Kết quả phân tích XHTD DN nói chung và XHTD DN vừa và nhỏ nói riêng chịu ảnh hưởng nhiều bởi các chuẩn mực kế toán mà một quốc gia đang áp dụng. Chẳng hạn như các chuẩn mực kế toán về nợ, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tiêu chuẩn công nhận chi phí, doanh thu. Đây là những tiêu chuẩn trong đánh giá tình hình tài chính của một DN. Do đó trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các quy định và chuẩn mực kế toán của Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các NHTM trong công tác xếp hạng tín dụng DN.
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích thông tin minh bạch hoặc có chế tài yêu cầu các DN thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, hoặc thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Việc thực hiện kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên. Nhà nước cũng cần quy định rõ những biện pháp chế tài, biện pháp xử lý nghiêm minh trong các trường hợp DN cung cấp thông tin giả, sử dụng đồng thời hai loại cân đối... để nhằm mục đích đưa các DN này vào khuôn khổ hoạt động và cạnh tranh lành mạnh. Có như vậy, mới có được các thông tin trung thực, cần thiết cho việc đánh giá, phòng ngừa rủi ro. Qua đó nâng cao hiệu quả của công tác XHTD DN nói chung và XHTD DN vừa và nhỏ
nói riêng.
Bên cạnh đó Chính phủ cần tạo lập môi trường pháp lý ổn định, đặc biệt các quy chế pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, tài chính kế toán, xử lý tranh chấp... Điều này tạo điều kiện cho DN yên tâm đầu tư kinh doanh, ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc xử lý những vấn đề liên quan tới việc đánh giá khách hàng nói chung và công tác phân tích báo cáo tài chính DN vay vốn nói riêng.
Đối với các DN Nhà nước, Chính phủ cần giảm bớt các hỗ trợ để các DN này dần từng bước tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Không nên có những chính sách phân biệt đối xử giữa các Công ty Nhà nước và DN tư nhân mà phải để cho các ngân hàng được quyền công bằng xét hai thành phần này dựa theo những tiêu chuẩn đánh giá thực tế. Chẳng hạn có quy định công bằng hơn về các tiêu chuẩn XHTD DN nói chung và XHTD DNNVV nói riêng, về việc sử dụng tài sản thế chấp trong vay vốn.
Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa cho các công ty XHTD DN ở Việt Nam ra đời và phát triển để cung cấp thông tin cho thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính phát triển bền vững. Khi có các công ty này ra đời thì CIC có thêm nguồn thông tin để so sánh, kiểm chứng kết quả xếp hạng nội bộ của mình và điều chỉnh dần phương pháp để kết quả ngày càng sát thực tế hơn.
Nghị định 10/2010/NĐ-CP ban hành ngày 12/2/2010 đã mở đường cho xu hướng xã hội hóa hoạt động thông tin tín dụng, tháng 7/2010 đã có một công ty XHTD tư nhân ra đời. Tuy nhiên, với hoạt động tín dụng sôi động như hiện nay thì số lượng 01 công ty XHTD tư nhân như vậy còn quá nhỏ bé.
Chính phủ cần chỉ đạo Tổng cục thống kê về xây dựng các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành. Các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành là tiêu chuẩn rất quan trọng trong đánh giá XHTD DNNVV của các NHTM. Ngân hàng sẽ so sánh các chỉ tiêu tài chính của DN với chỉ tiêu trung bình ngành để đánh giá tình hình tài chính của DN lành mạnh hay yếu kém. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có nhưng nghiên cứu thống kê đầy đủ và có độ tin cậy cao về các chỉ số tài chính trung bình ngành để có
thể làm tiêu chuẩn trong phân tích và đánh giá tình hình tài chính của DN. Do đó trong thời gian tới Chính phủ cần chỉ đạo Tổng cục thống kê thực hiện các nghiên cứu và đưa ra hệ thống chỉ số trung bình ngành có độ tin cậy cao, đồng thời phải liên tục cập nhật các chỉ tiêu theo tình hình kinh tế chung. Điều này không những tạo thuận lợi cho Ngân hàng trong việc XHTD mà còn tạo thuận lợi cho DN trong phân tích tài chính để cải thiện hiệu quả quản lý của DN mình.