IX. Cấu trúc luận văn
1. Các biện pháp dạy học
2.3.4.2. Điểm mới của giáo án
Giáo án của chúng tôi thiết kế theo cách hướng dẫn HS kết hợp đồng bộ các hướng tiếp cận: thi pháp học, phong cách học, văn hóa, thể loại, ba hướng tiếp cận (lịch sử phát sinh, cấu trúc bản thể, lịch sử chức năng). Cụ thể:
Chúng tôi hướng dẫn HS tiếp cận tác phẩm theo hướng phong cách học bằng việc chú ý đến cái nhìn của nhà văn về người nông dân; nghệ thuật khắc họa nhân vật trong đó có miêu tả ngoại hình của Tràng và tâm lí của ba nhân vật (đặc biệt là tâm lí của bà cụ Tứ) và tình huống chi phối cốt truyện.
Với hướng tiếp cận thi pháp học cần chú ý tới kiểu nhân vật “đầu thừa
đuôi thẹo” trong sáng tác của Kim Lân; kiểu cốt truyện mang tính hiện thực
cao khi viết về chính mình; ngôn ngữ truyện giản dị, tự nhiên; giọng điệu cảm thương, xót xa nhưng cũng rất dí dỏm, hài hước.
Với hướng tiếp cận văn hóa, chúng tôi hướng dẫn HS chú ý tới văn hóa của các nhân vật đặc biệt là văn hóa ứng xử. Ở đây cần chú ý tới bi kịch tâm lí của ba nhân vật: bà cụ Tứ, Tràng, người vợ nhặt trong bữa ăn ngày đói. Bà cụ Tứ cố làm cho con vui nên gọi cháo cám là chè khoán. Khi mỗi người và miếng cháo cám vào miệng thì từ đấy cho đến lúc kết thúc
bữa ăn không ai nói gì. Điều này thể hiện sự “im lặng là vàng” của các
nhân vật đồng thời thể hiện sự cảm thông của những người đói khát trong hoàn cảnh đói nghèo cùng cực này.
Với hướng tiếp cận bám sát đặc trưng thể loại, chúng tôi hướng dẫn HS cần bám vào tình huống trữ tình hiện thực để từ đó mở rộng ra tâm trạng các nhân vật.
Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn HS tiếp cận tác phẩm dưới góc độ lịch sử phát sinh bằng cách đặt những câu hỏi để tìm hiểu về lịch sử, xã hội, lịch sử văn học thời đại đó. Tìm hiểu về tiểu sử Kim Lân, GV cần nhấn mạnh những vấn đề có ảnh hưởng tới tác phẩm. Nhờ nắm được những yếu tố đó mà HS mới có thể giải mã được một số chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm, hiểu được tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Chẳng hạn, phải bám vào hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; phân tích nhân vật Tràng phải thấy được bóng dáng nhà văn trong đó mới hiểu được tính chất hiện thực của nhân vật; ba nhân vật
Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ cùng xoay quanh sự sống còn…Vì vậy, chỉ có con đường lịch sử phát sinh mới làm được. Qua đó, làm nổi bật trào lưu nạn đói năm 1945, trong hoàn cảnh đó con người vẫn khao khát sống hạnh phúc, khao khát tổ ấm gia đình và hướng tới ngày mai tươi sáng hơn.
Đây là tác phẩm Kim Lân trần thuật theo dòng tâm lí. Vì vậy, các bình diện thời gian luôn bị xáo trộn, đảo ngược, rất khó sắp xếp theo trật tự thời gian. Cho nên, trước khi học GV cần giúp HS tóm tắt để hệ thống lại nội dung, khi đó HS sẽ dễ dàng nắm bắt tác phẩm.
Một việc làm vô cùng quan trọng là hướng dẫn HS đi sâu vào tìm hiểu cấu trúc văn bản. GV tuyệt đối không đưa cho HS những kiến thức có sẵn, không áp đặt HS mà chủ yếu là xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở, dẫn dắt tập trung vào những chi tiết nghệ thuật có giá trị, thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn để HS khám phá, phát hiện. Ngoài ra, những câu hỏi để HS trao đổi, thảo luận, bày tỏ những suy nghĩ cá nhân là vô cùng quan trọng. Những câu hỏi đó phát huy tối đa năng lực sáng tạo của HS. Người GV đóng vai trò là người chỉ đạo, hướng dẫn, dẫn dắt sự tiếp nhận của HS, giúp các em đi đúng hướng, dừng lại đúng lúc để tránh cho giờ học bị tản mạn, không trọng tâm. Bám sát văn bản nhưng không nô lệ bởi SGV mà người GV và HS có thể đưa ra phán xét về các vấn đề trong tác phẩm như về nhân vật Tràng và người vợ nhặt theo những cảm nhận khác nhau.
Song song với việc khám phá cấu trúc văn bản, giáo án đặc biệt chú trọng đến việc tiếp cận tác phẩm theo hướng lịch sử chức năng qua việc hướng dẫn HS tự bộc lộ bằng những câu hỏi như: nêu cảm nhận, nêu ấn tượng, nêu đánh giá suy nghĩ của bản thân qua tác phẩm…để xem sự phản ứng của HS vè tác phẩm. HS có thể tự do bày tỏ ý kiến của riêng mình. Những ý kiến này có thể là những suy nghĩ, cảm nhận hết sức riêng tư. Qua những ý kiến này, GV có thể đánh giá được mức độ tác động của tác phẩm tới
HS ở chừng mực nào? Tác động ấy tiêu cực hay tích cực, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với mục đích yêu cầu bài soạn đã đề ra. Trong giáo án chúng tôi đưa ra một số câu hỏi gợi mở, phần trả lời của HS có thể là những cảm nhận mang tính cá nhân, tính chủ quan rõ nét, GV cần tôn trọng nhưng cũng nên hướng vào những giá trị đích thực mà tác phẩm gợi ra để đưa HS đến với những tiêu chí chung nhất.
Tiếp cận theo hướng lịch sử chức năng chính là sự hợp lưu của ba đối tượng HS, GV, nhà văn đối với tác phẩm. HS nhìn “Vợ nhặt”, GV nhìn “Vợ nhặt” và nhà văn đối với “Vợ nhặt” như thế nào.
Song tiếp cận đồng bộ không thủ tiêu vai trò người thầy. GV vẫn là người định hướng, quyết định sự thành công của mỗi bài giảng còn HS sẽ là những bạn đọc sáng tạo khám phá tác phẩm văn chương tích cực, chủ động nhất.
Đó là những mong muốn và dự định của chúng tôi khi thiết kế giáo án này. Tuy nhiên, trong qúa trình thực hiện thiết kế có thể còn nhiều thiếu sót và chưa đạt được tất cả những điều như mong muốn song đây sẽ là những thử nghiệm cần thiết cho một hướng đi mới trong việc đổi mới phương pháp dạy học truyện ngắn nói riêng và dạy học văn nói chung.