Một số công trình nghiên cứu liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chất lượng kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản do kiểm toán nhà nước chuyên ngành IB thực hiện (Trang 60 - 62)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài

2.2.3. Một số công trình nghiên cứu liên quan

Trong những năm qua đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu trong nước liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn của việc KSCL kiểm toán của KTNN. Cụ thể:

Theo Vương Đình Huệ, 2001, với đề tài khoa học cấp bộ: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam”, do Bộ Tài chính chủ trì đã tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về chất lượng và kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập. Đề tài đã đề xuất cơ chế KSCL kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán; nội dung và phương pháp kiểm tra; quy trình kiểm tra. Tuy nhiên, do chỉ nghiên cứu về kiểm toán độc lập, nên đề tài không đề cập đến KSCL kiểm toán của KTNN nói chung và KSCL kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp của KTNN nói riêng.

Hoàng Phú Thọ (2011), với đề tài Luận án tiến sĩ kinh tế: “Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước - Thực trạng và giải pháp”, cũng tập trung nghiên cứu và đạt được nhiều thành công về những vấn đề liên quan đến chất lượng kiểm toán và KSCL kiểm toán; những quy định và hướng dẫn về KSCL kiểm toán của INTOSAI, ASOSAI và kinh nghiệm thực tiễn về KSCL kiểm toán của KTNN ở một số quốc gia; đánh giá thực trạng về KSCL kiểm toán của KTNN Việt Nam; từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện KSCL kiểm toán của KTNN Việt Nam. Tuy nhiên, Luận án không đi sâu nghiên cứu về KSCL đối với từng lĩnh vực kiểm toán, ví dụ như kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản của KTNN.

Nguyễn Trọng Thủy (2010), với đề tài khoa học cấp Bộ: “Hoàn thiện tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước”, tập trung nghiên cứu chủ yếu về tổ chức công tác kiểm tra, KSCL kiểm toán. Đề tài đã hệ thống, tổng hợp những vấn đề lý luận cơ bản, khái quát về khái niệm KSCL kiểm toán, các chuẩn mực quốc tế về KSCL kiểm toán, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, tổ chức và cơ chế hoạt động, phạm vi, phương pháp kiểm tra, kiểm soát... Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổ chức công

tác kiểm tra, KSCL kiểm toán, đề tài đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ trong công tác tổ chức kiểm tra, KSCL cuộc kiểm toán; không đề cập cụ thể đến công tác KSCL kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp của KTNN.

Lê Minh Khái (2011), với đề tài khoa học cấp Bộ: “Các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm soát hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành” đã đề cập đến một số vấn đề lý luận cơ bản về KSCL kiểm toán; đánh giá thực trạng và hạn chế, tồn tại, chỉ ra một số nguyên nhân của hạn chế trong công tác KSCL kiểm toán của KTNN chuyên ngành. Tuy nhiên, đề tài chỉ giới hạn nghiên cứu trong KSCL hoạt động kiểm toán của KTNN chuyên ngành, chưa nghiên cứu đầy đủ các cấp độ kiểm soát; đồng thời cũng chưa nghiên cứu cụ thể về KSCL của các lĩnh vực kiểm toán, trong đó có KSCL kiểm dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Trên đây là các công trình nghiên cứu trong nước có liên quan đến đề tài nghiên cứu, đóng góp đáng kể trong việc giải quyết vấn đề lý luận và thực tiễn về KSCL kiểm toán. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống cả về lý luận và thực tiễn về KSCL kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản do KTNN CNIb thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chất lượng kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản do kiểm toán nhà nước chuyên ngành IB thực hiện (Trang 60 - 62)