Hoàn thiện thu thập và xử lý nguồn thông tin đầu vào

Một phần của tài liệu hoàn thiện phương pháp xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng nhà nước việt nam (Trang 83 - 85)

Thu thập thông tin đầu vào đối với hệ thống Thông tin tín dụng nói chung và hoạt động xếp hạng tín dụng DNNVV nói riêng là rất quan trọng và cần thiết, nó quyết định sự tồn tại, phát triển của hệ thống TTTD. Vì vậy thu thập thông tin qua những kênh nào, bằng phương pháp cụ thể nào, quy trình thu thập thông tin sao cho vừa khoa học vừa tiết kiệm được chi phí phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chúng ta hiện nay là điều rất đáng quan tâm đối với công tác thông tin tín dụng.

Trước đây CIC là thu thập thông tin chủ yếu thông qua các TCTD, bằng nối mạng máy tính với các TCTD để thu thập thông tin trên cơ sở hồ sơ khách hàng mà TCTD đã thu thập được về quan hệ tín dụng của TCTD với khách hàng đó, CIC không phải trực tiếp đi điều tra. Nhưng đứng trước thực tế là khi cần điều tra thông tin về những DN chưa có quan hệ với TCTD hoặc bản thân TCTD cũng gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin thì CIC phải trực tiếp đi điều tra qua nhiều nguồn khác nhau. Đây là một hướng đi đúng đắn phù hợp với thực tại và thông lệ quốc tế, từ đó giúp CIC mở rộng thêm các phương pháp thu thập thông tin, làm phong phú thêm nội dung thông tin về DN, theo kịp với dòng chảy thông tin của các cơ quan thông tin quốc tế.

Sau thời gian nghiên cứu, đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn của CIC, đồng thời tham khảo một số phương pháp thu thập thông tin của nước ngoài nhằm từng bước hoàn chỉnh phương pháp thu thập thông tin. Sau đây là đề xuất về một số phương pháp thu thập thông tin đối với hệ thống TTTD:

- Phương pháp thu thập thông tin qua mạng máy tính nối với các TCTD: hiện nay, đây là phương pháp quan trọng và chủ yếu nhất của CIC. Tuy nhiên, việc truyền tin tự động chỉ chủ yếu tập trung ở thông tin dư nợ và tài sản đảm bảo nợ, còn các thông tin khác như thông tin tài chính của DN và thông tin phi tài chính

khác chưa được thu thập tự động thường xuyên từ nguồn cung cấp tin này. Do vậy, thời gian tới CIC cần phải có những quy định cụ thể để TCTD cung cấp thường xuyên thông tin về báo cáo tài chính và các thông tin phi tài chính khác đối với các DN là khách hàng của các TCTD.

- Phương pháp thu tin qua đường công văn từ các cơ quan Nhà nước quản lý DN. Hiện nay chưa có quy định mối quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan này về thông tin DN nên việc thu tin chủ yếu dựa trên cơ sở quen biết và bằng cách CIC gửi công văn xin hỏi tin từng lần cho các DN cụ thể. Đây là một nguồn thông tin rất quan trọng và cần thiết song trong cơ chế hiện nay rất khó cho CIC thu thập thông tin, vì vậy song song với việc đề xuất cần có Nghị định của Chính phủ về hoạt động thông tin trong ngành ngân hàng và mối quan hệ thông tin với các bộ, ngành hữu quan, thì CIC cần chủ động đề xuất Thống đốc NHNN liên hệ với các bộ, ngành để ban hành các công văn liên tịch về việc phối hợp trao đổi thông tin với NHNN.

- Phương pháp thu thập thông tin trực tiếp từ DN: Đây là phương pháp bổ sung cho các phương pháp trên, áp dụng đối với các DN chưa có quan hệ tín dụng với các TCTD hoặc có nhưng đăng ký hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ hoặc hồ sơ cũ khi thành lập lại chưa báo cáo bổ sung. CIC cũng đã thực hiện phương pháp này nhưng theo từng lần riêng lẻ, từng DN cụ thể. Vì vậy, thời gian tới CIC cần có phương pháp điều tra đại trà như gửi mẫu điều tra, thu thập thông tin đến nhiều DN và đề nghị DN cung cấp về cho CIC.

- Phương pháp thu thập thông tin từ các cơ quan thông tin báo chí: đây là phương pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu, thông tin có nguồn gốc xác thực, đa dạng, phong phú. Cần nhặt tin theo 2 loại: thông tin kinh tế thương mại và thông tin DN. Khi có thông tin liên quan đến một DN nào đó sẽ được CIC phân loại tập hợp theo mã số và lưu trữ vào máy tính.

- Phương pháp thu thập thông tin qua các mạng thông tin điện tử

- Các phương pháp thu thập báo cáo tài chính phục vụ việc nghiên cứu tính toán các chỉ số trung bình ngành. Các chỉ số bình quân Ngành này phải thông qua

quá trình điều tra thu thập tích luỹ số liệu báo cáo tài chính mới có được. Muốn có được các chỉ số này đòi hỏi phải có thống kê số lớn, tức phải có báo cáo tài chính 3 năm liên tục của ít nhất 50% số DN hiện đang hoạt động (hiện tại Việt Nam đang có khoảng 300.000 DN), số DN đó phải rải đều ở các ngành kinh tế khác nhau. Hơn nữa các chỉ số thống kê bình quân này phải thay đổi liên tục hàng năm cho phù hợp với biến động thực tế của DN theo từng ngành, từng qui mô, từng thời kỳ để kết quả xếp loại đưa ra khách quan, chính xác. Hiện nay, CIC đã tính toán đưa ra các chỉ số trung bình ngành đối với các chỉ tiêu phân tích tài chính DN. Tuy nhiên các chỉ số trung bình ngành này mới được điều chỉnh gần đây nhất trên cơ sở báo cáo tài chính năm 2008 của các DN. Để phục vụ cho việc nghiên cứu, tính toán các chỉ số trung bình ngành được thường xuyên liên tục của CIC, luận văn đưa ra biện pháp thu thập thông tin tài chính như sau:

Một là, tích cực thu thập báo cáo tài chính từ TCTD như đã nói ở phần trên một cách đồng bộ và tích cực hơn.

Hai là, thu thập báo cáo tài chính của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, đây là thông tin công bố công khai không mất phí.

Ba là, CIC cần phải kết hợp với NHTM làm trung gian để mua báo cáo tài chính DN từ Tổng cục thống kê với số lượng và cơ cấu hợp lý để chia sẻ giảm giá thành thông tin và vì việc mua tin này chi phí tài chính rất lớn.

Một phần của tài liệu hoàn thiện phương pháp xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng nhà nước việt nam (Trang 83 - 85)