Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (2018) đã trình bày: năng lực tự học
bao hàm cả cách học, kỹ năng và nội dung học tập; là sự tích hợp tổng thể cách học và kỹ năng tác động đến nội dung trong hàng loạt tình huống, vấn đề khác nhau [5].
Theo Nguyễn Kỳ (1996), năng lực tự học là khả năng người học độc lập, tự giác từ việc xác định mục tiêu học tập, thiết kế và thực hiện kế hoạch học tập đến việc tự đánh giá và điều chỉnh việc học nhằm tối ưu hóa việc lĩnh hội kiến thức và phát triển kỹ năng và năng lực [20].
Theo Nguyễn Cảnh Toàn [32], năng lực tự học được hiểu là một thuộc tính kĩ năng rất phức hợp, bao gồm các kĩ năng và kĩ xảo, cần gắn với động cơ và thói quen tương ứng, giúp người học có thể đáp ứng được những yêu cầu mà công việc đặt ra. Năng lực tự học còn là sự bao hàm cả cách học, kĩ năng và nội dung học tập, là sự tích hợp tổng thể cách học và kĩ năng tác động đến nội dung trong hàng loạt tình huống - vấn đề khác nhau.
Như vậy, từ những quan niệm khác nhau của các tác giả, chúng tôi định nghĩa:
năng lực tự học là khả năng tự suy nghĩ, hoạt động dựa trên sự phối hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học để thực hiện có hiệu quả các hoạt động học tập. Năng lực tự học tuy là khả năng “bẩm sinh” của mỗi người nhưng cần được rèn
luyện thường xuyên thông qua các hoạt động thực tiễn, nếu không nó sẽ chỉ là khả năng tiềm ẩn của con người. Năng lực tự học toán là khả năng tự suy nghĩ, hoạt động
dựa trên sự phối hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học để thực hiện có hiệu quả các hoạt động học tập toán.