Vài nét về tác giả và nguồn gốc của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trong lĩnh nam chích quái lục từ góc nhìn tự sự học (Trang 27 - 33)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Vài nét về tác giả và nguồn gốc của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục

1.2.3.1. Tác giả của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục

Vấn đề tác giả của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hiện nay vẫn chưa có một tài liệu nào khẳng định ai là tác giả đầu tiên viết ra tác phẩm này. Bởi lẽ, tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục được lưu truyền đến ngày nay đã bị thêm, bớt, sửa chữa, chỉnh lí rất nhiều lần bởi các nhà nho. Ai là người đầu tiên biên soạn sách này thì khó có thể xác định được vì thời gian trôi qua đã quá lâu, tài liệu hiện còn viết về sách này lại ít. Có một số tên tuổi thường hay được nhắc đến cùng với tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục là Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Lê Quí Đôn đã từng viết trong Kiến văn tiểu lục như sau: “Sách Lĩnh Nam chích quái tục truyền là

do Trần Thế Pháp viết, sách Thiếu vi nam bản cũng nói như vậy. Chúng ta không rõ Thế Pháp người ở đâu. Hiện nay chỉ thấy được bài nói đầu của Vũ Quỳnh” [25, tr. 9].

Căn cứ vào ý kiến này thì phần nhiều các nhà nghiên cứu cho rằng Trần Thế Pháp là tác giả của Lĩnh Nam chích quái lục. Hiện nay căn cứ vào một số bản chép tay, ta biết thêm thông tin về Trần Thế Pháp. Trần Thế Pháp hiệu là Thức Chi, quê ở Thạch Thất, Sơn Tây. Ông là người nổi tiếng văn chương, được cử làm một chức quan nhỏ, tại Tàng thư của Quốc tử giám.

Vũ Quỳnh tự Thủ Phác, hiệu Đốc Trai, lại có hiệu khác là Yến Xương, người làng Mộ Trạch , huyện Đường An, Hải Dương, sinh năm 1453, đậu tiến sĩ năm 26 tuổi (niên hiệu Hồng Đức thứ 9, 1478), làm quan đến Lễ bộ thượng thư, khi về trí sĩ trên đường trở lại quê nhà, bị cướp giết chết (1516). Trong Công diệp tư ký, Vũ Phương Đề có viết về Vũ Quỳnh như sau: “ông là người bác học, hiếu cổ, có đặc tài soạn thuật, thường kiêm chức

Đô đốc tài sử quán, có sách Đại Việt thông giám, thông khảo… truyền ở đời, lại cùng Trần Thế Pháp soạn Lĩnh Nam chích quái” [25, tr. 9].

Kiều Phú hiệu là Hiếu Lễ, người làng Lạp Hạ, huyện An Sơn, tỉnh Sơn Tây, sinh năm 1540, đậu tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475). Nói đến vấn đề ông có tham gia biên soạn tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục hay không, trong sách Đăng khoa lục bị khảo, phần Sơn Tây, An Sơn viết về ông có đoạn như sau: “…lại cùng Vũ Quỳnh người Đường

An, soạn Lĩnh Nam chích quái” [25, tr. 11]. Lí giải điều này, Kiều Phú sống đồng thời

với Vũ Quỳnh, có thể hai ông đã cộng tác với nhau để soạn tác phẩm Lĩnh Nam chích

quái lục. Nếu họ hợp tác thì họ đã phân công nhau Vũ Quỳnh viết bài tự (viết vào mùa

xuân năm Hồng Đức 23 - 1942), Kiều Phú viết bài hậu tự (viết vào mùa thu năm Hồng Đức 24 - 1943) cho sách Lĩnh Nam chích quái lục.

Trước Vũ Quỳnh, Kiều Phú, tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục đã qua nhiều lần chỉnh sửa bởi nhiều người khác nhau. Việc xác định tác giả đầu tiên là điều khá khó khăn. Vì vậy, theo những tài liệu hiện còn, ta tạm thời xác định Trần Thế Pháp là tác giả của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, sau đó tác phẩm được Vũ Quỳnh, Kiều Phú

nhuận sắc lại. Cả Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đều có công trong việc ghi chép, sưu tầm, chỉnh lí để tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục còn lại đến ngày nay.

Lĩnh Nam chích quái lục do Trần Thế Pháp biên soạn vào khoảng thế kỉ XIV,

sau được Vũ Quỳnh và Kiều Phú sống vào thế kỉ XV nhuận sắc lại. Tác phẩm gồm 22 truyện, ghi chép những chuyện quái lạ ở cõi Lĩnh Nam, là tác phẩm đầu tiên của thể lại văn xuôi tự sự Việt Nam, được tác giả sử dụng thuật ngữ “truyện” đặt cho mỗi câu chuyện.

Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục chủ yếu ghi lại những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian, li kỳ, hấp dẫn về nhiều loại nhân vật, nhiều lĩnh vực, phạm vi của cuộc sống. Trong mỗi câu chuyện của tác phẩm đều chứa đựng những yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng nó vẫn rất hấp dẫn, được đương thời xem như những câu chuyện có thực. Tuy nhiên cũng có một số chuyện mang tính hiện thực, khá đậm chất nghệ thuật như Truyện Hà Ô Lôi,…

Lĩnh Nam chích quái lục tái hiện những nét văn hóa, phong tục tập quán, sinh

hoạt truyền thống của con người Đại Việt, thể hiện tình cảm gia đình gắn bó, tình yêu thiên nhiên và tình yêu đất nước cùng sự tự hào về một cõi Lĩnh Nam bất diệt. Ở bài tựa Lĩnh nam chích quái liệt truyện, Vũ Quỳnh viết: “Quế Hải tuy ở cõi Lĩnh Nam,

nhưng núi non kì lạ, đất đai linh thiêng, nhân dân anh hào, truyện tích thần kỳ, thường thường vẫn có” [25, tr. 29]. Lĩnh Nam chích quái lục là tập truyện dân gian mang tính

dân tộc sâu sắc, truyện đã gắn ghi vào lòng dân, lưu truyền nơi bia miệng, từ em bé đến cụ già đều ca tụng, mến mộ, lấy đó làm răn. Nguồn gốc dân tộc, niềm tự hào về non sông, anh hào được khắc họa rất rõ nét qua các câu chuyện trong tác phẩm. “Các

truyện có tính chất thần thoại như Họ Hồng Bàng, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh,… giải thích nguồn gốc dân tộc, nhấn mạnh vào sự cao quý của nguồn gốc đó, nguồn gốc thần linh, “Tiên, Rồng”. Những truyện như Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng, Hai Bà Trưng, Sông Tô Lịch, Thần Núi Tản Viên,… nói lên niềm tự hào về non sông đất nước, về anh hùng lịch sử, đồng thời thể hiện sự phản ánh của nhân dân đối với sự áp bức, khinh thị của phong kiến Trung Quốc trong thời Bắc thuộc. Thần Núi Tản Viên, Thần Sông Tô Lịch đã làm táng đảm kinh hồn tên phù thủy lão luyện Cao Biền, quan đô hộ của nhà Đường. Đổng Thiên Vương - một thiếu nhi lớn lên như thổi vì nhiệt tình yêu nước đã quét sạch giặc Ân hung dữ…Hai Bà Trưng tuy là phụ nữ mà đã đánh cho Tô Định phải chạy bạt ra biển đông. Nhân dân ta há chẳng lấy làm vinh

dự sống trên đất nước linh thiêng đó, kế tục sự nghiệp của các vị anh hùng đó. Truyện Cây cau, Bánh chưng, Dưa hấu, Man Nương, phản ánh sinh hoạt vật chất và tinh thần của dân tộc ta cũng thể hiện lòng yêu quê hương, yêu đất nước với tất cả khí vị đậm đà của phong tục, tập quán lưu truyền hàng bao đời trong nhân dân” (25, tr. 26-

27). Có thể nói, đây là tập truyện biểu dương tình cảm gia đình gắn bó, tình vợ chồng thủy chung, tình huynh đệ và đặc biệt là niềm tự hào về linh khí ở cõi Lĩnh Nam.

Nhìn chung, dù mang nhiều ý nghĩa và khơi gợi nhiều nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng các truyện trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp vẫn mang nặng tính ghi chép, đảm bảo nguyên tắc trung thành với “cái tự nó” trong đời sống tinh thần của xã hội nhằm phục vụ chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, thần linh và nhu cầu tự khẳng định mình của quốc gia Đại Việt trong giai đoạn hình thành và phát triển đất nước. Vai trò của tác giả trong các truyện khá mờ nhạt, con người thế tục không được thể hiện mà thay vào đó là những nhân vật là tấm gương sáng được truyền tụng và lấy đó làm răn. Song bên cạnh đó, trong tác phẩm cũng có

Truyện Hà Ô Lôi, tuy còn mờ nhạt nhưng cũng đã thấy hình bóng của tác giả và sự hư

cấu nghệ thuật. Trong truyện này, nhân vật không còn là tấm gương sáng treo trước cuộc đời để lấy đó răn dạy, bái tưởng mà đó là con người đời thường, hết sức trần tục cả trong suy nghĩ và hành động. Đây là dấu hiệu cho thấy bước tiến mới của văn học trung đại trong giai đoạn sau. Qua tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, ít nhiều thấy

được “lòng yêu, ghét của nhân dân, yêu chính nghĩa, ghét phi nghĩa, yêu điều thiện,

ghét điều ác, yêu cái gì có lợi cho nhân dân, ghét cái gì có hại cho nhân dân, đề cao những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người” [25, tr. 28]. Dù còn nhiều hạn chế

do chịu sự hạn chế của ý thức hệ phong kiến, ảnh hưởng Nho giáo, nhưng Vũ Quỳnh và Kiều Phú vẫn đánh giá cao những truyện trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, Vũ Quỳnh nói “ôm lấy mà đọc”, Kiều Phú thì thấy rằng “đem biểu dương mà nêu ra

chẳng là điều nên làm hay sao” [25, tr. 28].

Trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc, Lĩnh Nam chích quái lục là tác phẩm có vị trí quan trọng, là cầu nối cho sự hình thành và phát triển của văn học giai đoạn sau, đặc biệt là sự phát triển của thể loại truyện truyền kỳ. Đồng thời cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn là những kiến thức, dữ liệu, tiền đề lí thuyết, đóng vai trò nền

tảng, giúp cho việc nghiên cứu, triển khai luận văn ở những chương sau cụ thể và đạt hiệu quả nghiên cứu, khai thác được nhiều giá trị còn tiềm ẩn của văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X – XIV nói chung và những giá trị của tác phẩm Lĩnh Nam chích

quái lục nói riêng.

Tiểu kết chương 1

Như vậy trong chương một của đề tài luận văn, chúng tôi đã tìm hiểu một số vấn đề cốt yếu, có liên quan đến việc triển khai những vấn đề của đề tài từ cơ sở lí luận đến cơ sở thực tiễn.

Về cơ sở lí luận, chúng tôi trình bày các khái niệm cơ bản: khái niệm tự sự, tự sự học, nhân vật văn học và các kiểu loại nhân vật. Đó là tiền đề lí thuyết, là cơ sở để làm căn cứ phân tích sâu hơn các yếu tố trong các truyện của tác phẩm Lĩnh Nam chích

quái lục.

Về cơ sở thực tiễn, chúng tôi trình bày một số vấn đề như vấn đề tác giả, bối cảnh lịch sử, kinh tế, văn hóa, văn học của giai đoạn từ thế kỉ X – XIV nói chung và những nét chính về tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục nói riêng. Tuy về vấn đề tác giả còn khá nhiều ý kiến, nhưng về cơ bản, các nhà nghiên cứu có chung nhận định Trần Thế Pháp là tác giả của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục. Những câu chuyện trong tác phẩm đều thể hiện tình yêu đất nước, thiên nhiên, tình cảm gia đình, lòng tự hào, tự tôn dân tộc mãnh liệt, tự hào về hạo khí, anh linh của cõi Lĩnh Nam, được gửi gắm vào hình tượng các nhân vật. Cốt truyện tuy còn đơn sơ, chưa thoát hẳn hình thức kể chuyện và kết cấu của văn học dân gian nhưng cũng đã khẳng định được sự phát triển mới so với văn học dân gian qua việc xây dựng một số ít hình tượng nhân vật dần thoát khỏi hình thức nhân vật chức năng.

Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi triển khai những nội dung khoa học cụ thể ở các chương sau của luận văn.

Chương 2

MÔTÍP, ĐẶC ĐIỂM VÀ TỔ CHỨC HỆ THỐNG SỰ KIỆN VỀ NHÂN VẬT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trong lĩnh nam chích quái lục từ góc nhìn tự sự học (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)