7. Đóng góp của luận văn
3.2 Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Trí
3.2.1 Miêu tả nhân vật với hoàn cảnh xuất thân đặc biệt
Lai lịch nhân vật gồm xuất thân và hoàn cảnh gia đình. Đây là phương tiện đầu tiên góp phần chi phối đặc điểm tính cách cũng như cuộc đời nhân vật.
Các nhân vật của Nguyễn Trí thường có hoàn cảnh xuất thân rất đặc biệt. Cùng thuộc kiểu nhân vật giang hồ ở đẳng cấp anh chị thâu tóm quyền lực trên các vùng “đất dữ”, nhưng mỗi nhân vật có hoàn cảnh xuất thân rất riêng biệt: Nhân vật Thành Bụi trong truyện ngắn “Bãi vàng” xuất hiện ở Bãi X bằng một vẻ giang hồ đúng nghĩa với tư trang chỉ một cái ba lô cóc. Thành vốn xuất thân là con nhà nòi thượng võ, thuở nhỏ, anh ngang tàng, thích “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên sớm bỏ bê việc học văn hóa. Biết tính con, cha Thành đến dọa ra mặt với thầy dạy võ mà rằng: “Nó ăn rồi chuyên đi đập lộn, ông dạy nó có ngày mang họa” [82, 11]. Không dạy, nhưng Thành học lỏm. Đến mười bảy tuổi, anh có lịch sử trận đài đáng nể với bất kì tay đấm nào: đánh mười bốn trận, knock-out bảy, sáu ăn điểm, một huề. Nối tiếp cuộc đời Thành là ngót ba năm trong tù vì cờ bạc bịp, trầm luân trong những bãi tìm trầm mà tên gọi đã gợi sự xa xôi trắc trở như Tà In, Suối Ty, Chưprông… Đến bãi X, nhân vật Thành Bụi cho những “da xanh”, “tóc dài” ở bãi mãn nhãn và cũng để khẳng định vị thế “vua bãi” của mình bằng việc hạ gục nhân vật Đào Ba Lan trong màn đấu võ gây cấn. Cũng như Thành Bụi,
nhân vật Minh Tàn trong truyện Giã từ vàng là nhân vật giang hồ từ tấm bé: “Cũng trong lòng bà má chui ra, nhưng anh bỏ nhà đi bụi năm mười lăm tuổi” [82, 11], cũng nhờ đi bụi, nhờ đời dạy mà rèn cho anh khả năng nhanh mắt, nhanh tay chẳng ai bằng, nhất là trong những trận thi tài võ nghệ… Đầu tiên, những nhân vật này luôn là những người không có một quê hương, chốn ở xác định. Tuy không cố định về nhà cửa và nơi nào cũng là quê hương nhưng ta không thấy ở họ cái vẻ phiêu bạt “tha phương cầu thực” của những kẻ sa cơ lỡ vận. Trái lại, họ lựa chọn lối sống chủ động dấn thân để thỏa cái chí bôn ba ngao du nơi sông dài bể rộng và sẵn sàng đón đợi mọi thách thức.
Mỗi nhân vật gái điếm giang hồ sống ở bãi vàng, đá quý, hoặc làm gái điếm ở thành phố đều có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, dù cùng loại hình nhân vật nhưng khó có thể thấy sự trùng lặp trong các nhân vật này. Ngay từ hoàn cảnh xuất thân của các nhân vật đã cho thấy điều ấy. Tiêu biểu như: Nhân vật Dung trong Bãi vàng, chồng bỏ. Tình phụ. Có tí vốn liếng lên bãi mở quán bán cơm: “Em có chồng rồi. Lúc đầu hai đứa cũng yêu nhau lắm anh. Cưới hỏi đàng hoàng, ảnh dân sông nước nên rượu chè dữ lắm. Em sanh nở khó khăn. Say lên anh đánh em, nói mẹ con em là nợ, là oan gia… Đánh riết em sợ quá nên ẵm con về má. Ảnh đến quậy um sùm trời đất, rồi bắt con em về bên nội. Em đi theo, ảnh đánh tiếp, đuổi đi. Con em về một ngày bên nội thì mất…. Má chồng nghiện tứ sắc, ba chồng nghiện rượu” [82, 32]. My, trong
Giã từ vàng, đi bụi từ năm mười hai, cô cũng có hoàn cảnh xuất thân cũng đặc
biệt không kém Dung (trong Bãi vàng), My là dân sông Tiền. Không có ba. Năm tuổi má nghe người rủ vượt biên. Ở với dì. Dì ba năm tuổi mê trai. Lấy một thằng hăm chín. Rồi sau đó My bị dượng phục thuốc mê, hãm hại, tỉ tê đưa lên Campuchia bán khu đèn đỏ. Từ khi gặp được người Việt kiều, những tưởng đời My được giải thoát, nhưng số phận vẫn đưa đẩy khiến cô phải lang dạt lên bài vàng: “May có ông người Việt đi chơi, mê em chuộc về. Tưởng sao, ai ngờ ổng có vợ rồi, bà vợ cho người đến đòi tạt a xít, em sợ quá dông
luôn. Ra công viên, má Năm lôi về…”[82, 49]. Truyện Nhờ nước mắt Nguyễn Trí đã giới thiệu về nhân vật Quân với hoàn cảnh cũng rất đặc biệt: “Mười sáu tuổi Quân lừng danh toàn cõi Ấp Một. Nó quậy ông trời con còn chặc lưỡi nói chi người phàm”, Chỉ trong năm lớp chín Quân gây lên năm vụ. Đánh bạn, trấn lột… đủ hết.” [82, 268]. Đặc biệt sau vụ dằn mặt ông thầy, Quân nghỉ học. Với lí lịch không có cha, lại thêm “sâu và xa”, sau khi nghỉ học Quân cùng với vài thằng bụi đời tạo thành một băng. Vậy là từ chính cái hoàn cảnh xuất thân vô cùng đặc biệt ấy, đã dự báo cho người đọc về một tương lai không mấy tốt đẹp đang ở phía trước cuộc đời của nhân vật.
Ở nơi thành phố, các cô vũ nữ, gái điếm như Trâm, Hạnh, Lan, Hồng, Thảo, Quyên, Thắm, Hạ… đều vì hoàn cảnh khác nhau mà lưu dạt lên thành phố bán thân để nuôi miệng, hay dành một chút tiền gửi về quê. Truyện Ở
thành phố, Thắm chẳng hạn, cô phải đi bán thân để cho thằng chồng xì ke hút
chích, hay như Quyên chồng say sỉn, bỏ con gái ở quê lên thành phố mưu sinh, Hạ, có cha mẹ già phong thấp không làm được gì... còn bao nhiêu hoàn cảnh rối rắm của những cánh bướm lạc.
Cũng ở chốn thành phố, nơi tập trung rất nhiều nghề nghiệp, có bao nhiêu người thì bấy nhiêu hoàn cảnh xuất thân khác nhau: Nhân vật Nhí đen trong tác phẩm cùng tên của nhà văn có hoàn cảnh xuất thân cũng rất đặc biệt, bốn tuổi Nhí mất mẹ, cha bỏ đi đâu đó không rõ. Mười hai tuổi Nhí bỏ học lớp năm. Rồi theo cô phụ hồ kiếm tiền. Sau khi gây lộn, Nhí bị sa lưới pháp luật. Ở tù Nhí lại đánh phạm nhân khác, hơn hết Nhí nghiện thuốc lá, dù sau khi ra trại, Nhí lấy Minh Heo. Nhân vật Hùng trong tác phẩm Trong nghĩa địa, vốn có một vợ ba con mà còn nuôi gái nhà trọ, để có thể kiếm lời từ tất cả các công đoạn ở nơi nghĩa địa , Hùng tự tạo cho mình một lí lịch đặc biệt: “Hơn bốn mươi tuổi vẫn độc thân. Mà có xấu xí gì cho cam. Kén cá chọn canh chăng? Không phải đâu. Nghe rằng chơi bời hoang phế lắm, tuy chẳng xì ke xì
kiếc gì nhưng mà gái gú cà phê ôm dữ lắm, lại xả láng về sớm nên bị vương cái hát i vê ết” [81, 202,203]...
Mỗi nhân vật trong hai tập truyện ngắn này của Nguyễn Trí đều có hoàn cảnh xuất thân rất đặc biệt, tuy có nét tương đồng nhưng không hoàn toàn giống nhau, điều đó góp phần thể hiện tính cách của nhân vật đồng thời thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật và tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc.
3.2.2 Miêu tả nhân vật qua ngoại hình
“Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo...Trong văn học, nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật thường nhằm hai mục đích.
Thứ nhất, nhằm cá thể hóa nhân vật, nghĩa là để tạo ấn tượng riêng về nhân vật ấy, không thể lẫn vào nhân vật khác. Qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại. Những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay bao giờ cũng được nhà văn chọn lựa công phu những nét tiêu biểu nhất để khắc họa ngoại hình nhân vật.
Thứ hai, qua vẻ bề ngoài mà phần nào hé mở tính cách, bản chất của nhân vật ấy. Miêu tả ngoại hình nhân vật không chỉ vì mục đích dựng ra trước mắt người đọc một nhân vật mà quan trọng hơn đó là một cách gián tiếp miêu tả tính cách vì ngoại hình là dấu hiệu của tính cách”. [95, 1]
M. Gorki khuyên các nhà văn phải xây dựng nhân vật của mình đúng như những con người sống và phải tìm thấy, nêu lên, nhấn mạnh những nét riêng độc đáo, tiêu biểu trong dáng điệu, nét mặt, nụ cười, khóe mắt...của nhân vật.
Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nam Cao đặc tả ngoại hình của nhân vật Chí Phèo sau bảy tám năm ở tù: “Hắn về lần này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lóc, cái
răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai
cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Đó là ngoại hình của một tên lưu manh,
hay nói cách khác, tính cách lưu manh biểu hiện qua ngoại hình. Đó là hình hài của một kẻ côn đồ, chỉ biết gây gổ và đâm chém. Miêu tả hình thù quái gở của Chí Phèo cũng là cách Nam Cao nhấn mạnh tính chất khốc liệt của nhà tù thực dân cùng mối quan hệ biện chứng giữa tính cách và hoàn cảnh sống. Sau khi ra tù, sống ở làng Vũ Đại, làm tay sai đắc lực cho Bá Kiến, hung hãn, ngang ngược và triền miên trong cơn say, Chí Phèo được nhà văn Nam Cao miêu tả ngoại hình qua cái bóng đen, tả tơi, xệch xạc, méo mó, bị xé rách vài chỗ như chính sự phản chiếu thế giới tinh thần của Chí. Vẻ ngoài của nhân vật còn thể hiện qua khuôn mặt không trẻ cũng không già, nó không còn là mặt người, nó là mặt của một con vật lạ. Cái mặt của hắn vàng vàng lại muốn xạm màu gio, nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là vết sẹo… Đây là dụng ý của nhà văn Nam Cao nhằm thể hiện quá trình tha hóa khủng khiếp của nhân vật. Nếu tha hóa được hiểu là tình trạng con người ngày càng trở nên xa lạ với bản chất người của mình, không được sống như mình mong muốn thì sự tha hóa ở Chí Phèo diễn ra qua hai cấp độ: từ một người lương thiện trở thành một tên lưu manh và từ một tên lưu manh trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Từ ngoại hình của tên lưu manh (gớm ghiếc nhưng ít ra vẫn còn là con người) đến ngoại hình của một con vật lạ góp phần thể hiện quá trình tha hóa khủng khiếp ấy của Chí Phèo. Nghĩa là, Chí Phèo ngày càng xa lạ với bản chất người của mình, bị vật hóa. Sức mạnh tố cáo là ở chỗ: nỗi đau lớn nhất của Chí Phèo là nỗi đau của một con người bị tàn phá về thể xác, bị hủy diệt về tâm hồn chứ không chỉ là nỗi đau vì đói cơm rách áo, không nhà cửa, không nơi nương tựa… như nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực đương thời.
Khi miêu tả nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ), nhà văn đặc tả một hình dáng ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa, khi nào cũng cúi mặt nhìn xuống đất, mặt buồn rười rượi. Đó là hình ảnh một cô gái lẻ loi, âm thầm như lẫn vào các vật vô tri (cái quay, tảng đá, tàu ngựa) đối lập với khung cảnh đông đúc, tấp nập của nhà thống lý Pá Tra. Mị là con dâu của một gia đình nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng mà sao lúc nào cũng cúi mặt nhẫn nhục và mang nỗi u sầu thăm thẳm? Dáng vẻ bề ngoài ấy của nhân vật góp phần biểu hiện thân phận tủi nhục của người con dâu gạt nợ trong nhà chúa đất.
Người đàn bà trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu miêu tả: thân hình cao lớn, thô kệch, mặt đầy những nốt rỗ chằng chịt, với khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân dưới ướt sũng. Đó là ký họa chân dung của một người đàn bà xấu xí, chịu nhiều thiệt thòi về nhan sắc, là hiện hữu của nghèo khổ, lam lũ, nhọc nhằn. Khi sắp bị chồng đánh, người đàn bà đưa cặp mắt nhìn xuống chân biểu hiện sự cam chịu, nhẫn nhục. Còn người chồng thì được miêu tả với mái tóc tổ quạ, chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ, hai hàm răng nghiến ken két. Đó là những dấu hiệu của tính cách vũ phu, hung bạo, độc ác, phần người, phần thiện đang dần mất. Như vậy qua ngoại hình của những nhân vật trên, nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Trọng phụng đã miêu tả sinh động hình ảnh nhân vật, đồng thời gửi thông điệp nhân văn sâu sắc tới người đọc.
Vậy dụng ý nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Trí khi miêu tả ngoại hình nhân vật của mình là gì?
Nguyễn Trí đã khắc họa được chân dung lẫn tính của nhân vật thông qua một vài từ ngữ. Ví dụ, những nhờn nhợt màu da, về già hết duyên như bà Năm Tằm, hay đèm đẹp như Ly, Dung. “Không ma nữ nào không vàng vọt xanh xao của sốt rét rừng. Buổi sáng, mỗi nường một cánh võng, tóc tai rũ rượi, phì phèo thuốc lá, mắt vô hồn nhìn phu bãi ngược xuôi”[82, 26] . Dung
là nhân vật nữ nhưng không phải kiểu ma nữ, mà là tình của Thành, nói như Nguyễn Trí là một đèm đẹp bi kịch: “Chồng bỏ. Tình phụ. Có tí vốn liếng lên bãi mở quán bán cơm”. Làm phận đàn bà muốn giữ được phẩm chất trong sạch giữa chốn rừng thiêng, nước độc, giữa giang hồ bãi vàng quả là rất khó. Trong cái nhìn của mọi người, Dung đẹp gái, lại giỏi làm ăn và chung tình. Dung yêu Thành, đã tin lời hứa của Thành, dù khi hứa xong, Thành nghĩ rằng về chuyến này sẽ không lên lại nữa. Khi bị côn đồ quậy quán, xúc phạm đến Thành, Dung đã đáo để đánh trả, cũng “mắt quắc lên như con cọp cái, nhìn thấy ớn”. Và cuối cùng, Dung đã có được tình yêu của Thành.
Nhân vật Thu Râu trong truyện Đá quý cũng được miêu tả là một “trưởng mâm” vai u thịt bắp, lực lưỡng với võ nghệ kha khá và đủ sức để hơn thua với những gian manh nơi rừng núi thâm u. Nguyễn Trí xây dựng những nhân vật thuộc kiểu “anh hùng” phu bãi không chỉ quan tâm đến vẻ bụi bặm của hình dáng, vẻ cường tráng lực lưỡng của thân thể mà còn đặc tả về tài năng võ nghệ của họ. Võ nghệ là phẩm chất không thể thiếu để các nhân vật tự khẳng định vị thế của mình trên các vùng đất dữ ấy.
Nhân vật Nhí đen trong tác phẩm cùng tên của nhà văn có hoàn cảnh xuất thân cũng rất đặc biệt, và trước khi Nhí trở thành nữ giang hồ thứ thiệt, Nguyễn Trí đã từng miêu tả về nhân vật này: “Cô cặm cụi làm thuê, Nhí ở nhà vui cùng chúng bạn, hết lê la nghịch bẩn rồi dang nắng phơi mưa nên đen thùi. Nhí đen dữ dằn lắm. Có lẽ cái con loăn quăn của cha khi đặt vào bụng mẹ bị xỉn rượu chăng? Hay cái trứng của mẹ có mầm phản kháng? Dám cả hai lắm à. Vậy nên lũ bạn cùng trang lứa cà chớn Nhí cho rơi nước mắt ”[81, 207]. Chính cái ngoại hình của Nhí từ nhỏ đã góp phần thể hiện nét tính cách ương bướng, ngang tàng sau này của Nhí. Vì vậy học hết lớp năm Nhí bỏ học, theo cô đi kiếm tiền. Nhưng Nhí đi không phả để làm việc mà ăn cắp phế liệu, tuy còn nhỏ tuổi nhưng Nhí và lũ bạn của cô “tâm hồn khô cháy nắng”. Cái cách
hút thuốc lá của Nhí “sành điệu” và sự “hoảng hồn” của bà cô Nhí khiến người đọc lo sợ cho tương lai của Nhí...
Cũng giống nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trí đã miêu tả sinh động hình ảnh nhân vật và khắc họa tính cách nhân vật qua ngoại hình của chúng. Qua miêu tả ngoại hình các nhân vật Nguyễn Trí đã tạo nên một thế giới nhân vật vừa đa dạng, vừa đặc biệt và chính ngoại hình của nhân vật cùng với những hành động của nhân vật sẽ thể hiện cái nhìn hiện thực và nhân văn của Nguyễn Trí.