7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Những chân dung ngoại hiện không hoàn chỉnh
Bên cạnh miêu tả chân dung theo cách truyền thống, trong truyện ngắn của Thạch Lam và R.Tagore còn có những nhân vật mà tác giả không hé mở thông tin đầy đủ để người đọc định hình được ngoại hình nhân vật, chỉ miêu tả một vài nét ngoại diện hết sức khái lược. Nhiều nhân vật, nếu trông đợi vào tác giả, người đọc sẽ không thể hình dung ra ngoại diện của họ. Đây là điểm tạo nên điều khác biệt của Thạch Lam và R.Tagore so với nhiều nhà văn cùng thời.
Nhân vật của Thạch Lam chỉ được gợi lên từ vài nét phác thảo, vài chi tiết mong manh nhưng cũng đủ sức ảm ảnh lòng người: Dung (Hai lần chết) chỉ được miêu tả rất khái lược qua dáng vẻ và trang phục. “Dung càng lớn càng gầy gò đi”, “quần áo lôi thôi lếch thếch, và chân tay lấm bùn… ngày tết các chị em có quần áo mới vui chơi, còn nàng vẫn phải áo cũ làm lụng dưới bếp, Dung cũng không ta thán hay kêu ca gì mà nàng biết kêu ca cũng không được gì” [34, tr.125]. Qua vài nét chấm phá người đọc hình dung ra cô gái có dáng người nhỏ bé nhưng tính cách cam chịu, an phận và nhẫn nại. Sự cam chịu đã thành tính cách ngấm vào máu Dung từ thuở bé. Về nhà chồng, cũng có lúc Dung không chịu nổi sự áp bức, bóc lột, mắng nhiếc của mẹ chồng và các em chồng, nàng trốn vể nhà mẹ đẻ. Sau khi muốn chết mà không chết được, trở lại nhà chồng, Dung trở thành người chết ngay trong cõi sống. Chỉ được phác thảo vài nét ít ỏi, Dung vẫn trở thành hình tượng người phụ nữ có số phận bi thương, bị chính những người thân trong gia đình bạc đãi.
Mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) chỉ được hé mở những thông tin rất ít ỏi: “Bác Lê là người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô” [34, tr.182]. Chỉ bấy nhiêu thôi, người đọc đã hình dung ra một người đàn bà nhọc nhằn, tần tảo. Những nét ngoại diện sơ lược: hình dáng, nước da, chân tay “như quả trám khô” như dự báo số phận đáng thương của người mẹ nghèo. Cuộc đời bác từ khi sinh ra đến khi cận kề cái chết chỉ toàn đói rét, nghèo khổ. Hình ảnh cuối gieo vào lòng người đọc bao ám ảnh: “Người trong phố góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vào bãi tha ma nhỏ ở đầu làng” [26, tr.188]. Kết thúc một cuộc đời trong đau đớn, xót xa khi bỏ lại đàn con nheo nhóc trên thế gian. Chỉ vài nét miêu tả ngoại hình nhưng mẹ Lê đã trở thành hình tượng người mẹ nghèo điển hình của người nông dân trước cách mạng.
Cũng như các nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam, một số nhân vật trong truyện ngắn R.Tagore được tác giả miêu tả rất ấn tượng, đôi khi ngoại hình chỉ được miêu tả một nét tiêu biểu nhất.
Nhân vật Xuba trong truyện ngắn cùng tên được tác giả miêu tả chỉ qua một nét ngoại diện duy nhất là đôi mắt: “Xuba thiếu lời ăn tiếng nói nhưng không thiếu cặp mắt to đen với hai hàng mi dài” [50, tr.244]. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, những người phụ nữ có đôi mắt đẹp thường là những người có đời sống nội tâm sâu sắc. Xuba là nhân vật chính trong câu chuyện, nhưng tác giả không tập trung miêu tả vẻ đẹp ngoại hình mà chỉ khắc họa duy nhất đôi mắt của nhân vật, điều đó sẽ giúp người đọc nhìn sâu vào thế giới nội tâm với biết bao những cung bậc tình cảm tiềm ẩn của nhân vật. Đôi mắt ấy được tác giả nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm: “tiếng nói của cặp mắt xanh huyền với hàng mi dài là ngôn ngữ của thế giới xung quanh” [50, tr.246], “cặp mắt đen mở to, òa lên khóc” vì bố mẹ đã kiếm cho cô tấm chồng để tống khứ cô khỏi nhà vì cô như “một sự giáng họa” cho gia đình; “những giọt nước mắt như những viên ngọc trai” khi ra mắt chú rể tương lai. R.Tagore cho rằng, những giọt nước mắt sẽ tôn thêm vẻ đẹp của đôi mắt. Xây dựng nhân vật Xuba thiếu lời ăn tiếng nói, tác giả đã bù đắp lại cho cô đôi mắt được dùng như một thứ ngôn ngữ của tâm hồn. Người đọc cảm nhận được chiều sâu vẻ đẹp nội tâm của nhân vật thông qua đôi mắt ấy.
Khác hơn một chút, Kuxum (Những bậc bến tắm bên sông) được miêu tả ngoại hình gián tiếp qua lời kể của những bậc đá: “Kuxum xóa bỏ dấu son của người đàn bà có chồng trên trán, cởi bỏ các vòng đeo ở cổ tay, cổ chân và trở về ngôi nhà cũ bên con sông Hằng” [50, tr.261]. Tác giả không miêu tả khuôn mặt, đôi mắt, nước da, hình dáng… của Kuxum, nếu người đọc trông chờ vào lời kể thì không thể hình dung ra ngoại diện. Nhưng khám phá đời sống tinh thần của cô, ở lứa tuổi đã trưởng thành, với những nét miêu tả ít ỏi ấy ta vẫn hình dung ra Kuxum là một người con gái đẹp nhưng mang nhiều nỗi buồn. Tương tự như vây, Khirôđa (Quan chánh án) được tác giả chấm phá rất khái lược “Hôm nay chị lại phải gạt nước mắt, tô hai hàng mi, quệt son lên môi, đánh phấn hồng lên má… đi bẫy trái tim mới bằng những nụ cười”. Với vài nét miêu tả ít ỏi, người đọc vẫn hình dung ra một người phụ nữ trải qua nhiều cay đắng, giờ đây phải dùng cái đẹp nhân tạo để che lấp những tủi nhục, những nỗi chán chường, tuyệt vọng. Tất cả những con người ấy đều được mô tả bằng một vài nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực. Họ trở thành hình tượng nhân vật hiện thân của cuộc sống bi thương.
Thạch Lam và R.Tagore đều là những người có quan điểm nghệ thuật rất tiến bộ. Khi để nhân vật phụ nữ và trẻ em xuất hiện với chân dung không hoàn chỉnh chắc chắn đã có dụng ý. Các nhân vật chỉ được miêu tả vài nét khái lược đã khiêu khích nhu cầu khám phá của người đọc. Cái tài của Thạch Lam và R.Tagore là ở chỗ: mỗi nhân vật chỉ được miêu tả một vài nét về ngoại hình trực tiếp hoặc gián tiếp, người đọc vẫn hình dung ra diện mạo, tâm lý, tính cách của nhân vật. Phải chăng, sống trong hoàn cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến và chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt đã gây ra cho con người bao nỗi khổ đau, nên những nhân vật ấy dù xuất hiện chỉ với vài nét ngoại diện ít ỏi người đọc vẫn cảm nhận được những bất công, ngang trái và nỗi đau đớn, xót xa mà họ phải chịu đựng. Từ đó, người đọc thấu hiểu, cảm thông và trân trọng họ.