Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quản lý chi thường xuyên. Tuy nhiên xem xét trên khía cạnh nguồn gốc tác động đến cơ chế và việc thực hiện tự chủ tài chính thì có thể chia làm hai nhóm nhân tố ảnh hưởng; đó là: nhân tố bên trong đơn vị và nhân tố bên ngoài đơn vị. Trong đó, nhân tố bên ngoài thì nhân tố chính đề cập đó chính là sự tác động của cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề tự chủ tài chính tại các cơ quan HCNN nói chung và các cơ quan HCNN có điểm đặc thù nói riêng. Còn nhân tố bên trong thì chính là bản thân nội tại của đơn vị.
2.1.4.1. Nhân tố bên ngoài
Đây là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Trong từng thời kỳ cụ thể, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội sẽ có những thay đổi nhất định cho phù hợp với thực tiễn nền kinh tế - xã hội, nhất là đối với sự nghiệp y tế. Do đó, cơ chế quản lý đối với các đơn vị cũng có những thay đổi theo cho phù hợp.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển nền hành chính, đẩy mạnh cải cách nền hành chính nói chung và đổi mới cơ chế quản lý tài chính nói riêng. Điều đó thể hiện ở các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này, qua đó các cơ chế quản lý đối với hoạt động của cơ quan HCSN đều được cải tiến cho phù hợp với tình hình mới.
- Chính sách kinh tế - xã hội:
Đây chính là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp công cụ mà nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể kinh tế - xã hội nhằm giải quyết các vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của Nhà nước. Mỗi chính sách được xây dựng nhằm vào một mục tiêu cụ thể. Thông qua công cụ này Nhà nước định hướng hành vi của các chủ thể kinh tế xã hội để cùng hướng tới mục tiêu chung, xác định những chỉ dẫn chung, vạch ra phạm vi hoặc giới hạn cho quá trình ra quyết định của các chủ thể kinh tế - xã hội. Qua đó hướng suy nghĩ và hành động của mọi thành viên vào thực hiện mục tiêu chung. Đồng thời, định hướng việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để giải quyết các vấn đề một cách kịp thời và có hiệu quả.
Hoạt động tài chính ở các cơ quan HCNN không chỉ chịu sự chi phối bởi bản thân hoạt động của con người chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động tài chính mà còn chịu sự chi phối bởi môi trường kinh tế - xã hội khách quan. Nó sẽ được phát triển hay thu hẹp tùy thuộc vào quan điểm khuyến khích hoặc hạn chế của chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước.
- Cơ chế quản lý tài chính:
Đây là hệ thống các hình thức, phương pháp, biện pháp tác động lên các hoạt động tài chính phát sinh và phát triển trong quá trình hoạt động ở một cơ quan, đơn vị, lĩnh vực kinh tế xã hội hay toàn bộ nền kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo cho hoạt động tài chính vận động và phát triển đạt được những mục tiêu đã định. Cụ thể hơn, cơ chế quản lý tài chính có thể hiểu là hệ thống các nguyên tắc, luật định, chính sách về quản lý tài chính và mối quan hệ tài chính giữa các đơn
vị có liên quan.
Cơ chế quản lý tài chính có vai trò quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan HCNN, nó có tác động quyết định đến phương thức tồn tại và vận động của các hoạt động tài chính trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Sự tác động đó diễn ra theo hai hướng tích cực và tiêu cực . Nếu cơ chế đó phù hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, phát huy mặt tích cực, hạn chế khuyết điểm thì nó sẽ thúc đẩy hoạt động quản lý phát triển. Ngược lại, nếu cơ chế đó mâu thuẫn, không phù hợp thì nó sẽ trở thành nhân tố kìm hãm, triệt tiêu sự phát triển của hoạt động quản lý trong cơ quan, đơn vị.
Đối với cơ quan HCNN, vai trò của cơ chế quản lý tài chính thể hiện ở một số nội dung sau:
+ Cơ chế quản lý tài chính có vai trò quan trọng trong việc cân đối giữa việc hình thành, tạo lập và sử dụng nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của đơn vị. Việc xây dựng một cơ chế phù hợp với loại hình hoạt động của đơn vị có tác động đến vấn đề tập trung nguồn lực tài chính, tính linh hoạt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
+ Cơ chế quản lý tài chính góp phần tạo hành lang pháp lý cho quá trình tạo lập và sử dụng các nguồn tài chính. Mặc khác, cơ chế quản lý tài chính quy định khung pháp lý về mô hình tổ chức, hoạt động của đơn vị.
- Yếu tố phức tạp của công việc:
Hiện nay tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra rất nóng ở cả ba tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không. Ðối với tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ phía bắc, hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, tiền giả, pháo nổ, mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng, máy móc…Ở tuyến biên giới miền trung và Tây Nam Bộ, các đối tượng tập trung buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát. Trên tuyến đường biển, tại các thành phố có cảng biển lớn; trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế tại các sân bay tình trạng vận chuyển trái phép động vật hoang dã như cá thể tê tê, vẩy tê tê, ngà voi hay vàng miếng, ngoại tệ, mỹ phẩm,... được ngụy trang trong các công-ten-nơ, hành lý ký gửi, xách tay đang có chiều hướng gia tăng.
Trong thị trường nội địa, tình trạng vi phạm quy định xuất xứ, nhãn mác, sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra tràn lan, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, nhất là khu vực đô thị,
với nhiều mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, đồ điện tử, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng,... Những mặt hàng này được tổ chức tinh vi, chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối, không chỉ sản xuất trong nước mà còn làm ở nước ngoài, sau đó dán tem, nhãn xuất xứ hàng Việt Nam để tuồn vào trong nước tiêu thụ.
Ngoài ra, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, các điểm giáp ranh giữa các quận, huyện, các địa phương.
2.1.4.2. Nhân tố bên trong
- Trình độ cán bộ quản lý
Sự nhận thức của đơn vị về tự chủ tài chính và trình độ của người quản lý trong đơn vị. Việc thực hiện cơ chế tự chủ nói chung và cơ chế tự chủ tài chính nói riêng phải thực sự đem lại lợi ích cho người lao động. Một khi CBCC nhận thức được vấn đề đó thì hiệu quả công việc sẽ đem lại thực sự. Bởi vì lợi ích luôn là động lực của sự làm việc. Cơ chế quản lý tài chính sẽ phát huy tốt hay hạn chế sự phát triển của đơn vị tùy thuộc vào năng lực, trình độ của người vận dụng nó - người quản lý. Ở tầm vĩ mô, trình độ của nhà hoạch định chính sách, những nhà xây dựng luật pháp là nhân tố chính tác động tới cơ chế tự chủ tài chính. Họ là những người đề ra cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị thực hiện. Đối với đơn vị, việc thực hiện cơ chế tự chủ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người lãnh đạo, người làm công tác quản lý tài chính.
Lĩnh vực hoạt động và chức năng nhiệm vụ được giao của cơ quan HCNN. Tùy từng cơ quan HCNN mà cơ chế quản lý tài chính cũng có sự khác nhau, nhất là ở những cơ quan HCNN có tính đặc thù. Mỗi một cơ quan HCNN đều được giao những nhiệm vụ cụ thể, nhiệm vụ đó chi phối mọi hoạt động của đơn vị trong đó có hoạt động tài chính.
- Hệ thống kiểm tra, kiểm soát .
Thanh tra, kiểm tra tài chính... đặc biệt là hệ thống kiểm toán nội bộ bao gồm: môi trường kiểm toán, hệ thống kế toán, các thủ tục kiểm toán và các loại kiểm toán. Hệ thống kiểm toán nội bộ tốt, phát huy được hiệu quả có vai trò rất quan trọng đến hoạt động quản lý tài chính của đơn vị, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
+ Hệ thống kiểm toán nội bộ giám sát và đảm bảo tin cậy số liệu của kế toán giúp cho các nhà quản lý có được thông tin chính xác trong việc đưa ra các quyết định về điều chỉnh, quản lý và quản trị của đơn vị mình.
+ Hệ thống kiểm toán nội bộ giúp phát hiện kịp thời những rắc rối trong hoạt động quản lý tài chính của đơn vị để giúp cho các thủ trưởng đơn vị có được các phương pháp xử lý thích hợp.
+ Hệ thống kiểm toán nội bộ ngăn chặn các sai phạm có khả năng xảy ra trong công tác quản lý tài chính làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Như vậy, thông qua việc xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến tự chủ tài chính trong các cơ quan HCNN giúp cho việc đề ra và thực thi cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ quan HCNN đạt được mục tiêu đã định.
- Tổ chức bộ máy quản lý:
Tổ chức bộ máy có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động quản lý chi thường xuyên. Việc xác định cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý thị trường gọn nhẹ và phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo tính thống nhất có tác dụng tiết kiệm được nguồn kinh phí chi thường xuyên. Ngược lại, cơ cấu tổ chức bộ máy không phù hợp, cồng kềnh, không chuyên nghiệp, phân định không rõ trác nhiệm giữa các bộ phận sẽ làm tăng chi phí, gây thất thoát lãng phí từ đó làm giảm tính hiệu quả của quản lý chi thường xuyên.