Phần 1 Mở đầu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3 Nội dung nghiên cứu phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ
Từ khái niệm, vai trò cũng như xuất phát từ các vấn đề thuộc nội dung kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ có thể xác định nội dung cụ thể của phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ bao gồm: Chủ trương, chính sách cho phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ. Quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, liên kết và sự tham gia của các tác nhân, thị trường và tiêu thụ, kết quả và hiệu quả về kinh tế trong phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ (Minh Xuân, 2015).
- Phát triển quy mô sản xuất
Đất đai, vốn, lao động, tổng số diện tích sản xuât, sản lượng Thanh Long ruột đỏ, … được tăng lên không ngừng theo thời gian.
Nghiên cứu sự phát triển về quy mô sản xuất bao gồm sự phát triển về không gian địa lý và sự phát triển theo thời gian. Sự phát triển về không gian địa lý là nghiên cứu sự phát triển của sản xuất Thanh Long ruột đỏ cũng như sự gia tăng số hộ tham gia sản xuất, đầu tư cho cây Thanh Long ruột đỏ qua các năm. Sự phát triển về quy mô sản xuất theo thời gian là sự phát triển về số lượng, sản lượng và cơ cấu giữa các loại Thanh Long ruột đỏ. Từ đó góp phần làm rõ xu hướng phát triển của sản xuất Thanh Long ruột đỏ, mức đầu tư, liên kết trong sản xuất Thanh Long ruột đỏ sẽ giúp thấy được sự phát triển của ngành cây ăn quả có gắn với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương, hơn nữa có thể giúp ta dự báo được sự phát triển lĩnh vực trồng trọt của vùng so với các vùng khác.
- Phát triển đầu tư
+ Vốn sản suất: là những tư liệu sản xuất như máy móc, thiết bị, các
phương tiện vận tải, kho tàng, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật. Vốn đối với quá trình phát triển sản xuất là vô cùng quan trọng. Trong điều kiện năng suất lao động không đổi thì tăng tổng số vốn sẽ dẫn đến tăng thêm sản lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, trong thực tế việc tăng thêm sản lượng hàng hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, như chất lượng lao động, trình độ khoa học kỹ thuật, thị trường … (Nguyễn Thế Đồng, 2013).
+ Lực lượng lao động: là yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát
triển sản xuất. Mọi hoạt động của sản xuất đều do lao động của con người quyết định, nhất là người lao động có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm và kỹ năng lao động. Do đó chất lượng lao động quyết định kết quả và hiệu quả của quá trình phát triển sản xuất (Phạm Ngọc Linh, 2013).
+ Đất đai: là yếu tố sản xuất không chỉ có ý nghĩa quan trọng với ngành
nông nghiệp, mà còn rất quan trọng với sản xuất công nghiệp. Đất đai là yếu tố cố định lại bị giới hạn về quy mô, do đó phải đầu tư thêm vốn và lao động trên một đơn vị diện tích nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Các loại tài nguyên khác trong lòng đất như khóang sản, tài nguyên rừng, biển và tài nguyên thiên nhiên đều là những đầu vào quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất (Quyền Đình Hà, 2005).
+ Khoa học và công nghệ: quyết định đến sự thay đổi năng suất lao động
và chất lượng sản phẩm. Những phát minh sáng tạo mới được ứng dụng trong sản xuất đã giải phóng được lao động nặng nhọc, độc hại cho người lao động và tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của xã hội và đó là nhân tố quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất (Nguyễn Như Hiến, 2000).
- Phát triển cơ sở hạ tầng
Sản xuất - kinh doanh Thanh Long ruột đỏ đòi hỏi các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình phải có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất như đường giao thông, nguồn nước tưới (giếng, hồ đập trữ nước và máy bơm nước), hệ thống điện, hệ thống sân phơi, nhà kho bảo quản nông sản… Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiệu quả sẽ đáp ứng cho yêu cầu sản xuất, chế biến, đảm bảo tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng sức cạnh tranh
trên thị trường, từ đó đảm bảo cho phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, 2008).
- Phát triển kỹ thuật
Kỹ thuật sản xuất Thanh Long ruột đỏ ở đây bao gồm: công tác về giống; sử dụng phân bón; nước tưới; tác dụng của cây trồng xen Thanh Long ruột đỏ; kỹ thuật chăm sóc; việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh; thu hoạch và bảo quản; v..v.. Các nội dung này giữ vị trí quan trọng trong quá trình sản xuất Thanh Long ruột đỏ. Việc thực hiện các nội dung sản xuất Thanh Long ruột đỏ đó một cách phù hợp, hợp lý sẽ góp phần nâng cao kết quả và hiệu quả, cũng như đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ bền vững (Minh Xuân, 2015). Mục tiêu của phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ là hướng tới phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu. Nếu phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ chỉ chú ý đến phát triển chiều rộng mà không quan tâm đến phát triển theo chiều sâu, hay ngược lại thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả, và từ đó dẫn đến phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ kém bền vững (Minh Xuân, 2015).
- Phát triển liên kết
Trong thực tế, sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún sẽ dẫn đến năng suất, chất lượng Thanh Long ruột đỏ không đồng đều, kém hiệu quả, giá thành sản xuất trên một đơn vị sản phẩm cao... (Trần Quốc Nhân, 2012). Vì vậy, tổ chức sản xuất Thanh Long ruột đỏ theo hướng liên kết là yếu tố cần thiết cho phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ bền vững. Mục đích liên kết là nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, lao động và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua liên kết giữa các tác nhân (hộ - hộ, hộ - doanh nghiệp, hộ - nhà khoa học,…) trong các nội dung liên kết (liên kết trong cung ứng giống, liên kết trong chuyển giao kỹ thuật, liên kết trong tiêu thụ,…) sẽ góp phần giúp các tác nhân có điều kiện tiếp thu, phổ biến, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, kết quả và hiệu quả sản xuất từ đó góp phần cho phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ ổn định, bền vững (Tạ Minh Tuấn và cs, 2005). Đối với đối tượng hộ/trang trại (đối tượng quan trọng, chủ yếu trong sản xuất Thanh Long ruột đỏ) thì trong liên kết cần khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất Thanh Long ruột đỏ tổ chức thành từng nhóm, tổ hợp tác, HTX… để tạo điều kiện về vay vốn ưu đãi đảm bảo cho nhu cầu đầu tư, tránh tình trạng thu hái non, hái vội;
khuyến nông, tăng cường quản lý, bảo quản trước và sau thu hoạch… giúp cho hộ yên tâm sản xuất (Nguyễn Thơ, 2008).
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiêp. Qua thực trạng liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay đã khẳng định doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết (Nguyễn Thế Đồng, 2013).
Liên kết sẽ đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Khác với các liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên kết kinh tế thông qua hợp đồng loại bỏ các bước mua bán trung gian nên trực tiếp bảo vệ được người sản xuất. Liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp chế biến và hộ nông dân cho phép xóa bỏ độc quyền đối với doanh nghiệp trong việc ép giá khi mua sản phẩm của người dân. Mặt khác, thực hiện liên kết thông qua hợp đồng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến có nguồn cung cấp ổn định để có thể giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm của mình trên thị trường (Phạm Ngọc Linh, 2013).
Liên kết bốn nhà đang được phổ biến hiện nay, trong bất kỳ ngành sản xuất nào thì vai trò của bốn nhà là vô cùng quan trọng, bốn nhà có thể kết hợp với nhau, hỗ trợ nhau, trong đó Nhà nước tạo hành pháp lý thông qua các cơ chế chính sách của mình thì các tổ chức đoàn thể, cá nhân mới có thể quy hoạch và xác định mục tiêu, phương án kinh doanh của mình, ba nhà còn lại hỗ trợ tích cực cho nhau, nhà doanh nghiệp hỗ trợ giống, vốn cho người sản xuất, người sản xuất bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhà khoa học nghiên cứu các giống, kỹ thuật cho nhà doanh nghiệp và người trồng trọt.
- Kết quả và hiệu quả phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ
Các chỉ tiêu đo lường phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ bao gồm 3 nhóm: nhóm chỉ tiêu thể hiện về phát triển kinh tế (phát triển sản xuất); nhóm chỉ tiêu thể hiện phát triển xã hội và nhóm chỉ tiêu thể hiện bảo vệ môi trường. Trong nghiên cứu này, đề tài chỉ đi sâu nghiên cứu phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ với các nội dung chính như sau:
* Kết quả sản xuất Thanh Long ruột đỏ
- Sản lượng sản phẩm: Khối lượng sản phẩm vật chất và dịch vụ mà các cơ sở sản xuất tạo ra trong một thời kỳ, thường tính là 1 năm, thường được ký hiệu là Q.
- Giá trị sản xuất Thanh Long ruột đỏ (GO - Gross Output): Là toàn bộ giá trị sản phẩm (sản phẩm chính + sản phẩm phụ) thu được trong một thời kỳ, thường tính là 1 năm.
- Tốc độ tăng trưởng: Sự tăng thêm về sản lượng hay hay giá trị sản phẩm Thanh Long ruột đỏ
- Chi phí trung gian (IC): là toàn bộ các khoản chi phí vật chất (trừ khấu hao tài sản cố định) và dịch vụ sản xuất Thanh Long ruột đỏ.
- Giá trị gia tăng (VA): là giá trị Thanh Long ruột đỏ được tạo ra trong năm sau khi trừ đi chi phí trung gian.
- Thu nhập hỗn hợp (MI): là thu nhập thuần túy của người sản xuất Thanh Long ruột đỏ bao gồm cả phần công lao động gia đình và lợi nhuận.
* Hiệu quả kinh tế trong sản xuất Thanh Long ruột đỏ
Hiệu quả kinh tế đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất Thanh Long ruột đỏ. Nó thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống kinh tế, tạo cơ hội tiếp xúc với những nguồn tài nguyên một cách thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ một cách bình đẳng. Hiệu quả kinh tế được chú trọng ở đây phải là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người. Hiệu quả kinh tế phản ánh mối tương quan giữa kết quả hữu ích về mặt kinh tế và chi phí bỏ ra. Nó đánh giá chủ yếu về mặt kinh tế và hoạt động sản xuất.