Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 31 - 35)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước

2.2.2.1. Kinh nghiệm của huyện Móng Cái

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể nói rằng công tác DS-KHHGĐ ở Móng Cái đã đạt được những bước chuyển biến tích cực, rõ nét. Móng Cái có dân số trên 10 vạn người với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Là địa bàn thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, Móng Cái thu hút số lượng lớn người dân từ khắp vùng, miền trong cả nước đến cư trú, làm ăn. Điều này tác động rất lớn đến biến động dân số, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư, tuyên truyền và vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Giai đoạn 2010-2015, thành phố triển khai công tác DS-KHHGĐ trong điều kiện kinh tế, xã hội cả nước nói chung và Móng Cái nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đối với Móng Cái, chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là một trong 2 chỉ tiêu khó đạt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đề ra. Trong khi đó, xuất phát điểm về các chỉ tiêu này của thành phố vào năm 2010 đều cao hơn thực trạng chung của toàn tỉnh. Cùng với đó, tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến xã, phường có sự thay đổi nhiều… (Hoàng Anh, 2016).

Dù còn gặp nhiều thách thức, rào cản lớn, song đến nay, công tác DS- KHHGĐ ở Móng Cái đã được triển khai đạt những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, chất lượng dân số được nâng lên rõ rệt, quy mô gia đình ít con ngày càng được

chấp nhận rộng rãi, tình trạng sức khoẻ bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân hàng năm giảm 0,3%; tỷ số giới tính khi sinh giảm dần. Để có được những bước chuyển biến tích cực như vậy, những năm qua, Móng Cái đã đưa 4 chỉ tiêu DS-KHHGĐ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010-2015. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện để đánh giá kết quả, xây dựng giải pháp đạt chỉ tiêu DS-KHHGĐ theo Nghị quyết đề ra. Hàng năm, Móng Cái đều ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch công tác DS-KHHGĐ cho các địa phương gắn với các chỉ tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí số 15, 16 và Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; đưa cán bộ DS- KHHGĐ ở 17/17 xã, phường làm phó ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của địa phương; tích cực triển khai các sự kiện về dân số. Song song với đó, thành phố ban hành Nghị quyết số 19/2011/NQ-HĐND của HĐND thành phố về việc nâng mức hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên hoạt động công tác xã hội thôn, khu phố giai đoạn 2011-2016. Trong 5 năm đã hỗ trợ cho 180 cộng tác viên thôn, khu phố với số tiền trên 3 tỷ đồng (Hoàng Anh, 2016).

Một nét nổi bật thể hiện cách làm mới nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông, giáo dục về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đó là, Móng Cái đưa chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ vào chương trình bồi dưỡng công tác Đảng, đoàn thể và tập huấn công tác khoa giáo tại trung tâm bồi dưỡng chính trị của thành phố. Đưa các chỉ tiêu dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và từng xã, phường, từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, đưa việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là tiêu chí cứng trong việc bình xét danh hiệu thi đua, là chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Không những vậy, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc sơ kết, tổng kết đánh giá nhiều nội dung quan trọng về công tác DS-KHHGĐ; trong đó tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các chính sách dân số, chế độ hỗ trợ cộng tác viên xã hội, tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, triển khai các đề án và mô hình nâng cao chất lượng dân số… (Hoàng Anh, 2016).

2.2.2.2. Kinh nghiệm của huyện Hưng Hà

Huyện Hưng Hà có 33 xã và 2 thị trấn với số dân 270.824 người. Cùng với phát triển kinh tế, lãnh đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác DS - KHHGĐ trong việc thực hiện

mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương, coi công tác DS – KHHGĐ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Từ nhận thức đó, cấp ủy chính quyền các cấp đã xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, biện pháp cụ thể triển khai công tác DS - KHHGĐ. Định kỳ hàng năm và từng giai đoạn các xã và thị trấn đã tổ chức khảo sát, đánh giá sơ, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động để rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo (Nguyễn Mạnh Cường, 2012).

Các chỉ tiêu về dân số được đưa vào Nghị quyết của Đảng uỷ, Hội đồng Nhân dân và được cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể của địa phương, đơn vị. Đây cũng là một trong các tiêu chí cứng để xét công nhận "Chi bộ trong sạch, chính quyền vững mạnh, khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa và gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá”.

Năm 2012 ngân sách đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ ở Hưng Hà được lãnh đạo chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương đầu tư kinh phí từ 5 triệu đến trên 20 triệu đồng cho chiến dịch (Thị trấn Hưng Hà 20.450 triệu đồng, Thị trấn Hưng Nhân 7 triệu đồng, xã Tân Lễ 6 triệu đồng , xã Minh Khai 5 triệu đồng …). Tổng kinh phí 33 xã và 2 thị trấn trong toàn huyện cho đợt hoạt động mạnh và chiến dịch là 146.125.000 đồng, riêng kinh phí huyện cho 20 xã triển khai đợt hoạt động mạnh và Trung tâm DS-KHHGĐ huyện là 30 triệu đồng (Nguyễn Mạnh Cường, 2012).

Hàng tháng lãnh đạo và cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thường xuyên về các xã để truyền thông cho người dân về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân số-KHHGĐ: Pháp lệnh dân số, Quyết định số 07 của UBND tỉnh về khen thưởng và xử lý vi phạm chính sách dân số; Truyền thông về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên… để nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở cũng được lãnh đạo huyện quan tâm. Năm 2011, Ủy ban nhân dân huyện đã hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm dân số huyện tổ chức Liên hoan tuyên truyền viên dân số giỏi cho các cụm trong huyện. Hội thi thu hút đông đảo cán bộ dân số tham gia, là cơ hội để đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số cơ sở giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với cán bộ dân số công tác lâu năm trong ngành và cán bộ mới về các kỹ năng tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số-

KHHGĐ ở địa phương (Nguyễn Mạnh Cường, 2012).

Việc xây dựng hương ước, quy ước thôn làng trong đó có công tác dân số cũng dần được hoàn thiện.Tính đến năm 2008 toàn huyện có 94,3% các xã xây dựng hương ước, quy ước. Qua tổng hợp số liệu từ 35 xã, thị trấn trong toàn huyện, có 5.235 đối tượng vi phạm chính sách dân số, trong đó có 15% trường hợp sinh con thứ 3 trở lên bị xử lý theo hương ước, quy ước thôn làng. Mức đóng góp vào phúc lợi xã hội của địa phương từ 100.000 - 500.000đồng/trường hợp.Đặc biệt là chính sách xoá đói giảm nghèo, xoá nhà dột nát, chính sách ưu tiên, trợ giúp cho các đối tượng khó khăn; người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam được quan tâm hơn đã tác động đáng kể đến nâng cao chất lượng dân số.

Từ sự quan tâm của cấp ủy đảng chính quyền các cấp, công tác dân số ở Hưng Hà có nhiều chuyển biến:Nhận thức của nhân dân trong huyện về quy mô gia đình ít con đã có bước chuyển biến rõ rệt. Đa số các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ chấp nhận quy mô gia đình có một hoặc hai con. Nếu như năm 2005 tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện là 16,08% đến năm 2010 con số này đã giảm xuống còn 11,86%. Kết thúc năm 2011 tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Hưng Hà chỉ có 11,8% giảm 1,04% so với năm 2010. Toàn huyện có 68 thôn, làng, 20 xứ họ đạo không có người sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2011, Hưng Hà được xếp là 1 trong 3 đơn vị đứng đầu toàn tỉnh về công tác DS-KHHGĐ (Nguyễn Mạnh Cường, 2012).

Khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ Hưng Hà những năm qua đó là tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng. Năm 2011 số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 toàn huyện là 13 người, tăng 07 người so với năm 2010. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao 118 nam/100 nữ, một số xã tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao (Hòa Bình 183 nam/100 nữ, Độc Lập 193 nam/100 nữ, Duyên Hải 197 nam/100 nữ). Số người áp dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại còn thấp, chưa đạt yêu cầu; Tỷ lệ nam giới chấp nhận áp dụng BPTT chỉ đạt 7% so với tổng số người áp dụng BPTT hiện đại. Trong giai đoạn 2011-2015, huyện Hưng Hà phấn đấu duy trì mức sinh thay thế hợp lý với quy mô dân số không vượt quá 275.000 người (năm 2015); Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,78% (năm 2015); Tổng tỷ suất sinh không vượt quá 1,5 con/1bà mẹ; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 10%; Tỷ lệ giảm sinh 0,02%; Tỷ lệ áp dụng BPTT 80% (năm 2015); Giảm tỷ lệ nạo phá thai xuống 0,22/ca sinh. Giải quyết việc làm cho 3.600 lao động/năm, lao động qua đào tạo đạt 50% trở lên. Phấn

đấu giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh xuống dưới 0,9% năm 2020; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi <15%; Hạn chế số người bị nhiễm virus HIV/ADIS; Phấn đấu giảm tối đa tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật do các bệnh di truyền và ảnh hưởng của chất độc da cam. Thực hiện được các mục tiêu trên, ngoài sự cố gắng của những người làm công tác dân số rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ góp phần nâng cao chất lượng dân số, duy trì được mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trong toàn huyện(Nguyễn Mạnh Cường, 2012).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)