3.1.2.1. Đặc điểm tình hình kinh tế xã hội
Gia Lâm là huyện cửa ngõ Thủ đô, kết nối toàn bộ tuyến Đông Bắc và còn nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để phát triển đúng
hướng. Trong đó, năm 2018, huyện có nhiều chỉ tiêu đạt cao như: Thu ngân sách đạt 330% so với mức được giao; các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm hộ nghèo; công tác cải cách hành chính chuyển biến rõ nét... Gia Lâm là một trong những huyện dẫn đầu về phát triển kinh tế- xã hội, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua.
Tháng 6/2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Gia Lâm, tỷ lệ 1/500 tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn. Tổng diện tích đất khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 420ha và quy mô dân số khoảng 89.500 người. Quy hoạch này nhằm mục đích cụ thể hóa định hướng điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố trên nguyên tắc đảm bảo đồng bộ giữa quy mô dân số với các định hướng tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có liên quan...
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp triển khai lập quy hoạch các phân khu đô thị trên địa bàn huyện như: phân khu đô thị N9, N11, GN, quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, quy hoạch hai bên đường Dốc Hội - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Trâu Quỳ, quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại các xã Yên Thường, Ninh Hiệp, Đình Xuyên…, tỷ lệ 1/500 trình thành phố phê duyệt.
Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo đạt những kết quả toàn diện. Huyện đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa nhanh, 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới; phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng đạt được những thành tựu quan trọng.
Để phát triển hạ tầng cho đô thị, huyện cũng triển khai dự án nhà máy nước sạch khu vực Yên Viên. Ngoài ra, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Tổng quy mô dự án với diện tích gần 61,5 ha, tổng vốn đầu tư gần 5000 tỷ đồng tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu. Đặc biệt, Gia Lâm là một trong những huyện đi đầu trong đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng. Theo đó, 411,8km hệ thống chiếu sáng trên địa bàn huyện được đầu tư. Huyện cũng triển khai đồng bộ việc cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa xã; đến nay đã có 153/171 thôn,
làng, tổ dân phố, cụm dân cư có nhà văn hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn; 58/75 trường đạt chuẩn quốc gia.
Trong năm 2018, huyện đã triển khai thi công xây dựng các dự án giao thông trọng điểm (đường Dương Xá - Đông Dư, đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, tuyến đường 30m...), các dự án trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ khai giảng năm học mới và các dự án dân sinh bức xúc, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, thực hiện tốt cải cách hành chính. Ngoài ra, huyện cũng đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020 theo chỉ đạo của thành phố.
3.1.2.2. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường
a. Thuận lợi, và cơ hội phát triển
Huyện Gia Lâm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, việc xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện huyện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với toàn thành phố Hà Nội mà còn đối với toàn vùng. Trong những năm tiếp theo huyện sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, sự phát triển đó dựa vào những thuận lợi sau:
- Thứ nhất, Gia Lâm có vị trí địa lý hết sức thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại và hấp dẫn các nhà đầu tư do có những lợi thế về địa lý kinh tế.
-Thứ hai, Tiềm năng về thị trường hàng hoá và dịch vụ của huyện Gia Lâm rất lớn. Là địa bàn cận kề nội thành và các khu công nghiệp, nông thôn Gia Lâm có lợi thế về tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm sạch, nông sản thực phẩm cao cấp, hoa và cây cảnh.
- Thứ ba, Nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí, du lịch sinh thái của người dân địa phương cũng như người dân nội thành ngày càng cao. Đây là lợi thế rất lớn đối với khu vực nông thôn huyện Gia Lâm trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp trang trại sinh thái kết hợp du lịch.
- Thứ tư, Huyện Gia Lâm có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ, may da Kiêu Kỵ, làng nghề bào chế thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp…Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động.
- Thứ năm, Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, đến nay huyện Gia Lâm đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối tốt so với nhiều huyện khác ở ngoại thành Hà Nội. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Lâm với tốc độ cao và ổn định.
- Thứ sáu, Nguồn lao động dồi dào, chất lượng lao động khá so với nhiều địa phương khác là lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện.
- Thứ bảy, Trên địa bàn huyện có các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn về khoa học kỹ thuật nông nghiệp như: Trường Học viện nông nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu rau quả nên có lợi thế rất lớn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phát triển nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao như: Trồng hoa cao cấp, trồng hoa trên giá thể, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giống lúa, giống rau, các tiến bộ kỹ thuật về bảo quản, chế biến nông sản…
b. Hạn chế, thách thức
Bên cạnh những thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, huyện Gia Lâm cũng có những khó khăn nhất định trong tiến trình phát triển, những khó khăn và thách thức đó là:
- Thứ nhất, Với quy mô dân số lớn, mức độ gia tăng dân số và mật độ dân số cao, trong khi diện tích đất nông nghiệp có hạn sẽ gây nhiều áp lực trong việc bố trí đất ở cho người dân trong tương lai. Áp lực về việc làm và các vấn đề xã hội khác cũng là những thách thức không nhỏ đối với huyện, phần lớn dân số tập trung ở nông thôn, đa phần chưa được đào tạo về chuyên môn nên cũng sẽ gây nhiều khó khăn trong việc bố trí việc làm, ổn định xã hội.
- Thứ hai, Đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhanh do tác động của quá trình đô thị hoá kết hợp với gia tăng dân số cơ học cao đã và đang gây lên áp lực việc làm và thu nhập cho 1 bộ phận lao động nông nghiệp, nông thôn.
- Thứ ba, Lao động trong nghành nông nghiệp chủ yếu là lao động nữ và lao động cao tuổi, trình độ kỹ thuật hạn chế nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới gặp khó khăn.
- Thứ tư, Cơ sở hạ tầng tuy đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh kinh tế thị trường, lộ trình hội nhập quốc tế và yêu cầu xây dựng thủ đô Hà Nội thành một trong những Thủ đô văn minh, tiên tiến.
các khu làng nghề đều chưa được xây dựng khu xử lý chất thải một cách hệ thống, chủ yếu chất thải được thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài. Vấn đề này đã gây ảnh hưởng lớn cho môi trường sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân địa phương.