7. Đóng góp của luận văn
2.2.1. Cảm hứng phơi bày tận cùng hiện thực với những “mảng tối”
tối” trong hai tập truyện ngắn
Như đã viết ở phần trên, phạm vi hiện thực được phản ánh trong hai tập truyện của Nguyễn Trí là những mảng hiện thực đặc biệt, phải là người trong cuộc đã lăn lộn nhiều năm với nó mới có thể am hiểu sâu sắc đến thế. Còn những người bình thường chỉ nghĩ đến chuyện đặt chân vào nó đã là một sự khủng khiếp. Đây là lý do hiện thực xã hội được phản ánh trong hai tập truyện ngắn của Nguyễn Trí vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa cũ kĩ, vừa hiện đại, ai đã từng nghe nói, nghe kể nhưng ít người dám đặt chân vào mảnh đất ấy để am hiểu tường tận về nó. Chính vì đặc điểm này mà ít có nhà văn Việt Nam hiện đại nào viết về mảng hiện thực đặc biệt như Nguyễn Trí đã viết. Và đây cũng là lý do để trả lời cho câu hỏi vì sao tác phẩm của người viết trẻ (tuy tuổi đời không còn trẻ) và cũng ít được học hành trong trường lớp lại có sức hút mạnh mẽ đến thế với người đọc và cả giới nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam hôm nay. Trong hai tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Ảo và sợ
Nguyễn Trí cho ta thấy cảm hứng phơi bầy tận cùng hiện thực với những mảng tối ít được phản ánh đã được tác giả chọn lựa để trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo. Đó là mảng hiện thực đào đãi vàng ở các bãi vàng với tất cả sự ô hợp nhốn nháo, bao thảm cảnh và bi kịch, đâm chém và máu
chảy, giang hồ và gái điếm… nhiều khi mồ hôi, máu, bạo lực và tội ác phủ dầy đặc “bề mặt” của hiện thực, còn ở “bề sâu” của hiện thực ấy lại có những giọt nước mắt trong trẻo chảy âm thầm để níu trái tim người đọc ở lại với những trang văn vừa dữ dội, vừa xót xa này.
Mảng tối thứ nhất của bức tranh hiện thực đặc biệt này là khung cảnh bãi vàng Nguyễn Trí có cách miêu tả rất độc đáo bằng một giọng kể chuyện của những ông già Nam Bộ: Ngắn gọn, gợi nhiều hơn tả thi thoảng đan xen bình luận vừa hài hước, vừa xót xa bi thảm: “Ở bãi vàng là gian mảnh, xảo quyệt và tham lam”. Hầm ở đồi Cây Sao thuộc X lơ mơ đừng có đụng vào. Phải có lòng tham vô bờ và có tiền mới dám ghé tay vô. Sao mà khó tin quá, có tiền, bộ điên sao phải lên ma thiêu? Còn lâu mới điên, họ tỉnh rụi, chẳng qua tham quá lớn, niềm tin đến độ cuồng nên bỏ tiền bỏ của để lôi cho bằng được cái quý giá trong lòng mẹ trái đất vào lòng mình [ 82, 15]
Và đây là khung cảnh thiên nhiên của bãi vàng sau khi chịu đựng sự tàn phá của những con người: “Nước cuồn cuộn trên cao đổ về và mưa tận lực rơi. Dòng sông ngầu đục, rác rưởi, cây khô phăng phăng trôi. Hai bên bờ xơ xác buồn thảm. Chòi trại đúng nghĩa rách, chỉ còn trơ lại khung, du cư đã tháo bạt hồi cố hương, hoặc xuống khu vực thấp hơn, tiếp tục hành trình đào xới kiếm tương lai” [ 82, 39]. Đó là những vùng đất dữ mà những giang hồ, hảo hán cùng những kẻ cùng đường vào đấy vừa mưu sinh, vừa nuôi ước mơ đổi đời đã tàn phá tất cả để tìm vàng, tìm đá quý và trần hương. Những cảnh rừng thiêng nước độc, vực thẳm núi cao sông dữ với những hang vàng lở loét, cây rừng bị chặt phá tàn bạo không thương tiếc, nước bị ô nhiễm nặng lề bởi mọi chất thải đổ xuống để con người lại múc lên uống… Đó là không gian hoang tàn dữ dội khi gợi nhớ đến khung cảnh miền Tây nước Mỹ trong cơn sốt tìm vàng, được phản ánh trong truyện ngắn của Jack London nhưng lại đậm màu sắc Việt Nam và đặc biệt đậm màu sắc địa phương với những tên đất, tên sông, cùng ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng dày đặc phương ngữ của miền Trung, miền Nam Nam Bộ. Chính trong mảng tối thứ nhất của hiện thực này
đã xuất hiện mảng tối thứ hai là những con người đặc biệt bằng rất nhiều lý do khác nhau đã dấn thân vào những không gian đặc biệt ấy để đâm chém, sát phạt, để xúc và đổ đi hang núi đất đá mong gạn lại một chút vàng, vài hạt đá quý, phải đi hàng ngàn cây số trong đại ngàn suốt năm này qua năm khác hy vọng gặp được cây bầu dó cổ thụ đang dấu trong nó trầm hương cùng giấc mộng đổi đời. Nhưng hàng vạn người say tìm kiếm rồi ốm, rồi chết vì bạo lực, bệnh tật, đâm chém và các tệ nạn xã hội khác rồi mạng người ấy trở về trắng tay với tư thế của người thất bại. Đây là màn tỷ thí võ nghệ, màn ra mắt của nhân vật Thành Bụi theo đúng luật giang hồ của bãi vàng: “Hiếu kỳ tự động vây một vòng tròn”. Hoàng Má Đỏ đứng giữa hai võ sĩ bất đắc dĩ và tiếng hò reo. Ra vẻ hiểu biết luật đánh đài, Hoàng cũng cấm câu đầu kéo gối,
chớ để thù hận cho con cháu về sau. Đàn anh vừa rút, Đào Ba Lan đã lao vào
Thành Bụi toàn bộ sức mạnh của ma men cùng đòn thế của kẻ biết tý đỉnh võ nghệ. Thành có những hai mươi hai đòn của võ tự do, thuộc lòng chục bài thiệu… Cỡ Đào Ba Lan, Thành hạ không quá một phút ba mươi giây, nhưng không ai hạ bệ đối phương như vậy, phải để họ thua trong chiến đấu kiểu ngang sức ngang tài, có ngã ngựa cũng chỉ vì suông đòn… Với lại phải để cho hiếu kỳ mãn nhãn, sự lạ đâu đến hai lần. Đào Ba Lan cũng direct, bạt xivin,
choa, kutxê, cước tung phần phật, tất cả đều bị điệu nhẩy môđi của Thành hoá
giải. Hiệp một, hiệp hai, ở phút cuối của hiệp thứ ba Thành tung một cản, gót chân trúng vào chấn thuỷ Đào Ba Lan. Huỵnh” [82, 14]. Nhưng trong khung cảnh đâm chém giành giật, đổ máu để sinh tồn ấy - Một khung cảnh giống như một màn đêm đen đặc thi thoảng vẫn loé sáng một vài ánh sao của lòng tốt, tình thương người, thậm chí cả tình yêu, đây là những giọt nước hiếm hoi xuất hiện trong cái xa mạc khô cằn cháy lửa này vẫn đủ để chúng ta nuôi hy vọng về những điều tốt đẹp hơn: “Đi chơi với em nha, anh Thành?/ Anh không tiền em ơi./ Em không lấy tiền, em thích anh. Má Năm, bữa nay tui cho không, biếu không anh Thành đó, tôi nói trước à./ Của mày, mày cho ai kệ mày, nhưng phần của tao là của chung, không là khỏi ăn đi./ Bữa nay tôi ăn cơm quán. Anh Thành bao cơm em nha…/ Mày cà chớn, tao nói thằng Hoàng xáng bạt tai vô mặt. Đồ ngu, làm đĩ mà không lấy tiền ”. [82, 28] Còn đây là
nhóm nhân vật tìm trầm và thành công, nhà văn đã lặp lại một câu văn đã từng xuất hiện miêu tả bãi vàng: “Đời mà. Không gian manh, không xảo quyệt đâu phải cuộc đời” [82, 147], hàng nghìn người thất bại nhóm Dũng Đen thành công nhưng để mang được trầm về thành phố họ đã hai lần phải trả giá đắt: Đầu tiên là cái chết của Phi Long: “Cùng bật dậy, tay lăm lăm rựa ngọn dò xuống suối. Và cùng đứng phắt lại khi thấy Phi Long đang vắt bên bờ suối. Bên cạnh là mọt con hổ mang bành đang phùng mang, cái đầu lắc lư nghênh chiến”. Dũng Đen dợm chân lao xuống, nhưng Ngọc giữ tay lại... Cả ba lật cái xác của đồng đội lên. Thằng bốn đứa con gái, vợ đang mang bầu đứa thứ năm đã chết” [82, 149], trả giá thứ hai là chạm trán toán cướp sử dụng súng M16: “Bỏ ba lô xuống đi Thuỳ. Mấy anh kiểm tra đi. Nhưng… phải có cái chữ nhưng mới ra chuyện. Ba Thuỳ vừa trải qua khủng hoảng. Một thằng bạn thân vừa qua đời, một câu hỏi phải trả lời với vợ bạn… Ba Thuỳ điên lên: Đù má… Bỏ cái con…/ Đoàng – Phát đạn vang lên – kèm tiếng thét của Ba Thuỳ. Nhanh như một tia chớp – Võ sĩ mà - Ngọc lướt thật nhanh đến thằng M16, lưỡi rìu vung lên chém một nhát ngọt như mía vào cái bụng. Ngọt quá, nhanh quá và mạnh quá lưỡi rìu bổ qua sau lưng. Dũng đen cũng nhanh không kém. Mũi rìu cắm thẳng vào mặt một thằng mã tấu. Máu, máu và máu. Dũng Đen chạy đến bên Thuỳ. Viên đạn trúng vào tay. Dân địu là vua sơ cứu vết thương và trầm hương là chúa cầm máu./ Quỳ xuống - Ngọc ra lệnh cho hai thằng còn lại. Trước mũi súng, tất nhiên quỳ./ Muốn sống không? Bà mẹ tụi mày, bỏ nghề ăn cướp đi, có biết tụi tao khổ lắm không? Tay vung lên, karate chặt vào gáy. Người bất tỉnh, kẻ vong mạng.” [82, 151, 152]
Với tập truyện Ảo và sợ chúng ta sẽ gặp những hồi ức của bao tay giang
hồ đã rửa tay gác kiếm, của những tệ nạn xã hội diễn ra ở những góc khuất ở thành phố. Tất cả được miêu tả và lý giải theo luật Nhân quả của đạo Phật và cũng theo triết lý “Ân trả oán đền” của dân gian. Đây là cảnh hai thằng con nghiện đánh lại cha mình: “Oai trị con bằng roi vọt và chửi bới. Hôm đó giận quá thằng cha bạt tai con gái ngay chỗ nó đang vui vẻ. Con bé có lẽ quê với chúng bạn nên mua xăng về tự đốt mình. Đưa lên bệnh viện nhưng không qua
được. Con Huệ cũng phát cuồng từ khi con chết./ Sao thằng Oai lại dạy dỗ chỗ đông người?/ Tại hôm đó nó giận quá. Con gái mà đi những hai đêm hai ngày không về. Nguyên do là bởi vụ việc hai thằng lớn gây ra trước đó./ Vụ gì nữa?/ Hai thằng bị ma tuý cả hai. Nó xuống thăm chú dưới đây. Tao đang giữ tiền công quỹ của chùa, hai anh em mở tủ quơ sạch cả năm mươi triệu bạc. Tao gọi điện nên Di Linh báo cho hai vợ chồng rõ. Việc lại rơi ngay vào ngày đứa cháu gái đi chơi hoang. Vậy nên thằng Oai nổi giận mà ra cớ sự. Minh chép miệng và trời ơi thương cảm./ Nhưng vụ việc chưa ngừng ở đó – Ông Tân tiếp - Chuyện sau mới đau khổ hơn. Hai thằng cháu sau khi sài hết số tiền trộm của chú, mò về kiếm thêm để phục vụ bản thân… Oai phần con gái mới chết, phần vợ ngơ ngẩn như người điên nên không tiếc lời chửi bới hai thằng nghiện. Khùng lên Oai thượng tay hạ chân với con. Nhưng cái khùng của một người thường đâu qua cái điên loạn vì thiếu thuốc của hai thằng nghiện. Chúng đã nhẫn tâm dùng cây đánh lại cha mình” [81, 91]. Nhưng bi kịch trong hiện tại đã có nguồn gốc từ những tội lỗi trong quá khứ: “Ông kể rằng: vụ thó năm cây vàng của chung là đúng, lòng tham đã làm mờ mắt cha con ông. Việc Minh bị bắt cũng có bàn tay ông dính líu” [81, 90].
Truyện ngắn Kì bẻo lại miêu tả những thủ đoạn cờ gian, bạc bịp lừa thiên hạ để vơ vét cho mình: “những con cáo đánh ra một mùi con nai tầm tỷ phú, vậy là tìm cách dụ ra đồng trống để ăn theo. Con nai nhung say mùi vội đi theo, ở đó đại gia đã cho thợ trà trộn vô sòng hòng lấy cặp nhung đầy máu. Đến nước nầy mới thấy tầm quan trọng của thầy trò Năm Hí. Thầy sẽ hoá giải chiêu thức và lùa thợ vô tròng. Đệ tử sẵn sàng đánh tháo trước khi thầy bị dao kề cổ. Sự cần thiết của võ và liều luôn được sử dụng trên bước trường chinh” [81, 129]. Đặc biệt với truyện ngắn Trong nghĩa địa, có lẽ lần đầu tiên một nhà văn lột tả trần trụi, kỹ lưỡng về mọi thủ đoạn làm giàu trên nỗi đau của con người nơi nghĩa địa, hay nói cách khác, có những kẻ ác đã ăn cả vào xác chết: từ truyện bốc mộ mà Nguyễn Trí gọi là “hốt cốt” với những chi tiết ghê rợn như dùng dao lóc thịt xác chết chưa phân huỷ hết, rồi chuyện đưa hài cốt
vào chùa với bao thủ thuật tinh vi, lừa đảo, rồi chuyện lau chùi mồ mả, quét vôi, làm cỏ… nhân vật Hùng đã làm tất cả những điều xấu xa ấy để có tiền cho những cuộc ăn chơi trác táng.
Như vậy cảm hứng phơi bày tận cùng hiện thực đã đem lại cho những trang văn của Nguyễn Trí sự tươi ròng của sự sống ở hình thức hiện thực trần tục và tầm thường nhất, nhưng cũng đáng giận và đáng thương nhất.Vì mưu sinh, những con người có số phận bi kịch đã tìm đến những vùng đất dữ để sát phạt, tìm kiếm hy vọng đổi đời và cái giá phải trả bằng mạng sống và nhân cách của mình. Và đáng phê phán hơn thế cho tập Ảo và sợ, có những kẻ không hề phải gánh chịu thiệt thòi trong số phận cũng lao vào những tệ nạn xã hội, dùng thủ đoạn bẩn thỉu nhất để kiếm tiền một cách táng tận lương tâm. Phơi bày mặt trái của xã hội ở những góc khuất tăm tối nhất, ngòi bút Nguyễn Trí không chỉ có tính hiện thực và tính thời sự sắc sảo, nóng hổi mà còn ngầm ẩn tính nhân văn sâu sắc. Bởi miêu tả tận cùng sự ghê tởm của cái ác, cái xấu cũng là phương thức nghệ thuật để bảo vệ tôn vinh cái đẹp, cái thiện.