7. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Trẻ em hiện thân của sự trong sáng
Trẻ em luôn là mối quan tâm sâu sắc của một xã hội tiến bộ, là đối tượng được tất cả mọi người từ gia đình đến cộng đồng xã hội quan tâm, chăm sóc vì chúng là tương lai, là nguồn hy vọng của đất nước. Nhưng ở xã hội thuộc địa, trẻ em lại là đối tượng khổ ải nhất. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới đã có những tác phẩm lay động đến tình cảm người đọc khi viết về đề tài trẻ em như: Không gia đình của Hecto Malo, Thời thơ ấu của Maxim Goocki, Số phận con người của Sôlôkhốp... Bằng tình yêu thương đối với trẻ nhỏ, Thạch Lam và R.Tagore cũng có những trang viết cảm động và tinh tế về thế giới trẻ thơ. Qua đó hai tác giả đã khám phá ra sự thanh khiết của những “thiên sứ” này.
Truyện Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp khi chứng kiến sự thơm thảo của những tấm lòng trẻ thơ nhân hậu. Mùa đông là nỗi lo sợ của lũ trẻ nghèo, cái giá lạnh hành hạ chúng, làm “môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến môi chúng lại run lên, hai hàm răng đập vào nhau” [17, tr.96]. Trong đó, hình ảnh bé Hiên được tác giả mô tả tỉ mỉ nhất: Hiên đứng co ro bên cột quán “chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Manh áo rách kia không đủ che ấm cho em trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Thấy cảnh tượng ấy, Sơn động lòng thương, trong đầu đứa trẻ ngây thơ thoáng qua một ý nghĩ tốt đẹp và nhân văn biết bao: Sơn bàn với chị Lan lấy chiếc áo bông cũ là kỷ vật của đứa em gái đã mất cho Hiên. “Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui” [17, tr.97]. Hành động của Lan và Sơn mới đáng quý làm sao, nó vừa biểu hiện sự ngây thơ, trong sáng của tuổi trẻ, vừa là sự ấm áp của những tấm lòng nhân hậu. Hành động ấy mãi là những hình ảnh đẹp, đọng lại như những giọt sương sớm tinh khôi trong lòng bao thế hệ độc giả.
Tiếng chim kêu xoay quanh câu chuyện của hai anh em nói với nhau khi chúng nằm trong chăn ấm và ngoài trời mưa gió. Vốn có tâm hồn trong sáng, ngây thơ, tràn đầy tình thương, nghe tiếng tre kĩu kịt ở đầu nhà bị gió lay chúng tưởng tượng đó là tiếng kêu chiêm chiếp của con chim bị mưa gió đánh bạt đến nơi đây tìm nơi trú ngụ, chúng động lòng thương, muốn cứu vớt con chim. Rồi chúng nghĩ đến những người lữ khách giờ này còn phải đi trên con đường vắng “ướt như chuột lột và
run như cầy sấy” vội vàng tìm chỗ trú chân. Chúng ái ngại cho những nhà nghèo bên hàng xóm “vợ chồng, con cái đều phải dậy để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem các chậu thau hứng những chỗ dột nước” [17, tr.58]. Còn gì cảm động hơn khi chứng kiến tình thương, lòng trắc ẩn, sự vị tha giữa người với người, giữa người với loài vật ngay trong tâm hồn những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ. Câu chuyện nhẹ nhàng, thức tỉnh lương tri mỗi người khi hiện nay, thái độ “vô cảm” của con người đang ở mức báo động.
Liên (Hai đứa trẻ) là hiện thân của cô bé giàu lòng nhân hậu, biết cảm thông những cảnh đời khốn khó. Tận sâu trong trái tim non nớt của Liên là sự rung cảm dạt dào với thiên nhiên và con người. Liên xót thương cho những đứa trẻ nghèo “đi nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa” sau mỗi buổi chợ tàn, xót xa cho mẹ con chị Tý, bác Siêu, gia đình bác Xẩm với gánh nặng mưu sinh trên vai. Cảnh đời khốn khó ấy không ngoại trừ gia đình Liên nhưng tình yêu đời đã khơi nguồn cho tất cả vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện trong tâm hồn cô. Để tìm sự khuây khỏa, cô bé hướng nỗi buồn đến những nơi xa xôi, đắm chìm trong trí tưởng tượng giàu mơ mộng: “Liên lặng ngước nhìn lên các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt đi theo sao ông thần nông” [34, tr.118]. Liên thả hồn mình theo bầu trời bao la, để đêm tối, để những vì sao xoa dịu tâm hồn. Cô thấy lòng bớt trĩu nặng khi ánh sáng của “vòm trời ngàn vì sao ganh nhau lấp lánh” và “vệt sáng của con đom đóm” đã soi vào mắt mình một chút ấm áp, một chút an ủi và một chút ước ao. Qua điểm nhìn của Liên - một cô bé ngây thơ, trong sáng, giúp người đọc có cảm nhận vô cùng tinh tế trước cuộc sống xung quanh và những con người nơi phố huyện nghèo. Thế giới trẻ em trong truyện ngắn Thạch Lam không nhiều, nhưng vẻ đẹp tâm hồn của các em luôn sáng lung linh.
Cũng như Thạch Lam, R.Tagore cảm nhận tâm hồn trẻ thơ rất trong sáng, hồn nhiên. Trong bài thơ Tự do, ông kể lại câu chuyện: một người đàn ông đã từ chối quyền lực của nhà vua, tiền bạc của một người giàu có, sắc đẹp của một cô gái nhưng nhận lời mời của một cậu bé “chơi với dăm vỏ ốc”: “Tôi thuê ông với hai bàn tay trắng” và “Kể từ đó tôi là một người tự do”. Ông quan niệm: trở về thế giới trẻ thơ là về với tự nhiên. Ở đó, trẻ thơ thoát ra mọi ràng buộc của cuộc sống đời thường và tự do trong tưởng tượng để bộc lộ sự sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên, trong trẻo - một thế giới mà người lớn không có được. Trong truyện ngắn, một lần nữa ông khẳng định tình cảm mà mình giành cho trẻ em. Tấm lòng nâng niu, trìu mến của ông đối với trẻ thơ thấm đẫm trong từng câu chữ và thể hiện qua một số nhân vật như: Mini thời trẻ (Bác
bán hàng rong người Kabun), Tara (Kẻ lang thang), Ninkanta (Đứa trẻ bơ vơ), em Ái Chân trong truyện ngắn cùng tên, những đứa trẻ trong Cô dâu bé nhỏ…
Cô bé Mini trong truyện ngắn Bác bán hàng rong người Kabun khiến người đọc ấn tượng bởi sự trong sáng, hồn nhiên như những trang giấy trắng. Cô bé sống trong sự giàu sang và tình cờ gặp bác bán hàng rong nghèo. Với tâm hồn ngây thơ, cô bé nhìn cuộc đời bằng ánh mắt trong veo, nơi đó không có sự phân biệt giàu - nghèo, sang - hèn chỉ có sự hòa hợp, bình đẳng, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Cô bé đã sưởi ấm tấm lòng bác Ramun và đánh thức trong lòng người lớn những rung động tình người.
Trong tác phẩm Em Ái Chân, nhân vật chính là một đứa trẻ tội nghiệp. Sự chân thật, hồn nhiên của em khiến người đọc xúc động, thương cảm. Em sinh ra, lớn lên trong vòng tay của mẹ và không biết cha mình là ai, thuộc đẳng cấp nào trong xã hội. Khi thầy Gôtama giảng đạo hỏi Ái Chân về điều đó, Ái Chân không chút ngần ngại trả lời “Thưa thầy, con không rõ con ở đẳng cấp nào. Để con về hỏi mẹ con đã” [50, tr.333]. Được nghe câu trả lời từ mẹ, em vẫn vô tư, trong sáng như pha lê. Em đến và trả lời thầy bằng một giọng tự nhiên: “Thưa thầy, mẹ con nói “Thuở còn trẻ mẹ phải hầu hạ nhiều chủ và con đã ra đời trên cánh tay mẹ Giabala, mẹ của con không chồng” [50, tr.333]. Chỉ có ở trẻ em ta mới bắt gặp những tâm hồn cao đẹp, trong trẻo, thánh thiện đến thế, những điều ấy ở thế giới người lớn hay những nhân vật khác không có được.
Thạch Lam và R.Tagore tuy là hai nhà văn sống ở hai đất nước khác nhau, chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa khác nhau, nhưng có chung điểm gặp gỡ khi viết về thế giới trẻ thơ, đó là khao khát trẻ thơ sẽ được sống trong sự bình yên, hòa hợp và yêu thương. Thạch Lam miêu tả sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ em thông qua những cử chỉ tốt đẹp của chúng xoay quanh cuộc sống mưu sinh vất vả, tô thắm truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc, còn R.Tagore, đề cập đến các vấn đề nóng của xã hội Ấn Độ: phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo... Mỗi tác giả có cách thể hiện khác nhau nhưng đều nhằm mục đích ca ngợi tâm hồn thánh thiện, trong sáng của trẻ em, qua đó người đọc thấy được quan niệm nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của hai tác giả về con người, cuộc đời.