Phụ nữ hiện thân của bi thương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng nhân vật phụ nữ và trẻ em trong truyện ngắn của thạch lam và rabindranath tagore (Trang 58 - 62)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Phụ nữ hiện thân của bi thương

Đầu thế kỷ XX, tại Việt Nam và Ấn Độ, tư tưởng tự do còn hạn chế, sự phân biệt nam nữ còn nặng nề, phụ nữ là những người thiệt thòi nhất trong xã hội ấy. Có lẽ vì thế, hầu hết tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore đều mang màu sắc buồn, nhất là những tác phẩm viết về phụ nữ.

Thạch Lam dù có cái nhìn nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng các truyện ngắn của ông nhìn chung đều có giọng điệu buồn. Qua các tác phẩm của ông, người đọc cảm nhận được dư âm của cái bi thương rất rõ. Hình ảnh Dung (Hai lần chết), Liên, Huệ (Tối ba mưới), Liên (Một đời người), hay hình ảnh mẹ Lê (Nhà mẹ Lê)… ám ảnh người đọc. Truyện ngắn Thạch Lam có 74 nhân vật phụ nữ, chỉ 11 nhân vật có cuộc sống suôn sẻ. Các nhân vật khác (63 nhân vật) ít nhiều đều có những bất hạnh trong cuộc sống.

Người phụ nữ trong truyện ngắn Thạch Lam xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong gia đình, xã hội. Là người yêu, người vợ, người mẹ trong gia đình, họ bị thờ ơ, hắt hủi, hành hạ như những nô lệ. Dung trong Hai lần chết là cô gái sinh ra đã phải chịu sự ghẻ lạnh của gia đình. Lớn lên, cha mẹ gả cô cho một gia đình giàu có, nhưng lại gặp phải người chồng “vừa lẩn thẩn, vừa ngu đần”, mẹ chồng thì ác nghiệt, luôn tìm cách đay nghiến con dâu, còn hai cô em chồng “ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm” khiến Dung khổ sở vô cùng. Cô muốn tìm chỗ dựa tinh thần ở nhà bố mẹ đẻ. Nhưng người mẹ lại rũ bỏ trách nhiệm với con bằng thái độ vô cảm, tàn nhẫn “chỉ biết nó không phải là con tôi nữa mà thôi”. Lần thứ nhất, Dung tự tử nhưng không chết. Lần thứ hai đáng sợ hơn, Dung phải tiếp tục cuộc sống cũ, đó mới thực sự là chết không bấu víu vào đâu được, cái chết vì tinh thần ngay trong cõi sống. Khác với Dung lấy phải anh chồng ngu đần, Liên (Một đời người) lại lấy phải anh chồng vũ phu, sẵn sàng hành hạ vợ bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì. Cả chồng và mẹ chồng đều tàn bạo nên Liên chỉ còn trông vào đứa con lên sáu làm chỗ dựa tinh thần, nhưng bất hạnh thay “nó cũng xấc láo như bố”. Ngôi nhà với cô như “một cái địa ngục”, cô không hiểu do đâu “chồng nàng và mẹ chồng lại ác nghiệt với nàng đến thế”. Đọc những trang truyện này, người đọc như cảm nhận được tâm sự sâu kín, một lời trách móc âm thầm và thống thiết của nhà văn qua những số phận bất hạnh. Đó là sự phản đối chế độ gia đình phong kiến cổ hủ - một chế độ vô nhân đạo với những người phụ nữ ở ngay trong gia đình và do chính những người thân của họ gây ra.

Cuộc đời của Liên, Huệ trong Tối ba mươi là cuộc đời của những con số không tròn trĩnh: không gia đình, không quê hương, không chốn tựa nương. Lời khấn

bái tối giao thừa nghẹn lại vì không biết khấn gì. Lời chúc của người bồi “săm” cũng không nỡ nói hết vì không biết chúc gì. Mọi nẻo đường dường như đã bị chắn lối. Hướng về nhà thì Huệ “còn nhà đâu nữa mà về? Mẹ chết rồi, cha đi lấy vợ khác không biết ở đâu… Liên còn cha mẹ nhưng không dám về” [34, tr.234]. Họ ở lại trong căn phòng bẩn thỉu với một cái tết lạnh lẽo. Cuộc sống tạm bợ, qua ngày của Liên, Huệ dưới ngòi bút của Thạch Lam đáng thương hơn đáng giận. Số phận của họ cũng bi thương như số phận chung của những người phụ nữ trên các trang viết của Thạch Lam.

Hình ảnh người mẹ trong trang viết của Thạch Lam cũng hiện ra thương tâm vô cùng, đó là người mẹ nghèo khó tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học, lớn lên lại bất hiếu trong Trở về. Đó là mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) - người đàn bà góa chồng phải nhọc nhằn, tần tảo nuôi đàn con thơ mười một đứa. Tình thế cùng quẫn, bà phải nhẫn nhục mang rá vay gạo nhà giàu. Nhưng hai lần đi, hai lần mang rá về không, đau đớn hơn, bà còn bị chúng xua chó cắn chết. Cuốn phim về cuộc đời mẹ Lê được Thạch Lam quay lại từ từ trong cơn mê sảng của nhân vật. Cuộc đời mẹ Lê từ quá khứ đến hiện tại “chỉ toàn là những ngày khổ sở, nhọc nhằn”. Cái chết của mẹ Lê là lời buộc tội sâu sắc hiện thực xã hội đương thời. Đọc tác phẩm này, ta thấy có sự gặp gỡ ở một mức độ nào đó giữa Thạch Lam và Nguyên Hồng. Nhà văn Nguyên Hồng làm người đọc xúc động khi gợi lại cái chết thảm thương của cô Mũm (Đây bóng tối). Cô Mũm chết đi để lại người chồng mù lòa và bốn đứa con thơ dại. Còn mẹ Lê, liệu có nhắm mắt được dưới suối vàng khi trên dương thế còn đàn con thơ dại trước cuộc đời đầy giông tố? Trái tim vốn đầy lòng trắc ẩn của nhà văn như run lên khi viết về số phận bi thương của những con người bất hạnh. Dường như với Thạch Lam, phụ nữ ngoài thiên chức làm mẹ còn mang trên vai gánh nặng mưu sinh. Cuộc đời họ gắn liền với khổ sở, buồn đau.

Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam đều đan cài bút pháp lãng mạn và hiện thực. Giọng điệu thương cảm của ông không chỉ dành riêng cho kiểu nhân vật phụ nữ, vấn đề nhân đạo được ông triển khai ở mọi phương diện. Tuy nhiên, rất rõ ràng, khi viết về người phụ nữ, Thạch Lam tập trung phản ánh khía cạnh đau buồn trong cuộc sống của họ. Nhân vật phụ nữ của Thạch Lam có hạnh phúc nhưng nhiều hơn cả là hình ảnh, số phận bi thương. Dường như với Thạch Lam, phụ nữ không chỉ là những người thiệt thòi mà trong cảm nhận và bút pháp của ông, họ là hiện thân của cái bi.

Trong sáng tác của R.Tagore, nhân vật phụ nữ cũng có những điểm giống nhân vật nữ của Thạch Lam. Tiếp xúc với mỗi nhân vật nữ của R.Tagore, độc giả sẽ gặp

một cảnh đời đặc biệt để lại dư âm buồn. Khảo sát truyện ngắn của ông, chỉ có 7/52 (chiếm 13,5%) nhân vật phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc, còn lại phần lớn (45 nhân vật) đều được miêu tả trong cái buồn thương.

Mahamaya (Dàn hỏa thiêu) là cô gái thuộc đẳng cấp Bàlamôn. Vì yêu Rajip, một chàng trai thuộc đẳng cấp thấp hơn nên cô bị người anh tàn nhẫn, độc ác ép lấy một người đàn ông cùng đẳng cấp, đang hấp hối. Hôn lễ cử hành trong tiếng lầm rầm đọc kinh hòa lẫn tiếng rên rỉ của kẻ sắp chết. Hôm sau, nàng trở thành góa phụ, đau đớn hơn, nàng bị thiêu sống cùng xác chồng (tục sati). Thật chua chát khi các tu sĩ đặt ra điều cấm kỵ “không được sát sinh” cho dù là một con kiến bé nhỏ nhưng lại cho phép thiêu sống một góa phụ. May mắn thay, một trận cuồng phong và mưa bão đã cứu sống tính mạng cô. Tưởng rằng, Mahamaya sẽ được sống hạnh phúc bên người yêu, nhưng nỗi đau này vừa qua, nỗi đau khác lại đến. “Ngọn lửa của dàn hỏa thiêu với cái lưỡi háu đói và bạo tàn đã cướp đi cả một phần má trái và để lại những tàn phá mà cơn thèm khát của nó gây ra” [50, tr.79]. Mặc cảm, buồn tủi cho số phận, Mahamaya sống mà như đã chết. Nàng không dám nhìn Rajip, không để anh động đến cô. Tấm khăn trùm đầu như một tấm khăn liệm phần đời còn lại của cô. Một đêm, Rajip đến mở tấm khăn ra, anh nhìn thấy một vết sẹo đáng sợ trên mặt Mahamaya. Dù Rajip cầu xin tha thứ nhưng vì quá đau buồn, Mahamaya đã bỏ đi.

Nhân vật Kuxum (Những bậc bến tắm bên sông) bị gả chồng từ khi còn là cô bé bảy tuổi, mới được gặp chồng một, hai lần thì nhận được bức thư báo tin chồng chết. “Tám tuổi đã góa bụa, Kuxum xóa bỏ dấu son của người đàn bà có chồng trên trán, cởi bỏ các vòng đeo ở cổ tay, cổ chân và trở về ngôi nhà cũ bên con sông Hằng” [50, tr.261]. Từ đó, cô sống cuộc đời thầm lặng, không người thân, không bạn bè. Mười năm sau, cứ ngỡ hạnh phúc sẽ mỉm cười khi cô gặp lại người chồng tưởng đã chết sau bao năm xa cách. Nhưng giờ đây, chồng cô đã trở thành khất sư, không còn là người thuộc về thế giới thực, nơi đó không có chỗ cho tình yêu tồn tại. Cuối cùng, nàng tìm đến dòng sông Hằng để kết thúc cuộc đời đơn côi, buồn tủi. Số phận của Mahamaya và Kuxum tiêu biểu cho số phận bi thảm của nhiều cô gái Ấn Độ - nạn nhân của những tập tục lạc hậu. Qua đó R.Tagore lên án tập tục vô nhân đạo trong văn hóa Ấn Độ đã kìm hãm, áp bức phụ nữ, không cho họ một con đường sống, một cơ hội làm người đúng nghĩa.

Cuộc đời Khirôđa (Quan chánh án) bị chà đạp phũ phàng trước thái độ vô cảm của kẻ thống trị nhân danh luật pháp, đạo đức. Cô góa chồng khi mới mười lăm tuổi. Với khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, cô đem lòng yêu say mê Môhít Môhan

Đút, nhưng nhận lại là sự dối trá, lọc lừa. Sau những biến cố cuộc đời, Khirôđa trở thành cô gái tiếp khách làng chơi, mua vui cho kẻ khác bằng những nụ cười nhưng đằng sau là những giọt nước mắt đầy tủi nhục. Những năm tháng cuối cùng của tuổi thanh xuân, Khirôđa đã có một mái ấm gia đình. Nhưng tổ ấm bé nhỏ chị hằng mong đợi phút chốc tan thành mây khói, nó ra đi vĩnh viễn để lại nỗi đau đớn khôn cùng: “Một buổi sáng, chị thức dậy để nhận ra người tình đã bỏ trốn hồi đêm, cuỗm theo tất cả tiền bạc và các đồ trang sức của mình. Chị không còn chút gì để trả tiền thuê nhà, và cả để mua sữa cho đứa con trai mới lên ba” [50, tr.268]. Từ dối lừa này đến dối lừa khác, cuộc đời của chị gặp phải nhiều tên Sở Khanh đã cướp mất của chị tất cả: tuổi xuân, tiền bạc, vật chất. Trong phút giây cùng quẫn, bế tắc, chị ôm con vào lòng, lao xuống giếng tự tử. Thật nghiệt ngã, Khirôđa không chết, chỉ đứa con lên ba của cô chết. Cô bị quan chánh án nghiêm khắc khép vào tội giết con, oái oăm thay, quan chánh án lại chính là tên Môhít Môhan ngày trước. Nỗi bất hạnh đau thương vẫn tiếp tục bám riết số phận của chị như một định mệnh.

Trong truyện ngắn của R.Tagore, ta còn thấy xuất hiện nhân vật phụ nữ không tên cũng có số phận vô cùng bi thương. Tác giả lấy cái kỳ ảo để nói đến thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Cô gái trong Đá đói xuất hiện với những tiếng nức nở, thổn thức: “Có một người phụ nữ nằm úp xuống tấm thảm dưới chân giường, những ngón tay tuyệt vọng giằng rứt mớ tóc dài xõa tung. Từ vầng trán xinh xắn của nàng rỉ ra một dòng máu, và nàng khi thì bật ra những tiếng cười khàn đục buồn bã, khi thì bật ra những tiếng nức nở, thổn thức xé lòng” [50, tr.122]. Trong Bộ xương, người đọc lại chứng kiến cuộc đời đau khổ của một cô gái góa chồng, phải bóp nghẹt trái tim, tuổi trẻ của mình vì những hủ tục lạc hậu, tàn nhẫn. Họ chỉ là hình ảnh ảo tưởng, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được xã hội tàn nhẫn đối với con người, nạn nhân phần lớn là những người phụ nữ. R.Tagore là người vô cùng nhạy cảm và sâu sắc. Ông đã xây dựng nhân vật phụ trở thành những hình tượng đẫm nước mắt. Người đọc cảm thấu được nỗi đau nhân sinh. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông đánh thức sự cảm thông, xót xa trong lòng người đọc. Từ đó, tác giả khẳng định quyền được sống, được hạnh phúc là quyền tối thiểu mà con người cần phải có.

Nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore dường như không ai giống ai: mỗi người một cuộc đời, một hoàn cảnh, một số phận. Họ là những người có tâm hồn trong sáng, luôn khao khát được sống trong hạnh phúc và họ xứng đáng được hưởng điều đó. Tuy nhiên, sự bất công của xã hội, những đạo luật hà khắc, sự vô cảm của người đời đã đẩy họ đến hố sâu của sự bất hạnh không có lối thoát. Hai tác giả đã

góp tiếng nói vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ - những nạn nhân cùng cực nhất của xã hội bằng cả trái tim và tình thương yêu vô bờ bến của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng nhân vật phụ nữ và trẻ em trong truyện ngắn của thạch lam và rabindranath tagore (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)