4.3.1.1. Xây dựng kế hoạch triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng chi tiết, cụ thể và thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Trong thời gian thực hiện các chỉ đạo của cơ quan Trung ương về đổi mới chính sách quản lý đất đai trong đó có chính sách về bồi thường GPMB, do đó các các chương trình, kế hoạch hành động về cần sát đúng với năng lực, tiềm năng và tình hình thực tiễn, như kế hoạch bồi thường GPMB, kế hoạch thu hồi tránh tình trạng mục tiêu và kết quả không phù hợp với nhau.
Về kế hoạch cho từng hạng mục công việc như thời gian cần thiết cho tổ chức kiểm đếm đất và tài sản trên đất; thời gian xác định nguồn gốc sử dụng đất của UBND các xã, TT, thời gian thẩm định phương án bồi thường GPMB của phòng TN & MT cần đảm bảo theo định mức thời gian do pháp luật quy định.
Các phương án tồng thể được lập cần phải khảo sát, điều tra sát đúng tình hình thực tiễn về tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để Chủ đầu tư dự án chuẩn bị nguồn lực tài chính, thời gian cũng như Ban Bồi thường GPMB, phòng TN&MT và một số phòng ban khác chuẩn bị số lượng cán bộ cần tham gia thực hiện theo yêu cầu.
Chấp hành đúng kế hoạch đã xây dựng, như việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, việc bố trí các nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực.
Nâng cao trách nhiệm, đảm bảo sự linh hoạt của các cơ quan ban ngành từ khi thành lập Hội đồng bồi thường GPMB đến giai đoạn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân. Các kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ sẽ tạo niềm tin và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia công tác giải phóng mặt bằng.
Các chương trình, dự án đầu tư chỉ được triển khai đúng tiến độ nếu việc vận hành, sử dụng các ngân sách hiệu quả, hợp lý và đáp ứng các yêu cầu của kế hoạch đề ra, để thực hiện được điều này thì Chủ đầu tư dự án cần phải chủ động bố trí nguồn vốn tài chính đầy đủ như Phương án tổng thể về bồi thường GPMB đề ra, tránh tình trạng khi các phương án bồi thường, hỗ trợ được UBND huyện Bình Xuyên phê duyệt nhưng chủ đầu tư không có tiền để chi trả cho người bị thu hồi đất, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.
Bên cạnh đó các cơ quan liên quan như Kho bạc Nhà nước cũng phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc giải ngân các nguồn vốn, kiểm soát các khoản chi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với Tổ giúp việc bồi thường GPMB cần chủ động tham mưu cho Hội đồng bồi thường GPMB, UBND huyện trong các dự toán chi phí phục vụ công tác bồi thường GPMB của từng dự án.
4.3.1.2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn để nâng cao hiểu biết cũng như sự đồng thuận của người bị thu hồi đất
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tư vấn thì cần đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thông tin của người dân, tạo điệu kiện cho họ có thể nắm bắt được các cơ chế chính sách về bồi thường GPMB, đơn giá bồi thường đất đai và tài sản trên đất, bảng giá đất một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép các chương trình dự án đang triển khai. Việc tuyên truyền, vận động không chỉ được thực hiện bởi Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, của chính quyền các xã, TT mà còn được thực hiện bởi các tổ chức xã hội như: Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi...
Các văn bản, cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, Thông báo chủ trương thực hiện dự án, Thông báo thu hồi đất, Nguồn gốc sử dụng đất, Khối lượng tài sản trên đất, Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy hoạch sử đất cần được công khai đến tận trụ sở UBND xã, Nhà văn hóa xóm, các điểm sinh hoạt cộng đồng khu dân cư.
Thiết kế, xây dựng các tờ rơi, sách hỏi đáp, cẩm nang nêu tóm tắt, ngắn gọn, có trọng tâm trọng điểm những nội dung cơ bản của Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số: 44/2014/NĐ-CP, Nghị định số: 47/2014/NĐ-CP, Quyết định số: 35/2014/QĐ-UBND, quyết định số: 32/2015/QĐ-UBND phát cho người dân để tạo cơ hội trực tiếp cho hộ có thể tìm hiểu các chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện công khai hoá, dân chủ hoá trong thực thi chính sách bồi thường GPMB. Công khai, dân chủ sẽ góp phần hạn chế những vấn đề tiêu cực, giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát và thực hiện chính sách được công bằng, sát thực tế. Thực hiện dân chủ với phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải được thực hiện tõ trong từng công việc. Người dân cần được biết ngay từ đầu về các thông tin về cơ sở pháp lý của
việc bồi thường GPMB, phạm vi giải toả, các chính sách, giá bồi thường, hỗ trợ, vị trí, địa điểm và chính sách TĐC, kế hoạch tổ chức thực hiện. Phải có quy định cụ thể để các hộ dân có đất bị thu hồi biết rõ mình được tham gia ý kiến, bàn bạc về những vấn đề gì, bàn bạc với ai và như thế nào.
Tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ giữa các chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi với chủ đầu tư, các cấp ban ngành liên quan để tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân để có cơ sở xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý hơn, như: lấy ý kiến của người bị mất chỗ ở về vị trí sẽ quy hoạch khu tái định cư, về đơn giá của suất đất tái định cư.
4.3.1.3. Nâng cao chất lượng công tác đàm phán và giải quyết xung đột
Trong thời gian qua tình hình đơn thư về công tác bồi thường GPMB tại huyện Bình Xuyên tập trung chủ yếu về vấn đề vận dụng các chính sách vào thực tế không đúng do đó trong thời gian tới chính quyền UBND huyện Bình Xuyên cần quan tâm hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm rõ các văn bản quy định của pháp luật về bồi thường GPMB đồng thời cũng phải đôn đốc chỉ đạo cán bộ thực thi chính sách cần làm đúng với quy định và tuyên truyền cho người dân hiểu để tránh tình trạng khiếu kiện xảy ra.
Thực hiện tốt công tác tiếp dân, nâng cao chất lượng và mở rộng hình thức Nhà nước đối thoại với nhân dân để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, xung đột cần giải quyết. Phân công bố trí trưởng các ban ngành dự họp các cuộc họp phổ biến chủ trương thực hiện dự án đầu tư tại cơ sở để nắm rõ và sâu sát hơn nữa trong công tác chỉ đạo chuyên môn.
4.3.1.4. Xây dựng hệ thống thông tin phản hồi đầy đủ, chính xác
Huyện uỷ, UBND huyện và các phòng ban ngành: Thanh tra, Tài nguyên – Môi trường, Tài chính – Kế hoạch định kỳ tổ chức phối hợp kiểm tra nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện các chức năng chuyên môn do ngành trực tiếp chỉ đạo, quản lý tại các xã, TT có thu hồi đất thông qua từng dự án cụ thể.
Hàng quý, hàng tháng UBND các xã, TT thực hiện nghiêm chỉnh công tác báo cáo về tình hình tổ chức thực thi chính sách bồi thường GPMB tại địa bàn để chính quyền huyện kịp thời nắm bắt những vướng mắc, tồn tại, điểm nóng và có phương án giải quyết.
Phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình huyện tổ chức các chuyên đề đối thoại với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu
hồi để điều chỉnh cách thức tổ chức thực thi và kiến nghị sửa đổi chính sách cho phù hợp với thực tiễn địa phương.
Phát triển hình thưc hòm thư góp ý kiến tại các điểm sinh hoạt dân cư công cộng để người dân phản ánh các ý kiến nhằm đảm bảo công khai, minh bạch đối với việc thu hồi đất.
4.3.1.5. Thực hiện tốt việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ công tác di dân
Chủ động xây dựng các khu tái định cư kết hợp với các khu phân lô bán đấu giá, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ theo quy định, quy mô diện tích đa dạng cho người được tái định cư chọn lựa, cung cấp mẫu thiết kế nhà miễn phí.
Công tác lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm tái định cư để phục vụ các dự án đầu tư, dự án phát triển trên địa bàn tỉnh, huyện cần được thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, trên cơ sở các dự án đã được ghi vốn đầu tư, được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua kế hoạch thu hồi đất để thực hiện dự án. Cần xác định số hộ cần phải bố trí tái định cư và nhu cầu tái định cư về đất ở, về nhà ở của các hộ bị thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất của các dự án để chủ động xây dựng các khu, điểm tái định cư hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án được triển khai và là điều kiện cần thiết trước khi Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất.
Chủ động trong việc bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư tập trung, hoàn thiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh, huyện. Khi lựa chọn địa điểm xây dựng các khu tái định cư cần tổ chức để người có đất bị thu hồi được tham gia trong việc lựa chọn địa điểm tái định cư. Đây là điều rất quan trọng vì nó sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân khi triển khai thực thi chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cần ban hành cơ chế chính sách trong việc bố trí, sử dụng nguồn vốn đầu tư, đơn vị quản lý các khu đất ở, nhà ở tái định cư phục vụ cho nhu cầu tái định cư của các dự án. Quy định bắt buộc về trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc bố trí nguồn vốn xây dựng khu tái định cư, đồng thời có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư và nhà ở tái định cư nhằm ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tái định cư và đưa pháp luật đất đai vào đời sống xã hội.