7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Khái quát chung về hệ thống nhân vật trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quá
Hệ thống nhân vật trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục khá đa dạng với các loại nhân vật như nhân vật thần linh, thần nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử, văn hóa, con người trần tục,… Các nhân vật tuy có những nét khác nhau về ngoại hình, xuất thân, hành vi,… nhưng đa số đều là những tấm gương để mọi người noi theo nên yếu tố nhân vật được đặt lên hàng đầu. Nhân vật đó xuất hiện trong tác phẩm nhằm thể hiện một chức năng nào đó, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, mục đích chính trị,… của con người. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục có thể chia thành hai loại đó là nhân vật được xây dựng bám sát vào lịch sử, là những tấm gương anh hùng, liệt nữ trong lịch sử, thần linh có công giúp vua, giúp nước và những nhân vật được xây dựng như những con người bình thường, mang tính cách, số phận,… như con người trong đời sống thực, nhằm phản ánh một tư tưởng, thể hiện một quan điểm nào đó mà không hẳn nhằm thực hiện chức năng tôn giáo, lễ nghi,…
Như đã trình bày ở chương một, phần cơ sở lí luận, nhân vật chức năng được xem như một hiện tượng lịch sử. Trong thời cổ đại và trung đại, con người chỉ là thứ yếu trong văn học, trọng tâm của văn học thời kì này chủ yếu dồn vào sự kiện và xung đột. Hầu hết các nhân vật trong văn học cổ đại và trung đại, đặc biệt là nhân vật trong các sáng tác truyền miệng như trong văn học dân gian, thời kì đầu của văn học trung đại, đều là những nhân vật chức năng. Trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, số lượng nhân vật chức năng rất nhiều, điều này được thể hiện rất rõ qua từng truyện.
Có thể nói, đất nước Đại Việt tuy nhỏ bé nhưng đâu đâu cũng có anh tài, hào kiệt. “Nhân kiệt, địa linh, hạo khí của núi sông đều là những yếu tố đảm bảo cho tương
lai dân tộc, quan trọng, là điểm tựa tinh thần cho dân tộc vượt qua những cơn hiểm nghèo. Một đất nước như vậy, không một thế lực nào có thể xâm phạm được. Đó là nội dung nổi bật của văn xuôi tự sự thế kỉ X – XIV” [19, tr. 23]. Trong mỗi câu chuyện sẽ
có những nhân vật chức năng, qua nhân vật đó tác giả nhằm thể hiện tư tưởng, mục đích của mình. Ví dụ Truyện Họ Hồng Bàng trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, tác giả có nhắc đến hai nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ, khiến người đọc liên tưởng
đến cội nguồn của tổ tiên và thể hiện sự tự hào về cội nguồn của dân tộc mình. Trong
Truyện Họ Hồng Bàng có kể rằng: “ Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, cai trị phương Bắc. Dân phương Nam khổ vì bị quân người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi, ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân”. Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ dung mạo đẹp đẽ kì lạ trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ...Âu Cơ vui lòng theo Long Quân” [25, tr. 35-36]... Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc...qua sáu, bảy ngày bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai... Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹ đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng, cho là chuyện phi thường... Long Quân nói: “Ta là nòi Rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia li. Ta đưa năm mươi con về phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Đó trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy” [25, tr. 37-38]. Qua câu chuyện xoay
quanh nhân vật Lạc Long Quân và Âu Cơ, mối quan hệ, hành động của các nhân vật trong Truyện Họ Hồng Bàng nhằm lí giải về nguồn gốc của dân tộc ta, gợi sự tự hào về dòng giống Tiên, Rồng. Mọi hành động, việc làm của nhân vật từ đầu tới cuối đều chỉ nhằm thể hiện được ý nghĩa đó. Nhân vật cũng không được miêu tả cụ thể, không đi sâu vào nội tâm nhân vật, mọi hành động,việc làm, của nhân vật đều thể hiện chức năng mà nhân vật đó đảm nhiệm.
Trong Truyện Đổng Thiên Vương, sự ra đời kì lạ của Đổng Thiên Vương, hình ảnh Đổng Thiên Vương được xây dựng oai phong, dũng cảm đánh thắng quân giặc, nhằm mục đích ca ngợi nhân vật anh hùng, hào kiệt, nhân tài của dân tộc. Đồng thời qua hình tượng nhân vật, lí giải được vì sao ngày nay còn lại những vết tích, đền thờ Phù Đổng Thiên Vương.
Nhân vật chức năng thường được miêu tả đơn giản, một chiều, nhằm phục vụ chức năng nhận thức, lí giải cuộc sống. Nhân vật chức năng thường không có nội tâm, tính cách. Đa số các nhân vật trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục là nhân vật chức năng. Nhân vật không có tính cách rõ ràng, đời sống nội tâm không được miêu tả. Mọi
thứ dừng lại ở việc miêu tả khách quan, nhằm toát lên được chức năng mà nhân vật cần phản ánh và thực hiện.
So với các nhân vật khác trong tác phẩm, nhân vật Hà Ô Lôi có thể xem đó là một hiện tượng ngoại lệ. Nhân vật Hà Ô Lôi trong Truyện Hà Ô Lôi là nhân vật mang những nét tính cách đời thường với khá nhiều những ham muốn trần tục. Đó là con người có cá tính, nội tâm nhân vật cũng bước đầu được thể hiện. Nhân vật có suy nghĩ, hành động, biết mưu mô, tính toán để đạt được mục đích. Có thể nói ở truyện ngắn này, nhân vật thần linh, anh hùng, hào kiệt,... đã bị hạ bệ, thay vào đó là hình ảnh của một con người đời thường, mang ham muốn tự nhiên nhất theo bản năng của con người trong đời sống hiện thực.
Trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, chúng tôi sẽ nghiên cứu nhân vật dưới góc nhìn tự sự học qua các phương diện cụ thể ở chương hai là: môtíp, đặc điểm nhân vật, tổ chức hệ thống sự kiện. Chương ba chúng tôi nghiên cứu về điểm nhìn trần thuật, không gian, thời gian và ngôn ngữ trần thuật.