7. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác
1.2.2.1.Từ quan điểm sáng tác...
Quan điểm sáng tác là cách nhìn, cách cảm, thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống, thể hiện giới hạn tối đa trong cách hiểu của nhà văn về thế giới, con người và văn học. Có những nhà văn trực tiếp phát biểu quan niệm của mình thành các luận điểm, cũng có nhiều nhà văn thể hiện quan điểm thực tiễn của mình trên trang viết. Với Thạch Lam, hầu hết các quan điểm được ông phát biểu trong tiểu luận
Theo dòng. Còn R.Tagore có nhiều phát biểu trực tiếp về quan điểm sáng tác qua một số bài tiểu luận: Vũ trụ và cá nhân, Tôn giáo của rừng núi, Tôn giáo của nhà thơ, Nghệ thuật là gì?, Tôn giáo con người, Sự thống nhất sáng tạo... Thạch Lam và R.Tagore là hai trong số những tác giả xuất sắc đã cụ thể hóa những quan niệm của mình trong thực tiễn sáng tác. Hai tác giả có sự gặp gỡ trong quan niệm nghệ thuật. Những quan niệm ấy hé mở với người đọc cái nhìn độc đáo của hai tác giả về thế giới và con người.
Tác phẩm văn chương phải có đủ các giá trị chân, thiện, mỹ
Thạch Lam và R.Tagore đã nhận thức một cách khoa học về các chức năng văn học. Thạch Lam rất coi trọng chức năng phản ánh, cải tạo xã hội, thanh lọc tâm hồn con người, hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ - lý luận văn học hiện đại gọi là chức năng nhân đạo hóa con người. Trong xã hội đầy rẫy bất công đương thời, Thạch Lam xác định: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn” [16, tr.6]. Mỗi tác phẩm của Thạch Lam là một bức họa đẹp về tâm hồn con người, là một lời đề nghị về lối sống, ông đã bồi đắp, xây dựng cho nhân vật mình ý thức, đưa họ tới giá trị chân, thiện, mĩ cao đẹp của cuộc sống. Văn Thạch Lam vì thế trở thành vũ khí sắc bén để thanh lọc và cải tạo lòng người. Nếu nói nghệ thuật chân chính hướng con người đến chân, thiện, mỹ thì văn Thạch Lam là một minh chứng hùng hồn. Còn R.Tagore, quan niệm về nghệ thuật của ông rất phong phú nhưng ông cũng chủ yếu đề cao ba giá trị chân, thiện, mĩ. Trong tiểu luận “Tôn giáo con người”, tác giả đã lý giải câu hỏi “Nghệ thuật là gì? Đó là sự trả lời của tâm hồn sáng tạo của con người đáp lại tiếng gọi của hiện thực” [50, tr.396]. Nghệ thuật là sự phản ánh hiện thực thông qua sự sáng tạo của nhà văn. Hai tác giả nhấn mạnh vai trò xã hội tốt đẹp của văn chương song không quên chú trọng tới tác dụng bồi đắp tâm hồn con người của nó. Sự thực được nói tới không hẳn là hiện thực trần trụi mà là phản ánh hiện thực thông qua tâm hồn sáng tạo của nhà văn như R.Tagore quan niệm: “Mặt trời nóng bỏng là hiện thực nhưng vẻ đẹp của bình minh mới là một hiện thực mang tính thi ca”. Văn chương đích thực làm giàu hơn đời sống tinh thần, khiến cho đời sống con người trở nên trong sáng, phong phú hơn. Ý thức được thiên chức của người cầm bút và có quan niệm về nghệ thuật rất tiến bộ, Thạch Lam và R.Tagore đã thổi vào tác phẩm của mình luồng sinh khí mới. Các tác phẩm phản ánh hiện thực nhưng thấm đẫm chất thơ. Văn chương của hai nhà văn là những trang hiện thực không có rùng rợn, bão tố, không có sần sùi, gồ ghề, kịch tính mà là nhẹ nhàng, giản dị. Chính sự nhẹ nhàng đã để lại trong tâm thức người đọc những băn khoăn, day dứt trước số phận con người.
Văn chương bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống
Giống như cây xanh hút màu từ đất mẹ, tác phẩm văn học phải bám rễ sâu chắc vào mảnh đất cuộc đời, từ đó tỏa ra những tán lá rộng, góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Đọc các truyện ngắn của Thạch Lam chúng ta thấy, hàng loạt truyện ngắn: Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ, Tối ba mươi… là sự phản ánh chân thực cuộc sống.
Trong tiểu luận Tôn giáo của nhà thơ, R.Tagore viết: “Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là nhắn nhủ thế giới rằng chúng ta lớn lên trong hiện thực, bằng cái hiện thực mà chúng ta thể hiện” [50, tr.381]. “Nghệ thuật nó có cây đũa thần đem lại hiện thực bất tử cho mọi vật nó chạm vào và kết nối chúng với cái tồn tại cá nhân trong chúng ta. Đứng trước các sản phẩm của nghệ thuật, ta nói: Ta biết ngươi như biết ta, ngươi là hiện thực…” [50, tr.374]. Tuy nhiên, cái hiện thực được phản ánh ở các tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore không xoáy sâu vào những mâu thuẫn xung đột gay cấn, mà gây xúc động với người đọc bằng ngòi bút điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Đối tượng được hai tác giả quan tâm nhiều hơn cả là tầng lớp dân nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em với những diễn biến thường ngày, thầm lặng của cuộc sống. Đó chính là gừng cay muối mặn, là phù sa cuộc đời, là sự phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống.
Đề cao sự rung động của trái tim, xúc cảm của người nghệ sĩ trước cuộc đời
Trong lời tựa tập Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam viết: “Tôi hết sức diễn tả cho đúng tất cả sự thực rung động và thi vị của cuộc đời” [16, tr.5]. Cùng quan điểm ấy, R.Tagore viết: “Khi quả tim chúng ta được hoàn toàn đánh thức trong tình yêu hoặc trong những cảm xúc cao thì nhân cách chúng ta đang trong triều dâng. Khi đó, quả tim ta cảm thấy muốn biểu hiện nó vì sự biểu cảm” [50, tr.384]. Văn học là tiếng nói của tâm hồn, là tình cảm cá nhân người nghệ sĩ trước cuộc đời, nhà văn chỉ sáng tạo nên tác phẩm khi cảm thấy tiếng nói thôi thúc mãnh liệt từ con tim. Người đọc sẽ tìm đến tác phẩm bằng sự đồng cảm. Những tư tưởng tâm đắc, tha thiết nhất mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm sẽ thâm nhập vào tâm hồn bạn đọc theo hình hài cảm xúc. Một tác phẩm có giá trị hay không xét cho cùng do tình cảm của người viết có chân thực hay không, có khả năng đánh động tới tình cảm, cảm xúc của người đọc hay không. Tư tưởng nghệ thuật nào phải một hình thái chết, nó là những phát hiện, những triết lý riêng của nhà văn, một thứ triết lý nhân sinh đầy tình cảm, cảm xúc, thấm đẫm bầu nhiệt huyết của người nghệ sĩ. Khám phá những tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore sẽ thấy, hai tác giả không chỉ quan tâm đến những điều nói trên khi phát biểu những gì liên quan đến quan điểm sáng tác mà còn sử dụng chính tác phẩm văn học như một công cụ hữu hiệu truyền tải đến người đọc quan điểm văn chương của mình. “Xúc cảm của Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo” [54, tr.127]. Chúng ta không khỏi đau xót khi chứng kiến thảm cảnh nhà mẹ Lê - người mẹ khốn khổ cùng với mười một đứa con nheo nhóc, đói khát; chúng ta không quên hình ảnh bé Hiên co ro trong cơn gió lạnh đầu mùa và nỗi day dứt của
người mẹ ngày đi mò cua, bắt ốc không kiếm nổi cho con tấm áo, những con người nhỏ bé với cuộc sống quẩn quanh, bế tắc trong cái “ao đời phẳng lặng” ... chính xúc cảm của nhà văn đã mang lại cho người đọc những băn khoăn, day dứt. R.Tagore cũng vô cùng coi trọng yếu tố xúc cảm của nhà văn, trong truyện ngắn Chiến thắng, tác giả tạo ra cuộc thi tài giữa hai thi sĩ đại diện cho hai quan niệm về nghệ thuật. Một bên là thi sĩ cung đình Sêkha - nhà thơ xúc cảm khiến người nghe say mê khi khơi gợi trong tâm hồn con người những cảm thức tế nhị mà mãnh liệt về cuộc sống. Một bên là thi nhân Punđarik - nhà thơ của lý trí và kiến thức làm người nghe choáng ngợp với những lý lẽ sắc bén, những cơn lũ kiến thức, những đường đi lắt léo của ngôn từ. Tại các cuộc tranh tài, Punđarik đều nhận được sự hoan hô nhiệt liệt của các học giả, còn Sêkha “khiến người nghe rung động một nỗi buồn man mác, mênh mang của một niềm vui sướng mơ hồ khó tả và họ quên hoan hô chàng” [50, tr.65]. Cuối cùng, Sêkha cúi đầu chịu thua trên sân điện. Với cách mô tả hiệu quả mà tác phẩm mang lại cho người nghe thì thấy rõ ràng tình cảm của R.Tagore nghiêng về phía nhà thơ cung đình Sêkha, nghiêng về phía xúc cảm chứ không phải về phía lý trí và kiến thức. Kết thúc câu chuyện, R.Tagore để hoàng hậu Ajita đến quàng vào cổ nhà thơ vòng hoa chiến thắng. Tác giả đã dùng chủ đề của câu chuyện này phát biểu quan niệm của mình: coi trọng xúc cảm và khơi gợi cảm xúc trong sáng tạo văn học. Xúc cảm là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với mỗi tác giả, điều đó lý giải vì sao trong thực tế văn học, có những nhà văn suốt đời không tạo nên một tác phẩm đích thực, phải ngậm đắng, nuốt cay than thở cho sự bạc bẽo của nghề văn. Lại có những nghệ sĩ lớn được cả thế giới ngưỡng mộ như R.Tagore, và có những nghệ sĩ dù sáng tác không nhiều nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc mà tác phẩm sống mãi với thời gian như Thạch Lam.
Với tư cách là những người sáng tạo nghệ thuật chân chính, Thạch Lam và R.Tagore lên án các tác phẩm văn học “mang đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên”, những tác phẩm sáng tác theo số đông, không có chiều sâu, xa rời thực tại. R.Tagore gọi đó là “Thời trang trong văn học”. Ông viết: “Thời trang trong văn học mà nhanh chóng mệt mỏi với bản thân chúng mấy khi đến từ bề sâu? Chúng thuộc về sự vui nhộn gấp gáp bề nổi, đòi hỏi ầm ào được thừa nhận ngay tại thời điểm. Loại văn học đó do chính sức căng của nó, làm kiệt sức sự phát triển bên trong, và nhanh chóng chuyển sang những thay đổi ở cái vỏ bên ngoài giống như lá mùa thu, để nhờ nước sơn và mấy mảnh vải vá mà tạo ra một cái thứ cập nhật làm xấu hổ bản thân nó của mới ngày hôm qua” [50, tr.375]. Trong tiểu luận Theo dòng Thạch Lam cũng bày
tỏ: “chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi”. Như vậy, hai tác giả đều quan niệm người nghệ sĩ không được phép chạy theo thời thượng nhằm thỏa mãn thị hiếu thấp hèn của một bộ phận độc giả, càng không được phép bán đứng ngòi bút vì ma lực của đồng tiền, những tác phẩm văn chương kém chất lượng chỉ tồn tại một thời gian ngắn sẽ rơi vào quên lãng, cuối cùng bị xóa sổ trên văn đàn.
Thạch Lam và R.Tagore đã mang đến những quan điểm nghệ thuật tích cực từ quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc. Với 32 năm ngắn ngủi ở trần thế, Thạch Lam đã khẳng định được vị trí không thể thay thế của mình trong dòng chảy của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Còn R.Tagore trở thành thiên tài của Ấn Độ và thế giới. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của hai nhà văn trở thành tấm gương sáng của người nghệ sĩ chân chính.
1.2.2.2 ... Đến những thành tựu ...
Thạch Lam và R.Tagore là hai là văn đồng đại, cùng được nuôi dưỡng từ nguồn sữa nghệ thuật của gia đình và mạch nguồn văn hóa dân tộc. Các ông đến với văn chương như quy luật tất yếu của tình yêu, đam mê. Sự nghiệp văn học của Thạch Lam có thể tính từ năm 1931, đó là thời điểm ông thôi học, bắt đầu làm báo, viết truyện ngắn. Khi Nhất Linh sáng lập nhóm Tự lực văn đoàn, Thạch Lam trở thành cây bút chủ chốt của báo
Phong hóa và Ngày nay. Cầm bút sáng tác theo tuyên ngôn của Tự lực văn đoàn, ông vẫn lặng lẽ kiếm tìm cho mình một hướng đi riêng. Những sáng tác của ông ban đầu không được công chúng đón nhận bởi nó luôn đi bên lề của “mốt thời thượng”. Tuy vậy, thời gian là thước đo công bằng, khách quan đã trả lại cho văn chương ông giá trị đích thực vốn có. Những sáng tác của Thạch Lam khá khiêm tốn về số lượng không chỉ bởi ông viết kỹ, đến độ “khó tính” mà còn bởi cuộc đời của một nhà văn tài hoa quá ngắn ngủi, nhưng những gì ông để lại không phải là số lượng đồ sộ mà là một phong cách nghệ thuật độc đáo.Văn chương của Thạch Lam là những trang văn đẹp. Đến nay nó càng lôi cuốn tâm hồn những con người đương đại, con người hôm nay tìm về Thạch Lam như nhu cầu tìm về một cõi hiền hòa, yên tĩnh, dịu dàng, về một cõi mình có thể lắng nghe mình, về thời gian của “Gió đầu mùa”, không gian của “Nắng trong vườn”, hương vị của “Hà Nội ba sáu phố phường”.
Các tác phẩm của Thạch Lam hầu hết đã đăng báo trước khi in thành sách. Từ năm 1933 đến 1940, trên hai tờ báo nổi tiếng Phong hóa, Ngày nay, Thạch Lam đã viết và in ít nhất hơn 50 truyện ngắn. Trong đó, tác giả tuyển chọn, NXB Đời nay
xuất bản các tác phẩm: tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941), một truyện dài “Ngày mới” (1939), Tiểu luận “Theo dòng” (1941), Tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong “Quyển sách hạt ngọc” (1940).
Trong mười năm ngắn ngủi tham gia công việc văn chương, Thạch Lam chú ý đến những hình ảnh thơ mộng, đẹp ngấm ngầm của xã hội Việt Nam. Nếu Gió đầu mùa nói về nông thôn thì Hà Nội băm sáu phố phường mang Thạch Lam lên một vị trí quan trọng của văn học Việt Nam khi viết về Hà Nội. Thạch Lam không phải người Hà Nội nhưng những rung động của ông đối với nơi này thật mạnh mẽ và sâu lắng. Thiếu những yếu tố này chắc chắn chúng ta không có những tác phẩm mà theo nhiều nhà phê bình văn học đều cho rằng: đây là “hạt ngọc” của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Từ năm 1988 đến nay, lần lượt các nhà biên soạn đã tuyển tập, chọn lọc phần tác phẩm truyện ngắn Thạch Lam. Trong tình hình lưu trữ mấy chục năm qua gặp rất nhiều khó khăn, việc tìm lại đầy đủ số truyện ngắn Thạch lam đã viết quả không dễ dàng. Mặc dù vậy, với số truyện ngắn hiện có cũng đã đem lại cho Thạch Lam một vị thế xứng đáng, làm rạng rỡ gương mặt truyện ngắn Việt Nam hiện đại.
Còn R.Tagore, sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông rất lớn. Ông để lại cho Ấn Độ và thế giới 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 tập tiểu thuyết và trên 100 truyện ngắn… Trong đó, đáng chú ý nhất là tập Thơ dâng được giải thưởng Nobel Văn học 1913. Cả thế giới đánh giá đây là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ từ khi có Kalidaxa - nhà thơ lớn nhất của Ấn Độ từ thế kỷ X đến nay. Ở thể loại truyện ngắn, R.Tagore cũng được đánh giá rất cao. Có thể nói: R.Tagore là nhà văn đã khai sinh ra thể loại truyện ngắn trong nền văn học Ấn Độ vào những năm 90 của thế kỷ XIX. Ông đã đưa thể loại này đến đỉnh cao bằng những sáng tác của mình và ông xứng đáng với những lời xưng tụng của các nhà nghiên cứu: “truyện ngắn bằng tiếng Bengali đã có những mùa hoa thật rực rỡ đầu tiên trong tác phẩm của R.Tagore. Văn học hiện đại của Bengali đã bước vào một kỷ nguyên mới, sự khởi đầu của thời kỳ Rabindranath viết truyện ngắn” [9, tr.92].
Không chỉ là một nhà thơ vĩ đại, một cây bút truyện ngắn xuất sắc, R.Tagore còn rất thành công ở các thể loại: tiểu thuyết, kịch, âm nhạc, hội họa. Ông đã sáng