấy phụ nữ như mèo thấy mỡ, không những thế còn đang tâm giết hại người đàn bà còn trẻ tuổi [6, tr. 783]. Các câu truyện vừa kể đã phần nào cho thấy hiện thực và sự suy tàn xã hội phong kiến ngày xưa. Đó là một xã hội tồn tại nhiều sự bất công, xảy ra nhiều nỗi oan khiên đáng thương tâm.

Mặt khác đặc trưng của nền kinh tế nước ta là một nước nông nghiệp do vậy qua truyện cổ tích thấy hiện ra đời sống khổ cực, lam lũ của người dân Việt Nam. Qua các truyện Em bé thông minh, Con mối làm chứng, Bùi Cầm Hổ... cho ta thấy điều đó. Truyện Bùi Cầm Hổ kể về chàng thanh niên nghèo khổ. Chàng sinh nhai bằng công việc giữ trâu bò cho xóm làng, được dân làng dựng cho một túp lều để ở [7, tr. 559]. Đó là xuất thân và công việc cũng như cách sinh nhai của nhân vật Hổ nhưng cũng khái quát lên rất nhiều hoàn cảnh khác của những đứa trẻ Việt Nam thời xưa. Cũng do hiện thực cuộc sống nghèo khó

từ khi còn nhỏ đã tôi luyện cho nhân vật sự nhanh trí, thông minh đã thay đổi cuộc đời Hổ.

Về giá trị hiện thực thì truyện cổ tích Việt Nam có thêm một điểm riêng khá đậm nét mà ít thấy trong truyện cổ tích Đức đó là vai trò của người con trưởng trong gia đình thời kì xã hội phong kiến phụ quyền. Người con trưởng thường được đề trong gia đình, biểu hiện qua vấn đề thừa kế gia sản. Trong truyện Giết chó khuyên chồng kể về việc người anh có lắm tiền nhiều bạc, còn em thì cam phận túng bấn [6, tr. 396]. Khi cha mẹ còn sống thì người cha nắm quyền, khi cha mẹ mất thì tài sản thường thuộc về người anh cả còn người em út thì không được chia hoặc được chia rất ít. Đó là những biểu hiện của sự bất công trong xã hội cũ đã được truyện cổ tích phản ánh lại. Cũng qua truyện này người đọc nhận thấy sự độc đoán của người chồng. Khi người vợ đưa ra lời khuyên, người chồng gạt đi, không để ý đến lời vợ.

Qua đây có thể thấy được, truyện cổ tích Đức và Việt Nam phản ánh những đặc điểm hiện thực khá giống nhau. Đó là hiện thực xã hội đương thời, những mâu thuẫn, xung đột tồn tại giữa các tầng lớp khác nhau. Đồng thời người đọc cũng sẽ nhận ra những nét hiện thực riêng của mỗi nước được tái hiện trong truyện cổ tích. Trong truyện cổ Đức thì nhân vật thông minh có thể là bác nông dân, đứa trẻ, anh học trò, người hầu... Trong truyện cổ tích Việt Nam ngoài những nhân vật đó còn có thể kể thêm nhân vật người phụ nữ góa, cụ đồ, chàng rể... Họ là những người ở tầng lớp đáy của xã hội, thường xuyên bị đối xử bất công. Nhân vật thông minh phải tìm mọi cách để bảo vệ chính bản thân họ và những người xung quanh. Hiện thực xã hội nhiều bất công cũng chính là nguyên nhân các nhân vật thông minh xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Họ đại diện cho lẽ phải, cho trí tuệ và ước mơ của dân gian về một hiện thực công bằng, tốt đẹp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật thông minh trong truyện cổ tích đức và việt nam (Trang 73 - 76)