Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tín dụng ưu đãi ở NHCSXH huyện
4.2.5. Rủi ro trong sản xuất, kinh doanh của khách hàng
Trong sản xuất, kinh doanh luôn luôn có yếu tố rủi ro. Sản xuất kinh doanh bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng không nằm ngoài điều này.Chính vì vậy rủi ro trong sản xuất, kinh doanh của người vay vốn ưu đãi ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Văn Lâm. Trong các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH huyện Văn Lâm, các đối tượng vay chủ yếu là người nghèo, người yếu thế, trình độ sản xuất còn thấp chính vì thế thường mang rủi ro cao. Trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố rủi ro lớn do phụ thuộc nhiều vào
điều kiện tự nhiên, điều kiện thời tiết, giá cả nông sản, thị trường tiêu thụ…Bảng 4.12 đưa ra kết quả đánh giá của các hộ vay vốn ưu đãi về khả năng đáp ứng vốn vay của các chương trình cho vay trồng trọt, cho vay chăn nuôi, cho vay học tập, cho vay xây dụng công trình nước sạch và cho vay theo các mục đích khác. Tỷ lệ các hộ không được vay vốn thỏa mãn bằng số vốn có nhu cầu vay ở mức 8,8% trên tổng số hộ. Trong đó, tỷ lệ không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay của các hộ chăn nuôi là cao nhất trên tổng số hộ không được đáp ứng hoàn toàn nhu cầu vay vốn (75%) và hộ trồng trọt không được đáp ứng nhu cầu vay vốn là 12,5% trên tổng số các hộ không được thỏa mãn nhu cầu vay vốn. Điều này xuất phát từ thực trạng là cho vay vốn đối với hoạt động SXKD như chăn nuôi và trồng trọt có rủi ro tín dụng cao hơn, chính vì thế, ngân hàng sát sao hơn trong quá trình xét duyệt vay vốn. Để khắc phục điều này, cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong việc kiểm soát rủi ro cho người vay vốn để đạt được hiệu quả cao trong sử dụng vốn vay ưu đãi, cũng như tăng cường quản lý tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Văn Lâm thời gian tới.