7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Môtíp báo mộng
Cũng giống như môtíp thụ thai và sinh nở thần kì, môtíp báo mộng là môtíp quen thuộc của văn học dân gian, nhất là trong truyện cổ tích và truyền thuyết. Chẳng hạn, trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy, Lang Liêu nhờ có thần báo mộng nên đã làm được đồ lễ Tiên Vương được nhà vua ưng ý “một đêm, chàng nằm mộng thấy
thần đến bảo: “Trong trời đất không gì quí bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương” [27, tr. 10]. Nhân vật báo mộng thường là thần linh,
tiên, bụt, là phúc thần luôn giúp đỡ kẻ yếu thế và mang hạnh phúc đến cho mọi người. Đến Lĩnh Nam chích quái lục, môtíp báo mộng được tác giả sử dụng nhiều.
Nhân vật báo mộng thường là các vị thần hoặc những anh linh, hào kiệt, liệt nữ sau khi thác đi, họ vẫn báo mộng cho vua, quan để giúp dân, giúp nước. Sau khi công việc hoàn thành, họ được vua, quan và nhân dân lập miếu điện để thờ phụng, tỏ lòng biết ơn với những công đức mà họ đã làm được. Truyện Hai bà trinh linh phu nhân họ Trưng, bà Trưng sau khi mất “người trong châu thương cảm, lập miếu ở bờ sông Hát để phụng thờ… Thời Lý Anh Tông gặp đại hạn, vua sai Cảm Tĩnh thiền sư cầu mưa. Một hôm mưa xuống, mát lạnh thấu người. Vua mừng, ra xem, tự nhiên ngủ thiếp đi, mộng thấy hai người con gái đội mũ phù dung, mặc áo xanh, thắt lưng đỏ, cưỡi ngựa sắt theo gió lướt qua. Vua lấy làm lạ bèn hỏi. Hai người trả lời rằng: “Chúng ta là hai chị em họ Trưng, vâng mệnh thượng đế làm ra mưa”. Vua tỉnh mộng cảm kích, ra lệnh
tu sửa đền, đem lễ đến dâng” [25, tr. 83]. Trong Truyện Sông Tô Lịch, Cao Biền vì
mộng cảnh báo nhưng Biền không nghe nên đã làm thần nổi giận rồi sau này gặp họa: “Đêm nằm mộng thấy thần nhân đến nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ,
đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây ta chưa được gặp cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?”. Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết để phù yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng reo hò, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tàm được cử sang thay” [25, tr. 91-92]. Truyện Sông Tô Lịch, qua việc sử
dụng môtíp báo mộng, thể hiện sự linh ứng của thần linh, trừng trị những kẻ xâm lược và làm trái lời cảnh báo của thần linh.
Trong môtíp báo mộng, nhân vật báo mộng chủ yếu là thần linh. Khi còn sống họ là những người anh hùng, hào kiệt, liệt nữ, là anh linh của đất Việt. Khi thác đi, họ vẫn giúp dân,giúp nước. Chính môtíp báo mộng đã để cho nhân vật thêm một lần nữa lập nên công trạng. Môtíp báo mộng không chỉ thể hiện sự ngợi ca công đức của các vị anh hùng, hào kiệt mà còn đề cao vị trí của thần linh, sự linh ứng của thần linh, của hạo khí tự nhiên đầy huyền bí trong cõi Lĩnh Nam.