Giọng điệu triêt lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng nhân vật phụ nữ và trẻ em trong truyện ngắn của thạch lam và rabindranath tagore (Trang 89 - 99)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.3. Giọng điệu triêt lý

Triết lý của nhà văn là những suy ngẫm về cuộc đời, về bản chất con người. Từ triết lý đó nhà văn sẽ tổng kết, khái quát thành những bài học, chân lý, lẽ sống. Trong truyện ngắn Thạch Lam và R.Tagore chúng ta thấy cảm hứng trữ tình, triết luận được hai tác giả quan tâm thể hiện nhưng với mức độ khác nhau.

Tác giả Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: “Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày” [53, tr.127]. Những suy nghiệm ấy được Thạch Lam đúc kết thành các hình ảnh và đan xen vào tác phẩm.

Trong Hai đứa trẻ, hình ảnh đợi chuyến tàu đêm đã mang lại nhiều xúc cảm trong lòng người đọc, hình ảnh ấy được Thạch Lam khái quát thành những dòng triết lý sâu sắc: “Con tàu như đã mang một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”. Hình ảnh con tàu mang ánh sáng từ Hà Nội phồn hoa đến với cuộc đời của chị en Liên nơi phố huyện nghèo nàn nói lên triết lý về ý nghĩa của sự sống, tình trạng sống mòn, sự tự ý thức vươn lên thay đổi cuộc sống tối tăm, tù đọng của đêm đen trước cách mạng tháng Tám. Ánh sáng của nhà văn nhen lên trong tâm hồn hai đứa trẻ sẽ trở thành ngọn đuốc soi rọi con người bước qua bóng tối, niềm tin vào sự đổi thay của cuộc đời chính là chỗ dựa để con người sống có ước mơ, sống có ý nghĩa.

Cái tên truyện Một đời người đã mang đầy ý nghĩa về kiếp nhân sinh. Định mệnh cay nghiệt khiến cho Liên lấy phải anh chồng vũ phu, mẹ chồng cay nghiệt, họ đánh đập, chửi rủa nàng tàn nhẫn, gia đình với nàng là địa ngục. Người yêu cũ (Tâm) sắp vào Sài Gòn, chàng rủ Liên trốn theo mong nàng thoát khỏi cuộc đời thê thảm ấy. Sau trận đánh của chồng, Liên ý định hôm sau trốn theo Tâm, nhưng rồi mọi dự định tiêu tan, nàng ẵm con ra ga tiễn người yêu mang theo cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nỗi khổ đau trỗi dậy ngập lòng, nàng quay đầu vào chiếc cột sắt rồi òa lên khóc. Liên phải tiếp tục cam chịu cuộc đời cay đắng. Cuối cùng tác giả kết luận: “Cái mộng cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bầy trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ thuộc về nàng được” [34, tr.143].

Trong truyện ngắn Thạch Lam, những triết lý về con người, cuộc đời phần lớn đan xen trong tâm trạng nhân vật, còn với R.Tagore “Đằng sau mỗi câu chuyện hoặc giữa các đoạn kể thường đan xen vào những nét rất hóm hỉnh để lộ nụ cười của nhà hiền triết” [38, tr.10].

Trong truyện Cô dâu bé nhỏ, sau khi miêu tả gương mặt, ngoại hình của Mrinmayi, để lý giải lý do vì sao một người có học thức như Apơcbô lại ấn tượng với một cô gái tinh nghịch như Mrinmayi, tác giả đã có những triết lý: “Ở đời, người ta gặp biết bao gương mặt, trong đó có một số in sâu vào đầu óc mà ta gần như không hay biết. Không phải vì đẹp mà chúng ta nhớ lâu, mà vì đức tính nào thì đúng hơn. Phần nhiều bản tính con người không lộ rõ trên mặt, tuy nhiên, có những gương mặt trên đó có những đức tính bí mật, sâu kín bên trong cứ tự nhiên thể hiện ra. Trong trường hợp như vậy, gương mặt ấy nổi bật giữa đám nghìn vạn khuôn mặt khác và đột nhiên in sâu vào óc ta” [50, tr.197]. Như vậy, qua những lời bình mang đậm màu sắc triết lý, tác giả đã nêu quan điểm của bản thân về vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ, mỗi người sẽ có một điểm cuốn hút riêng thể hiện ở vẻ bên ngoài và chiều sâu trong tâm hồn, điều đó tạo dấu ấn đẹp khó phai mờ trong tâm trí của những người xung quanh.

Ở một số truyện, triết lý được lồng vào mạch kể. Truyện Thầy ký bưu điện tiêu biểu cho đặc điểm này. Sau khi kể chuyện cô bé Ratan hy vọng hão huyền vào sự trở về của thầy ký, nhà văn đã đưa ra triết lý: “Ôi ngán thay cái bản chất người ngu dại của chúng ta! Nó cứ một mực mê thích những lầm lỡ. Lý trí phải mất nhiều thời gian mới khẳng định được quyền lợi tri phối của mình. Trong khi chờ đợi, người ta vẫn không tin những bằng chứng chắc chắn nhất. Người ta vẫn níu bám một cách tuyệt vọng vào một niềm hy vọng hão huyền nào đó, kì cho đến một ngày kia, nó hút đến khô kiệt trái tim, rồi dứt tung mọi ràng buộc ra đi. Sau đó là nỗi cùng khổ ê chề của sự thức tỉnh, để rồi một lần nữa, lại khao khát ngập chìm vào cái ma trận của những lỡ lầm” [50, tr.260].

Vốn là một nhà hiền triết, hầu hết truyện ngắn của R.Tagore mang màu sắc triết lý, qua những trang viết, nhà văn luôn bộc lộ sự suy tư, chiêm nghiệm của mình về cuộc sống và con người. Triết học của R.Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Còn với Thạch Lam, ông cũng có những triết lý về con người và cuộc sống nhưng những triết lý ấy phần lớn được ông đan xen trong dòng chảy tâm trạng nhân vật. Qua giọng điệu triết lý, hai tác giả đã phản ánh cuộc sống khốn cùng của nhân vật phụ nữ và trẻ em với niềm cảm thông sâu sắc, gióng lên tiếng nói đấu tranh đòi tự do và hạnh phúc cho con người.

Tiểu kết chương 3

Nói về một tác phẩm có giá trị, Biêlinxki cho rằng: khi hình thức là biểu hiện của nội dung thì nó gắn chặt với nội dung tới mức nếu tách nó ra khỏi nội dung, có nghĩa là hủy diệt bản thân nội dung và ngược lại, tách nội dung ra khỏi hình thức có nghĩa là tiêu diệt hình thức. Tìm hiểu các tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore ta thấy rằng: nội dung và hình thức trong mỗi tác phẩm luôn thống nhất khăng khít với nhau, nội dung của tác phẩm quyết định hình thức và hình thức biểu hiện luôn phù hợp với nội dung, điều đó đã tạo nên sức sống lâu bền trong sáng tác của hai tác giả.

Về cách miêu tả ngoại diện: truyện ngắn Thạch Lam và R.Tagore bên cạnh những nét truyền thống đã có nhiều đổi mới. Một số nhân vật phụ nữ và trẻ em ít được chú ý đến miêu tả ngoại hình nhưng người đọc vẫn hình dung ra thế giới nội tâm phong phú của họ, thấu hiểu được hoàn cảnh thực tại từ đó chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời cơ cực, bất hạnh.

Về tâm lý: Với tâm hồn nhạy cảm, Thạch Lam và R.Tagore đã có những phát hiện rất tinh tế về tâm lý nhân vật. Những xúc cảm thầm kín luôn lẩn khuất trong tâm hồn con người mà không phải ai cũng thấy, cũng cảm nhận được. Phải rất tinh tế và nhạy cảm Thạch Lam và R.Tagore mới chộp được những phút giây rung động thẳm sâu trong đời sống tâm linh ấy của nhân vật, ghi lại được những thoáng chốc, những lát cắt tâm trạng nhân vật trong sự tương tranh giữa không gian, ngoại cảnh và lòng người.

Về giọng điệu: Đối tượng là nhân vật trẻ em, phụ nữ đã tri phối đến cách lựa chọn giọng điệu trong truyện ngắn của hai tác giả. Với giọng điệu trữ tình, triết lý, độc giả càng đọc càng bị lôi cuốn, chất giọng ấy diễn tả một cách tinh tế những cung bậc tình cảm của con người.

KẾT LUẬN

1. Đầu thế kỷ XX, văn học thế giới nói chung, văn học Việt Nam và Ấn Độ nói riêng đã có một khoảng riêng viết về đề tài phụ nữ, trẻ em. Thạch Lam và R.Tagore là những gương mặt tiêu biểu góp vào khoảng riêng ấy những truyện ngắn có giá trị. Các tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước thuộc địa, nhân vật phụ nữ, trẻ em của hai tác giả không thể không mang hơi thở của thời đại. Chứng kiến con người phải chịu những bất công Thạch Lam và R.Tagore đã dám nhìn thẳng vào sự thực, phản ánh bao kiếp người đang quằn quại đau khổ trên các trang viết, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Mảnh đất hiện thực nghiệt ngã ấy đã tác động vào tâm hồn nhà văn, khơi gợi lên những cảm xúc, những rung động yêu thương chân thành. Tìm đến với tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore, người đọc thêm hiểu những đắng cay, tủi nhục của phụ nữ và trẻ em trong một giai đoạn lịch sử, từ đó, biết trân trọng, yêu thương, sẻ chia và đồng cảm với những thân phận bất hạnh.

Tìm hiểu về hình tượng phụ nữ, trẻ em trong truyện ngắn của Thạch Lam và R.Tagore, ở chừng mực nhất định, chúng tôi có thể chỉ ra một số điểm tương đồng, khác biệt về văn hóa, đời sống con người trong xã hội Việt Nam và Ấn Độ thời bấy giờ. Điều đó cho thấy, dù ở bất kỳ quốc gia nào phụ nữ, trẻ em cũng là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Qua hình tượng nhân vật ấy, người đọc thấy được tấm lòng nhân đạo bao la của hai tác giả, đồng thời, thấy được khát khao giải phóng phụ nữ, trẻ em của hai nhà văn.

2. Thạch Lam và R.Tagore là hai tác giả ở hai quốc gia khác nhau nhưng những tư tưởng của văn hóa phương Đông đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của hai tác giả. Là những người nghệ sĩ chân chính, có quan niệm nghệ thuật tiến bộ, hai ông có nhiều điểm tương đồng trong việc lựa chọn nội dung và đối tượng phản ánh. Thạch Lam vốn sống trong cảnh nghèo khó từ thuở nhỏ, ông sống gần gũi với tầng lớp bình dân nên thấu hiểu cuộc sống khổ cực của họ trong xã hội. Khác Thạch Lam, R.Tagore xuất thân từ đẳng cấp quý tộc nhưng ông luôn hướng tới những người nghèo hèn trong xã hội, luôn đứng về phía họ, bênh vực họ, đó có thể xem là những biểu hiện vượt lên ý thức thời đại mà không phải ai cũng có được. Hai tác giả dù có hoàn cảnh xuất thân không giống nhau nhưng đều gặp nhau ở tình cảm chân thành đối với người nghèo khổ, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em - những nạn nhân cùng cực nhất của chế độ phong kiến hẹp hòi, những hủ tục lạc hậu, khắc nghiệt.

3. Xây dựng hình tượng phụ nữ, trẻ em, hai tác giả đã miêu tả cuộc sống của họ trong mối tương quan với cuộc sống xã hội và cuộc sống gia đình. Tình hình chính trị có nhiều biến động, những tư tưởng phong kiến cũ còn tồn tại, song hành với nó tư tưởng mới từ phương Tây du nhập vào, xã hội có sự “pha tạp”. Sống trong xã hội biến động, nhiều luồng tư tưởng ấy, phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân trực tiếp, chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Về hình tượng nhân vật phụ nữ: Thạch Lam và R.Tagore tập trung miêu tả vẻ đẹp trong ngoại hình và phẩm chất của nhân vật. Đa số nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn của hai tác giả là hiện thân của sự bi thương. Họ luôn khao khát cuộc sống hạnh phúc nhưng những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ đã không cho họ một cơ hội làm người đúng nghĩa. Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Thạch Lam phần lớn cam chịu, hy sinh, chưa dám đứng lên phản kháng, đấu tranh với những hủ tục trong xã hội. Đôi khi, ý nghĩ giải thoát, tìm đến với hạnh phúc vụt thoáng trong ý thức nhưng sau đó, mọi ý nghĩ lại tiêu tan, họ phải chôn vùi tuổi thanh xuân bằng cuộc sống mòn mỏi, không lối thoát. Các nhân vật nữ trong truyện ngắn của R.Tagore có tính cách mạnh mẽ hơn. Do ảnh hưởng của văn hóa họ trở thành góa phụ từ rất sớm, nên họ không chỉ cam chịu mà bắt đầu có ý thức phản kháng, mặc dù theo các nói của ông, chỉ mới như “những con kiến tỏ ra bạo dạn” nhưng đã báo hiệu sự thức tỉnh của ý thức cá nhân trong cuộc đấu tranh vì quyền sống của con người. Phải yêu, trân trọng và tin tưởng con người như yêu chính bản thân mình thì Thạch Lam và R.Tagore mới có thể thấy, đằng sau cuộc sống cơ cực, chịu nhiều bất công, ngang trái là những phẩm chất, tính cách cao quý giống như sen trong đầm, dù dính bùn lầy nhưng thanh tao, thơm ngát từ trong cốt cách.

Về hình tượng nhân vật trẻ em: Thạch Lam và R.Tagore ca ngợi sự trong sáng, ngây thơ và tốt đẹp của chúng, bên cạnh đó cũng bày tỏ sự đau xót với những đứa trẻ bất hạnh, bị tước đoạt tuổi thơ êm đẹp. Nhân vật trẻ em trong truyện ngắn Thạch Lam rơi vào bất hạnh chủ yếu do cuộc sống mưu sinh, người ta không thể nghĩ rằng, những đứa trẻ này lại bị áp lực nhân sinh đè nặng đến vậy, những hình ảnh ấy làm người đọc ám ảnh không dứt. Thế giới trẻ thơ của R.Tagore được phản ánh ở nhiều khía cạnh: đó là những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ, không nhận được tình thương của gia đình và xã hội. R.Tagore trăn trở với cuộc sống thực tại, lo âu cho từng số phận đang phải sống trong một xã hội đầy rẫy những áp bức, bất công. Qua đó, hai tác giả bày tỏ sự xót xa đối với những đứa trẻ bất hạnh, lên án chế độ thuộc địa gây ra bao đau khổ cho con người, đồng thời đòi quyền được yêu thương cho trẻ em.

4. Nhìn từ phương thức biểu hiện, chúng tôi nhận thấy: nhân vật phụ nữ và trẻ em được hai tác giả xây dựng từ ngoại hình đến tâm lý. Tuy sự xuất hiện của hai yếu tố trên không phải lúc nào cũng đồng thời, cân bằng, có nhân vật chỉ được miêu tả rất khái lược, ít ỏi, nhưng người đọc vẫn hình dung, vẫn thấy thân quen, họ chính là những người phụ nữ và trẻ em thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày bước ra từ những trang văn. Để biểu đạt hình tượng ấy, hai nhà văn đã sử dụng giọng điệu trữ tình với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu tình yêu thương. Bên cạnh đó, giọng điệu triết lý cũng được hai tác giả sử dụng với các mức độ khác nhau. Những trăn trở, lo âu của Thạch Lam với con người, cuộc đời chủ yếu được ông bộc lộ suy nghĩ thông qua tâm trạng của nhân vật. Còn R.Tagore, vốn là nhà hiền triết, những suy nghĩ về con người, cuộc đời được ông lồng ghép đan xen vào câu chuyện một các tự nhiên, đậm màu triết lý.

5. Tấm lòng và tài năng - hai yếu tố đó đã làm cho tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore chịu được sự thử thách của thời gian vốn nghiêm khắc và công minh. Các tác phẩm của hai ông viết cách đây đã hơn nửa thế kỷ nhưng những vấn đề được đề cập đến trong tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị: đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, những vi phạm vào quyền sống của hạnh phúc tuổi trẻ, những nỗi cay đắng oan uổng, các hủ tục lạc hậu... Ngày nay, con người vẫn đang phải đối mặt trong xã hội hiện đại. Các tác phẩm dường như chỉ nói về sự kiện một thời bão táp của lịch sử mà hôm nay ta vẫn thấy sự tương thông với chúng. Chừng nào trên trái đất chúng ta vẫn còn những tai họa đối với con người, người đọc còn nhớ đến tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore.

Để tạo ra những tác phẩm có khả năng tác động đến tình cảm và “thanh lọc” tâm hồn con người, Thạch Lam và R.Tagore đã kết hợp hài hòa giữa cảm hứng hiện thực và lãng mạn. Với những tác phẩm như vậy, mọi khám phá đều chưa hoàn kết,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng nhân vật phụ nữ và trẻ em trong truyện ngắn của thạch lam và rabindranath tagore (Trang 89 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)