PHẦN 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
4.3.3. Một số giải pháp tăng cường quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện
Triệu Sơn
4.3.3.1. Tăng cường công tác quản lý thu NSX
Để tận thu các khoản thu phát sinh trên địa bàn các xã, TT tránh bỏ sót các nguồn thu và có thể mở rộng, nuôi dưỡng các nguồn thu lâu dài cho NSX thì các xã, TT cần tổ chức, tạo điều kiện để thực hiện một nhiệm vụ thu cụ thể như sau:
- Đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí:
Thu NSNN chủ yếu từ thuế, phí, lệ phí nên tính ổn định các khoản thu này cao, giao cho phòng Tài chính - KH cấp huyện phối hợp cùng Chi cục thuế cấp huyện thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho chính quyền các địa phương triển khai thực hiện thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đặc biệt là các chính sách mới ban hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
- Đối với các khoản thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản:
Đây là khoản thu mang tính chất tương đối ổn định và lâu dài, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu NSX.Vì vậy cần chú trọng đến bồi dưỡng nguồn thu bằng các chính sách ưu đãi cho thuê diện tích đất công, diện tích mặt nước. Có thể áp dụng khoán thu theo mùa vụ hoặc xã tự đứng ra tổ chức thu. Để tránh tình trạng thu NSX
một lần và sử dụng hết trong một năm có thể đấu thầu nhiều năm và nguồn thu chia ra trả theo hàng năm để đảm bảo nguồn thu thường xuyên cho NSX Căn cứ vào đặc điểm từng xã, TT để lập kế hoạch và giao chỉ tiêu thật chính xác.Trong điều kiện quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh như hiện nay thì nguồn thu này có xu hướng giảm đi do diên tích mặt nước bị thu hẹp thì chính quyền các xã cần tìm tòi các nguồn thu mới thay thế.
- Đối với các khoản huy động và đóng góp:
Là một trong những khoản thu thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Nhà nước và nhân dân, việc sử dụng các khoản thu này sẽ có tác động trực tiếp đến người dân. Thực hiện thu các khoản này chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền rộng rãi, gắn với ý thức trách nhiệm của người dân để huy động mức động viên cao nhất. Công tác quản lý các khoản chi này phải đảm bảo đúng mục đích, đúng nội dung , công khai cho nhân dân biết.
- Đối với các khoản thu khác:
Trên địa bàn các xã, TT cần phải có tổ chức quản lý thu toàn bộ các khoản thu bắt buộc của Nhà nước. Đội thu NSNN là một bộ phận cấu thành trong bộ máy quản lý của xã, TT và làm tốt các nhiệm vụ: quản lý, đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản thu, kiểm soát tình hình sản xuất kinh doanh để làm căn cứ tính thuế. Tuyên truyền chính sách chế độ để mọi người chấp hành, hướng dẫn các thủ tục nộp, thực hiện thu theo biện pháp nghiệp vụ quy định, xử lý các vi phạm trong phạm vi cho phép.
4.3.3.2. Tăng cường công tác quản lý chi NSX
Trong những năm qua mặc dù tốc độ thu NSX gia tăng liên tục song tình hình chi NSX vẫn còn là vấn đề căng thẳng vì tiềm lực của NSX còn nhiều hạn chế, lại phải chịu sức ép tăng chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Để tăng cường cho công tác quản lý chi NSX kịp thời, hiệu quả, cần chú trọng những vấn đề sau:
- Chi thường xuyên: trong những năm tới, chi NSX trước hết phải ưu tiên chiến lược phát triển con người (giáo dục, y tế….). Chiến lược con người luôn được coi trọng và đầu tư cho chính sách này là vô tận bởi vì văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân là vô cùng cần thiết đối với bất kì quốc gia nào.Với chính sách cải cách tiền lương lại càng đặt ra vấn đề chi NSX phải hết sức tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả.Trên cơ sở định mức tiêu chuẩn theo quy định, NSX phải đảm bảo chi lương cho cán bộ tài chính xã, TT nhằm đảm bảo mức sông tối thiểu và ngày càng nâng cao đời sống của cán bộ.
Sự nghiệp văn xã là sự nghiệp cho phát triển giáo dục, văn hóa, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe người dân, công tác xã hội đối với các gia đình có công với cách mạng, trẻ mồ côi… cần được giải quyết tốt vì vậy khoản chi này phải được HĐND xã thảo luận, duyệt và công khai nhằm đảm bảo chế độ quản lý tài chính.
Đối với các khoản chi cho việc quản lý chính quyền cấp xã cần tổ chức chặt chẽ, tiết kiệm đảm bảo đúng chế độ định mức theo quy định và chi kịp thời. Sắp xếp các khoản chi theo thứ tự hợp lý, chi lương, sinh hoạt phí và các khoản nghiệp vụ phí cán bộ sau đó mới thực hiện chi mua sắm, sửa chữa và xây mới.
- Chi đầu tư phát triển: Đối với ngân sách xã, TT chi đầu tư phát triển chủ yếu xây dựng trụ sở, trường học, đường xá, cầu cống… Để có nguồn thu lâu dài và mở rộng nguồn thu ngày càng tăng thì NS cấp trên cùng NSX phải dành một khoản chi nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, TT với nhu cầu đầu tư từ NSX chỉ có thể đáp ứng một phần nào đó.Vì vậy các dự án đầu tư phải được thẩm định kỹ lưỡng chỉ đưa vào thực hiện những dự án có tính khả thi cao, tránh tình trạng đầu tư dàn trải vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Chính quyền cấp xã phải có sự quản lý chặt chẽ đến từng công trình, không cho phép xây dựng khi chưa bố trí được nguồn và việc chi trả thanh toán, quyết toán được tiến hành theo hạng mục công trình hoàn thành bàn giao.
4.3.3.3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý ngân sách xã
Con người là nhân tố trung tâm có ảnh hưởng quyết định đến việc quản lý NSX, trong những năm qua công tác quản lý NSX của huyện Triệu Sơn bên cạnh những việc đã làm được còn bộc lộ không ít hạn chế mà nguyên nhân quan trọng xuất phát từ khâu quản lý, điều hành, giám sát. Để đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước, kiện toàn chính quyền cấp xã thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở là rất quan trọng. Vì vậy phải tăng cường tập huấn nâng cao trình độ quản lý, giám sát cho Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và cán bộ làm công tác tài chính - kế toán tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn cho cán bộ quản lý tài chính như chủ tài khoản, kế toán ngân sách xã về: Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Kế toán, Pháp lệnh phí và lệ phí, chế độ kế toán ngân sách xã, các quy định của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng dự toán, quản lý thu - chi ngân sách.
- Thông qua các đợt tập huấn sẽ nâng cao nhận thức, xác định rõ vị trí,sử dụng phần mềm kế toán quyền hạn cũng như trách nhiệm của chủ tịch HĐND, UBND các xã trong quá trình lập, chấp hành và quyết toán ngân sách. Bổ sung những kiến thức còn thiếu trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách tránh được những sai sót như thời gian qua. Đội ngũ cán bộ tài chính - kế toán ngân sách xã, thị trấn sẽ hiểu sâu hơn về nghiệp vụ, học hỏi được các đồng nghiệp, nắm bắt chế độ, chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân sách, thuế, phí, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tham mưu cho lãnh đạo UBND, HĐND lập dự toán sát với thực tế, quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi đảm bảo đúng chính sách chế độ, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả nguồn vốn ngân sách dùng cho chi đầu tư xây dựng cơ bản.
- Xây dựng, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm một cách chi tiết đến từng cấp xã, nhằm quy định chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ công chức của xã. Qua đó đánh giá được thực trạng và hiệu quả công việc.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm kế toán vào công tác quản lý tài chính tại Phòng Tài chính - Kế hoạch và tại UBND các xã, thị trấn để nâng cao hiệu quả tham mưu, điều hành ngân sách địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh chóng. Hoạt động quản lý tài chính ngân sách ngày càng đòi hỏi cao hơn về tính kịp thời và chính xác. Do vậy, việc ứng dụng tin học vào công tác quản lý kinh tế tài chính là rất cần thiết.
4.3.3.4. Hoàn thiện công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách
Để đảm bảo sự khớp nối giữa kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính cần đổi mới các hoạt động từ lập dự toán ngân sách cho đến chấp hành và quyết toán ngân sách có tính khoa học và phù hợp hơn với thực tế. Cụ thể là cần tiếp tục đổi mới các căn cứ và quy trình lập dự toán ngân sách, hoàn thiện thủ tục và cơ chế chấp hành ngân sách, cũng như đổi mới phương thức quyết toán ngân sách, cụ thể:
a. Đối với công tác lập dự toán thu, chi ngân sách xã
- Dự toán thu ngân sách xã phải dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện năm trước, phân tích, dự báo tình hình đầu tư của Nhà nước, khả năng tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tình hình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở kinh tế trọng điểm, có số thu lớn; đảm bảo tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo quy định của pháp luật về thuế, chế độ thu, đặc biệt là các chính sách, chế độ mới ban hành hoặc sửa đổi về thu ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân. Dự toán thu phải xây dựng theo hướng dẫn của cấp trên nhưng phải đảm bảo tính khả thi cao, đồng thời phải được thông qua HĐND cấp xã trước khi tổng hợp gửi phòng Tài chính- kế hoạch huyện.
- Dự toán chi ngân sách xây dựng phải đảm bảo sự phù hợp phân cấp quản lý kinh tế xã hội, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của HĐND tỉnh Thanh Hóa và khả năng huy động nguồn thu vào ngân sách của địa phương, phải đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách.
- Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển phải căn cứ trên cơ sở dự toán số thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất, thu đóng góp tự nguyện của nhân dân đưa vào quản lý qua ngân sách Nhà nước, 50% vượt thu ngân sách năm trước, chi đầu tư XDCB phải thực hiện phân bổ chi tiết cho từng công trình cụ thể.
- Đối với chi thường xuyên giao nhiệm vụ chi phải dựa trên cơ sở thực hiện năm trước, nhiệm vụ phát sinh trong năm, đặc biệt là các nhiệm vụ chi cho sự nghiệp kinh tế, đảm bảo xã hội và các chế độ mới liên quan đến con người, đối tượng đảm bảo xã hội dự kiến phát sinh trong năm. Bố trí sắp xếp ưu tiên thực hiện những chính sách đã ban hành, chế độ đảm bảo xã hội, chế độ cho con người, những chế độ mới phát sinh do cấp trên ban hành, phải lập dự toán cụ thể, có thuyết minh chi tiết để đề nghị cấp trên bổ sung nguồn thực hiện.
b. Đối với công tác chấp hành ngân sách -Công tác chấp hành thu ngân sách
+ Cần được các cơ quan, các cấp chính quyền địa phương quan tâm triển khai từ đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo chế độ quy định, đảm bảo nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi bố trí trong dự toán.
+ Đối với việc thực hiện chính sách thuế, thu thuế trên địa bàn, giao cho phòng Tài chính- kế hoạch cấp huyện phối hợp cùng Chi cục thuế cấp huyện thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho các chính quyền địa phương triển khai thực hiện thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đặc biệt là các chính sách mới ban hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
+ Đối với các khoản thu phí và lệ phí cần nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng pháp lệnh phí, lệ phí. UBND cấp xã chỉ được thực hiện thu các phí, lệ phí nằm trong danh mục được phép thu và mức thu theo quy định của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
+ Thu khoán quỹ đất công ích, hoa lợi công sản: UBND cấp xã cần có biện pháp thiết thực hơn nhằm tăng cường quản lý quỹ đất công ích và có cơ chế giao khoán hợp lý, tận dụng triệt để không để quỹ đất công ích hoang hóa. Việc thu khoán quỹ đất công ích nên giao khoán và thu tiền hàng năm, tránh tình trạng giao khoán nhiều năm nhưng thu tiền một lần làm ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của các năm tiếp theo.
+ Đối với các khoản thu đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện, đó là “ nhân dân bàn bạc và quyết định trên cơ sở dân chủ, công khai, quyết định theo đa số”. Việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn huy động đóng góp phải được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND cấp xã. HĐND cấp xã phải ra nghị quyết về việc quản lý, sử dụng nguồn thu đóng góp của nhân dân để UBND cấp xã có căn cứ để thực hiện.
+ Đối với thu khác tại xã: đảm bảo việc thu và hạch toán vào ngân sách đúng nội dung, bản chất các khoản thu, cần phải được giám sát, đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách, tránh trường hợp ứng nguồn để thực hiện các nhiệm vụ khác, cuối năm không có nguồn để hoàn trả ngân sách.
- Công tác chấp hành chi ngân sách
UBND cấp xã có trách nhiệm thống nhất, quản lý điều hành chi ngân sách xã theo dự toán được HĐND cấp xã quyết định. Quá trình điều hành dự toán chi ngân sách xã của UBND cấp xã cần phải đảm bảo các nội dung chi chủ yếu sau:
+ Tổ chức điều hành chi ngân sách phải được thực hiện theo đúng dự toán đã được phê duyệt một cách chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chi đúng nội dung, mục đích, đảm bảo đúng mục địch, chính sách chế độ, thực hiện quyết toán theo đúng mục lục NSNN, gắn trách nhiệm đối với chủ tài khoản cũng như kế toán NSX. Đối với nguồn chưa giao dự toán chi tiết như: Nguồn tăng thu, chi khác và dự phòng ngân sách khi thực hiện phân chi phải báo cáo và có ý kiến đóng góp của thường trực HĐND xã. Các nhiệm vụ chi đột xuất ngoài dự toán phải được cân nhắc, tính toán trước khi quyết định với nguyên tắc là tìm được nguồn bổ sung hợp pháp mới quyết định chi, trường hợp phát sinh những nhiệm vụ chi ngoài dự toán nhưng không thể trì hoãn được mà dự phòng ngân sách không đủ đáp ứng, UBND cấp xã cần sắp xếp lại các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, thống nhất với Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND cấp xã để thực hiện, tuyệt đối không thực hiện vay cá nhân, sử dụng nguồn thu chưa qua ngân sách để đáp ứng chi.
+ Bố trí lại cơ cấu các khoản chi NSX để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, bố trí ngân sách tập trung, chống dàn trải gây thất thoát vốn, sử dụng ngân sách có mục đích, hiệu quả.