Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý
2.2. Quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện
2.2.2. Các nguyên tắc quản lý ngân sách cấp huyện
* Nguyên tắc thống nhất, tập trung dân chủ
Nguyên tắc này đòi hỏi, trong hoạt động ngân sách, một mặt, nó đảm bảo sự thống nhất ý chí và lợi ích qua huy động và phân bổ ngân sách để có được những hàng hoá dịch vụ công cộng. Mặt khác, nó đảm bảo phát huy tính chủ động và sáng tạo của địa phương, các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo giải quyết các vấn đề cụ thể, trong những hoàn cảnh và cơ sở cụ thể (Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thị Mỹ Hương, 2012).
Các khoản thu, chi NSNN phải đưa vào kế hoạch ngân sách thống nhất. Thống nhất quản lý chính là việc tuân theo một khuôn khổ chung từ việc hình thành, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, thanh quyết toán, xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Thực hiện nguyên tắc quản lý này sẽ đảm bảo tính công bằng, đảm bảo hiệu quả, hạn chế những tiêu cực và những rủi ro có tính chất chủ quan khi quyết định các khoản chi tiêu (Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thị Mỹ Hương, 2012).
Điều 6 Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc Hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thị Mỹ Hương, 2012).
* Nguyên tắc công khai minh bạch
Ngân sách là một chu trình, ngân sách phản ánh các hoạt động của chủ thể bằng các số liệu. Quản lý ngân sách đòi hỏi phải công khai, minh bạch xuất phát từ đỏi hỏi chính đáng của người dân với tư cách là người nộp thuế cho nhà
nước. Việc nhà nước có đảm bảo trách nhiệm trước dân về huy động và sử dụng các nguồn vốn thu hay không phụ thuộc nhiều vào tính minh bạch của NSNN. Nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát các quyết định về thu, chi tài chính, hạn chế những thất thoát và đảm bảo tính hiệu quả. Nguyên tắc này được thực hiện trong suốt chu trình ngân sách (Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thị Mỹ Hương, 2012).
* Nguyên tắc trách nhiệm giải trình
Nhà nước là cơ quan công quyền, sử dụng các nguồn lực của nhân dân thực hiện các mục tiêu đặt ra. Đây là nguyên nhân yêu cầu về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quá trình quản lý ngân sách, bao gồm:
Thứ nhất, trách nhiệm giải trình về các hoạt động ngân sách; chịu trách
nhiệm về các quyết định về ngân sách của mình.
Thứ hai, trách nhiệm đối với cơ quan quản lý cấp trên và trách nhiệm đối
với công chúng, đối với xã hội.
Quy trách nhiệm yêu cầu phân định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, chính quyền các cấp trong thực hiện NSNN theo chất lượng kết quả công việc đạt được (Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thị Mỹ Hương, 2012).
* Nguyên tắc cân đối ngân sách
Cân đối NSNN ngoài sự cân bằng về thu, chi còn là sự hài hoà, hợp lý trong cơ cấu thu, chi giữa các khoản thu, chi; các lĩnh vực, các ngành; các cấp chính quyền thậm chí ngay cả giữa các thế hệ. Đảm bảo cân đối ngân sách là một đòi hỏi khách quan xuất phát từ vai trò nhà nước trong can thiệp vào nền kinh tế thị trường với mục tiêu ổn định, hiệu quả và công bằng. Vì vậy, tính toán nhu cầu chi sát với khả năng thu trong khi lập ngân sách là rất quan trọng. Các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ các nguồn bù đắp (Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thị Mỹ Hương, 2012).