Ngôn ngữ thính giác (âm thanh)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đêm hội long trì từ tác phẩm văn học dến tác phẩm điện ảnh (Trang 115 - 119)

7. Đóng góp của luận văn:

3.2.2. Ngôn ngữ thính giác (âm thanh)

Để điện ảnh có thể trở thành loại hình nghệ thuật hấp dẫn nhất thế kỷ XX và đến ngày nay, thì ngoài đóng góp về hình ảnh, âm thanh cũng góp phần quan trọng không kém. Thính giác và thị giác kết hợp với nhau, trở thành giác quan chủ đạo trong việc tiếp thu, cũng như đóng vai trò tác động trong xây dựng hình tượng điện ảnh và tạo xúc cảm thẩm mỹ. Có thể thấy tác dụng tạo hình của âm thanh đối với tạo hình hình ảnh tạo nên những cảm xúc tinh tế, giúp người xem có thể mường tượng ra màu sắc, hình thể, chuyển động… của đối tượng trong không gian liên tưởng. Âm thanh có khả năng tái tạo hiện thực, có điều kiện đào sâu tâm trạng và thể hiện tâm lý của con người. Sự chú ý thị giác luôn song hành với sự chú ý của thính giác, khán giả ngày càng nhạy cảm khi thưởng thức các bộ phim từ tiếng người, đối thoại, độc thoại, tiếng ngoài hình, âm thanh hiện trường… mang tính hình tượng.

Âm thanh trong phim bao gồm: lời nói, tiếng động và âm nhạc. Khảo sát âm thanh của Đêm hội Long Trì về mặt lời thoại, ta thấy, tác phẩm điện ảnh có được lợi thế ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Những câu thoại giữa các nhân vật được trau chuốt theo đúng bối cảnh, ngữ nghĩa, địa vị nhân vật, chuẩn xác về mặt lịch sử và văn hóa, cũng như những lễ nghi, phong cách trong cung thời Lê Trung Hưng. Lời nói là các thành tố tạo hình “ẩn”, bổ sung rõ nét cho tính cách nhân vật, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm và cả những âm mưu, toan tính.

108

Cách nói chuyện của Bảo Kim luôn nho nhã, nhẹ nhàng, lối nói vận dụng chữ nghĩa, văn chương. Còn cách nói của Đặng Lân thô lỗ, ngạo mạn. Lời thoại của Đặng Thị Huệ với Trịnh Sâm thì lơi lả, ngọt ngào kết hợp với ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ ánh mắt quyến rũ; khi nói chuyện Đặng Lân là tình cảm của một bà chị quan tâm đến em, nhưng cũng có những toan tính để vừa được lợi cho em và cho bản thân mình; với kẻ thân tín vừa uy quyền, vừa xoa dịu. Nội dung truyện phim là sự hòa quyện tổng thể giữa hiệu quả tạo hình hình ảnh và tạo hình âm thanh trong nghệ thuật kể chuyện.

Trong phim Đêm hội Long Trì, về hình thức lời nói chủ yếu là lời nói trong khuôn hình. Đây là hình thức lời nói vang lên trong không gian của cảnh quay, nguồn phát ra lời nói nằm ngay trong khuôn hình. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua theo dõi diễn biến bộ phim. Còn về loại lời nói gồm đối thoại và độc thoại. Đêm hội Long Trì ngập tràn các đối thoại, các cuộc trò chuyện. Đạo diễn đã xử lý đối thoại của các nhân vật đặt trong bối cảnh và cường độ âm thanh phù hợp. Một nét ấn tượng trong phim là các đoạn độc thoại. Các đoạn này không xuất hiện nhiều, nhưng đúng lúc và vừa đủ để tạo nên điểm nhấn. Phân đoạn Khê Trung hầu can gián Trịnh Sâm, khi hai người bước ra khỏi khuôn hình để chuẩn bị chuyển cảnh ngoại cảnh sang nội cảnh, Hề trò cung đình đã đọc một đoạn ca dao đầy chua xót:

“Thân em như dải lụa đào Cởi ra cũng khó mặc vào không xong

Trăm năm trong cõi đèo bòng Trách ai ham sắc mà còng lưng tôm…”

Lời nói độc thoại của Hề trò vừa như nói lên tình cảnh khó xử của Chúa Trịnh không biết làm sao cho vẹn cả đôi đường, vừa muốn bảo vệ con gái, vừa muốn chiều lòng người đẹp; lời nói cũng mang đầy ý trách móc Trịnh Sâm, trách thói ham sắc của ông ta gây họa cho bao người. Câu ca dao độc thoại, kèm theo tiếng cười bi thương của Hề trò khiến người xem thở dài, tiếc thay cho đấng

109

quân vương u mê vì tình ái. Như thế, hình tượng thị giác không chỉ đơn thuần là hình ảnh do máy quay ghi lại mà còn có sự hỗ trợ rất lớn bởi âm thanh. Đối thoại của nhân vật kết hợp tiếng động hiện trường và âm nhạc tạo nên hiệu ứng tích cực, tác động đến người thưởng thức.

Hay một đoạn độc thoại khác sau khi tiễn Quỳnh Hoa về nhà chồng, Trịnh Sâm cũng đổ sụp: “Con! Cha làm hại đời con rồi, Quỳnh Hoa…!”, cùng với đó là những hình ảnh quay cuồng, kết hợp với âm nhạc trầm buồn. Quỳnh Hoa giống như thứ ánh sáng trong trẻo trong nội cung đầy u ám những mưu đồ tranh đoạt của Trịnh Sâm, đứa con gái cho ông ta những cảm xúc bình yên về tình cảm cha con, tình ruột thịt, thứ tình cảm chỉ có hy sinh vì nhau trọn kiếp. Nhưng chính tay ông ta đã xô đẩy, ném con vào bão giông. Bởi thế, lòng càng ngập tràn ân hận, lời lẽ càng rên xiết, thống thiết không nguôi.

Tuy nhiên, trong phim Đêm hội Long Trì, phần tiếng động hiện trường có phần đơn giản, yếu tố âm thanh không gian ngoài hình khá mờ. Các phân đoạn trong cung hầu như vắng tiếng động hiện trường, điều này dường như là chủ ý của đạo diễn muốn mô tả cuộc sống nơi vương phủ của Chúa Trịnh xa rời với nhịp sống của xã hội, ở đó không chỉ thiếu những hình ảnh đời thường, những tình cảm chân thành, mà ngay cả những thanh âm đơn giản nhất cũng như biến tan vào không gian. Ở các phân đoạn có bối cảnh ngoại, phần tiếng động hiện trường được xử lý tốt hơn. Theo dõi bộ phim, chúng tôi thấy rằng: Thứ nhất, bộ phim không thực hiện ghi hình và thu thanh đồng bộ mà được gia công tiếng động sau đó; Thứ hai, bộ phim được quay cách đây đã gần 30 năm, bản phim mà chúng tôi nghiên cứu và phân tích có phần bị suy giảm cả về âm thanh và hình ảnh nên chưa có được sự đánh giá đầy đủ. Trong tạo hình âm thanh, phần xuất sắc nhất chính là âm nhạc trong phim với sự tham gia của dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ngay từ phần mở đầu phim, bản hòa tấu nhạc cụ truyền thống Lưu thủy kim tiền - một trong những bản nhã nhạc cung đình nổi tiếng nhất đã mở ra khung cảnh lễ hội đêm hội Trung

110

thu một cách rộn rã và đầy ấn tượng. Phân đoạn đêm hội cũng là phân đoạn được xử lý khá hoàn chỉnh về mặt ngôn ngữ âm thanh: âm nhạc hài hòa, với những bản nhạc lúc sôi động, lúc lại du dương, da diết; tiếng động phong phú với tiếng hiện trường, tiếng người nói, tiếng cười, tiếng bước chân…; lời nói đối thoại của các nhân vật rõ ràng, không bị trộn lẫn vào các tạo hình âm thanh khác, nổi bật, trong và vang. Trong không gian lễ hội ấy, Bảo Kim đã gặp Quỳnh Hoa, người con gái mà chàng vốn “hâm mộ tài sắc” đã lâu, “Trước kia, chàng mới có hân hạnh nhìn trộm nàng ở xa, không ngờ nay lại có cái diễm phúc được tới gần người ngọc. Mắt chàng ngốn cái sắc thanh kỳ kia, lòng chàng hồi hộp, chàng

muốn nói mà không sao nói được” [43, tr.13]. Trong tiểu thuyết, giây phút đó

Bảo Kim không nói được điều gì, thì trong phim, chàng cũng xúc động như thế, nhưng có phần chủ động hơn khi được mời miếng trầu gặp mặt. Khung cảnh ấy, với hai con người “như hẹn từ muôn kiếp”, khuôn mặt nàng thanh nữ giấu mình sau cây quạt cùng với tiếng đàn violon da diết hòa vào bản hòa tấu Qua cầu gió bay, thì khán giả không chỉ nhìn thấy những hình ảnh trong phim đang trình chiếu mà như được dẫn dắt, đắm chìm vào một cảm xúc tạo hình mới. Đó chính là thang bậc, tầng nấc tạo hình vừa thăng hoa, vừa lắng sâu. Suốt bộ phim là những bản nhạc hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền được viết riêng cho bộ phim, hòa âm hợp lý với tạo hình hình ảnh, sử dụng hài hòa trong từng phân đoạn cho thấy sự tâm huyết của những người làm âm nhạc trong phim.

Phân đoạn Nguyễn Mại cứu Bảo Kim và các bạn khỏi ngục thất của Đặng Lân, tạo hình âm thanh được xử lý tốt, hài hòa cả về đối thoại, tiếng động hiện trường và âm nhạc. Khi Nguyễn Mại cùng trợ thủ đột nhập vào phủ, nhịp phim tiết tấu nhanh hòa với âm nhạc hồi hộp, kịch tính. Ánh sáng và bóng đêm được tiết chế vừa đủ, một vài vệt sáng hắt lên đủ tạo nên sự tương phản. Tiếng bước chân chạy trong bóng đêm chập choạng gợi cho người xem một cảm giác lo lắng, bất an. Đến khi Bảo Kim và các bạn đã được cứu ra khỏi ngục, một cơn mưa ào ào đổ xuống, tiếng mưa như hòa nhịp, như đồng lõa xóa đi dấu vết về

111

một cuộc giải cứu trong đêm. Có thể nói, hiệu quả của tiếng động và âm nhạc đã cùng góp phần tạo nên hồn Việt cho bộ phim, nâng tầm giá trị của tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đêm hội long trì từ tác phẩm văn học dến tác phẩm điện ảnh (Trang 115 - 119)