Định kỳ hàng năm, Chi cục thuế huyện Gia Lâm đã chủ động phối hợp với Sở kế hoạch - đầu tư yêu cầu cung cấp số doanh nghiệp đã được cấp đăng ký kinh doanh để nắm thông tin đăng ký thuế của các doanh nghiệp. Nhờ phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh ngay từ đầu khi doanh nghiệp xin cấp đăng ký kinh doanh nên đã phát hiện ngay nhiều trường hợp khai khống địa chỉ, trụ sở, người đứng tên điều hành công ty không đủ năng lực và trách nhiệm dân sự, không đủ trình độ quản lý để có các biện pháp chỉ đạo nhằm ngăn ngừa các hành vi trốn thuế, gian lận thuế… Cũng nhờ thực hiện tốt việc rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn nên Chi cục đã nắm chắc hơn số lượng doanh nghiệp giải thể, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, số lượng doanh nghiệp rời địa bàn chuyển đi nơi khác kinh doanh, từ đó có các biện pháp ngăn chặn tiêu cực xảy ra như chỉ đạo quyết toán thuế, thu hồi hóa đơn, thông báo hóa đơn bị thất thoát, thông báo doanh nghiệp đã chuyển địa điểm chưa tìm thấy, thông báo doanh nghiệp không đến cơ quan thuế để kê khai nộp thuế…
Bảng 4.1 thể hiện tình hình quản lý đối tượng trạng thái đang hoạt động tại Chi cục thuế huyện Gia Lâm theo loại hình doanh nghiệp, chi tiết như sau:
Bảng 4.1: Tổng hợp các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Gia Lâm 2016-2018
Đơn vị tính: doanh nghiệp
STT Loại hình Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 bình quân (%) Tốc độ tăng
1 Công ty TNHH 1568 1827 1923 10,7
2 Công ty cổ phần 757 824 875 7,5
3 DNTN 28 25 23 -9,4
4 Khác 348 377 406 8,0
6 Tổng 2.701 3.053 3.227 9,3
Qua bảng 4.1 ta thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới ngày càng tăng, tổng số doanh nghiệp tăng 9,3%. Trong đó, loại hình công ty TNHH có tốc độ tăng nhanh nhất (10,7%).
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế trên địa bàn, trong những năm qua Chi cục đã triển khai hệ thống ứng dụng của ngành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ việc thu thập, xử lý thông tin người nộp thuế. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, Chi cục đã từng bước triển khai hệ thống ứng dụng rộng khắp toàn đơn vị phục vụ các yêu cầu trọng tâm của công tác quản lý thuế như: Ứng dụng đăng ký và cấp mã số thuế (PIT), hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS), Ứng dụng quản lý ấn chỉ (QLAC), Ứng dụng quản lý hồ sơ (QHS), Ứng dụng phân tích rủi ro (TPR); Ứng dụng thanh tra kiểm tra (TTr), Ứng dụng Báo cáo tài chính (BCTC)…
Để phục vụ cho việc thu thập, xử lý và quản lý thông tin người nộp thuế, Tổng cục thuế và Cục thuế TP Hà Nội đã chỉ đạo và hỗ trợ Chi cục triển khai xây dựng hạ tầng truyền thông xuyên suốt trong toàn ngành. Nhìn chung việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đã đem lại những hiệu quả tích cực cho công tác quản lý thuế như: góp phần tăng thu, cải tiến quy trình quản lý thuế, cung cấp thông tin thu - nộp thuế nhanh chóng, tăng cường sự kiểm tra lẫn nhau giữa các bộ phận quản lý thu…
Bên cạnh những hiệu quả đạt được thì công tác quản lý người nộp thuế của Chi cục còn gặp khó khăn, hạn chế cần khắc phục là:
Do số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chỉ chi cục thuế chỉ có 12 cán bộ quản lý trực tiếp. Trung bình 01 cán bộ phải quản lý 270 doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này dẫn đến công tác kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp không sát sao. Ngoài ra còn do đặc điểm huyện Gia Lâm có diện tích rộng lớn, phần lớn là các xã nên địa chỉ doanh nghiệp không có số nhà cụ thể, vì vậy việc xác minh địa chỉ trụ sở doanh nghiệp và quản lý chuyên quản của các cán bộ gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, cán bộ quản lý thuế đang phải đối mặt với áp lực quá tải về công việc, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công việc, hiệu quả công tác quản lý thuế.