7. Đóng góp của luận văn
2.3. Quan niệm nghệ thuật của nhà văn
* Khái niệm quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người của nhà văn
Macxim Gorki đã từng khẳng định: “Văn học là nhân học”. Đó là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người. Do vậy, con người chính là đối tượng chủ yếu của văn học. Dù miêu tả thần linh, ma quỉ, đồ vật, hoặc đơn giản là miêu tả các nhân vật, văn học đều nhằm mục đích miêu tả và thể hiện vào con người. Như những nhân vật không thực, ví như trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Ngoài việc bóc trần hiện thực xã hội Trung Quốc hỗn loạn thời bấy giờ, tác giả còn thể hiện sự khái quát về triết lí làm người.
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: "Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình”.
Nguyễn Trí không trực tiếp phát biểu rành mạch về quan điểm nghệ thuật của mình nhưng đọc toàn bộ tác phẩm của ông và đặc biệt là hai tập truyện ngắn này, chúng tôi thấy có thể đúc rút một số nội dung cơ bản trong quan điểm nghệ thuật của nhà văn – quan điểm nghệ thuật được gửi gắm trong việc lựa chọn đề tài, khai thác chủ đề, chọn lựa và triển khai cảm hứng nghệ thuật, và đặc biệt được kết tinh trong các hình tượng nhân vật của ông. Quan điểm nghệ thuật về cuộc sống và con người của nhà văn. Từ chính cuộc đời của Nguyễn Trí và cuộc đời của các nhân vật trong hai tập truyện ngắn kể trên của ông chúng tôi thấy quan điểm nghệ thuật của nhà văn đau đáu hướng về một cuộc sống không bình thường, nhiều mất mát đau thương của những nhân vật không may mắn trong cuộc đời này vì mồ côi cha mẹ, bị phụ tình, bị làm nhục vô cớ, và vì một lý do phổ biến nhất là do quá nghèo, ít
học nên các nhân vật của Nguyễn Trí hầu hết phải tìm kế mưu sinh ở những nơi mà những người may mắn, được học hành tử tế sẽ rùng mình sợ hãi khi nhắc tên bãi vàng, những cô gái điếm hết thời phải từ thành phố trôi dạt lên đây phục vụ nhu cầu xác thịt cho đám người làm vàng, Thành Bụi là nhân vật chính của truyện có một hoàn cảnh gia đình không may mắn để rồi trượt dài trên con đường giang hồ. Sự phân chia giàu nghèo trong xã hội là tất yếu. Và hôm nay trước mặt trái của cơ chế thị trường, hố sâu ngăn cách giàu nghèo càng lớn hơn. Một nhà văn Nam Bộ nổi tiếng khác cũng đã khiến bạn đọc cả nước xôn xao bất ngờ, xót xa trước những mảnh đời rách nát của một bộ phận nông dân ở miền tây Nam Bộ đó là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Gần đây nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú cũng làm xôn xao văn đàn với hàng loạt tiểu thuyết: Kín, Nháp, Phiên bản… khi anh viết về thân phận những đứa trẻ mồ côi nhiễm HIV hoặc thiếu tình thương và hơi ấm của gia đình đã tập hợp lại thành băng nhóm để kiếm sống và sa đoạ về tình dục trong giới giang hồ. Bằng cách kể chuyện độc đáo vừa đậm sắc thái Nam Bộ, vừa có cá tính sáng tạo riêng, Nguyễn Trí đã đưa người ta đến với một góc của cuộc sống quanh ta nơi tồn tại những xung đột khốc liệt theo luật rừng, nơi gặp gỡ của bao cánh bèo dù không hề muốn do sự không may mắn của số phận nhưng những cánh bèo ấy dù bị sóng gió cuộc đời vùi dập tơi tả vẫn nuôi giữ một cách âm thầm và bền bỉ lương tri và khát vọng làm người. Có thể coi truyện ngắn Nguyễn Trí là những khúc ca đau đớn nhưng vẫn ẩn dấu sự lạc quan về thân phận những cánh bèo như thế. Và đây cũng chính là quan niệm nghệ thuật được phát biểu một cách đặc biệt về những hoàn cảnh và thân phận không bình thường, kém may mắn trong xã hội chúng ta hôm nay: Dù sống trong bùn nhơ, trong vực thẳm của sự tha hóa và bi kịch thì con người vẫn xứng đáng là con người nếu còn chút lương tri và khát khao hướng thiện.
Ở trong hai tập truyện ngắn nhà văn Nguyễn Trí đã cho người đọc cảm nhận tường minh về tất cả “góc khuất” trong bản năng, tính cách tàn độc nhẫn tâm của con người, nhưng đồng thời ở rất nhiều phần kết thúc của câu chuyện
đã được nhà văn tạo ra một kết cấu rất có hậu – đó chính là khát vọng vươn lên của con người – khát khao hướng thiện – khát vọng sống xứng đáng là con người: Ở trong truyện ngắn Bãi vàng Thành Bụi cũng tự nhận thấy mình khốn kiếp, sòng phẳng với kẻ yêu và đặt niềm tin vào mình. Ở bãi nào Thành cũng có một tình nương. Tình nương của Thành thường là một đèm đẹp bị bi kịch: như Dung với cuộc đời vô cùng éo le, lấy chồng, chồng rượu chè giữ lắm, khi say đánh vợ riết, má chồng nghiện tứ sắc, ba chồng nghiện rượu, chẳng ai trông coi thằng con của nàng, nó lẫm đẫm ra sông bị té chết. Chồng bỏ, tình phụ. Có chút vốn liếng lên bãi mở quán bán cơm. Và Dung yêu, tin Thành Bụi lắm, vì thế sau mười ba tháng ở X, Thành nói dối về thăm má, đồng thời bỏ Dung. Nhưng cô vẫn tin ở Thành, cô vô cùng yêu Thành, khi Thành về, nàng đã khóc quá chừng, không quán xá cơm nước gì hết, đặc biệt là nàng hết sức chung tình. Những tưởng bản tính giang hồ, sống sượng dễ làm Thành từ bỏ Dung, vậy mà cuối truyện Thành đã quay trở lại X, cuộc tình của hai người như một ánh sáng màu hồng làm bừng lên ở trang 38, xoá tan màu sắc u tối trong 37 trang truyện trước đó. Trong truyện ngắn Ở thành phố, ta thấy cách ứng xử của ông lão xe ôm với cô vũ nữ cũng để lại cho người đọc bao ám ảnh: Dù làm nghề vũ nữ, Trâm trả lương theo tháng cho ông Hưng, dù đi hay không đến nơi làm việc vì lí do nào đó cô đều trả đủ. Cuộc sống của Trâm tưởng như rất đầy đủ, bình yên, song thực chất vô cùng khắc nghiệt, Trâm bị côn đồ đánh vì phá giá, ông Hưng vì bảo vệ Trâm mà chịu đòn, đi viện, Trâm chỉ có vợ chồng ông Hưng là người thân ở thành phố, khi bị bắt cô giao lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng ông Hưng. Với cuộc đời đầy bi kịch, ba mất mẹ tái giá, thằng dượng ghẻ táng tận lương tâm bán cô..., cô hận nên phủi tay với đời... Nhưng khi ông Hưng vì cô mà thí mạng, Trâm đã thay đổi, thực hiện lời dặn của ông Hưng, vào trại cố học được cái nghề mà làm lại. Sự nỗ lực của Trâm khi ở trại và hình ảnh hiện lên trong tâm trí của ông Hưng (một cô gái, bên cạnh một xe bánh mì và một bà má đang xay nước mía, dưới một hiên nhà, bên một dòng sông đang chảy...). Hình ảnh đời thường đẹp đẽ đó như một
minh chứng cho khát khao hướng thiện của con người. Điều đó khẳng định dù sống trong bùn nhơ trong vực thẳm của sự tha hóa và bi kịch thì con người nếu còn chút lương tri và khát khao hướng thiện, thì vẫn có thể tìm được hạnh phúc.
* Tiểu kết chương 2
Ở chương 2 chúng tôi tập trung nghiên cứu ba vấn đề lớn cũng là ba đặc điểm trong ba phương diện nội dung của Nguyễn Trí: đề tài và chủ đề “gai góc” ít được đề cập trong văn xuôi Việt Nam đương đại; Cảm hứng nghệ thuật trong hai tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Ảo và sợ của Nguyễn Trí với ba loại cảm hứng chủ đạo: cảm hứng phơi bày tận cùng hiện thực với những “mảng tối” ít được văn học đương đại Việt Nam phản ánh; cảm hứng ngậm ngùi thương cảm cho những số phận bi thảm của những con người; cảm hứng giễu nhại và xót xa cho những con người lầm lạc thậm chí tội lỗi; Quan niệm nghệ thuật của nhà văn được đúc rút từ thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Ở phương diện thứ nhất, chúng tôi thấy Nguyễn Trí đã lựa chọn, khai thác và phản ánh đề tài gai góc ít được các nhà văn Việt Nam đương thời đề cập đến. Mỗi nhà văn thường chỉ viết hay về những gì mình am hiểu và gắn bó máu thịt với nó, Nguyễn Trí cũng như thế. Từng “ngụp lặn” trong những nghề nghiệp tạm gọi là “dưới đáy” xã hội như: đào vàng, đào đá quý, tìm trầm hương và cùng nhiều nghề nghiệp cần lao khác. Nguyễn Trí đã hướng ngòi bút của mình vào mảng hiện thực đặc biệt, dữ dội, đầy ắp các xung đột giàu kịch tính. Ở đây hội tụ của giới giang hồ dao búa hay những kẻ sống bằng nghề nghiệp được gọi là tệ nạn xã hội hôm nay, chọn những hoàn cảnh đặc biệt và những thân phận đặc biệt này là hướng khai thác và xây dựng lên tác phẩm của mình. Nguyễn Trí đã đặt ra một chủ đề lớn và cũng là một câu hỏi lớn trong tác phẩm của mình: cuộc đấu tranh vĩnh hằng giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái đẹp và cái thiện trong mỗi xã hội, trong mỗi con người đã hoá
thân vào từng nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Làm sao để những con người nhỏ bé, từng lầm lỗi kia được trở về với bến bờ lương thiện và được làm người? Nguyễn Trí đã trả lời những câu hỏi ấy bằng chính tác phẩm của mình. Ở phương diện cảm hứng nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Trí chúng tôi nhận thấy có ba loại cảm hứng chủ đạo đan xen nhau: cảm hứng phơi bày tận cùng hiện thực với những “mảng tối” ít được văn học đương đại Việt Nam phản ánh; cảm hứng ngậm ngùi thương cảm cho những số phận bi thảm của những con người; cảm hứng giễu nhại và xót xa cho những con người lầm lạc thậm chí tội lỗi.
Với ba loại cảm hứng ấy giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo toả sáng trên từng trang viết của nhà văn, dù có thể nhà văn đến với giá trị ấy bằng cả ý thức và vô thức của mình. Ở phương diện quan niệm nghệ thuật Nguyễn Trí ít được học hành trong trường lớp nên không phát biểu bằng ngôn từ cao siêu, ông gửi chúng vào thế giới nghệ thuật của mình và chính đề tài, chủ đề và cảm hứng nghệ thuật kia đã gián tiếp thể hiện những nội dung cơ bản trong quan niệm sáng tạo nghệ thuật của ông - một quan niệm nghệ thuật như được chắt lọc ra từ chính mồ hôi, nước mắt và máu của tác giả có một số phận nhiều giông bão.
Chương 3:
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT NỔI BẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TRÍ. 3.1. Nhân vật truyện ngắn Nguyễn Trí
* Khái niệm nhân vật văn học và cách phân loại nhân vật văn học
Tô Hoài đã cho rằng "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác".
Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng cũng có thể không có tên riêng. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ không chỉ một con người cụ thể mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống con người.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu.
Từ những góc độ khác nhau, có thể chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu, loại khác nhau: Dựa vào vai trò, vị trí khác nhau trong tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính, nhân vật phụ. Dựa vào đặc điểm tính cách và việc truyền đạt sự đánh giá và thể hiện lý tưởng xã hội của nhà văn, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính diện (tích cực), nhân vật phản diện (tiêu cực). Dựa vào thể loại văn học, người ta phân biệt nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch. Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân
vật được chia thành nhân vật chức năng (mặt nạ), nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng.
Tuy nhiên, mọi sự phân chia đều mang tính chất tương đối, nhân vật trong thực tế văn học hết sức đa dạng, sự phân chia chỉ nhằm nhấn mạnh đặc điểm cơ bản, xuất phát từ một trong những góc độ tiếp cận các nhân vật văn học. Trong văn học cổ điển, thông thường nhân vật chính đồng thời là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại. Tuy nhiên, đối với văn học hiện đại, sự phân chia nhân vật trong tác phẩm không rõ ràng, rạch ròi như văn học cổ điển, có nhân vật vừa ác vừa thiện, vừa hiền vừa dữ…
Thế giới nhân vật đa dạng và đặc biệt trong truyện ngắn Nguyễn Trí. Nhân vật đa dạng được biểu hiện qua sự "đa dạng" về nghề nghiệp, về tính cách, về số phận, về ngôn ngữ và hành động của nhân vật.
Trong 2 tập truyện số lượng nhân vật xuất hiện nhiều, số lượng nhân vật xếp vào loại hình nhân vật cũng rất đa dạng. Nhưng mỗi nhân vật đều được cá thể hoá sắc nét qua ngoại hình, hành động, kiểu ngôn ngữ đối thoại mà như độc thoại của họ và ngược lại. Đây là kiểu ngôn ngữ đa thanh được khởi xướng trong truyện ngắn của Hêminguây, sau đó được tất cả các nhà văn trên khắp quốc gia trên thế giới vận dụng một cách sáng tạo. Vì thế dù nhân vật của Nguyễn Trí có được xếp vào các loại hình nghệ thuật kể trên nhưng rất đa dạng ở tính cá thể hoá sắc nét của nó.
Trong 29 truyện ngắn trong hai tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm
hương và Ảo và sợ của Nguyễn Trí, tác phẩm nào cũng có rất nhiều nhân vật,
các nhân vật rất đa dạng: như trong truyện Bãi vàng ngoài nhân vật người kể
chuyện ta thấy còn có các nhân vật khác, Thành Bụi, Dũng, Đào Ba lan, Hoàng Má Đỏ, Bà năm Tằm, Tèo Bói, Hiếu Râu, Hùng, Dung, My, Sơn Hí ; những nhân vật này thuộc đủ các hạng người, có nhân vật giang hồ, bảo kê, gái làm tiền, chủ hầm, người làm thuê... Ta cũng gặp những hạng nhân vật này
trong tác phẩm Giã từ vàng như Minh Tàn, My, Chí Khùng, Hạnh, Dũng voi, Bà Năm, Lâm, Hùng, Bằng chột...
Nhờ tài năng thiên bẩm nhà văn đã thổi hồn cho nhân vật và có lẽ cả ý thức và vô thức đã tạo ra con người không “trùng khít” với chính nó. Không phải cứ giang hồ dao búa là xấu xa, tàn bạo mặc dù tàn bạo trong những cuộc đâm chém để giành giật lãnh thổ, để cướp đoạt miếng ăn hàng ngày thì xấu xa trong những nhân vật ấy vẫn le lói ngọ lửa thiên lương đẹp đẽ. Không phải cứ gái điếm thì xấu xa lừa lọc, không chung thuỷ, nhưng có những gái điếm vẫn chung tình như Dung, My với Thành.
Trong tác phẩm Nhờ nước mắt, Quân – một nhân vật có lí lịch rất “hảo hán”: mười sáu tuổi, Quân lừng danh toàn cõi ấp Một, cả xã Thanh Sơn luôn. Nó quậy ông trời còn chắc lưỡi huống chi người phàm. Cao điểm là bị di lý về xã vì tham gia đánh thầy chủ nhiệm. Nghỉ học Quân tham gia “băng bụi đời” quân gây bao nhiêu chuyện khiến má Quân phải quỳ gối, chắp hai tay lạy Quân. Và hơn hết kẻ giang hồ như Quân khi nhìn nước mắt má rơi cũng mềm lòng. Như vậy, ta nhận thấy đằng sau những hành động ngổ ngáo, bất cần đời của một kẻ giang hồ thứ thiệt ta vẫn thấy hình bóng của một đứa con vẫn còn biết vì mẹ mà bỏ qua tất cả mẫu thuẫn đã xay ra trước đó (Với bọn Phó Giám