5. Cấu trúc của luận văn
1.3. Cơ sở thực tiễn quản lý Quỹ HTND
1.3.1. Kinh nghiệm quản lý Quỹ HTND ở tỉnh Thái Bình
Năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2010-2015, một vấn đề cấp bách được đặt ra là sinh kế bền vững cho số hội viên nông dân trong diện thu hồi đất sẽ như thế nào. Ngay lập tức, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình xây dựng đề án Thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.
Theo Đề án, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng là những người lao động thuộc gia đình hộ nông dân bị Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp có nhu cầu và đăng ký học nghề, với mức hỗ trợ 100% tiền học phí học nghề theo quy định mức đóng học phí học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề theo từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ nông dân còn hỗ trợ lãi suất tiền vay được áp dụng cho hộ gia đình nông dân bị Nhà nước thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên từ ngày 1/1/2003, được vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình trong giai đoạn 2010 - 2015, với mức hỗ trợ bằng phần chênh lệch lãi suất giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Như vậy, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Bình đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, thúc đẩy, phân công lại lao động xã hội.
Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội nông dân và Hội nông dân các cấp trong tỉnh Thái Bình đạt 16,7 tỷ đồng cho trên 1.600 hộ vay thực hiện 35 dự án. Trong đó, 19 dự án được vay quay vòng trên 6,6 tỷ đồng, đầu tư thâm canh cây trồng, phát triển chăn nuôi bò, nuôi lợn, nuôi trồng thuỷ hải sản.
Với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân ở mức 25 - 30 triệu đồng một hộ, song với các mô hình phát triển kinh tế như gia trại nông dân cần có sự hỗ trợ được vay các nguồn đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả.
Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Bình cũng là một trong những tỉnh đầu tiên hoạt động độc lập như một ban của Hội Nông dân tỉnh, với các cán bộ chuyên trách, không kiêm nghiệm, có trụ sở, con dấu và cơ sở vật chất khác riêng biệt.
Có thể nói, với cơ chế đề xuất linh hoạt, đúng lúc, đúng chỗ mà Thái Bình trở thành địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân hoạt động độc lập với tư cách pháp nhân đầy đủ. Đến nay, tuy nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân còn khiêm tốn, nhưng hiệu quả mà quỹ đem lại rất lớn, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn, hạn chế tệ nạn xã hội, tăng thu nhập cho nông dân nghèo, nhiều hộ được vay vốn đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
1.3.2. Kinh nghiệm quản lý Quỹ HTND ở Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là tỉnh nằm trong khu vực bắc miền trung, do có nhiều yếu tố bất lợi về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, thời tiết nên so với các tỉnh, thành trong cả nước, Hà Tĩnh vẫn là một trong những tỉnh nghèo. Hà Tĩnh là có tổng dân số 1.237.686 người, trong đó dân số sống tại khu vực nông thôn là 1.042.621 người chiếm tỉ lệ 84,2%, tỉ lệ hộ nghèo (14,2%) và hộ cận nghèo (15,3%) đang chiếm tỉ lệ tương đối cao, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, mặc dầu so với những năm trước tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể, tuy nhiên tính bền vững chưa cao, không ít nông dân thoát nghèo rồi
lại tái nghèo, đòi hỏi nhiều giải pháp và hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các nguồn lực của Nhà nước.
Sau 17 năm, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân, đến nay Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quản lý 8.064 triệu đồng (trong đó nguồn TW Hội phân bổ: 7.250 triệu đồng, nguồn của tỉnh huy động xổ số là: 306 triệu đồng, nguồn cấp huyện,thành, thị Hội quản lý, huy động bằng hình thức quyên góp, huy động ủng hộ 508 triệu đồng. Bằng hình thức cho vay theo phương án sản xuất kinh doanh đề xuất từ nhóm hộ ở cơ sở, Mỗi năm Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã cho nông dân vay thông qua 29 dự án cho vay, Hội đã kết hợp việc cho vay vốn với chỉ đạo các mô hình kinh tế trên các đối tượng cây con, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Hội nông dân tỉnh đã tập trung việc cho vay vốn kết hợp xây dựng các mô hình theo các đối tượng cây con chủ lực của tỉnh, như việc kết hợp nuôi lợn quy mô nông hộ, kết hợp bể Bioga, phát triển các mô hình chăn nuôi hươu quy mô 10 con, nuôi trâu bò với quy mô 5-7 con/hộ, phát triển sản xuất các mặt hàng thuỷ sản, chế biến hải sản, phát triển các loại sản phẩm cây trồng của địa phương (có danh mục kèm theo). Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong thời gian qua đã phát huy được vai trò và có ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, giải quyết việc làm cho hội viên nông dân, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, kết quả cụ thể như sau: Từ khi hình thành Quỹ hỗ trợ nông dân đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân đã cung ứng cho 2820 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh, giúp giải quyết 2535 lao động không có việc làm, giúp 824 hộ nông dân được thoát nghèo và nâng cao thu nhập và hiệu quả lao động cho hơn 2620 hộ vay vốn.
Trong quá trình xây dựng, quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thể hiện được năng lực của đội ngũ cán bộ Hội, việc quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ nông dân được cán bộ Hội đảm nhiệm tốt, quản lý tín dụng uỷ thác được thực hiện đúng quy định, nguồn vốn được bảo toàn, công tác thu hồi nợ đến hạn và lãi thực hiện theo đúng quy định và luôn đạt
100%. Việc quản lý điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân giúp các cấp Hội tập hợp, thu hút được nông dân vào Hội, hoạt động của Hội ngày càng thực chất, đáp ứng được quyền và lợi ích của hội viên nông dân.
Hiện nay nhu cầu vay vốn của Hội viên nông dân là rất lớn, Vốn vay từ các tổ chức tín dụng chỉ đảm bảo được phần nào nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của nông dân. Việc tạo được nguồn vốn chủ động giải quyết kịp thời cho nông dân là trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân góp phần nâng cao vị thế và thu hút, gắn bó hội viên với tổ chức Hội.
1.3.3. Một số bài học kinh nghiệm đối với Bắc Kạn
Từ kinh nghiệm của Thái Bình và Hà Tĩnh, có thể giúp ích cho Bắc Kạn rất nhiều trong việc hoàn thiện công tác quản lý Quỹ Hỗ hỗ trợ nông dân của tỉnh:
Một là, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân hoạt động độc lập, không kiêm nhiệm, năng lực quản lý về tài chính của Quỹ Hội được đảm nhiệm tốt, quản lý tín dụng uỷ thác được thực hiện đúng quy định đây là bước đầu tiên để hoàn thiện quy trình quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân.
Hai là, Quỹ HTND của Hội từ cấp trung ương đến cấp địa phương chủ động chuyển hình thức cho vay vốn nhỏ đối với hộ nông dân phân tán sang cho vay theo dự án, gói giá trị sản phẩm từ sản xuất đến thị trường có địa chỉ - do các tổ, nhóm nông dân hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.
Ba là, sự ủng hộ, quan tâm của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền có ảnh hưởng rất lớn tới Quỹ hỗ trợ nông dân. Muốn cho hoạt động của Quỹ sôi nổi, đậm nét, cần có sự tham gia trực tiếp của các ban, ngành vào Ban điều hành Quỹ. Hơn nữa, với sự tham gia của các ban ngành, mục đích, quy chế, hoạt động... của Quỹ hỗ trợ nông dân được toàn xã hội hiểu, chia sẻ nhiều hơn.
Bốn là, Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội Nông dân phải đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất kinh doanh, Tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình điểm, khích lệ hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao.