Đánh giá kết quả, hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện sơn động, tỉnh bắc giang (Trang 87 - 92)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.2. Đánh giá kết quả, hạn chế và các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý vốn đầu tư

4.2.1. Đánh giá kết quả, hạn chế

4.2.1.1. Kết quả đạt được

* Lập và phê duyệt dự toán đúng quy định: Công tác duyệt dự toán được thực hiện nghiêm túc, cẩn thận. Từ năm 2013 đến 2015 số nguồn vốn do các đơn vị tư vấn đề nghị đầu tư so với số nguồn vốn được huyện duyệt giảm 246 triệu đồng, con số này không phải là nhỏ và số tiền này có thể đầu tư thêm được 1 hoặc 2 công trình cho địa phương. Nếu tính trung bình, thì số tiền giảm trên mỗi công trình là 1,921 triệu đồng/1 công trình.

* Phân bổ nguồn vốn đúng đối tượng: UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai đến tất cả các xã trên các huyện theo đúng các văn bản hướng dẫn của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hướng dẫn của Uỷ ban dân tộc, của UBND tỉnh, các ngành chuyên môn của tỉnh được cụ thể hoá bằng các văn bản hướng dẫn thực hiện của các huyện để chỉ đạo các xã triển khai đến thôn, bản phổ biến đến người dân biết các chính sách phục vụ vùng dân tộc, lựa chọn các hộ được hỗ trợ, các công trình, các đối tượng để đầu tư, từ đó bàn bạc thảo luận dân chủ từ cơ sở khu hành chính đề xuất, xã tổng hợp báo cáo UBND huyện, UBND huyện giao cho các cơ quan chuyên môn của huyện thẩm định, tổng hợp kết quả báo cáo Thường trực Huyện uỷ - Hội đồng nhân dân huyện trước khi ban hành quyết định để thực hiện.

Mặc dù công tác đầu tư theo chương trình của huyện Sơn Động chưa đạt được 100% mục tiêu đề ra nhưng cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Về việc lựa chọn các đối tượng thụ hưởng chương trình, số nguồn vốn đầu tư cho mỗi đối tượng…thì tỉnh đã lựa chọn, phân bổ nguồn vốn theo nguyên tắc tính điểm. Thang điểm và cách tính điểm rất rõ ràng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cao. Việc đầu tư công trình, dự án nào, địa điểm nào là phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của người dân, công trình, dự án đảm bảo chất lượng, thực hiện xong được bàn giao đưa vào sử dụng ngay và phát huy hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, vận động người dân tham gia ủng hộ cho Chương trình bằng ngày công, hoa mầu, tài sản…Trong 3 năm thực hiện đầu tư xây dựng các công trình đặc biệt là các tuyến đường giao thông, công tác giải phóng mặt bằng được mọi người dân ủng hộ không nhận tiền đền bù để nguồn kinh phí đền bù tập trung cho xây dựng các công trình dân sinh.

* Thanh toán đúng danh mục, đối tượng và định mức: Công tác nghiệm thu

thanh toán chưa được kỹ lưỡng, phần lớn là dựa vào hồ sơ, sổ sách. Các xã trong huyện đã thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, đảm bảo giải ngân đúng danh mục, đối tượng và định mức nguồn vốn công trình đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

* Công tác kiểm tra giám sát thường xuyên: Huyện Sơn Động thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng như đã tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất… nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tất cả các công trình được thực hiện trên địa bàn.

Công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư được thực hiện theo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quy định của tỉnh về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Hàng năm, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình hoàn thành đã quyết toán, hoàn thành chưa quyết toán và các công trình chuyển tiếp, số nguồn vốn còn lại mới bố trí đầu tư xây dựng những công trình mới. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ nên tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình trên địa bàn không nhiều, chủ yếu là những công trình chưa quyết toán, đặc biệt không có tình trạng phân bổ và sử dụng nguồn vốn sai mục đích.

4.2.1.2. Hạn chế

(1) Năng lực cán bộ quản lý vốn đầu tư xây dựng CSHT hạn chế

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán các công trình, dự án còn yếu: việc lập, thẩm định, thiết kế, dự toán hiện nay đều thuê các tổ chức, công ty tư vấn thực hiện. Vì thế nhiều tư vấn thiết kế dự toán muốn có quy mô dự án lớn để nhận thiết kế phí nhiều hơn, dẫn tới thiết kế quá mức an toàn, sử dụng vật liệu, vật tư quá đắt so với yêu cầu gây lãng phí, một số công trình thiết kế kiến trúc chưa đẹp, chỗ thừa, chỗ thiếu phải sửa chữa nhiều lần, không phù hợp với thực tế gây khó khăn cho công tác lập dự toán và thi công công trình. Do vậy khi thực thi các công trình, dự án phải điều chỉnh làm cho thời gian thực thi luôn phải kéo dài chờ đợi các thủ tục để điều chỉnh dự toán.

Nguồn vốn đối ứng của địa phương còn hạn hẹp, lực lượng tư vấn mỏng, địa hình khó khăn do vậy trong quá trình lập dự toán quy hoạch chưa thực hiện tốt công tác dân chủ công khai nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, chất lượng công tác lập quy hoạch chưa đảm bảo, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ của các dự án. Nhiều địa phương chưa chú trọng đến quy mô các dự án sử dụng nguồn vốn, chưa có tầm nhìn kế hoạch mang tính lâu dài.

Công tác phân bổ kế hoạch nguồn vốn đầu tư, lập dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, nhiều dự án, công trình đã phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện: Đó là điều chỉnh bổ sung các hạng mục công trình, công trình trong dự án, thay đổi điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư… vì khi lập dự án các chủ đầu tư, các tư vấn thiết kế chưa lường hết được những công việc phát sinh trong thực tế làm cho quá trình thực hiện các dự án bị kéo dài..

(2) Tiến độ quyết toán công trình chậm, chất lượng quyết toán chưa thật sự đảm bảo

Chất lượng công tác nghiệm thu công trình; dự án chưa cao do trình độ nhân lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, hay do sự tắc trách trong yêu cầu quản lý đầu tư và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ. Như chúng ta đã biết công tác nghiệm thu công trình, dự án hoàn thành đóng vai trò quan trọng trong công tác thanh toán nguồn vốn đầu tư; qua công tác nghiệm thu để đánh giá khối lượng công việc gì đã làm được, đã hoàn thành, những khối lượng công việc chưa làm... Từ đó làm cơ sở tính toán áp định mức, đơn giá để tính toán số nguồn vốn đề nghị thanh toán. Nhưng thực tế thời gian qua, việc chấp hành chế độ nghiệm thu chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều khối lượng công trình, dự án cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu hoặc đã tổ chức nghiệm thu nhưng chậm hoàn tất thủ tục thanh toán dẫn đến khối lượng dở dang khá lớn gây đọng nguồn vốn của những khối lượng này. Tình trạng nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng thực tế thực thi gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn.

Công tác quyết toán và thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình, dự án: Số cán bộ phụ trách công tác thẩm tra quyết toán còn ít, trong khi đó số lượng quyết toán cần thẩm tra phê duyệt rất nhiều, dẫn tới tình trạng thẩm tra không kịp tiến độ và chất lượng thẩm tra chưa thực sự đảm bảo.

Bên cạnh đó, nội dung quản lý nguồn vốn ở giai đoạn này còn thể hiện ở công tác nghiệm thu, thanh toán (giải ngân) nguồn vốn, thanh quyết toán nguồn vốn đầu tư. Ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Sơn Động nói riêng, thời điểm nghiệm thu, thanh toán các công trình, dự án thường dồn vào một số thời điểm (chậm nhất là 31/12 hàng năm hoặc 31/01 hàng năm), do đó, công tác nghiệm thu thanh toán chưa được kỹ lưỡng, phần lớn là dựa vào hồ sơ, sổ sách. Công tác này do KBNN huyện phối hợp cùng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thực hiện. Công tác nghiệm thu theo quy định vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc ở một số công trình, dự án, nghiệm thu sai khối lượng dẫn đến thanh toán không đúng khối lượng, không đủ điều kiện như công trình xây dựng trường mầm non xã trạm y tế xã Phúc Thắng huyện Sơn Động... Đến khi đoàn kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra và nêu ý kiến thì tỉnh Bắc Giang mới có văn bản đề nghị các huyện chấn chỉnh tình trạng đó. Việc thanh toán được tiến hành dựa trên kế hoạch nguồn vốn hàng năm và khối lượng công việc có đủ điều kiện thanh toán hay không.

Các xã đã thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, đảm bảo giải ngân đúng danh mục, mức nguồn vốn công trình đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Hàng năm, tỉnh Bắc Giang đã thanh toán, giải ngân cho toàn bộ các công trình hoàn thành đủ điều kiện thanh toán. Một số năm phải nợ đọng như năm 2012 thì sang năm 2013 cũng đã được thanh toán đầy đủ. Tính đến năm 2014, toàn tỉnh không còn nợ đọng công trình, dự án nào.

(3) Chưa phát hiện những sai phạm làm thất thoát nguồn vốn

Về công tác kiểm tra giám sát tuy đã có nhiều cố gắng song chưa thường xuyên, qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện được nhiều sai phạm để uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, góp phần đưa công tác quản lý đầu tư vào nề nếp. Trong điều kiện hiện nay công tác kiểm tra, thanh tra chưa thực sự thể hiện được hết vai trò và chức năng của mình, chưa xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm làm thất thoát nguồn vốn và đó cũng là nguyên nhân làm cho việc sử dụng nguồn vốn đầu tư không mang lại hiệu quả mong đợi. Có một thực tế là các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa chỉ rõ sai phạm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chưa xử lý nghiêm các sai phạm do quản lý Nhà nước về đầu tư gây ra. Do đó việc xử lý triệt để các vấn đề tồn tại là rất khó thực hiện. Đầu tư vẫn là một vấn đề mà khi kiểm tra bất kỳ đâu cũng phát hiện sai phạm, vẫn gây thất thoát lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Bộ máy quản lý thực hiện còn có những bất cập, nhiều đầu mối, hạn chế về năng lực, chưa ngang tầm nhiệm vụ, việc tham mưu đề xuất hạn chế. Một số địa phương việc tổ chức hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình tại các xã còn nặng về hình thức, ít có kiến nghị đề xuất ngoài việc đề nghị tăng nguồn vốn, kéo dài thời gian thực hiện chương trình không phát hiện mặt yếu kém của việc thực hiện chương trình ở cơ sở.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở tỉnh bộc lộ một số mặt hạn chế như: - Phân cấp chưa mạnh, chưa rõ ràng, không dứt khoát, muốn giữ quyền phân bổ nguồn vốn, ngại phân cấp, ngại công khai, giảm ảnh hưởng vai trò của UBND các huyện, xã và biến cấp huyện, xã trở thành thụ động trong quá trình thực hiện chương trình.

- Công tác thanh tra kiểm tra chưa sâu sát, chưa toàn diện, phần nhiều những sai phạm được phát hiện do nhân dân và các cơ quan giám sát thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện sơn động, tỉnh bắc giang (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)