7. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Thời gian nghệ thuật
Văn học thuộc loại nghệ thuật thời gian, hình tượng của văn học mở dần ra trong thời gian. “Văn học có thể tạo ra được những dòng thời gian có nhịp độ, độ dài riêng
để phản ánh hiện thực. Văn học có thể “kéo căng” thời gian bằng cách miêu tả chi tiết những giây phút hệ trọng của con người như giây phút Kiều thắp hương trước mộ Đạm Tiên trong Truyện Kiều. Văn học lại có thể “dồn nén” thời gian bằng cách tái hiện một khoảng thời gian dài trong một dòng trần thuật ngắn, chẳng hạn đoạn tả những ngày ê chề triền miên của Kiều ở lầu xanh trong Truyện Kiều. Nhà văn có thể làm cho thời gian trôi nhanh hay chậm, đều đặn, êm đềm hay biến động căng thẳng. Nhà văn lại có thể tạo ra những liên hệ thời gian, có khi rất xa nhau giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhà văn lại có thể dẫn dắt người đọc đi cùng chiều với thời gian tự nhiên, nhưng cũng
có thể dắt học đi ngược lại với thời gian, từ hiện tại trở về quá khứ, chẳng hạn như những đoạn hồi tưởng. vấn đề không chỉ là sự tương đồng giữa dòng ngôn từ trần thuật với dòng thời gian khách quan, mà còn là sự tương quan với dòng thời gian cảm thụ, tương quan giữa các lớp, các đoạn thời gian khác nhau của hiện thực. Chính điều đó đã làm cho văn học có thể chiếm lĩnh đời sống trên một tầm sâu rộng mà điêu khắc, hội họa khó bề đạt tới” [18, tr. 189].
Thời gian trong văn học trung đại mang tính toàn vẹn, khi kể về một sự kiện người ta sẽ kể từ đầu đến cuối, khi kể về một con người, người ta sẽ kể thời gian từ khi người đó sinh ra đến khi người đó chết đi, cuộc đời có những diễn biến gì, dẫn dắt người đọc đi cùng chiều với thời gian tự nhiên. Thời gian trong truyện thường bị chi phối bởi thời gian lịch sử. Trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục nói riêng và trong tác phẩm văn xuôi tự sự thời trung đại giai đoạn từ thế kỉ X - XIV nói chung, thời gian bắt đầu câu truyện thường nhắc đến ngày đăng quang, niên đại của các vị vua. Trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục, thời đại và niên hiệu luôn
được chỉ ra, tuy đại khái hoặc có lúc xác thực nhưng đều có tính ước lệ của truyền thuyết. “Lĩnh Nam chích quái đã sáng tạo một thời điểm khởi đầu cho thời gian lịch
sử Việt Nam bằng cách thuật lại thời gian gia phả với sự kế tiếp của các thế hệ. Ở đây có gia phả họ Thần Nông Viêm Đế, từ Thần Nông, qua Đế Minh, đến Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du Võng, dòng họ Thần Nông tới đây thì hết. Nhánh Lộc Tục Kinh Dương Vương sinh ra Sùng Lãm Lạc Long Quân, 50 con trai theo cha về Thủy phủ xưng là nòi Rồng, 50 con trai theo Âu Cơ về Phong Châu lập nước Văn Lang, đời đời cha truyền con nối theo họ Hùng Vương, điểm khởi đầu đây là trăm con trai Long Quân… Sau thời gian gia phả là thời gian thời đại niên đại. Thời thượng cổ (truyện Hồ Tinh, Mộc Tinh, Ngư Tinh, Cây cau), thời Hùng Vương (Truyện Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch,…), và thời gian có niên đại lịch sử cụ thể” [39, tr.
371]. Thời gian lịch sử có vai trò quan trọng, nó giúp hình dung được chuỗi sự việc liên tục sau trước của tiến trình lịch sử.
Thời gian trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục mang tính chất thần thoại, vĩnh hằng, “thời gian thần thoại, vĩnh hằng không có bình diện sau, không có viễn cảnh
thấy thiếu thời gian cho nên muốn trần thuật bao nhiêu cũng được, muốn dừng lại bao lâu cũng được” [39, tr. 375]. Trong Truyện Họ Hồng Bàng, thời gian khép kín trong
thế giới thần thoại, thời gian chỉ có trước sau, không có độ dài, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ vào lúc Xuy Vưu làm loạn chống Viêm Đế và hoàng đế ở phương Bắc, trải qua bao nhiêu đời Hùng Vương nhưng mỗi đời trị vì bao nhiêu năm lại không biết là bao lâu. Trong truyện tác giả dừng lại ở thời điểm nào cũng được. Long Quân vừa được kể đang ở Thủy phủ nhưng lại xuất hiện tại thời điểm dân phương Nam kêu cầu ngay. Thời gian linh hoạt không theo trật tự. Trong Truyện Núi Tản Viên, đang kể chuyện Vương nhổ nước bọt vào bùa yểm của Cao Biền đời nhà Đường nhưng sau đó lại ngược thời gian kể chuyện tranh chấp giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh ở đời Hùng Vương thứ 18. Việc phá vỡ trật tự sau trước này nhằm khẳng định vị trí oai linh của thần trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
Thời gian trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục còn mang tính khép kín. Mở đầu các câu chuyện bằng cách giới thiệu xuất thân, lai lịch của nhân vật, yếu tố truyện sử vẫn còn nhiều. Nhưng trong một số truyện, thời gian truyện khép kín, câu chuyện được trình bày trong khoảng mở đầu và kết thúc. Thậm chí, thời gian trong truyện còn mang bình diện thứ hai, gây cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng, suy nghĩ, kiểu kết thúc mở cho người tiếp nhận suy nghĩ.
Trong Truyện Hà Ô Lôi, quá trình kể về nhân vật Hà Ô Lôi thời gian trần thuật có chút khác biệt. Mở đầu truyện là quá trình thụ thai và ra đời thần kì của Hà Ô Lôi. Ngay sau đó, thời gian trôi đi, mười hai năm sau Hà Ô Lôi cũng đã được mười hai tuổi, thời gian đã được “dồn nén” lại từ ba ngày đến mười hai năm sau, thể hiện qua lời trần thuật “ba hôm sau, Vũ thị sinh ra một bọc đen, nở được một con trai, da đen như mực.
Năm mười hai tuổi, đặt tên là Hà Ô Lôi” [25, tr. 117]. Sau đó, thời gian trong truyện
tiếp tục được “dồn nén” cùng với sự lớn lên của Hà Ô Lôi từ năm mười hai tuổi lên mười lăm tuổi, khoảng thời gian ba năm được rút ngắn lại chỉ bằng một câu trần thuật “năm mười lăm tuổi, vua triệu vào hầu, được rất mực yêu dấu, đãi như tân khách” [25, tr. 117]. Thời gian trong truyện tiếp tục được thay đổi linh hoạt, cự li giãn cách giữa các mốc thời gian được thu hẹp lại, “hồi đó vào khoảng tháng năm, tháng sáu,… ba
ngày,… một tháng sau”,… Thời gian không rộng lớn, thời gian trần thuật thay đổi linh
hoạt, gần với đời sống sinh hoạt của con người. Cuối truyện, thời gian quá khứ được nhắc lại qua lời độc thoại, hồi tưởng của Hà Ô Lôi về câu nói của Lã Động Tân trong quá khứ “Xưa Động Tân bảo ta rằng: thanh sắc của người bù mất được nhau lời ấy
nghiệm thật !” Nói rồi bèn chết” [25, tr. 123]. Chính những biểu hiện đó của thời gian
trong truyện Truyện Hà Ô Lôi đã làm nên sự khác biệt, nhân vật và đời sống của nhân vật gần gũi với cuộc sống bình thường của con người. Trong Truyện Hà Ô Lôi, thời gian và không gian đều được thu hẹp, không gian cụ thể, chi tiết, thời gian cũng chi tiết hơn. Kết thúc truyện có tính chất mở, tạo dư vị bâng khuâng, suy nghĩ cho người đọc.
Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Thời gian nghệ thuật có thể dồn nén hoặc kéo dài, đảo ngược quay về quá khứ hoặc có thể bay vượt tới tương lai xa xôi. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức. Thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thời gian đã có giới hạn cụ thể, co lại hay giãn ra đều nhằm thực hiện việc phản ảnh tư tưởng và ý đồ của nhà văn. “Không gian và thời gian trong văn học rất tiêu biểu
cho khả năng chiếm lĩnh đời sống rộng, sâu và nhiều mặt của nghệ thuật ngôn từ”[18,
tr. 190].