Phụ nữ và khát vọng hạnh phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng nhân vật phụ nữ và trẻ em trong truyện ngắn của thạch lam và rabindranath tagore (Trang 55 - 58)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Phụ nữ và khát vọng hạnh phúc

Trong cuộc sống, hạnh phúc là một trạng thái con người luôn khao khát hướng tới bất kể đàn ông hay phụ nữ, người lớn hay trẻ em. Thạch Lam và R.Tagore là những nhà văn luôn đấu tranh cho quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Vì thế, không ngạc nhiên khi tác phẩm của hai ông luôn thể hiện ước mơ, khao khát về một cuộc sống tốt đẹp. Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn của hai tác giả là những người đẹp từ hình thức đến tâm hồn, họ luôn khao khát được hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: đó là có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc làm mẹ…

Trong tác phẩm Tối ba mươi, Thạch Lam nói lên tâm trạng của hai cô gái điếm Liên và Huệ trong nhà săm vắng lặng giữa Hà Nội trong đêm giao thừa. Làm nghề mua vui cho người khác, bị xã hội khinh rẻ nhưng tâm hồn họ vẫn ánh lên những khoảng sáng. Cuối năm là thời khắc con người muốn sống trong tình cảm yêu thương của gia đình, cho dù quanh năm đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi thân thương mỗi người mong ngóng trở về. Liên và Huệ cũng vậy, là những người sống bên rìa xã hội, hai cô vẫn nhớ tới quê hương, nhớ tới tổ tiên, hồi tưởng những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu. Còn bất hạnh nào hơn khi mong muốn được xum họp với người thân trong thời khắc giao thừa cũng không được. Lúc này, tâm hồn những con người đáng thương ấy dâng lên niềm tiếc hận, khổ đau cho thân phận và cuộc sống của mình. Dù bị nhấn chìm xuống đáy cùng của sự bần hàn, nhưng hai cô vẫn đau đáu ngày trở về trong sự hoàn lương, vẫn khao khát có cuộc sống ấm êm bên gia đình, khao khát vươn tới cuộc sống hạnh phúc. Như bản năng tốt đẹp, Liên và Huệ luôn hướng thiện.

Không chỉ khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn, người phụ nữ trong truyện ngắn Thạch Lam còn ước vọng một cuộc sống bên người họ yêu thương. Liên (Một

đời người) luôn bị chồng và gia đình nhà chồng đối xử rất tàn nhẫn. Cô yêu Tâm nhưng cha mẹ đã gả cô cho Tích. Tâm vì quá đau khổ đã bỏ nhà trốn đi. Tình cờ sau hơn bảy năm, cô gặp lại Tâm và hai người làm cùng một sở. Tâm vẫn yêu Liên và ngỏ ý muốn nàng bỏ chồng để lấy chàng. Sau những tháng ngày đau khổ, sống trong ngôi nhà “địa ngục”, Liên khao khát muốn trốn đi cùng Tâm để thoát khỏi cuộc đời đen tối, để sống trọn vẹn với tình yêu, để xây dựng cuộc sống mới hạnh phúc. Trận bạo hành của chồng hôm trước làm khao khát ấy càng trở nên mãnh liệt: “Một sự căm hờn nổi dậy trong lòng nàng; sao nàng lại không đi với Tâm được? Ai cấm? Mà tội gì nàng phải ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế vậy? Phải đi, đi để thoát khỏi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời” [34, tr.143]. Hàng loạt những câu hỏi trong tâm trí Liên như thôi thúc cô từ bỏ cuộc sống hiện tại để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Dù sau đó Liên “không đủ can đảm để làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên xung quanh nàng” [34, tr.144], nhưng khao khát về cuộc sống hạnh phúc bên Tâm sẽ như ngọn lửa âm ỉ trong lòng Liên và có thể bùng cháy lên bất cứ lúc nào.

Cùng một mối quan tâm, R.Tagore cũng có những cảm nhận giống Thạch Lam, nhưng ở góc nhìn của ông có những điểm khác.

Vấn đề hạnh phúc cho người phụ nữ, đặc biệt là những người góa chồng đã được R.Tagore đề cập trong nhiều truyện ngắn. Cuộc đấu tranh tìm kiếm hạnh phúc diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt giữa những tư tưởng mới và cũ đối lập nhau, nhiều khi diễn ra trong tâm trạng của một con người. Trong Giải thoát, người phụ nữ đang nặn tượng người yêu đã qua đời, mỗi ngày trôi qua, hình ảnh người yêu chị càng trở nên lu mờ khiến bức tượng càng dần càng không giống hình ảnh trong trí nhớ của chị. Bên ngoài, những âm thanh cuộc sống mời gọi chị. Chị khao khát hòa mình vào cuộc sống nhưng phải cố nén lòng vì chị không thể xa rời bức tượng yêu quý. “Bức tượng” tượng trưng cho sự níu kéo quá khứ. Tiếng bọn trẻ và người đi chợ tượng trưng cho cuộc sống hiện tại. Cuộc đấu tranh giữa hiện tại và quá khứ diễn ra quyết liệt trong bản thân người đàn bà góa. Dòng người tràn qua, cuốn trôi bức tượng - sự sống chiến thắng cái đã mất. Theo tiếng gọi của cuộc sống, góa phụ bước qua “luống hoa”, nhập vào đoàn người đi trẩy hội. Bên này và bên kia luống hoa là khoảng cách nhỏ bé nhưng xa vời vợi. Nó tượng trưng cho những định kiến xã hội, những quy định nghiệt ngã tồn tại trong nếp sống người Ấn Độ. Đoạn tuyệt với quá khứ đau buồn, góa phụ trong Giải thoát mới chạm chân đến ngưỡng cửa hạnh phúc. Ràng buộc của quan niệm đạo đức không cho phép phụ nữ tự do định đoạt

hạnh phúc nhưng một cách rất tự nhiên, họ đã đấu tranh vượt qua rào cản đó. Khao khát mãnh liệt giúp họ chiến thắng.

Trong Ảo ảnh tan vỡ, con gái tiểu vương GôLam Kađe Khan là cô gái mạnh mẽ đã vượt qua rào cản của lễ nghi tôn giáo, của dòng dõi gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Xuất thân trong một gia đình hồi giáo nhưng nàng đem lòng yêu Kasáclan, một chàng trai Hinđu giáo. Chế độ phân biệt đẳng cấp không cho phép một cuộc hôn nhân dị giáo. Giữa việc tuân thủ lễ giáo và hạnh phúc lứa đôi, cô gái đã chọn tình yêu lứa đôi dù phải đối mặt với sự trừng phạt nặng nề. Nàng đã giành cho Kasáclan một tình yêu thánh thiện “vừa tôn kính, vừa yêu thương” [50, tr.283]. Với khao khát hạnh phúc cháy bỏng, nàng đã làm tất cả để đến được với chàng trai Hinđu giáo. Dù sau những biến cố, tình yêu ấy không được đáp lại nhưng hình ảnh của nàng là sự bứt phá, đấu tranh mạnh mẽ với tôn giáo, với những quan niệm của lễ giáo phong kiến để bảo vệ tình yêu, hướng tới hạnh phúc.

Khác hơn một chút, Kuxum (Những bậc bến tắm bên sông) là cô gái góa bụa từ năm lên tám tuổi. Khi biết chồng vẫn sống, cô luôn khao khát được sống trọn vẹn với tình yêu. Cô đã bày tỏ tình yêu với chồng mình, nay là khất sư. Nhưng giờ đây, chồng cô đã thuộc về thế giới khác, không thể xây đắp hạnh phúc gia đình, Kuxum tuyệt vọng, đau đớn. Trái tim cô luôn khát khao có được tình yêu và sống trong hạnh phúc, giờ trở thành vô vọng. Cô gieo mình xuống dòng sông để kết thúc cuộc đời, mang theo những ước vọng. Dù tình yêu của Kuxum không được đáp lại và ước nguyện hạnh phúc không thành, song những gì nàng làm được như một thông điệp gửi tới bao người phụ nữ Ấn Độ đương thời: hãy biết dũng cảm bày tỏ tình yêu của mình.

Hình tượng nhân vật phụ nữ với khát khao hạnh phúc mãnh liệt trong truyện ngắn của Thạch Lam và R.Tagore giúp người đọc cảm nhận được nỗi đau đớn của họ khi bị những hệ lụy của xã hội chà đạp. Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, những dấu hiệu của ý thức “nữ quyền” ngày càng được hé lộ. Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam và Ấn Độ nói riêng ý thức “nữ quyền” đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Nhiều định kiến bất công và tư tưởng cổ hủ vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật, nhiều phụ nữ vẫn phải chôn vùi cuộc sống trong những ràng buộc khắt khe mà người đời coi đó là một lẽ hiển nhiên họ phải chịu đựng, chấp nhận. Việc lên tiếng đấu tranh đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc trong tác phẩm của Thạch Lam và R.Tagore vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, nó chứng tỏ tầm nhìn sâu rộng và tinh thần nhân văn cao cả của hai tác giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng nhân vật phụ nữ và trẻ em trong truyện ngắn của thạch lam và rabindranath tagore (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)