Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Khái quát về địa bàn tỉnh Bắc Kạn
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Bắc Kạn nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ Việt Nam; có địa giới tiếp giáp với 4 tỉnh trong khu vực, cụ thể:
Phía Bắc giáp các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, tỉnh Cao Bằng; Phía Đông giáp các huyện Tràng Định, Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; Phía Tây giáp các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Phía Nam giáp các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Thành phố Bắc Kạn là trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội 170km theo đường Quốc lộ 3. Khoảng cách từ tỉnh Bắc Kạn đến cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh - tỉnh Lạng Sơn khoảng 200km; từ Bắc Kạn đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và cảng Hải Phòng chỉ trên 200km. Do đó việc giao thông, trao đổi hàng hóa từ Bắc Kạn đến các tỉnh lân cận là khá thuận tiện. Quốc lộ 3 nối từ Hà Nội đến cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) hiện đã được cải tạo, nâng cấp. Đặc biệt, tuyến đường Bắc Kạn - Chợ Mới chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và thông thương hàng hóa.
3.1.1.2. Địa hình
Địa hình Bắc Kạn bị chi phối bởi những dãy núi cánh cung lồi về phía Đông, bao gồm những “nếp lồi” và “nếp lõm” xen kẽ nhau.
Bắc Kạn có địa hình núi cao, cao hơn các tỉnh xung quanh và bị chi phối bởi các mạch núi cánh cung kéo dài từ Bắc đến Nam ở hai phía Tây và Đông của tỉnh.
Trong đó, cánh cung Ngân Sơn nối liền 1 dải chạy suốt từ Nặm Quét (Cao Bằng) dich theo phía Đông tỉnh Bắc Kạn đến Lang Hít (phía Bắc tỉnh Bắc Kạn) uốn thành hình cánh cung rõ rệt. Đây là cánh cung đóng vai trò quan trọng trong địa hình của tỉnh, đồng thời là ranh giới khí hậu quan trọng. Dãy núi này có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Cốc Xô cao 1.131m, đỉnh Phia Khau cao 1.061m…
Cánh cung sông Gâm kéo dài dọc theo phía Tây của tỉnh. Cấu tạo chủ yếu là đá phiến thạch anh, đá vôi, có lớp dài là đá kết tinh rất cổ. Khu vực này có nhiều đỉnh núi cao thấp khác nhau, trong đó có đỉnh Phja Boóc cao 1.502m và nhiều đỉnh cao trên 1.000m
Xen giữa hai cánh cung là nếp lõm thuộc hệ thống thung lũng các con sông. Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.996ha, trong đó: Đất nông nghiệp (bao gồm cả đất lâm nghiệp) là 459.705ha, chiếm 94,59%; đất phi nông nghiệp là 19.011ha, chiếm 3,91%; đất chưa sử dụng là 7.280ha, chiếm 1,50%. Đất đai tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.
3.1.1.3. Khí hậu
Bắc Kạn nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới khu vực gió mùa Đông Nam Á, gần chí tuyến bắc hơn xích đạo. Ở vị trí này, Bắc Kạn có sự phân hóa khí hậu theo mùa rõ rệt về nhiệt độ, lượng mưa, độ dài ngày và đêm. Lãnh thổ Bắc Kạn nằm giữa hai hệ thống núi cánh cung miền Đông Bắc nên chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu lục địa châu Á, thời tiết lạnh về mùa đông, hạn chế ảnh hưởng mưa bão về mùa hạ.
3.1.1.4. Sông ngòi
Mạng lưới sông ngòi Bắc Kạn tương đối phong phú nhưng đa số là các nhánh thượng nguồn với đặc điểm chung là ngắn, dốc, thủy chế thất thường. Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu. Sông ngòi có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương.
Ngoài hệ thống sông ngòi, Bắc Kạn còn nổi tiếng với hồ Ba Bể. Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất nước ta, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi. Diện tích mặt hồ khoảng 500ha, là nơi hợp lưu của ba con sông Ta Han, Nam
Cương và Cho Leng. Hồ có ba nhánh thông nhau nên gọi là Ba Bể. Hồ Ba Bể đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (năm 1996); xếp hạng là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt (năm 2014)
3.1.1.5. Tài nguyên thiên nhiên a- Tài nguyên đất Bảng 3.1. Tình hình phân bố sử dụng đất đai tỉnh Bắc Kạn Chỉ tiêu 2014 2016 Số lượng (ha) Cơ cấu (%) Số lượng (ha) Cơ cấu (%) TỔNG DT ĐẤT 485.996 100.00 485.996 100,00
1. Đất Nông, lâm nghiệp 435.713 89,65 459.705 94,59
1.1. Đất sản xuất nông nghiệp 43.102 8,87 44.227 9,10
Trong đó:
- Đất trồng cây hàng năm 34.327 7,06 36.006 7,41 - Đất trồng cây lâu năm 8.775 1,81 8.221 1,69 1.2. Đất lâm nghiệp có rừng 375.127 77,19 413.584 85,10 1.3. Đất nông nghiệp khác 17.484 3,60 1.894 0,39
2. Đất phi nông nghiệp 21.455 4,41 19.011 3,91
- Đất chuyên dùng 18.352 3,78 16.425 3,38
- Đất ở 3.103 0,64 2.586 0,53
3. Đất chưa sử dụng 28.828 5,93 7.280 1,50
(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bắc Kạn năm 2016)
Qua bảng 3.1 và biểu đồ 3.1 ta thấy: Tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất nông lâm nghiệp của tỉnh chiếm tỉ lệ cao nhất, năm 2014 đất nông lâm nghiệp là 435.713 ha chiếm 89,65% tổng diện tích tự nhiên, nhưng chủ yếu
là đất lâm nghiệp có rừng là 375,127 ha chiếm 77,19%, trong khi đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 43.102 ha chiếm 8,87%. Diện tích đất phi nông nghiệp giảm năm 2014 là 21.455 ha chiếm 4,41%, đến năm 2016 là 19.011 ha chiếm 3,91%, trong đó giảm nhanh là đất chuyên dùng xuống 3,78% chủ yếu là phục vụ cho các công trình đường giao thông, công trình thuỷ lợi và các công trình công cộng khác.
Biểu đồ 3.1. Tình hình sử dụng đất đai tỉnh Bắc Kạn năm 2014, 2016
* Tài nguyên đất: Kết quả điều tra cho thấy Bắc Kạn có những loại đất chính sau: đất feralit màu vàng nhạt trên núi trung bình (FH) chiếm 13,38% diện tích, phân bố trên tất cả các đỉnh núi cao trên 700 m, trên nền đá mắcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất. Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày. Đất feralit điển hình vùng đồi núi và núi thấp (Ff - Fk): chiếm 71,62% diện tích, phân bố tập trung ở Ba Bể, bắc Chợ
Đồn và Na Rì (Khu vực Kim Hỷ)… Khu vực núi đá vôi thường rất ít đất trong các hang hốc, tầng đất mỏng màu đen, đất rất tốt.
Nói chung, cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đất đai trong tỉnh còn khá tốt và là cơ sở quan trọng để phát triển nông - lâm nghiệp. Năm 2016 đất nông lâm nghiệp có 459.705 ha, chiếm 94,49% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có rừng 413.584 ha, chiếm 85,10% diện tích tự nhiên, nhiều nơi tầng đất dầy, đất đồi núi có lượng mùn cao thuận tiện cho sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.
* Tài nguyên rừng: Là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên rừng khá đa dạng năm 2016 với 413.584ha đất lâm nghiệp, chiếm 85,10% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, đất rừng sản xuất có 295.696ha, chiếm 60,84%; đất rừng phòng hộ là 90.746 ha, chiếm 18,67%; đất rừng đặc dụng là 27.142 ha, chiếm 5,59%.
Bắc Kạn có vị trí địa lý ở vùng giao lưu giữa 2 khu hệ động, thực vật của vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc. Tuy rừng núi không cao nhưng rất đa dạng về địa hình, địa chất và dạng sinh cảnh. Rừng Bắc Kạn có hệ động thực vật phong phú với nhiều nguồn gen quý hiếm. Rừng Bắc Kạn là một tài nguyên quý, phong phú và đa dạng, ngoài khả năng cung cấp gỗ và các loại lâm sản, đây còn là một trong những trung tâm bảo tồn gen động, thực vật quý hiếm của các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam.
* Tài nguyên khoáng sản: Trên địa bàn tỉnh hiện có 273 mỏ và điểm khoáng sản với một số loại khoáng sản chính: Sắt (17 mỏ và điểm khoáng sản, tài nguyên dự báo 10 triệu tấn); chì kẽm (77 mỏ và điểm khoáng sản, tài nguyên dự báo khoảng 4,8 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở vùng Chợ Điền - Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm, Na Rì); đá hoa, đá vôi trắng (trữ lượng đã thăm dò đạt 3,088 triệu m3 đá ốp lát, 19,5 triệu tấn đá làm bột carbonat); đá vôi, vật liệu xây dựng thông thường (trữ lượng đã phê duyệt là 26,6
triệu m3). Ngoài ra, còn có một số loại khoáng sản khác như vàng (19 mỏ và điểm quặng); mangan (7 điểm quặng, chủ yếu phân bố tại huyện Chợ Đồn); đồng, nhôm, thủy ngân, thiếc - vonfram; antimon; photphorit; thạch anh; titan; kaolin; si lic…
Tài nguyên khoáng sản của Bắc Kạn khá phong phú, đa dạng và giàu tiềm năng. Hiện tỉnh đã xây dựng quy hoạch khai thác và sử dụng khoáng sản phù hợp đến năm 2020 [13].