Tình hình phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới tại huyện mai sơn, tỉnh sơn la (Trang 25 - 30)

4. Ý nghĩa của đề tài

1.2. Cơ sở thực tiễn về xây dựng nông thôn mới

1.2.1. Tình hình phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

1.2.1.1. Tình hình phát triển nông thôn

Kế thừa thành tựu xây dựng nông thôn trong những giai đoạn trước, trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp liên tục.

Trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016), nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,06%/ năm giai đoạn (1986 - 2015). Việt Nam đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3% so với 2,6% (2012 - 2013), đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng cao.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (2,6 - 3%). Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đã tăng từ 54,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên khoảng 82 - 83 triệu đồng/ha năm 2015; cứ mỗi ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 103,8 triệu đồng/ha (2013) lên khoảng 183 triệu đồng/ha (2015). Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010 (đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD. Mặc dù, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh không cao, nhưng nông nghiệp là ngành duy nhất có xuất siêu, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản đa dạng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, các mặt hàng gỗ và thủy sản.

Thứ hai, chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, nhờ đó nhiều vùng nông thôn đã đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã tăng. Tính đến hết năm 2017 đã có 3.069 xã (đạt 34,4%) và có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chính sách phát triển nông nghiệp đã làm thay đổi rõ rệt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xóa đói, giảm nghèo với tốc độ khá nhanh trên thế giới. Trung bình mỗi năm khoảng 2% dân số thoát khỏi đói nghèo.

Thứ ba, hệ thống thủy lợi, đê điều, giao thông nông thôn tiếp tục được nâng cấp, đầu tư.

Hệ thống thủy lợi, đê điều được phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống giao thông trong nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Thứ tư, tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được thành công bước đầu.

Chương trình tái cơ cấu nông ngiệp được triển khai trên cơ sở phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Giữ ổn định 3,8 triệu ha đất trồng lúa nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống người trồng lúa. Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Thu nhập lao động nông nghiệp năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn được triển khai mạnh mẽ, thu hút đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã... tham gia.

1.2.1.2. Tình hình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành, địa phương. Các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân đã đạt được kết quả bước đầu khả quan.

Qua 7 năm (2010 - 2017) triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước; bộ máy chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức thống nhất, đồng bộ. Các cơ chế chính sách được ban hành khá đồng bộ và kịp thời. Nhận thức về Chương trình từ các cấp ủy, chính quyền đến người dân được nâng cao; công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội có chuyển biến rõ rệt. Nguồn lực đầu tư cho Chương trình ngày càng tăng, mặc dù ngân sách Trung ương hỗ trợ còn có hạn, nhưng các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn lực từ ngân sách địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, từ các nguồn vốn tín dụng và thu hút, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp và đóng góp tự nguyện của người dân.

Từ chỗ người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM.

Năng lực đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, đã được nâng lên rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và tổ chức thực hiện chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của nhiều khu vực dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã, đạt 34,4% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân/xã là 14,25 tiêu chí.

Ở cấp huyện, đã có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn năm 2017 đã đạt 32 triệu đồng/năm, tăng khoảng 3,5 lần so với năm 2008.

* Một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM ở Việt Nam:

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ triển khai nhìn chung còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu; trong thực hiện các nội dung xây dựng NTM còn quá tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu của

Chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu sát; một số cơ chế, chính sách, không phù hợp, chậm được bổ sung điều chỉnh, sửa đổi; công tác sơ kết, nhân rộng mô hình chưa được thường xuyên, kịp thời; bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa đủ mạnh; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phương thức tổ chức mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng. Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tuy có giảm nhưng vẫn cao, thu nhập và mức sống của nông dân còn khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa được giải quyết có hiệu quả, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp; hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Nguồn lực Trung ương và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp nhiều so với yêu cầu thực tế.

* Bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới

Xây dựng NTM phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của Ban Chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện Chương trình.

Tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân thực sự làm chủ thể, phát huy vai trò tích cực của các thôn, bản, ấp trong xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình.

Nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu cấp thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; nguồn lực cần có để xây dựng NTM là rất lớn, cần xuất phát từ nội lực là chính nhằm đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, trong điều kiện mức tích luỹ của người dân nông thôn còn thấp như hiện nay nhất là tại các vùng thuộc diện đặc biệt khó khăn thì để đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đầu tư lớn từ ngân sách; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến trên diện rộng thì mới có nguồn lực tạo bước đột phá trong xây dựng NTM.

Mô hình NTM cấp xã được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương. Nhà nước hỗ trợ một phần trực tiếp cho các xã; đồng thời khơi dậy tinh thần và sức dân đóng góp tích cực tự giác vào xây dựng làng quê của mình. Các hoạt động cụ thể của từng mô hình thí điểm do chính người dân ở đó bàn bạc dân chủ, công khai và quyết định trên cơ sở các quy chuẩn của nhà nước có sự tư vấn của cán bộ chuyên môn; Các cấp uỷ Đảng và Chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, tổ chức điều hành quá trình hoạch định và thực thi chính sách, cơ chế, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nguồn lực, tạo điều kiện, động viên tinh thần... cho người dân thực hiện vai trò làm chủ thông qua cộng đồng.

Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, vươn lên của nông dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú làm nền tảng tinh thần của giai cấp nông dân, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới tại huyện mai sơn, tỉnh sơn la (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)