7. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Những chân dung ngoại hiện hoàn chỉnh
Trong truyền thống văn học, nhiều tác giả đã rất thành công khi xây dựng những chân dung ngoại hình hoàn chỉnh, trong tiểu thuyết Ơgiêni Grăngđê của Balzac, ta không quên được nhân vật Grăngđê được tác giả miêu tả rất tỉ mỉ về khuôn mặt, chiều cao, mái tóc... để đặc tả một người giàu có nhưng keo kiệt, bủn xỉn. Trong
văn học Việt Nam, những diện mạo nhân vật Chí Phèo, Thị Nở trong truyện Chí Phèo
của Nam Cao, hay Xuân tóc đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng... cũng khiến người đọc dễ hình dung diện mạo và đoán biết được tính cách nhân vật. Hòa chung vào dòng chảy ấy, Thạch Lam và R.Tagore đã xây dựng thành công nhiều nhân vật có ngoại hình hoàn chỉnh.
Tâm (Cô hàng xén) được Thạch Lam miêu tả từ nét mặt, trang phục, hình dáng. Tâm ý thức được vẻ đẹp ấy khi “biết mình xinh nhất chợ” với đôi má hây hây hồng, ánh mắt ngại ngùng, e lệ khi gặp cậu giáo Bài cùng dáng điệu nhanh nhẹn trong mỗi phiên chợ: “những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau” [34, tr.46]. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ phải cáng đáng gánh nặng hai gia đình, người đọc nhận ra sự đổi khác của cô. Gò má Tâm không còn hồng hào như trước, ánh mắt xa xăm lo nghĩ, dáng vẻ nhọc nhằn, vất vả. “Tâm bây giờ không còn là cô gái xinh xắn hồi trước. Nàng đã già đi nhiều lắm” [34, tr.57]. Thời gian đã làm Tâm thay đổi, từ cô gái “xinh nhất chợ” làm “bọn con trai cứ quanh quẩn chỗ cô ngồi”, khi gánh nặng vật chất đè nặng trên vai, qua đôi má, ánh mắt, dáng điệu, cử chỉ người đọc nhận ra sự thay đổi trong ngoại hình: “Đã lâu nàng không còn chú ý đến sắc đẹp của mình và không biết nó tàn lúc nào. Sắc đẹp cũng vô ích khi nàng đã có chồng. Tâm thấy mình già và yên tâm cho sự đứng tuổi” [34, tr.57]. Việc miêu tả tỉ mỉ ngoại hình theo thời gian khiến người đọc cảm nhận ở Tâm có vẻ đẹp rất tự nhiên, hơn nữa qua nhân vật Tâm, Thạch Lam còn khắc họa vẻ đẹp nội tâm: đảm đang, tần tảo, giàu đức hy sinh. Nếu Ngô Tất Tố đã góp vào bảo tàng con người Việt Nam một chân dung lồng lộng của chị Dậu, thì Thạch Lam cũng đã mang lại cho bảo tàng ấy một chân dung mang vẻ đẹp dân tộc của Tâm, chắc chắn cô hàng xén sẽ có vị trí xứng đáng trong bảo tàng ấy.
Nhân vật Nga trong tác phẩm Dưới bóng hoàng lan được vẽ bằng những nét tỉ mỉ. Dưới con mắt của Thanh, cô hội tụ nhiều vẻ đẹp về ngoại hình: “thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen nhánh buông trên cổ nhỏ, lá rau xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng” [34, tr.71]. Vẻ đẹp ngoại hình ấy khiến Thanh không thể rời mắt, “thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng và nụ cười tươi nở” [34, tr.72]. Ngoại hình nhân vật được tác giả miêu tả rất ấn tượng để tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và cách ứng xử khéo léo, tinh tế của nhân vật Nga. Vẻ đẹp ấy khiến Thanh phải xao xuyến và nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm.
Trong truyện ngắn của R.Tagore, nhiều nhân vật cũng được tác giả chú ý miêu tả ngoại hình, Mrinmayi (Cô dâu bé nhỏ), Mahamaya (Dàn hỏa thiêu), Tara (Kẻ lang thang)… là những nhân vật được xuất hiện trong tác phẩm với ngoại hình hoàn chỉnh.
Tara trong Kẻ lang thang là một điển hình trong cách xây dựng chân dung hoàn chỉnh của R.Tagore, cậu bé có “nước da sáng, cặp mắt to, đôi môi tươi tắn, thanh tú với đường nét tao nhã, chú bé nom khôi ngô lạ lùng. Chú mặc độc một tấm Đhoti đã sờn lắm, mình để trần, vóc người cân xứng như một kiệt tác điêu khắc… thân hình chú không còn chút gì là nhục thể, mà chỉ lộ một vẻ đẹp thuần túy Bàlamôn” [50, tr.147]. Ngoại hình ấy chứa một tâm hồn nhạy cảm, thánh thiện, cậu bé đi đến nhiều nơi, quen biết nhiều người nhưng không bao giờ nhiễm những tật xấu. Tara như một bông hoa sen thơm ngát giữa chốn bùn lầy, dù thế nào vẫn giữ được cốt cách thanh cao. Điều lớn lao hơn, vượt lên trên tính cách của Tara mà ngòi bút R.Tagore muốn tập trung khắc họa đó là lòng khao khát cháy bỏng tự do. Cậu ưa cuộc sống tự do, phóng khoáng, không “thừa nhận một sự ràng buộc nào”, “không nô lệ cho một thói quen nào”. Theo R.Tagore, con người chỉ thực sự tự do khi trở về với bản tính nguyên sơ, hòa mình vào cuộc đời bình dị trong sự giao cảm chan hòa. Tara là kết tinh của giá trị chân, thiện, mĩ, trở thành biểu tượng của cuộc sống tự do, phóng khoáng.
Mrinmayi (Cô dâu bé nhỏ) được tác giả tập trung miêu tả ngoại diện: “Gương mặt Mrinmayi với nước da roi rói của người sống nhiều ở ngoài trời giống mặt con trai nhiều hơn. Mái tóc cắt ngắn, quăn thành búp chỉ rủ xuống đến vai. Đôi mắt to, đen không lộ vẻ gì sợ hãi hay e thẹn. Vóc người cao và cân đối, mềm mại và khỏe mạnh” [50, tr.198]. Qua lời miêu tả của nhà văn, ta hình dung ra một cô gái tinh nghịch, mạnh mẽ, tính cách phóng khoáng và liều lĩnh. R.Tagore tôn vinh vẻ đẹp đó bởi tác giả thấy bên trong khuôn mặt giống con trai ấy có “một bản chất phụ nữ phập phồng, mạnh mẽ, lộ ra sinh động”. Người đọc dự đoán được nhân vật chắc chắn sẽ có những đổi thay lớn trong tính cách. Quả thật, theo thời gian, Mrinmayi đã có sự chuyển biến, trở thành người con dâu hiếu thảo, người vợ hết lòng yêu thương chồng như Apơcbô hằng mong đợi. Hình tượng nhân vật Mrinmayi trở thành mẫu hình phụ nữ lý tưởng mà R.Tagore dày công xây dựng.
Khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Thạch Lam và R.Tagore đã rất thành công ở các nhân vật có ngoại hình hoàn chỉnh khiến người đọc hình dung ra tính cách nhân vật bên trong ngoại hình ấy. Nhưng với cảm nhân riêng của cá nhân, mỗi tác giả lại có cách miêu tả khác nhau: Các nhân vật của Thạch Lam hiện ra với vẻ đẹp ngoại hình nhẹ nhàng, e lệ, thường được miêu tả gián tiếp qua hành động. Các nhân vật của
R.Tagore được miêu tả trực tiếp với vẻ đẹp mạnh mẽ, cá tính. Phần lớn đặc điểm tính cách, chiều sâu nội tâm được thống nhất với vẻ bề ngoài.