7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Chân dung tâm lý hoàn chỉnh
Ngoại hình nhân vật góp phần biểu hiện nội tâm. Đây chính là sự thống nhất giữa cái bên ngoài và cái bên trong của nhân vật. Vì vậy, khi tính cách, đời sống bên trong của nhân vật thay đổi, nhiều nét bên ngoài của nhân vật cũng thay đổi theo. Đời sống bên trong là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lý của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống gặp phải trong cuộc đời. Thạch Lam và R.Tagore bên cạnh việc xây dựng những nhân vật có ngoại hình hoàn chỉnh cũng đã xây dựng thành công những chân dung tâm lý rất trọn vẹn, thống nhất.
Cô hàng xén Tâm là một trong số ít nhân vật được Thạch Lam miêu tả hoàn chỉnh về cả ngoại hình và tâm lý. Bên cạnh hình dung là một cô gái xinh đẹp, đảm
đang, Tâm còn được biết đến là một cô gái đa cảm và giàu trách nhiệm: “Tâm cúi mặt thẹn đỏ hai gò má; nàng tưởng đến cậu giáo, con người xinh trai và nhã nhặn mà mới buổi gặp lần đầu nàng đã mến yêu ngay. Nhưng bỏ nhà đi lấy chồng thằng Lân và thằng Ái lấy tiền đâu ra để mua sách vở học? Nghĩ đến mẹ già phải làm lụng vất vả lòng Tâm lại không nỡ” [34, tr.55]. “Nàng cần gì những cái đó nữa. Bọn trai làng không còn chòng ghẹo nàng và trong lòng nàng cũng không còn cái tươi vui như trước. Với nàng cái thời con gái duyên thắm và chờ mong đã hết rồi. Nàng chỉ còn là một người đàn bà tảo tần hôm sớm để nuôi chồng” [34, tr.56]. Như vậy, tâm trạng Tâm chủ yếu được tác giả biểu đạt qua dòng suy tưởng khép kín của nhân vật. Những ngẫm nghĩ, suy tính, lo toan diễn ra trong lòng Tâm kéo dài suốt con đường từ chợ về nhà, từ nhà cô đến nhà chồng, lại từ nhà chồng cô đến chợ. Dòng suy tưởng này rải trên từng bước chân và đi qua suốt cả cuộc đời nhân vật. Nó tạo nên một tầng sống khuất kín của riêng Tâm, bí mật với tất cả mọi người, ngay cả với người mẹ thân yêu và gần gũi. Các cảm xúc, tâm tình được liên kết lại làm nổi bật tâm trạng cô đơn, bế tắc, không lối thoát của nhân vật.
Trong Hai đứa trẻ, với những sáng tạo nghệ thuật của Thạch Lam, nội tâm của nhân vật Liên hiện lên rất đặc sắc, tinh tế gắn với những tình huống và hoàn cảnh cụ thể. Tâm trạng của Liên trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cung bậc cảm xúc. Khi chiều tà buông xuống, những âm thanh và màu sắc phố huyện khiến tâm trạng cô lâng lâng, khó tả, Liên cảm nhận được cái buồn man mác của buổi chiều quê. Khi chợ tàn, cô xót xa khi nhìn “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất tìm tòi”, Liên “động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng”. Màn đêm buông xuống, tâm trạng Liên càng buồn hơn khi chứng kiến những con người phố huyện vất vả với gánh nặng mưu sinh. Biện pháp duy nhất để cô bé tìm thấy sự khuây khỏa trong tâm hồn là chờ đợi đoàn tàu với tâm trạng háo hức. Tàu đến, phố huyện như bừng sáng hơn, “Liên lặng theo mơ tưởng” về một “Hà Nội xa xăm, Hà Nội rực sáng vui vẻ và huyên náo”, đó là Hà Nội trong ký ức tuổi thơ Liên với những kỷ niệm sâu nặng mà bấy lâu nay Liên thiết tha được sống lại những ngày hạnh phúc ấy dù chỉ trong khoảnh khắc. Bởi vậy, đêm nào Liên cũng đợi tàu như một thói quen khó bỏ. “Con tàu như đã mang một chút thế giới khác đi qua” - thế giới của đô thành sôi động, sầm uất vang dội đủ thứ âm thanh của cuộc sống đời thường, Liên thấy lòng mình thanh thản, niềm vui nhẹ khẽ len vào lòng. Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần và chìm vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối. Bằng sự quan sát, miêu tả tỉ mỉ, tinh tế với
nhiều biến đổi tinh vi, phong phú… nhà văn đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về cảnh vật nơi phố huyện lúc chiều tàn như thấm vào lòng người hay nỗi buồn của tâm hồn Liên lan tỏa nhuốm vào cảnh vật. Tác giả đã dẫn dắt câu chuyện theo mạch tâm lý của nhân vật Liên, tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc: cảm xúc buồn man mác, mơ hồ trước bức tranh cuộc sống nghèo của phố huyện lúc chiều muộn, cảm xúc buồn khắc khoải trong cảnh chờ đợi, mong ước một cái gì tốt đẹp, tươi sáng hơn cho cuộc sống nghèo khổ thường ngày, cảm xúc buồn thấm thía, sâu xa về cuộc sống quẩn quanh, mỏi mòn. Tương ứng với cảnh vật, con người trong từng thời hắc khác nhau là những tâm trạng, ý nghĩ khác nhau: ban đầu là tâm trạng buồn man mác trước ngày tàn, sau đó Liên mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ, Liên lặng theo mơ tưởng và cuối cùng, Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi như chiếc đèn của chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Nỗi buồn của Liên cứ tăng dần lên theo thời gian và tâm trạng. Từ dư âm, dư vị đó mà đưa người đọc vào tâm trạng buồn vui lẫn lộn trước một cái gì vừa thuộc về quá vãng, vừa hướng tới tương lai. Tác giả đã hòa nhập vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật để diễn tả những gì mong manh, mơ hồ, khó tả nhất trong tâm hồn nhân vật.
Cũng như Thạch Lam, một số nhân vật được R.Tagore kịp thời ghi lại những “khoảnh khắc biến động” trong tâm lý một cách trọn vẹn. Truyện ngắn Cô dâu bé nhỏ, cô bé Mrinmayi hiện lên với những nét tâm lý biến đổi thật đáng yêu. Mrinmayi vốn là cô bé tinh nghịch, tính tình phóng khoáng như một con hươu rừng. Chính cá tính của cô đã làm chàng sinh viên trẻ Apơcbô rung động. Vì Mrinmayi, Apơcbô đã dũng cảm từ hôn cô gái mà mẹ đã chọn cho chàng để lấy Mrinmayi. Lúc đầu cô không yêu và không muốn lấy Apơcbô. Nhưng vì tình yêu tha thiết, Apơcbô đã khuất phục được trái tim của Mrinmayi. Anh đã để lại trong trái tim cô những rung động đầu tiên. Apơcbô lên Cacutta học tiếp. Anh muốn đưa vợ đi cùng. Nhưng Mrinmayi không đồng ý. Cô cũng không muốn ở lại nhà với mẹ chồng. Apơcbô đành đưa vợ về nhà bố mẹ đẻ cô. Tuy nhiên, trở về nhà, Mrinmayi không hề tìm thấy những ngày thơ ấu vô tư như cô mong đợi. “Cô thấy ngôi nhà và cả làng nữa vắng tanh vắng ngắt. Mrinmayi không thể hiểu điều gì đã xảy ra và muốn đi Cacutta ngay hôm đó. Cô bé không biết rằng, trong cái đêm cuối cùng ấy, quãng đời quá khứ non trẻ của cô, cái cô cố níu lấy, đã thay đổi dạng vẻ và cô không hay. Giờ đây, Mrinmayi có thể dễ dàng rũ bỏ đi những kỷ niệm như cái cây trút lá khô” [50, tr.213]. Tâm lý của Mrinmayi giờ đây đã hoàn toàn thay đổi, “lưỡi gươm của số phận đã chia cắt phần thanh xuân của Mrinmayi khỏi thời thơ ấu” cô không còn là một cô bé mà đã trở thành người phụ
nữ thực thụ. Tâm trạng cô bé vừa ngạc nhiên, vừa buồn lại vừa cảm thấy đau: “Khi bản năng phụ nữ hiền dịu, sâu sắc, rộng lớn đã nhập vào thể xác và tâm hồn Mrinmayi, cô cảm thấy đau” [50, tr.215]. Trong tâm trí Mrinmayi lúc này là nhiều tâm trạng đan xen: vừa nhớ nhung, vừa buồn bã trách cứ, vừa day dứt, trăn trở, vừa ân hận tiếc nuối của một người vợ xa chồng: “Chính em cũng không hiểu em? Tại sao anh lại không hiểu em? Tại sao anh không trừng phạt em? Tại sao anh chấp nhận cho em ở lại đây? Tại sao anh lại nhượng bộ em?” [50, tr.215]. R.Tagore đã rất tài tình trong việc tái hiện tình cảm và suy nghĩ của lứa tuổi vị thành niên.
Trong truyện ngắn của R.Tagore, ta còn thấy rất nhiều chân dung nhân vật có tâm lý hoàn chỉnh: Giribala trong Mây và mặt trời, Tara trong Kẻ lang thang, Mini trong Bác bán hàng rong người Kabun… dưới ngòi bút của R.Tagore, họ hiện lên là những nhân vật có tâm hồn trong sáng, tinh tế, giàu xúc cảm.