A. Tình hình sản xuất và tiêu thụ Thanh Long ở Việt Nam
Cây Thanh Long là cây ăn trái thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mexico và Columbia, thuộc nhóm cây nhiệt đới khô. Thanh Long được người Pháp mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19, trồng rải rác trong sân vườn, đến thập niên 1980 mới được trồng thương mại. Phần lớn Thanh Long được trồng ở Việt Nam là loài Hylocereus undatus, có vỏ đỏ hay hồng/ruột trắng còn lại là loại ruột đỏ. Loại vỏ đỏ ruột trắng chiếm 95%, 5% còn lại là loại vỏ đỏ, ruột đỏ (Hoàng Minh và cs., 2000).
Hiện nay cả nước có 32 tỉnh thành trồng Thanh Long với tổng diện tích khoảng trên 35.000 ha, trong đó trên 30.000 ha cho thu hoạch với sản lượng hơn 500.000 tấn/năm. Thanh Long là một trong những cây ăn quả được trồng khá tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An (chiếm 96% tổng diện tích Thanh Long cả nước), ở các tỉnh phía Bắc, Thanh Long mới được đưa vào trồng ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nội (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, 2008).
Việt Nam là nước có diện tích và sản lượng Thanh Long lớn nhất châu Á và cũng là nước xuất khẩu Thanh Long hàng đầu thế giới. Diện tích trồng Thanh Long ở Việt Nam tăng khá nhanh từ 5.512 ha năm 2000 lên đến 35.665 ha diện tích trồng Thanh Long với tổng sản lượng đạt khoảng 614.346 tấn vào năm 2014.Thanh Long hiện đang được trồng ở hầu hết ở các tỉnh/thành phố, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh như
Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Diện tích Thanh Long của ba tỉnh này chiếm 92% tổng diện tích và 96% sản lượng của cả nước, phần diện tích Thanh Long còn lại phân bố ở một số tỉnh Miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh Miền Bắc (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016).
Bảng 2.1. Diện tích, năng suất, sản lượng Thanh Long của Việt Nam năm 2015
Địa phương gieo trồng Diện tích (ha) Trồng mới (ha) Diện tích cho sản phẩm (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) Cả nước 41,164.6 4,748.6 30,227.7 227.0 686,195.4 Miền Bắc 1,412.1 209.9 830.1 93.7 7,780.0 Bắc Trung Bộ 340.8 66.2 192.0 101.1 1,940.3 Miền Nam 39,752.2 4,538.7 29,397.6 230.8 678,415.4 Duyên Hải Nam
Trung Bộ 229.4 5.9 206.4 35.1 723.8
Tây Nguyên 442.7 38.5 371.9 111.1 4,132.5 Đông Nam Bộ 26,964.7 2,799.5 21,916.9 218.4 478,635.3 Đồng Bằng Sông
Cửu Long 12,115.7 1,694.8 6,902.4 282.4 194,923.8 Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2016)
* Tình hình tiêu thụ Thanh Long ở Việt Nam
Sản phẩm Thanh Long lưu thông trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi trong đó, thị trường nội địa chiếm khoảng 15-20% sản lượng; 80-85% sản lượng còn lại được xuất khẩu mà chủ yếu theo phương thức mua bán biên mậu với
thương nhân Trung Quốc (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016).
* Tiêu thụ trong nước
Trái Thanh Long đã có mặt trên hầu hết thị trường trong nước trong đó tập trung nhiều tại khu vực phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung. Hoạt động mua bán Thanh Long do các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, đóng gói Thanh Long thực hiện thông qua các kênh phân phối, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố như Trung tâm kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam – Hà
Nội, Chợ đầu mối Long Biên – Hà Nội, chợ đầu mối chuyên kinh doanh phân phối rau quả tại thành phố Hồ Chí Minh. Thanh Long cũng có mặt trong hều hết hệ thống siêu thị trong nước như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Tổng Công ty TNHH Một thành viên Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, CoopMart, Lotte Mart, Big C, CitiMart… Tuy nhiên, do trên thị trường Việt Nam có nhiều loại trái cây nên Thanh Long phải chịu sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường tiêu thụ trong nước. Theo ước tính, lượng Thanh Long tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ đạt khoảng 15 – 20% tổng sản lượng (Tạ Minh Tuấn và cs., 2005).
* Thị trường xuất khẩu
Thanh Long được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Ngoài các thị trường truyền thống xuất khẩu Thanh Long như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan và Đài Loan, Thanh Long còn được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Ý, Nhật, Singapore và đang thâm nhập một số thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Úc và Chi Lê.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng 900.000 tấn Thanh Long. Trong 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu Thanh Long chiếm 49,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm trái cây, đạt 567,88 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 8/2016 đạt 86,15 triệu USD, tăng 18,3% so với tháng trước và tăng 200,5% so với tháng 8/2015 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016).
Theo số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng Thanh Long, chiếm 91,2% tổng kim ngạch, đạt 518,1 triệu USD, tăng 165,3% so với 8 tháng đầu năm ngoái. Tính riêng tháng 8/2016 đạt 81,22 triệu USD, tiếp tục tăng 18% so với tháng trước và tăng 248,5% so với tháng 8/2015. Mỹ – thị trường xuất khẩu Thanh Long lớn thứ hai của Việt Nam, đạt 11,64 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, chiếm 2,1% tổng kim ngạch, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 8/2016 đạt 476 nghìn USD, giảm 9% so với tháng trước nhưng tăng 195,2% so với tháng 8/2015. Đáng chú ý, trong tháng 8/2016, Thái Lan trở thành thị trường xuất khẩu Thanh Long lớn thứ ba của Việt Nam, kim ngạch đạt 1,09 triệu USD, tăng đột biến 73,3% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 8 tháng đầu năm nay đạt 9,73 triệu USD, chiếm 1,7% tỷ trọng, giảm 16,7% so với 8 tháng đầu năm ngoái (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016).
Bình Thuận là địa phương có diện tích Thanh Long lớn nhất cả nước, thống kê đến năm 2015, diện tích Thanh Long của tỉnh là 26.026 ha, tập trung ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình…, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn. Trong 9 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 6.185 tấn Thanh Long đạt kim ngạch 4,39 triệu USD, giảm 19,12% về lượng và giảm 18,38% về giá trị so với 9 tháng năm 2015. Thị trường xuất khẩu chính ngạch: 12 thị trường, giảm 02 thị trường (Qatar, New Zealand) và tăng 01 thị trường (Đức) so cùng kỳ 2015 (Dương Hoa Xô, 2006). Trong đó:
- Châu Á: là thị trường chủ yếu, số lượng xuất khẩu 6.050 tấn đạt kim ngạch 4,14 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 97,8% về lượng, 94,5% về kim ngạch; giảm 15,8% về số lượng và giảm 10,5% về giá trị so cùng kỳ 2015.
- Châu Âu: 249 tấn, kim ngạch 554.100 USD, giảm 36,7% về lượng, giảm 10% về giá trị so cùng kỳ. Trong khu vực này, thị trường chủ yếu là Châu Âu là Hà Lan (248 tấn), thị trường Tây Ban Nha và Đức không đáng kể.
- Châu Mỹ: xuất khẩu vào Canada 134 tấn đạt giá trị 235.200 USD, tăng gấp 03 lần so cùng kỳ 2015.
B. Kinh nghiệm của một số địa phương trong phát triển sản xuất Thanh Long
* Bình Thuận
Thanh Long được coi là cây xóa đói giảm nghèo và cũng là cây làm giàu của Bình Thuận. Những năm qua, cây Thanh Long đã mang lại kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh và cũng làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất đai kém màu mỡ ở đây. Từ hiệu quả trông thấy, cây Thanh Long đang tiếp tục được đầu tư phát triển trên vùng đất nắng gió này.
Từ chỗ sản lượng Thanh Long khoảng 97.000 tấn/năm 2005 thì nay đã lên 400.000 tấn/năm và kèm theo đó diện tích Thanh Long cũng tăng, từ 5.800ha/năm 2005 lên gần 20.000ha/năm 2013. Hiện tại, nông dân Bình Thuận vẫn đang rất hăm hở mở rộng thêm diện tích trồng Thanh Long, bởi nguồn thu từ Thanh Long hơn hẳn từ lúa, nhiều nơi Thanh Long còn lấn cả sang cả đất lúa, thậm chí có nơi nông dân chỉ coi trồng lúa là để lấy rơm phủ gốc Thanh Long (Dương Hoa Xô, 2006).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (2015), cả tỉnh Bình Thuận có đến 6.300ha Thanh Long trồng trên đất lúa, trong đó có cả đất lúa 2 - 3 vụ (3.665ha), như huyện Hàm Thuận Nam 11.000ha, trong đó 400ha trồng trên đất lúa 2 vụ; huyện Hàm Thuận Bắc 6.500ha có 3.054ha trên đất lúa; Bắc Bình 920ha có 55ha đất lúa… Nông dân xác định gắn bó với cây Thanh Long nên bỏ tiền của, công sức đầu tư đáng kể. Nhiều nông hộ đã tích lũy được kinh nghiệm trồng, chăm sóc Thanh Long và đạt hiệu quả cao. Đa phần nông dân Bình Thuận đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật tưới nước, bón phân, chong đèn cho ra hoa trái vụ; sản xuất an toàn theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP). Ở Bình Thuận có đến 30.000 nông dân và nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh Thanh Long, mở trang trại, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đây là đi hướng mới, hiệu quả và cây Thanh Long thực sự đã lên vị trí cây trồng chủ lực của tỉnh.
* Long An
Long An có diện tích trồng Thanh Long đứng thứ hai cả nước (sau Bình Thuận) với hơn 7.377 ha trồng Thanh Long, trong đó hơn 6.200 ha đang cho trái, sản lượng đạt khoảng 158.000 tấn. Trái Thanh Long Long An được xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 5% sản lượng, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 80% sản lượng, còn lại 15% tiêu thụ nội địa (Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Úc, 2017). Thanh Long không chỉ giúp nông dân xóa nghèo, vươn lên khá giàu nhanh chóng mà còn góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Trái Thanh Long Long An đã xuất khẩu qua hơn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, New Zealand, Ấn Độ… Đặc biệt, nhãn hiệu Thanh Long “Tầm Vu - Châu Thành” của HTX Thanh Long Tầm Vu được 5 nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc chấp nhận bảo hộ... UBND tỉnh Long An (2017).
Cây Thanh Long ruột đỏ đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn từ khoảng 1 tỷ đồng/năm/ha, thu nhập bình quân của người lao động đạt mức 100 triệu đồng/người/năm; hiện được nông dân các huyện Tân Trụ, Bến Lức, TP Tân An (Long An)... trồng chuyên canh và được ứng dụng công nghệ cao. Đầu ra của trái Thanh Long được hơn 77 cơ sở thu mua xuất khẩu.