7. Đóng góp của luận văn
3.2.4. Miêu tả nhân vật qua khắc họa đời sống nội tâm
“Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Ðó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí... của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời.
Trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, việc thể hiện nhân vật qua nội tâm ngày càng có vai trò quan trọng. Trong văn học Việt Nam, so với các giai đoạn trước, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Tác phẩm chứng tỏ Nguyễn Du có khả năng nắm bắt một cách tài tình những ý nghĩ, tình cảm sâu kín của nhân vật và diễn tả nó một cách sinh động.
Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L.Tônxtôi: "Mục đích chính của nghệ thuật...là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được". Ðể làm được điều đó, nhà văn phải
hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn
biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật.” [95, 1]
Từ hoàn cảnh xuất thân đặc biệt của nhân vật, và thông qua ngoại hình, hành động của nhân vật Nguyễn Trí đã khắc họa đời sống nội tâm của nhân vật.
Ở vùng đất mà chết chóc trở nên bình thường như chân lí hiển nhiên, chết vì hầm sập hay xung đột bè phái đều được quy về một nguyên do sốt rét nên khi đối diện với hiểm nguy, những con người mang bản chất “anh hùng” Hành động của Thành Bụi, Minh Tàn… không chỉ chứng tỏ phẩm chất nghĩa hiệp, ngang tàng, “xem cái chết nhẹ tựa hồng mao” mà còn thể hiện chiều sâu nội tâm trong con người nhân vật. Điều này thể hiện sự khác biệt của nhân vật “anh hùng” trong sáng tác Nguyễn Trí so với hình tượng người anh hùng sử thi trong lịch sử văn học thế giới nói chung, văn học Việt Nam nói riêng ở các giai đoạn trước đó. Nghĩa là các nhân vật này không chỉ bộc lộ mình qua hành động ở những sự kiện ác liệt, gây cấn ở chốn giang hồ được lấy làm bối cảnh
chung cho tác phẩm mà còn được tác giả thể hiện, khai thác trong những trạng thái suy tư, chiêm nghiệm trong tâm hồn họ. Ở truyện ngắn Bãi vàng, tâm trạng của nhân vật Thành được nhà văn diễn tả: “Thành Bụi về phố, bạn bè em út xúm đông xúm đỏ nâng ly chúc mừng. Mươi ngày lại chán. Mấy tay đã từng lặn lội tìm trầm, đãi vàng, làm đá quý… họ mau chán lắm chỗ dừng chân. Chỉ có hai thứ lôi họ về là trái tim người mẹ và đôi mắt người tình. Thành chả có gì sất, trừ nắm đất lạnh lẽo, Thành cũng vừa cho mẹ một ngôi mộ để ấm lòng kẻ ra đi. Một nhan sắc không đợi nổi ngày về đã ôm cầm theo thuyền khác. Chờ ư? Anh biệt cả năm ròng, chả thấy tăm, đừng nói dạng. Em già mất thôi anh, trong khi xiết bao thanh tú và hoa mỹ bủa vây. Chào nhé, em theo chồng. Cô đơn lắm loài đom đóm đêm. Nó lập lòe tám phương bốn hướng, và chắc chắn lụi tàn khi bình minh đến. Những lang bạt như Thành, nhấm nháp nỗi cô đơn, sau mỗi cơn say lúc nửa đêm về sáng. Để chạy trốn mình. Họ - trong đó có Thành – ba lô lên vai tìm vui nơi đất bãi. Thì lấy vợ đẻ con đi, chắc chắn đôi mắt trẻ thơ sẽ níu chân anh. Chà chà, mấy tay này ấy hả? Đàn bà trong tay họ vô lủng vô thiên nên không tha thiết lắm. Ồ dạng lính của Năm Tằm nói chi. Giỡn, họ không là người à? Lại cùng nặng nỗi như nhau. Tứ chiếng giang hồ cả nghìn cặp cũng làm nên hạnh phúc đó, không thấy à? Thì có… nhưng mà, cái gì cũng xuất phát từ tình yêu. Đời không có nghĩa chi, nhưng phải yêu cái đã. Giang hồ yêu khó lắm người ơi, họ bị cải từng trải chặn lại.” [95, 1] Miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật Thành sau khi chia tay Dung, một người “cảm thấy mình khốn kiếp khi sòng phẳng với kẻ yêu và đặt niềm tin vào mình” với bao nhiêu dằng xé trong nội tâm trong nhân vật, Nguyễn Trí đã cho người đọc thấy được nét đẹp nhân cách của nhân vật, đồng minh chứng cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn.
Hình ảnh người “anh hùng” kết hợp với người “nghệ sĩ” đặc biệt – nghệ sĩ của những nghề nghiệp ở dưới đáy xã hội, không có khán giả và tiếng vỗ tay, khi biểu diễn không vì vinh quang mà vì đồng tiền và sự mưu sinh vật vã, khi biểu diễn có thể phải trả giá bằng máu và mạng sống của mình.
Hình tượng người “anh hùng” được Nguyễn Trí tập trung khắc họa không chỉ ở phương diện hành động bên ngoài mà còn miêu tả đời sống nội tâm sâu sắc bên trong. Điều này tạo nên cho mỗi nhân vật của ông không chỉ có bề rộng mà còn có bề sâu, không chỉ có những nét tính cách phổ quát của người giang hồ nói chung mà còn có những nét cá tính mạnh mẽ, rất riêng. Vì vậy, khi viết về giới giang hồ, Nguyễn Trí đã thành công trong việc tạo được những nhân vật mang tình điển hình.
Sự thờ ơ, lãnh đạm, chỉ nghĩ tới số vàng còn lại dưới hầm của họ thể hiện cho sự sợ hãi cái chết hay nó minh chứng rõ cho cái chết trong tâm hồn của những con người đang sống? Nhân vật Minh Tàn quyết định mang thân mình ra mạo hiểm, đánh cược với cái chết không vì số tiền công mình sẽ nhận được mà bởi sự ý thức của tính và tình người trong con người đã nếm đủ những đắng cay xen lẫn ngọt bùi ở đời. Đó còn là sự rung động trong tâm hồn, sự cảm thương sâu sắc đối với những phận người bất hạnh như anh. Nhân vật Minh nhìn thấy trong mắt hai người đàn bà khóc lụy dưới chân mình kia có hình ảnh của người mẹ mình có lẽ đã khóc lả vì sự ra đi của anh. Nỗi hối hận về sự sai lầm của người “anh hùng” tràn về, giằng xé tâm can và gợi lại miền kí ức xa xôi nhưng đẹp đẽ về tình mẫu tử đã thúc đẩy anh hành động.
Nguyễn Trí miêu tả tâm trạng của nhân vật Dũng bụi trong Chuyện cũ
ở rừng, với nỗi đau giằng xé tâm can khi biết vợ của hắn là Diệu Thảo vì
chồng bị sốt, con bị đau mà hi sinh để cho Khánh răng vàng làm nhục: “Thật quá đau đớn. Lúc đó trong tay tao đang cầm cái búa chém.. Sơn hí quỳ xuống xin tao bình tĩnh, còn Tí bờm giữ chặt tao lại, nếu không chắc đã có chuyện xảy ra… Về sau hai thằng không đến nhà tao chơi nữa, chắc sợ khiến tao nhớ chuyện đó, đau lòng. Tao buồn nằm suốt cả tuần, nhưng nghĩ lại cũng thấy thương vợ. Chồng bệnh, con đau, có cái phương tiện để làm ăn… Hồi đó cái xe là tài sản lớn lắm, khó lắm mới có được… Mình nghĩ là đàn ông, đừng cố chấp, tao cho qua.” [82, 199]. Nỗi đau được Dũng cất giữ trong tâm suốt mấy
chục năm, cùng với câu chuyện của vợ chồng Dũng ở phần cuối truyện không chỉ miêu tả sâu sắc diễn biến nội tâm của nhân vật, mà còn thể hiện cái nhìn nhân văn của tác giả.
Với lí lịch đặc biệt nhân vật Quân trong truyện “Nhờ nước mắt”, đã gây đủ thứ trò. Sau khi bà má bệnh phải vào viện, nhìn bà má “tóc tai rũ rượi sau cơn sốt, lòng Quân ảm đạm đến sa nước mắt. Nó nghe dài lắm tiếng thở dài của mình” …”[82, 274]. Sau lần má ốm, bằng mọi cách Quân trở thành công nhân công ty X . Làm việc ở xưởng nhuộm Quân lại đánh nhau. Nhưng rồi chính giọt nước mắt của má khiến Quân mềm lòng. Những tưởng sự ngang tàng, ương bướng, quậy phá đến “ông trời con” còn chặc lưỡi ấy không gì có thể thay đổi được, song hình ảnh và những giọt nước mắt của người mẹ đã khiến Quân thay đổi – như một con người hoàn toàn khác. Đó chính là diễn biến nội tâm rất sâu sắc của nhân vật đã được Nguyễn Trí miêu tả.
Như vậy miêu tả hành động của nhân vật Nguyễn Trí không chỉ cho chúng ta thấy vẻ ngoại hình và hành động của nhân vật, ở đó vừa có sự phù hợp với loại hình nhân vật song lại ẩn chứa đời sống nội tâm rất phong phú của nhân vật.