Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách xã trên địa bàn huyện
4.3.1. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý thu ngân sách xã
Bộ máy cán bộ quản lý NSX ở các xã, thị trấn gồm có Chủ tịch UBND xã là chủ tài khoản, kế toán NSX và thủ quỹ NSX. Đây là đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia quản lý, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ trong quản lý NSX. Tham gia thu NSX còn có các cơ quan chuyên môn như Chi cục thuế huyện Văn Lâm, KBNN huyện Văn Lâm. Trong đó: Chi cục thuế huyện Văn Lâm với nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự toán thu thuế hàng năm được giao; tổng hợp, phân tích, đánh giá công tác quản lý thuế; tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác lập và chấp hành dự toán thu ngân sách Nhà nước, về công tác quản lý thuế trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao; Kho bạc nhà nước huyện Văn Lâm có nhiệm vụ: Tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; thực hiện điều tiết các khoản thu cho các cấp ngân sách theo quy định của pháp luật.
Năng lực chuyên môn của chủ tịch UBND xã, cán bộ tài chính kế toán xã quản lý các khoản thu, chi ngân sách là yếu tố quyết định hiệu quả công tác quản lý NSX. Chủ tịch các xã, thị trấn thường xuyên có sự thay đổi, do hết nhiệm kỳ Chủ tịch UBND xã, thị trấn chuyển sang vị trí khác hoặc về nghỉ chế độ theo quy định. Các Chủ tài khoản UBND các xã, thị trấn về cơ bản không được đào tạo chính quy về công tác tài chính kế toán do vậy việc quản lý thu NSX của các xã, thị trấn phụ thuộc rất lớn vào bộ phận cán bộ giúp việc đó là các cán bộ tài chính, kế toán của xã. Chính vì vậy mà muốn nâng cao hiệu lực quản lý thu NSX chúng ta cần phải từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thực hiện của đội ngũ cán bộ này. Bên cạnh đó, chất lượng cán bộ thuế, kho bạc nhà nước cũng tác động trực tiếp đến việc quản lý thu NSX.
Vì vậy, huyện ủy- HĐND- UBND huyện Văn Lâm cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ xã nói chung và đội ngũ cán bộ thu NSX nói riêng trên
địa bàn Huyện, Chi cục thuế, KBNN huyện Văn Lâm cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cán bộ quản lý công tác thu NSX để đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Để giải quyết các vấn đề về nhân sự, cần chú trọng các vấn đề sau:
Cần làm tốt khâu tổ chức cán bộ: Cải cách hành chính và cải cách tài chính có trọng tâm là cải cách con người. Kinh tế càng ngày càng phát triển, xã hội ngày càng hiện đại, phức tạp, do đó cán bộ quản lý Ngân sách phải đủ trình độ và đạo đức tốt, để nâng cao trình độ của cán bộ thu NSNN trên địa bàn, trước hết đi từ khâu tuyển dụng cán bộ, cần có chính sách đãi ngộ người tài, sử dụng người tài, hạn chế tình trạng ô dù, cậy quyền cậy thế.
Thực hiện tiêu chuẩn hoá và chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ KBNN, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác thu NSNN. Những cán bộ được phân công làm công tác này phải là người có năng lực chuyên môn cao, được đào tạo và bồi dưỡng tốt, am hiểu và nắm vững tình hình kinh tế- xã hội cũng như các cơ chế chính sách của Nhà nước. Đồng thời, họ phải có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tâm huyết với ngành, với nghề
Có kế hoạch bồi dưỡng, sắp xếp, phân công công tác theo đúng năng lực và trình độ của từng người. Thực hiện luân chuyển cán bộ nhằm nâng cao tính năng động, sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ và ngăn ngừa các sai phạm của cán bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ không thực hiện đúng chính sách, quy trình nghiệp vụ; kiên quyết loại khỏi ngành những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, thoái hoá biến chất.
Thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ dưới nhiều hình thức như đào tạo tập trung, đào tạo tại chức, đào tạo lại... để bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và các đường lối, chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế của đảng và Nhà nước cho cán bộ. Trong điều kiện tin học hóa hiện nay, cần đặc biệt coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tin học, cần đưa tiêu chuẩn nghiệp vụ tin học vào điều kiện thi công chức của ngành Tài chính. Hàng năm, cần tổ chức thi tuyển chọn, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung cán bộ theo hướng trẻ hoá và nâng cao chất lượng cán bộ để đủ sức đảm nhiệm công tác thu NSNN ngày càng nặng nề.
Quản lý con người, phòng chống tiêu cực trong công tác thu NSNN tại mỗi địa phương. Đầu tư tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm
nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử đối với người nộp thuế, khả năng ứng dụng tin học trong công tác quản lý thuế của cán bộ công chức. Việc sử dụng chế độ luân phiên các cán bộ thuế cũng rất đáng lưu tâm, không để cho các cán bộ và các đối tượng nộp thuế có thời gian, điều kiện móc ngoặc nảy sinh tiêu cực…
Sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ đủ sức triển khai hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với từng loại công chức. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo đối với đội ngũ công chức. Định kỳ tổ chức tổng kết, khen thưởng động viên kịp thời những tổ chức cá nhân thực hiện tốt công tác thu ngân sách. Có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, áp dụng chế độ khen thưởng hợp lý, tạo điều kiện vật chất thuận lợi, giúp cán bộ yên tâm công tác, từ đó góp phần phát huy cao hơn nữa vai trò và năng lực của từng cá nhân. Bên cạnh đó, cần xử phạt một cách nghiêm minh đối với những cán bộ cố tình làm trái chính sách chế độ, sai quy trình nghiệp vụ gây thất thoát vốn kho bạc nhà nước, giữ vững sự trong sạch của đội ngũ cán bộ nhằm tạo dựng lòng tin vững chắc của nhân dân.