Trong giai đoạn 2011 – 2016, tỉnh Nam Định đã thực hiện 342 các dự án phát triển quỹ đất. Trong đó có 209 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và 63 dự án chỉnh trang đô thị. Bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các dự án là 1.118,40 ha đất các loại. Tổng số hộ được bồi thường là 23.346 hộ với tổng tiền bồi thường vào
khoảng 3200 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và bắt đầu phát huy hiệu quả, làm thay đổi cơ bản diện mạo của tỉnh. Điển hình như các dự án: Xây dựng cải tạo những tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường BOT Nam Định - Mỹ Lộc; Quốc lộ 21 Nam Định - Thịnh Long; tỉnh lộ 490 Nam Định - Nghĩa Hưng và nhiều tỉnh lộ, huyện lộ khác; Các dự án thủy lợi lớn như: Dự án kiên cố hóa mặt đê huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống sông Sò 03 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, dự án cải tạo nấng cấp hệ thống kênh Bình Hải - Nghĩa Hưng, Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống sông Sắt huyện Ý Yên, Vụ Bản,...Cụm công nghiệp An Xá thành phố Nam Định, Cụm Công nghiệp Đồng Côi huyện Nam Trực, Khu công nghiệp Bảo Minh; các dự án Văn hóa lớn như: Dự án Văn hóa Trần, Dự án khu di tích Phủ Giầy…
Công tác giải phóng mặt bằng ở tỉnh Nam Định nhìn chung được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, tạo được quỹ đất cho phát triển đô thị, phát triển kinh tế, xã hội... Tuy nhiên, công tác này còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Cấp ủy Đảng một số địa phương, cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác này, nên chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác GPMB; một số nơi còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
- Sự phối kết hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị với hội đồng BT, HT, TĐC, UBND tại một số huyện, xã, phường, thị trấn chưa rõ rệt, hiệu quả chưa cao.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện, vai trò trách nhiệm của hội đồng BT, HT, TĐC một số dự án chưa cao, còn tình trạng khoán trắng cho cán bộ, công chức, chuyên viên làm nhiệm vụ GPMB. Hội đồng BT, HT, TĐC không có sự bàn bạc kỹ, khi phát sinh vấn đề kiến nghị, đề nghị không xem xét giải quyết kịp thời thậm chí không có sự thống nhất cao; đến khi phát sinh khiếu kiện mới đề nghị các Sở, ngành, đoàn thể vào cuộc.
- Công tác thanh tra, kiểm tra của cấp uỷ, chính quyền trong thực hiện Chỉ thị 09/CT-TU và giải quyết các chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát hiện được các sai phạm để khắc phục sửa chữa kịp thời.
- Kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại của công dân liên quan đến GPMB tuy đã được các cấp các ngành tập trung giải quyết; nhưng một số nơi việc giải quyết đạt hiệu quả chưa cao, một số vụ việc còn kéo dài, cá biệt có nơi vẫn còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh trong giải quyết, gây bức xúc đối với một bộ phận người bị thu hồi đất.
PHẦN 3. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU