Những nhân tố ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi thường xuyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi thường xuyên ngân sách xã tại kho bạc nhà nước khoái châu, tỉnh hưng yên (Trang 40 - 43)

ngân sách xã qua Kho bạc Nhà nước

Công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách xã qua Kho bạc Nhà nước có phạm vi rộng, chu trình quản lý kéo dài vì vậy có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi, cơ bản có các nhân tố sau:

2.3.5.1. Nhân tố khách quan

Thứ nhất: Hệ thống pháp luật. Trong xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền của nước ta hiện nay đòi hỏi việc kiểm soát chi NSNN phải theo khuôn khổ pháp luật.

Hệ thống quản lý, kiểm soát chi của nước ta hiện nay là luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện, cùng các văn bản pháp quy khác vừa là nhân tố quan trọng vừa là điều kiện quyết định đến chất lượng công tác kiểm soát chi thường xuyên.

Định mức chi tiêu ngân sách là mức chuẩn làm căn cứ tính toán, xây dựng quy chế đơn vị, xây dựng dự toán, phân bổ dự toán và là một trong những căn cứ quan trọng để kiểm soát chi tiêu.

Định mức chi tiêu càng cụ thể, chi tiết sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi thường xuyên NSNN nói chung và hiệu quả công tác kiểm soát chi thường xuyên qua KBNN nói riêng. Việc chấp hành định mức chi tiêu của Nhà nước cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng quản lý và điều hành ngân sách của các ngành, các cấp.

Thứ hai: Cơ chế quản lý ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Cơ chế quản lý chi ngân sách nhà nước gắn liền với sự phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý chi ngân sách nhà nước của các cấp quản lý, giúp cho mỗi cấp làm việc hiệu quả hơn, từ đó tạo nên sự hiệu quả của cả hệ thống quản lý và kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Việc kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua KBNN đòi hỏi KBNN phải có một vị thế, vai trò lớn hơn. Vì vậy, việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của KBNN tại một văn bản pháp lý cao hơn (như Pháp lệnh, Luật của Quốc Hội) sẽ tăng cường được vị trí, vai trò của KBNN; đồng thời cũng nâng cao được hiệu quả công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua KBNN.

Bộ máy kiểm soát chi ngân sách phải được tổ chức khoa học, thống nhất, đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, phân bổ dự toán, cơ quan kiểm soát chi tiêu cho đến đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách. Nếu việc tổ chức bộ máy kiểm soát chi không thống nhất, chồng chéo hoặc phân tán ra nhiều đầu mối thì sẽ dẫn đến tình trạng cắt khúc trong quản lý, làm hạn chế hiệu quả kiểm soát chi.

Thứ ba: Hệ thống kế toán công cung cấp dữ liệu về hoạt động của NSNN, đảm bảo tính minh bạch, phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát ngân sách, do đó đòi hỏi dữ liệu, đặc biệt hệ thống kế toán công phải thống nhất.

Thứ tư: Khoa học công nghệ trong ngành Kho bạc.

Công nghệ thông tin đã góp phần hiện đại hoá công nghệ quản lý Kho bạc trên tất cả các mặt: Các quy trình nghiệp vụ được cải tiến và tổ chức một cách hoàn thiện, hợp lý hơn; phong cách làm việc của cán bộ trở nên chuyên nghiệp hơn. Công nghệ thông tin – tin học đã khẳng định là công cụ không thể thiếu trong hoạt động nghiệp vụ của ngành, giúp cho hệ thống kho bạc đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về quản lý, điều hành NSNN.

Tuy vậy, việc quản lý các mảng nghiệp vụ KBNN bằng công nghệ thông tin vẫn còn mang tính rời rạc, độc lập, chưa có sự kết nối toàn diện giữa các chương trình phần mềm ứng dụng của nội bộ KBNN và kết nối thanh toán ra bên ngoài.

2.3.5.2. Nhân tố chủ quan

Thứ nhất: Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước. Xuất phát từ vị trí của con người - con người là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của mọi tổ chức, chất lượng và trình độ của con người là yếu tố then chốt quyết định sự hoàn thành nhiệm vụ của một tổ chức. Vì vậy, chất lượng công tác kiểm soát chi phụ thuộc rất lớn vào trình độ cán bộ làm công tác quản lý Tài chính nói chung và quản lý chi NSNN nói riêng. Đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có trình độ chuyên sâu về quản lý Tài chính, am hiểu về các lĩnh vực chuyên ngành mình quản lý, có phẩm chất đạo đức tốt…Đây là lực lượng trực tiếp thực hiện KSC thường xuyên NSNN. Vì vậy, cán bộ KBNN phải đảm bảo đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để có thể đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN một cách đúng đắn và có hiệu quả. Trong kiểm soát chi thường xuyên NSNN phải đảm bảo tính linh hoạt, biết vận dụng các nguyên tắc, chế độ trong điều kiện thực tế của địa phương, biết cùng đơn vị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong điều kiện cho phép, không vi phạm chế độ, không gây khó khăn, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân...

Thứ hai: Hệ thống lập, duyệt và thực hiện dự toán ngân sách dựa theo nguồn lực đầu vào và theo niên độ từng năm dẫn đến thiếu sự gắn kết giữa nguồn lực với các chỉ tiêu kinh tế xã hội, không mang tính chiến lược khi phân bổ sử dụng các nguồn lực trên địa bàn. Các cấp chính quyền địa phương không chủ động trong quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách; chưa có tầm nhìn chiến lược. Việc lập dự toán theo nguồn lực đầu vào chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt, trong phạm vi năm kế hoạch, chưa quan tâm đến mục tiêu và kết quả thực hiện.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật của các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN, làm cho họ thấy rõ kiểm soát chi là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị cá nhân có liên quan đến quản lý quỹ ngân sách nhà nước chứ không phải là công việc riêng của ngành Tài chính, KBNN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi thường xuyên ngân sách xã tại kho bạc nhà nước khoái châu, tỉnh hưng yên (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)