7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Nhân vật người vợ, người mẹ
Dưới con mắt của dân gian, kiểu nhân vật người vợ, người mẹ trong truyện cổ tích được các nhà nghiên cứu đề cập tới rất nhiều. Kiểu nhân vật người vợ thông minh hay còn gọi là kiểu nhân vật “nữ trí”, theo cách chia của Nguyễn Đổng Chi (nữ kiệt, nữ quái, nữ thức tỉnh, liệt nữ, nữ trí, nữ nhẫn nại) [7, tr. 605]. Những nhân vật người vợ thông minh mà luận văn khảo sát được thường bị đặt vào những hoàn cảnh nguy ngập (Giết chó khuyên chồng), tuyệt vọng (Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu), có khi là tan nát gia đình (Gái ngoan dậy chồng), có khi bị đe dọa tính mạng...
Bằng đức tính bền bỉ và sự khôn ngoan sẵn có, những người vợ đã xoay đổi tình thế, giành được phần thắng và bảo vệ được hạnh phúc gia đình.
Ở trong truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm
bãi cứt trâu [6, tr. 373], nhân vật người vợ đã giải được câu đố và hiểu được thâm ý của thầy đồ. Truyện kể rằng xưa có một người dàn bà bản tính thông minh tháo vát nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì. Một hôm vợ bảo chồng ra chợ bán vải và dặn: “Nếu không được bốn quan mỗi
tấm thì đừng có bán, nghe!”. Anh ta mang vải đi bán nhưng chẳng ai mua, mãi về sau có ông cụ già mua cho hai tấm và dặn anh ta tìm đến chỗ: “Chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” để lấy tiền. Anh ngốc đi tìm mãi đến tối mịt không thấy, đành trở về ôm mặt hu hu khóc kể lại cho vợ nghe. Người vợ suy xét và bảo anh ta cũng dễ tìm thôi: “chỗ chợ đông không ai bán” là cái trường, “chỗ cái kèn thổi tò le” là bụi lau, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Người vợ chỉ cho chồng kiếm người cần tìm ở gần một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có trồng hành tỏi. Quả nhiên theo lời vợ anh ta tìm được người mua vải hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học. Việc người vợ tìm ra đáp án giống như một hình thức giải câu đố trong dân gian. Ngày xưa, theo quan niệm trong xã hội cũ thì người phụ nữ luôn có vị trí đứng sau người người đàn ông. Họ không được học hành như nam giới nên luôn bị phân biệt đối xử. Vậy mà người phụ nữ trong truyện này không chỉ khôn khéo hơn người chồng của mình mà còn có thể giải đáp được câu đố lắt léo của ông thầy đồ. Điều đó chứng tỏ nàng ta có trí thông minh không thua kém gì bậc trí thức nho gia. Nhân dân ta đã xây dựng nên hình tượng những người vợ vừa khéo léo lại rất thông minh, đối nghịch với những người chồng đần độn.
Trong truyện Giết chó khuyên chồng [6, tr. 396], tác giả dân gian đã đặt nhân vật người vợ vào một tình huống khó xử. Người vợ lấy phải ông chồng hay nghe theo lời xui khiến của bạn bè xấu, đối xử không tốt với người em trai của mình. Người vợ phải cố công suy nghĩ tìm ra cách để người chồng của mình có thể nhận ra sai lầm và hồi tâm chuyển ý. Một hôm, người vợ ở nhà đánh chết một con chó rồi cuộn chiếu lại đến lúc chồng về, nàng ta giả bộ khóc lóc nói lúc chiều có thằng bé ăn xin làm chị bực mình nên chị phang cho một cái đòn gánh không ngờ đứa bé lăn đùng ra chết. Người chồng nghe đến xác chết, sợ hết hồn. Hắn vội đi tìm mấy ông bạn nhờ họ chôn nhưng không có ông bạn nào chịu giúp vì sợ liên lụy. Người vợ bảo chồng sang nhờ người em,
người em liền chạy qua giúp. Từ đó người chồng thấy rõ bộ mặt thật của bọn bạn, thấy lời vợ nói đúng nên có ý hối hận. Anh ta đối xử lạnh nhạt với bọn bạn, không ngờ bọn chúng giở mặt đòi tiền, không được họ liền trình quan. Quan xuống khai quật thì quả đúng như lời khai của vợ chồng anh, liền cho quân đánh đòn mấy tên nguyên đơn xấu bụng. Từ đó người chồng mới giúp đỡ người em ân cần tử tế. Ở câu chuyện này, sự hồ đồ của người chồng trong mối quan hệ gia đình chính như là một thách thức đòi hỏi người vợ phải vận dụng trí thông minh để tìm ra cách giải quyết. Trong xã hội phong kiến phụ quyền không phải người vợ nào cũng dám và có thể thay đổi được suy nghĩ và hành động của người đàn ông. Cũng không nhiều người phụ nữ dám đấu tranh hoặc có suy nghĩ thay đổi tính tình của người chồng. Trong truyện này, người vợ không dùng lời nói suông hoặc những lời nói gay gắt mà biết tìm ra cách hay, hành động một cách âm thầm và đã thay đổi được mọi chuyện.
Trong các truyện Gái ngoan dạy chồng, Mưu trí đàn bà cũng nói về hình ảnh những người vợ thông minh. Họ biết cách kiếm tiền, dẫn lối người chồng về con đường lương thiện, lấy lại của cải bị mất... Trong truyện Cô gái lừa thày
sãi, xã trưởng và ông quan huyện [7, tr. 504] lại xây dựng được hình ảnh một
người phụ có nữ nét tính cách rất độc đáo. Nàng ta là người đáo để và cũng rất khôn khéo trong việc xử lí tình huống. Ở một huyện nọ có một chị góa chồng mặt mày sáng sủa dễ coi, lại khôn ngoan lanh lợi được nhiều anh chàng thường ngấp nghé. Trong số những người lui tới, có cả một thầy sãi, một xã trưởng và một quan huyện. Cả ba đều thả lời ong bướm với chị, ai cũng tưởng mình lọt vào mắt xanh cô nàng. Một hôm nàng hẹn thầy sãi vào canh một, nàng hẹn cả xã trưởng, và quan huyện đến cùng một đêm. Vậy là đêm đó, ba tên tuy không mặt đối mặt nhưng nghe được hết những lời nói của nhau nên không ai còn dám đến ve vãn nàng ta nữa. Người phụ nữ xinh đẹp đã chứng tỏ bản lĩnh khi dùng trí thông minh để bảo vệ danh dự và tiết hạnh của mình. Bằng biện pháp
khôn ngoan, người phụ nữ đã có thể đối phó được ba tên có chức có quyền cùng một lúc.
Trong mối quan hệ gia đình, nếu người phụ nữ thông minh trong Kho
tàng truyện cổ tích Việt Nam thường được nhấn mạnh với hình ảnh người vợ thông minh, thì truyện cổ tích Đức lại lựa chọn xây dựng hình ảnh người mẹ thông minh.
Trong truyện cổ tích Chọn vợ [20, tr. 484] của Đức người mẹ rất nhanh
trí, tỉ mỉ trong cách nhìn nhận nàng dâu tương lai. Câu chuyện này rất ngắn chỉ gồm nửa trang giấy nhưng lại truyền tải một thông điệp lớn về cách sống. Truyện kể là, có một chàng chăn cừu muốn lấy vợ. Nhà kia có ba chị em đều xinh đẹp nên anh không biết chọn cô nào. Người mẹ đã mách chàng trai mời ba cô đến và đặt trước mặt mỗi cô một miếng pho mát và quan sát cách các cô cắt nó như thế nào. Sau đó anh kể hết cho mẹ nghe, mẹ anh đã khuyên chàng chọn cô thứ ba. Đó là cô gái gọt cùi cẩn thận, chỉ bỏ đi phần cứng món pho mát. Qua đó cho thấy cách nhìn nhận tinh tế của một người mẹ nhiều kinh nghiệm sống với các cô gái trẻ. Người mẹ không đánh giá các cô gái qua bề ngoài hoặc gia cảnh mà đánh giá và lựa chọn qua cách ứng xử, phong thái ăn uống.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, nhân vật người vợ, người phụ nữ thông minh xuất hiện với tần suất khá nhiều. Tác giả dân gian không tô đậm về lai lịch, nhan sắc của họ nhưng lại tô đậm về phẩm chất và trí tuệ. Họ là những người phụ nữ truyền thống Việt Nam chăm chỉ, chịu thương chịu khó, thủy chung và biết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hơn thế nữa, họ còn rất trí tuệ, khôn ngoan, biết biến mình trong mọi hoàn cảnh. Trong truyện cổ tích của người Đức hình tượng người phụ nữ có tần suất xuất hiện ít hơn. Tuy vậy họ vẫn để lại ấn tượng mạnh mẽ bởi những phẩm chất đáng quý: trí tuệ, tinh tế, khéo léo. Mặt khác, do tần suất xuất hiện ít nên chúng ta chưa có nhiều cơ sở để đánh giá thêm về kiểu nhân vật này trong truyện cổ tích Đức.